Dự án đường vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, theo thông tin điều chỉnh quy hoạch Vành đai 4 vùng thủ đô với chiều dài toàn tuyến khoảng 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Thông tin Vành đai 4 (Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh)
Tuyến đường Vành đai 4 nằm ở phía Nam Quốc lộ 18 có điểm đầu là cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối tuyến tại đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn).
Toàn tuyến có tổng chiều dài tuyến 112,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (19,3 km); Bắc Ninh (35,3 km); gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long.
Nội Dung Đề Xuất
Tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 – 135 mét, tương đương 14 làn xe cho cả làn đường cao tốc đi trên cao và đường đô thị song hành 2 bên.
Trên cơ sở kinh nghiệm đầu tư các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường vành đai 3 Hà Nội, để giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.
Dự án đường Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư sau khi rà soát lại chỉ còn 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Đường vành đai 4 tương lai được tích hợp luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang, cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu.
Nguồn vốn này được huy động, gồm:
- Ngân sách Trung ương: 28.200 tỷ đồng;
- Ngân sách địa phương: 28.203 tỷ đồng (Thành phố Hà Nội: 23.594 tỷ đồng; Hưng Yên: 1.509 tỷ đồng; Bắc Ninh: 3.100 tỷ đồng);
- Nhà đầu tư BOT 29.410 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án, năm 2025 (rút ngắn 5 năm so với báo cáo của thành phố Hà Nội và Nhà đầu tư năm 2021).
Tiến độ thực hiện đường Vành Đai 4 Hà Nội
(25/6/2023) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1 được khởi công tại ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Tại Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.
Tỉnh Hưng Yên chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đại 4 đi qua tỉnh.
Tháng 03/2023, Một số dự án thành phần do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thẩm định đang bị chậm so với yêu cầu. Việc này nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án vành đai 4 trong cuối tháng 6/2023.
Báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đến nay, địa phương đã di dời hơn 5.300/11.682 ngôi mộ, tương đương tiến độ 49%.
Đồng thời, Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi hơn 276 ha đất, đạt 34,65% với tổng số tiền đền bù gần 2.500 tỷ đồng.
Tháng 08/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, yêu cầu ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.
Chính phủ yêu cầu ba địa phương thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô năm 2026, khai thác năm 2027.
Tháng 06/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 4 vùng thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Tháng 05/2022, UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND cùng cấp bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Trong đó UBND thành phố đề xuất chi gần 23.000 tỉ đồng làm 58,2 km đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, dự kiến thi công giai đoạn 2022-2026. Theo phân kỳ, giai đoạn 2021-2025 dự án cần hơn 19.000 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 hơn 3.800 tỉ đồng.
Trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần (do TP Hà Nội quyết định đầu tư) có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ đảm bảo bố trí từ nguồn ngân sách thành phố.
Tháng 03/2022, sau khi rà soát lại tổng mức đầu tư đường vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Ngày 17-3, UBND TP Hà Nội có bổ sung nội dung hồ sơ dự án gửi Hội đồng thẩm định nhà nước.
Trong báo cáo lần này, chính quyền thành phố tiếp tục đề xuất đầu tư dự án trên bằng hình thức đầu tư công, kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng, giảm 1.285 tỉ đồng so với lần trình trước đó. Nguyên nhân do giảm chi phí dự phòng, lãi vay và rút ngắn tiến độ dự án thành phần 3.
Tháng 02/2022, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội vừa ký Quyết định số 422/QĐ – UBND về việc thành lập Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
Tổ công tác sẽ do ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội làm tổ trưởng; thành viên gồm các ông, bà: Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội; Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính; Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 12/2021, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5223/QĐ-UBND về việc giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh và đơn vị liên quan nhiệm vụ tổ chức thực hiện lập Nhiệm vụ và hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 đoạn từ quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, tỷ lệ 1/500 tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh.
Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến, làm việc với các địa phương có liên quan để điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư các dự án thành phần; trong đó tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định.
Tháng 10/2021, Hội đồng thẩm định nhà nước bắt đầu thẩm định dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội, tổng mức đầu tư 94.127 tỉ đồng theo phương thức PPP, do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư.
Đến tháng 09/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo đó, Dự kiến đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công – tư và xây dựng – kinh doanh – chuyển giao.
Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô với số biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý.
Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hồi tháng 7/2021, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai một số dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Phó Thủ tướng chấp thuận giao UBND TP. Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.