Bình Dương đang xuất hiện tình trạng khắp nơi xưng là thành phố, gây nhập nhèm, nhầm lẫn và náo loạn thị trường nhà đất
“Năm 2019 thị xã Thuận An sẽ lên thành phố, vậy có mua đất thì mua sớm, chớ lên thành phố rồi thì có thêm vài trăm triệu đồng cũng mua không được” – rất nhiều “cò” đất ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An nói chắc nịch như vậy. Theo những “cò” này, không chỉ Thuận An mà cả thị xã Dĩ An cũng sẽ lên thành phố trong năm nay và bây giờ nơi đây đã được xưng là thành phố rồi.
Tự phong khắp nơi
Thông tin “giá đất tăng từng ngày vì Thuận An, Dĩ An cầm chắc lên thành phố” không chỉ do “cò” truyền miệng mà gần đây còn xuất hiện trên nhiều trang mạng. Cái tên “TP Thuận An”, “TP Dĩ An” còn hơi lạ nhưng với tốc độ lan truyền như hiện nay thì không lâu nữa nó sẽ trở thành quen thuộc và nhiều người phải mua đất giá cao cũng là lẽ thường vì tâm lý mua được đất thành phố, khiến thị trường nhà đất nơi đây náo loạn.
Ngoài 2 thành phố tự xưng trên, trước đây Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỉnh này sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó, dư luận và giới đầu cơ nhà đất cho xuất hiện cái tên đầy ước vọng: “TP Bình Dương”. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo tỉnh cho biết đến năm 2020, Bình Dương chưa thể là thành phố trực thuộc trung ương vì không đạt các chỉ tiêu liên quan đến mật độ dân số, số đơn vị hành chính (cấp huyện trực thuộc). Ấy vậy mà, cái tên “TP Bình Dương” vẫn được lưu dụng cho đến giờ.
Chưa hết, gần đây Bình Dương chủ trương phát triển theo hướng đô thị thông minh. Tỉnh này gia nhập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Từ đây, nhiều người lại đẻ ra cái danh xưng rất sang trọng: “Thành phố thông minh Bình Dương”.
Chuyện tự xưng thành phố đình đám nhất Bình Dương có lẽ là danh xưng “TP Mới Bình Dương”. Thực ra, đây là tên “ai đó” cố tình đặt cho một khu đô thị mới (rộng 1.000 ha) do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đầu tư xây dựng, nằm cách trung tâm TP Thủ Dầu Một (thành phố duy nhất chính danh của tỉnh Bình Dương) khoảng 8 km. Không chỉ thế, cái tên “TP Mới Bình Dương” còn xuất hiện hàng loạt trên các biển báo chỉ hướng đi đặt trên các tuyến đường lớn của tỉnh này. “TP Mới Bình Dương bây giờ đã quen thuộc đến mức đi thẳng vào các ca khúc, vào các bài báo, bài phát biểu của cán bộ. Chuyện thật mà cứ như đùa” – ông Thành, một cán bộ hưu trí ở TP Thủ Dầu Một, mỉa mai.
Phải điều chỉnh
Về thông tin Thuận An sẽ lên thành phố, ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, xác nhận việc này đã có chủ trương của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Bình Dương. Thuận An đang lập thủ tục theo lộ trình để xin lên thành phố. “Nếu mọi việc ổn thỏa thì đầu năm 2020, Thuận An sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương” – ông Tâm nói.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, cho biết hiện nay, thị xã Dĩ An cũng đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. “Chúng tôi đang làm đề án xin lên thành phố. Chúng tôi phấn đầu tháng 6 này sẽ xong đề án và trình lên tỉnh. HĐND tỉnh thông qua thì UBND tỉnh mới trình Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét, công nhận” – ông Bảy nhấn mạnh. Theo ông Bảy, hiện một số người trong giới bất động sản đang tung thông tin và tự phong Dĩ An, Thuận An lên thành phố để “kích” giá đất. “Người dân cứ bình tĩnh, mọi sự thay đổi chúng tôi sẽ công khai, minh bạch, người dân không nên vội vàng chạy theo tin đồn, danh xưng tự phong mà mua đất là coi chừng nhầm lẫn”.
Trao đổi với phóng viên về cái tên tự xưng “TP Mới Bình Dương” xuất hiện trên hàng loạt biển báo chỉ hướng đi khiến người dân mới đến Bình Dương nhầm lẫn, tưởng tỉnh này có thành phố mới, đại diện Sở Giao thông Vận tải Bình Dương nói sở ghi nhận và sẽ bàn bạc, trao đổi với đơn vị liên quan để có hướng xử lý phù hợp.
Trước thực trạng loạn danh xưng thành phố nêu trên, ông Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Bình Dương hiện chỉ có TP Thủ Dầu Một. Riêng thị xã Thuận An và Dĩ An muốn lên thành phố phải trải qua một quy trình thủ tục dài, phải được trung ương công nhận, phê duyệt. Hiện nay, 2 thị xã này còn chưa trình thủ tục lên thành phố. “Chuyện ồn ào lên thành phố chỉ là chuyện xã hội, chưa ai công bố, công nhận” – ông Lượng khẳng định.
Riêng cái tên “TP Mới Bình Dương” xuất hiện đầy đường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương nhận định: “TP Mới Bình Dương là cái tên chỉ khu đô thị mới đang đầu tư xây dựng, cái tên đó không có ý nghĩa pháp lý”. Từ đây, ông Lượng khẳng định phải điều chỉnh các biển báo chỉ hướng đi ghi “TP Mới Bình Dương” trên các tuyến đường để tránh hiểu nhầm!
Theo Báo Người Lao Động
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)