Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố bên cạnh tuyến đường ven biển.
Tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng dài khoảng 109km đang được UBND TP. Hải Phòng đầu tư xây dựng khoảng 22km (Hải Phòng 13km, Thái Bình 9km), UBND tỉnh Thái Bình đang chuẩn bị đầu tư khoảng 80km (Ninh Bình 18km, Nam Định 29km, Thái Bình 33km).
Dự án sẽ tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.
Nội Dung Đề Xuất
Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08) có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông tại TP Ninh Bình, điểm cuối kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Được quy hoạch với 4 làn xe, hiện nay 29km trên địa bàn Hải Phòng và Thái Bình đang được đầu tư xây dựng.
Tiến độ triển khai dự án
(10/6/2024) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công khai tham vấn cộng đồng về báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) của dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Dự án này do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình đảm nhận vai trò chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, có trụ sở tại Nghệ An, đã được chọn để tư vấn lập báo cáo ĐTM.
Theo báo cáo ĐTM, tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài khoảng 25,3 km, đi qua các huyện Yên Mô và Yên Khánh của tỉnh Ninh Bình. Điểm đầu của tuyến đường nằm tại nút giao Mai Sơn, thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, kết nối với đường cao tốc Bắc – Nam; điểm cuối của tuyến nằm tại đầu cầu vượt sông Đáy, thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Về quy mô xây dựng, dự án này bao gồm việc xây dựng một tuyến cao tốc có tiêu chuẩn thiết kế 4 làn xe hoàn chỉnh, với tốc độ thiết kế đạt 120 km/h. Bề rộng nền đường là 24,75 m, kèm theo các công trình phụ trợ dọc tuyến. Cụ thể, tuyến đường bao gồm 12 cây cầu (9 cầu trên tuyến chính và 3 cầu vượt ngang), khoảng 19,73 km đường gom, 1 trạm dừng nghỉ, 19 cầu hầm chui dân sinh, cùng hệ thống thoát nước ngang, hệ thống thoát nước dọc, và hệ thống an toàn giao thông trên toàn tuyến chính cũng như các tuyến nối.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.971 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Ninh Bình đóng góp 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và một số chi phí liên quan khác; phần còn lại là ngân sách Trung ương với 4.971 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trong báo cáo ĐTM, dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý I năm 2025, hoàn thành vào quý IV năm 2027 và đưa vào vận hành năm 2028. Thời gian thi công dự kiến là 4 năm, được phân chia thành các gói thầu khác nhau.
(25/12/2023) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1680/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
(12/04/2023) Công văn số 2478/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ: V/v phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình
(06/04/2023) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 347/QĐ-TTg bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 2 dự án vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm: Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
(08/10/2022) Theo văn bản số 6742/VPCP-CN về đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7394/VPCP-KTTH ngày 7/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(17/07/2022) Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 207/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 195/TB-VPCP ngày 04/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.
UBND tỉnh Thái Bình báo cáo Bộ Giao thông vận tải để Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với tư vấn thiết kế xác định hướng tuyến, mỏ vật liệu xây dựng, quy mô đầu tư dự án, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trong tháng 8/2022.
Các Bộ, ngành rà soát thủ tục, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình theo đúng quy định pháp luật. Phấn đấu hoàn thành phê duyệt đầu tư dự án trong năm 2022 và khởi công dự án trong năm 2023.
(05/07/2022) Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 195/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng.
Thông báo nêu rõ, đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai đoạn cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình theo phương thức PPP trong giai đoạn 2017-2021.
UBND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Do hiện nay, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết, nên việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là không khả thi. Thủ tướng thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT do nhà đầu tư đề xuất. Thủ tướng lưu ý cần rà soát triển khai chặt chẽ, theo đúng quy định.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án BOT.
Các Bộ gồm Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục, hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, trình phê duyệt đầu tư Dự án BOT bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thành lập Tổ công tác chuẩn bị triển khai Dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình làm Tổ trưởng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường làm thành viên Tổ công tác.
Về hướng tuyến, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở quy hoạch, tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, bảo đảm khả thi, hiệu quả tối ưu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình rà soát chặt chẽ, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn từng địa phương kịp thời, hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo đúng quy định. Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị, triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.
Theo báo Chính Phủ