Thông tin dự án VĐ 4 (TP HCM)

Đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2011 với điểm đầu là đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và điểm cuối là cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Đường dài gần 200km, đi qua các tỉnh thành Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Lộ trình Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 197,6km, gồm 5 đoạn:

Đoạn 1: Phú Mỹ – Trảng Bom (Vành đai 4 Phú Mỹ – Trảng Bom)

Bắt đầu tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 (khu vực Cảng Phú Mỹ), hướng về sân bay quốc tế Long Thành và kết thúc tại Trảng Bom (Đồng Nai). Đoạn đường này giao với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây (tại Km39 + 150).

Đoạn 2: QL1 (Trảng Bom, Đồng Nai) – QL13 (Tân Uyên – Bình Dương)

Bắt đầu tại QL1A (thuộc thị trấn Trảng Bom) vượt sông Đồng Nai tại cầu Thủ Biên, kết thúc tại quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương).

Đoạn 3: QL1 (Tân Uyên – Bình Dương) – QL22 (Củ Chi, TP.HCM)

Bắt đầu tại điểm QL1 (đường vành đai 4 Bến Cát – Tân Uyên, BD), vượt sông Sài Gòn tại cầu Phú Thuận, và kết thúc tại quốc lộ 22 (Km 23 + 500) tại Củ Chi.

Đường Vành đai 4 có ý nghĩa to lớn với sự phát triển hạ tầng, giải phóng giao thông và phát triển kinh tế khu vực tỉnh Bình Dương. Có khả năng kết nối 5 tỉnh thành quan trọng của khu vực phía Nam: Vũng Tàu – Đồng Nai – Bình Dương – TP.HCM – Long An. Do nằm giữa 4 tỉnh còn lại nên Bình Dương sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ.

Đoạn 4: QL22 (Đường vành đai 4 Củ Chi) – cao tốc TP.HCM (Đường vành đai 4 Bến Lức – Long An)

Bắt đầu tại quốc lộ 22 (Km 23 + 500) đi song song ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đi song song với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương.

Đoạn 5: Bến Lức – Long An tới cuối tuyến trục Bắc Nam TP.HCM

Bắt đầu tại quốc lộ 1A tại Khu công nghiệp Long Hiệp, giao với quốc lộ 50 (Km 19 + 900) đến điểm cuối nối với đường trục Bắc Nam tại Khu đô thị – cảng Hiệp Phước TP.HCM.

Tiến độ dự án Vành đai 4 vùng TP Hồ Chí Minh

(21/07/2023) ​Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành Đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tải tài liệu về ⇓

(18/05/2023) Vành đai 4 qua địa bàn Bình Dương có điểm đầu tại vị trí nối giữa đường vành đai 4 TP.HCM và đầu cầu Thủ Biên, điểm cuối tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận tại xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Chiều dài tuyến gần 48km, quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư giải phóng mặt bằng với quy mô 8 làn xe cao tốc. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh.

Dự kiến diện tích thu hồi đất cho dự án vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 419ha. Dự án có tổng kinh phí dự kiến hơn 18.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), trong đó vốn tham gia của Nhà nước hơn 8.700 tỉ đồng, còn lại vốn của nhà đầu tư.

Dự án này cũng dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Nhà đầu tư được đề xuất là Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (vốn Nhà nước chủ yếu thuộc UBND tỉnh Bình Dương). 

(14/02/2023) Thông tin được ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết : “Vành đai 4 TP HCM, đoạn qua Long An (đường tỉnh 830E) dài 9,3 km, tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng sẽ được khởi công trong tháng 2, hoàn thành năm 2025.”

Công trình có điểm đầu giao cao tốc TP HCM – Trung Lương tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức; điểm cuối giao đường tỉnh 830 thuộc xã Long Định, huyện Cần Đước. Kinh phí xây dựng hơn 1.200 tỷ đồng, còn lại là tiền giải phóng mặt bằng. Hiện, việc hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 75%.

Giai đoạn 1, dự án gồm hai đường song hành, mỗi đường hai làn xe hỗn hợp rộng 7 m cùng làn xe thô sơ rộng 2,5 m. Riêng phần nối ra đường tỉnh 830 rộng 30 m, 6 làn xe.

