Giá nhà đất tại Đồng Nai đang bị đẩy lên khá cao, vượt xa giá trị thực. Đất nông nghiệp ở một số nơi như: TP.Biên Hòa bị đẩy lên 20-50 tỷ đồng/ha, tại các huyện khu vực giáp ranh Biên Hòa giá đất nông nghiệp cũng bị giới đầu cơ đẩy lên 10-15 tỷ đồng/ha.
Đó là nhận định của Hiệp hội BĐS tỉnh Đồng Nai và một số chuyên gia về diễn biến thị trường nhà đất tại địa phương này từ đầu năm 2018 đến nay. Đất đai tại Đồng Nai thời gian qua “sốt” không phải vì nhu cầu ở tăng đột biến mà là đầu cơ kiếm lời. Nắm bắt được nhu cầu này, các “cò đất” lợi dụng các thông tin về quy hoạch sẽ làm đường hoặc các công trình lớn để đẩy giá đất lên cao.
Cụ thể, TP.Biên Hòa mới đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch đường trung tâm nối từ khu ngã Năm Vườn Mít đến cầu An Hảo, nhưng một số công ty bất động sản, “cò đất” đẩy thông tin là sắp làm đường trung tâm ngàn tỷ đồng khiến nhiều người tưởng thật, rủ nhau đầu tư đất xã Hiệp Hòa, phường Thống Nhất; giá đất bị đẩy cao gấp 2 lần so với đầu năm trước. Đất nông nghiệp được rao bán với giá 40-50 tỷ đồng/ha, đất thổ cư 10-14 triệu đồng/m2.
Nội Dung Đề Xuất
Tại các khu vực xã Hóa An, phường Bửu Hòa, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đất cũng tăng cao do có thông tin sẽ làm đường nối cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K. Tại huyện Cẩm Mỹ, giá đất nông nghiệp cũng bị đẩy tăng 30-60% do có thông tin sẽ làm khu công nghiệp.
Khu vực gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành), các công ty bất động sản, “cò đất” tìm được bản quy hoạch vùng xung quanh sân bay do đơn vị tư vấn thiết kế nhưng không được tỉnh phê duyệt, lợi dụng thổi lên như là sắp được thực hiện đến nơi để thu hút các nhà đầu tư nhẹ dạ.
Trong khi đó, tại các huyện khác như: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch tình trạng phân lô, bán nền và chuyển nhượng qua lại bằng giấy tay đang diễn ra tràn lan với diện tích lớn trong thời gian vừa qua.
Theo một người dân, để có thể tạo nền, các chủ đầu tư sử dụng nhiều xe chuyên dụng để san lấp mặt bằng, ủi đường đi, trồng trụ bê tông, cắm cọc phân lô, chưa kể đến việc rao bán đất nền công khai.
Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh này thực hiện vừa qua cho thấy 5 địa phương đang “nóng” về tình trạng tự phân lô, bán nền là: TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Tại những địa phương này có tình trạng đầu nậu thu gom đất nông nghiệp, lấy lý do xin cải tạo đất, tiến hành san lấp mặt bằng rồi tự phân lô, bán nền. Sau khi mua đất, nhiều người dân lén lút xây dựng nhà ở. Trong quý I/2018, đoàn kiểm tra phát hiện 137 trường hợp xây dựng trái phép và đã buộc 69 trường hợp phải tháo dỡ. Trước đó, năm 2017 có gần 700 trường hợp tương tự và đã có 420 trường hợp xây dựng trái phép bị buộc tháo dỡ.
Tuy nhiên, UBND tỉnh này cho biết đến thời điểm hiện tại địa phương chưa phê duyệt quy hoạch vùng xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Những thông tin quy hoạch là do một đơn vị tư vấn làm cách đây vài năm nhưng chưa được phê duyệt. Do đó, huyện Long Thành phải kịp thời thông tin rõ ràng để người dân biết, tránh bị đầu cơ đất lừa gây bất ổn chung cho thị trường bất động sản.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai, sở đã cử đoàn thanh tra xuống kiểm tra những khu vực đang xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp. Đồng thời sở cho rà soát lại những khu vực đông dân cư nhu cầu đất ở cao để “siết” lại quản lý tránh để các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chia nhỏ đất nông nghiệp bán.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, lưu ý nếu chỉ tiếp cận thông tin rao bán, người sử dụng đất khó có thể phân biệt các dự án phát triển khu dân cư hợp pháp hay không hợp pháp.
Do đó, để tránh rủi ro, người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin về dự án qua các cơ quan nhà nước như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên – Môi trường cấp huyện, thị xã hoặc thành phố. Không nên mua các thửa đất không rõ ràng về pháp lý.
Nếu mua đất ở các khu vực phân lô, bán nền tự phát người mua có thể gặp nhiều rủi ro. Cụ thể, nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tờ viết tay hoặc thông qua việc lập vi bằng (do diện tích tách thửa không phù hợp với quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn) thì không được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc chỉ được cấp giấy chứng nhận theo hình thức đồng sử dụng nên dễ phát sinh tình trạng tranh chấp.
“Việc chuyển nhượng đất lại cho người khác sẽ gặp nhiều khó khăn do phải có chữ ký của tất cả mọi người đang đồng sử dụng; người mua cũng không được phép xây dựng nhà ở…”, vị này cảnh báo thêm.
Được biết, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, công an tỉnh phối hợp các địa phương kiểm tra, thanh tra các xã, phường đang nóng về đất đai và xử lý theo đúng pháp luật. Những xã, phường còn để xảy ra tình trạng trên thì chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm.
Gia Khang (Theo Trí thức trẻ – CafeF)