Những thông tin thiếu kiểm chứng đang được giới cò đất đồn thổi, khiến thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) rơi vào cuộc chiến tin giả, tin thật.
Tràn lan tin giả
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mua bán bất động sản hoặc các sự kiện trực tiếp có sự tham gia của các môi giới và khách hàng, nhà đầu tư luôn được các môi giới “rỉ tai” thông tin tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42 ha và hàng loạt trường đại học lớn sẽ mọc lên cạnh dự án Gem Sky World do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An làm chủ đầu tư và Tập đoàn Đất Xanh là đơn vị phát triển dự án.
Thậm chí, một số trang quảng cáo dự án Gem Sky World cũng “ăn theo” thông tin này. Cụ thể, theo thông tin từ những trang quảng cáo này cho biết, dự án Gem Sky World nằm ngay xã Long Đức, huyện Long Thành, dự án liền kề khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42 ha, Khu công nghiệp Long Đức mở rộng 292 ha, Đại học Giao thông – Vận tải 28 ha, Đại học An ninh 23 ha, Đại học Kinh tế kỹ thuật Phương Nam 25 ha… Một viễn cảnh sầm uất được vẽ ra, ngay lập tức đã tạo ra tác động lan tỏa khiến thị trường Long Thành sôi động hơn hẳn.
📂 NỘI DUNG ĐỀ XUẤT DÀNH CHO BẠN
- Nghệ An chốt phương án mở rộng thành phố Vinh
- Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức
- Quy hoạch Đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu
Mới cập nhật: Hà Nam bỏ chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội
Nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam đang tọa lạc tại địa chỉ 54-56 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Còn khu đất được cho là khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam có quy mô 42 ha tọa lạc tại thửa 43, tờ bản đồ số 6, xã Long Đức, huyện Long Thành.
Khu đất này hiện đang được trồng cây cao su. Theo quy hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Đồng Nai, khu đất sẽ được quy hoạch làm đất xây dựng trụ sở cơ quan 238.308 m2; đất giao thông 4.548,9 m2 và chưa có thông tin quy hoạch nào thể hiện tòa nhà Quốc hội phía Nam sẽ mọc lên trên khu đất này.
Một thông tin khác cũng khiến cho thị trường địa ốc Long Thành “chấn động” thời gian qua là đề xuất của một chuyên gia về việc “kéo” dự án Sân bay Long Thành về TP.HCM và sáp nhập một phần của huyện Nhơn Trạch, Long Thành vào Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM (Thành phố phía Đông).
Lợi dụng đề xuất này, giới cò đất và nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng vào mục đích quảng cáo, vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho thị trường vùng ven Long Thành.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, thông tin về việc sáp nhập các huyện cũng như sân bay Long Thành (Đồng Nai) vào TP.HCM là đề xuất mang tính cá nhân. Khi nào có thông tin chính thức từ hệ thống chính trị, cơ quan có trách nhiệm thì mới xem xét.
Câu trả lời dứt khoát từ chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng phần nào cho thấy, đề xuất chưa được địa phương này ủng hộ, thậm chí tính đến.
Do đó, người dân bản địa cũng như các nhà đầu tư từ nơi khác đến cần hết sức bình tĩnh, tránh rơi vào những bẫy lừa bất động sản thổi tin, làm giá.
Từ lâu Long Thành là một trong những thị trường khá nhạy cảm bởi những thông tin mới về quy hoạch, sáp nhập.
Những cơn sốt nóng, sốt lạnh cục bộ diễn ra khá thường xuyên từ vài năm gần đây, với thông tin việc sáp nhập 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào TP.HCM hay tòa nhà Quốc hội phía Nam được “dời” về Long Thành được giới phân tích đánh giá chỉ là chiêu thức của cò mồi.
Nếu người dân không bình tĩnh, chạy theo những thông tin được một số giới đầu cơ, cò đất thổi lên, thì rất dễ rơi vào những bẫy lừa mua giá ảo, thậm chí mua phải những dự án ma, “tiền mất tật mang”, mà bài học từ Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 3.300 người với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng vẫn còn nóng hổi.
Khi thị trường xáo động bởi những thông tin chưa được kiểm chứng như vậy, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thị trường bất động sản sở tại cũng cần có những cảnh báo rõ ràng và thường xuyên hơn.
Bởi hệ lụy của những cơn sốt ảo, của hoạt động đầu cơ thổi giá không chỉ gây bất ổn thị trường địa ốc, mà còn tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự xã hội. Một trong những cảnh báo hữu hiệu nhất chính là công khai, minh bạch những thông tin quy hoạch của từng vùng đất, từng dự án.
Nhu cầu minh bạch thông tin
Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Sea Holdings cho rằng, trên thị trường hiện nay, giới cò đất có rất nhiều thủ đoạn để kích “sóng ảo”, đẩy “sóng” nhằm thu hút khách hàng, tăng giá bán lên cao một cách bất hợp lý.
“Bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc dựa theo các dự án bất động sản lớn, mới quy hoạch”, ông Phương nói và cho rằng, để đạt được mục đích, giới đầu cơ hay cò đất có thể tạo sóng bằng những tin đồn, sử dụng thông tin giả, quy hoạch giả. Sau khi tạo được tin đồn, giới cò đất bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, hoặc gọi điện tư vấn trực tiếp về xu hướng “đón đầu quy hoạch”. Đồng thời, cò đất phải tự tạo kịch bản, tạo tình huống giống như thật để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để thị trường không rơi vào vòng xoáy của tin giả thì quy hoạch phải rõ ràng.
Những thông tin về huyện lên quận hay xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… phải công bố minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được. Thậm chí, chính quyền địa phương phải tư vấn, hỗ trợ công tác tìm hiểu thông tin cho dân.
Những trường hợp quan chức địa phương, cán bộ cấp cơ sở buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đầu nậu, các công ty tự ý phân lô, tách thửa trái phép, tạo sốt đất, theo ông Hiếu, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.
“Chính quyền địa phương hiểu và nắm rõ về pháp lý, quy hoạch thực tế nhất. Vì vậy, nếu dự án nào, khu đất phân lô nào thực hiện trái phép thì địa phương cần cắm bảng cảnh báo ngay. Đây cũng là một giải pháp để ngăn ngừa sốt đất”, ông Hiếu chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt Hòa An cho rằng, Nhà nước cần có quy hoạch từng khu vực và công bố rõ ràng, cụ thể cho người dân biết, có như vậy giới cò đất mới không lợi dụng để tung tin ảo, gây sốt đất.
“Ví dụ như xây cầu thì công bố công khai thời điểm xây, khi nào xây xong, chứ không để môi giới lợi dụng những thông tin này mà thổi giá. Có những dự án chỉ mới nghe phong thanh, phải 2-3 năm mới triển khai, nhưng người mua thiếu thông tin, nghĩ rằng sẽ xây dựng nay mai nên nhào vô mua”, ông Quang nói và cho rằng, với nhà đất thì cần công khai thông tin quy hoạch chi tiết đến từng lô, từng thửa đất, công khai hóa, minh bạch hóa từng đơn vị hành chính từ phường, xã…
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)