Trong tương lai, công trình sẽ được đầu tư thành đường cao tốc 8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành có 4 làn xe hỗn hợp.

(03/02/2023) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thông tin các địa phương có tuyến đi qua đã thống nhất ký kết ban hành kế hoạch triển khai dự án. Các địa phương sẽ quyết tâm, phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2023.

(13/01/2023) Các địa phương có tuyến vành đai 4 TP.HCM đã thống nhất và ký kết kế hoạch trình dự án đường vành đai 4 vào cuối 2023. Đó là một trong những thông tin quan trọng tại trong Hội nghị dự án đầu tư đường vành đai 3, đường vành đai 4 TP.HCM, chiều ngày 12-1.

Tại đây, các địa phương đã thống nhất cơ chế về vốn cho dự án có sự tham gia của Trung ương, địa phương và nhà đầu tư.

Trong đó, về nguồn vốn, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời, trình Quốc hội cho phép có cơ chế đặc biệt đối với dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.

Đối với việc xây dựng dự án vành đai 4, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Địa phương đã thống nhất với kế hoạch triển khai vành đai 4 do UBND TP.HCM đề xuất.

Hiện Vành đai 4 đoạn qua Đồng Nai đã cơ bản xác định xong hướng tuyến với đơn vị tư vấn, chỉ còn xác định về chi phí đầu tư.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất cuối năm 2023 sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 TP.HCM.

Tiếp đến, tháng 6-2024, sẽ phê duyệt dự án và đến cuối năm 2024 duyệt thiết kế kỹ thuật. Các địa phương sẽ phấn đấu khởi công vành đai 4 dịp 30/04/2025 và đến năm 2028 sẽ hoàn thiện dự án.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, các địa phương cần xác định tiến độ để cơ bản hoàn thành hai tuyến vành đai 3, vành đai 4 trước năm 2030.

“Để đạt mục tiêu trên, các địa phương cần “xốc” vào triển khai cùng với đơn vị tư vấn, trong đó sớm có định hướng về quy mô, nguồn vốn, hướng tuyến dự án vành đai 4 để tập trung nghiên cứu” – Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu.

(25/08/2022) Ông Nguyễn Văn Lợi –  Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, Tổng công ty Becamex IDC đã đi khảo sát hướng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô 8 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên các đoạn tuyến đã đầu tư dài 22,64km bao gồm đoạn Cầu Thủ Biên – Đất Cuốc, đoạn qua VSIP IIA, đoạn qua KCN Mỹ Phước 3- Cầu Thới An, đoạn Cầu Thới An – ĐT748.

Các đoạn tuyến chưa đầu tư dài 25,66km bao gồm đoạn Đất Cuốc đến đường ĐT742, đoạn từ VSIP IIA – KCN Mỹ Phước 3, đoạn đường ĐT748-sông Sài Gòn.

Đoạn qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên dài 16,5km qua 04 xã (Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Lập và Bình Mỹ) gồm: Đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc dài 12,96km đã đầu tư đạt khoảng 95% khối lượng, dự kiến 31.12.2022 hoàn thành thi công xây dựng công trình; đoạn qua VSIP III dài 2,8km và đoạn qua xã Bình Mỹ dài 0,7km chưa được đầu tư xây dựng.

Hiện Tổng công ty Becamex IDC đang thực hiện lập Đề án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô mặt cắt ngang 74,5m (kể cả các đoạn đã đầu tư trong KCN Mỹ Phước 3 và VSIP IIA). Sau khi hoàn thiện đề án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì nghiên cứu tổng thể để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

(09/08/2022) Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Giao thông vận tải chuẩn bị dự án đường vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn).

Theo kế hoạch mà các sở ngành địa phương có dự án đi qua thảo luận, các địa phương sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12-2022.

(23/05/2022) Tiến độ dự kiến triển khai tuyến Vành đai 4 vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi 4 tỉnh có tuyến đường đi qua gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, chiều 23/5, sau khi các bên đã thống nhất.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM dự kiến cuối năm nay hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư hoàn tất giữa năm 2024 để khởi công dự án. Công trình thi công trong 3 năm, thông xe kỹ thuật cuối năm 2027 và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý 1/2028.

(11/05/2021) Các địa phương cơ bản thống nhất triển khai đầu tư Vành đai 4 dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2028.

Giai đoạn 1 của dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch nhưng chỉ xây dựng 4 làn xe, tiêu chuẩn là đường cao tốc hạn chế để đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(17/04/2022) Ông Nguyễn Văn Thọ – chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ông Cao Tiến Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – đồng chủ trì buổi làm việc. Đường vành đai 4 là dự án kết nối giao thông rất quan trọng đối với sự phát triển của 2 tỉnh và các tỉnh phía Nam.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, các sở, ban ngành của 2 tỉnh đã đóng góp ý kiến cho dự án tiền khả thi về nút giao giữa đường vành đai 4 với các con đường khác, phương án tài chính.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thọ và ông Cao Tiến Dũng thống nhất cao, quyết tâm 2 tỉnh sẽ làm vành đai 4 cùng một lúc để tạo sự liên thông kết nối cũng như sẽ cùng làm đền bù, giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ tiền khả thi. “Chúng tôi sẽ cùng làm, cùng làm để cùng phát triển”, ông Nguyễn Văn Thọ nói.

(22/03/2022) Trong chuyến công tác tại Bình Dương vào ngày 19-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng- an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và quý I/2022, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện từ nay đến cuối năm 2022.

Ông Võ Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Bình Dương được chủ động đầu tư các đoạn còn lại của dự án đường cao tốc Vành đai 4 từ nguồn vốn hỗn hợp để Bình Dương tập trung đầu tư hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh trong năm 2024.

(20/09/2021) Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP.HCM.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.

UBND TP.HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài khoảng 71 km.

UBND tỉnh Đồng Nai khai thực hiện đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.

(06/01/2021) Thủ tướng giao các địa phương liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các đoạn tuyến của vành đai 4.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng TP.HCM, trong đó một số vấn đề liên quan đến dự án vành đai 4. 

Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được phê duyệt ngày 8-4-2013 thì tuyến vành đai 4 có chiều dài khoảng 198 km. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng.

Bẳng chỉ dẫn đường Vành đai 4 đoạn Thị xã Bến Cát, Tỉnh Bình Dương
Bẳng chỉ dẫn đường Vành đai 4 đoạn Thị xã Bến Cát, Tỉnh Bình Dương

Về tiến độ, tại Thông báo 21-8-2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Đối với đường vành đai 4, giao các địa phương liên quan lập dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 các đoạn tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.

Tiếp đó, ngày 5-10-2020, UBND TP.HCM có công văn kiến nghị bộ trưởng Bộ GTVT đồng chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan để thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4.

Với tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4. Trong đó, nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.

Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Sở GTVT TP.HCM, để phát huy hết thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2021-2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng. Điển hình là các dự án vành đai 3, vành đai 4; mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang, nạo vét luồng Soài Rạp…

Thời gian vừa qua, UBND TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước đã có nhiều văn bản kiến nghị trung ương sớm xem xét, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng. 

Riêng đối với đường vành đai 3, vành đai 4, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương là dự án quan trọng quốc gia, cần ưu tiên thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

“Mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn nhưng trong thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông thiếu sự liên kết vùng, chất lượng phát triển đô thị thấp” – Sở GTVT TP nhận định.

Tổng hợp bởi Duan24h.net – Theo PLO, NLD

4.6/5 - (8 bình chọn)

Dữ liệu được chúng tôi cập nhật liên tục và chia sẻ (tải về) miễn phí, nếu thấy hữu ích bạn có thể ủng hộ (donate) theo thông tin bên dưới. Xin cảm ơn !!!
Ngân hàng OCB / Số TK : 0017107777799999 / Chủ TK : Lê Quang Khải
Ủng hộ qua ví MOMO qua số điện thoại 0813 830 830 hoặc quét mã QR dưới đây:

Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

Bài trướcBà Lâm Thị Thu Trà (vợ diễn viên Kinh Quốc) là ai?
Bài tiếp theoLotte Mall Tây Hồ | LOTTE MALL West Lake Hanoi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây