Mô hình Holding, những điều doanh nghiệp cần biết

2613
Mô hình hoạt động Công ty Holding được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng
Mô hình hoạt động Công ty Holding được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng
Mục lục

    Có khá nhiều công ty ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình Holding và đạt được những thành công không nhỏ. Trên thế giới Holdings là một trong mô hình công ty phổ biến nhất, thường được sử dụng tại các công ty hoạt động đa quốc gia.

    Mô hình Holding bắt nguồn từ Hoa Kỳ, và từ những năm 1870, ở đây đã hình thành nên những công ty ủy thác mà hội đồng quản trị của những công ty đó chỉ việc quản lý những phần  hùn vốn vào tại các công ty mà nó sở hữu.

    Sau khi luật Sherman Antitrust Act được công bố, cấm tất cả các công ty ủy thác này làm cản trở tự do thương mại. Vì để lách luật, họ đã thành lập ra các công ty Holding, hay còn gọi là công ty mẹ.

    Công ty Holding là gì ?

    Trong Luật doanh nghiệp đều không đề cập gì về loại hình công ty này vì bản chất đây không phải là một loại hình công ty mà là một cách thức quản lý vốn của các nhà đầu tư trong công ty. 

    Holdings là một dạng công ty hoạt động đa ngành, được thành lập với mục đích nắm giữ quyền kiểm soát tại các công ty khác. Mỗi công ty sẽ phụ trách một hoạt động riêng lẻ và thường mang tính bổ trợ nhau, trong đó, công ty mẹ (trong trường hợp này là holding) đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con nhưng không trực tiếp điều phối kinh doanh.


    Đây chính là điểm khác biệt của holdings so với tập đoàn khi tập đoàn sẽ nằm hoàn toàn quyền chỉ định kinh doanh, hay điều phối hoạt động. Công ty con trực thuộc holdings sẽ được tự chủ hơn trực thuộc tập đoàn hoặc tổng công ty.

    Hoạt động của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện nay rất giống với mô hình này. Bằng việc thành lập các công ty con, phân quyền quản lý trực tiếp tại từng dự án triển khai hoặc các công ty thành viên có ngành nghề liên quan đã giúp tăng tính tự chủ trong hoạt động và giao dịch của công ty con với công ty mẹ.

    Có thể bạn muốn xem : Mô hình Tập đoàn kinh tế, những điều cần biết !!

    Các mô hình Công ty Holding phổ biến

    – Công ty holding về kinh doanh (Operating holding company): Công ty holding là công ty mẹ, bên cạnh việc đầu tư vốn vào các công ty con, công ty mẹ còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

    – Công ty holding về đầu tư (Investment holding company): Công ty holding là công ty mẹ, thuần túy nắm vốn và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc đầu tư vốn vào các công ty con.

    – Công ty holding về quản lý điều hành (Management holding company): Công ty holding tìm kiếm thêm lợi nhuận từ lợi nhuận của các công ty con, can thiệp trực tiếp vào các giao dịch của các công ty con.

    Mô hình tổ chức hoạt động của Công ty Holding
    Mô hình tổ chức hoạt động của Công ty Holding

    Trên thế giới và Việt Nam có khá nhiều tên tuổi lớn phát triển dưới hình thức holdings như :

    • Tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ – Proter&Gamble (NYSE: PG),
    • Baidu (NASDAQ: BIDU) – Công ty chuyên về mạng trực tuyến của Trung Quốc,
    • AdAsia Holdings – Công ty công nghệ chuyên cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo,
    • Berkshire Hathaway (NYSE: BRK.A) của tỷ phú Warren Buffett.
    • Ông Lê Phước Vũ tập đoàn Hoa Sen (công ty holding của ông mang tên Tam Hỷ),
    • Ông Nguyễn Duy Hưng – Công ty Chứng khoán SSI (công ty con của ông mang tên NDH Việt Nam),
    • Ông Nguyễn Đăng Quang – Công ty CP Tập đoàn Masan (công ty con của ông mang tên Masan Holding)

    Ưu điểm của mô hình Holding

    1/ Dễ dàng huy động vốn

    Việc tách và phân rõ chức năng của từng công ty con sẽ dễ huy động vốn từ nhà đầu tư vào từng công ty con. Vì nhà đầu tư họ chủ yếu đầu tư vào một vài mảng chuyên ngành.

    Việc tách công ty sẽ rút ngắn thời gian thẩm định cho nhà đầu tư và phù hợp với sở thích của từng nhà đầu tư (không phải đầu tư cho cả tập đoàn và không biết nguồn vốn mình sẽ chảy vào đâu).

    Bên cạnh đó, công ty mẹ có thể dùng công ty con B làm tài sản thế chấp để vay nợ cho công ty con C sử dụng. Nhờ đó, các công ty con có nhiều tiềm năng phát triển có nguồn vốn mạnh để hiện thức hóa cơ hội. (Masan Group)

    2/ Dịch chuyển đầu tư 

    Khi doanh nghiệp trả cố tức, holdings sẽ dùng số tiền này cho cơ hội đầu tư khác. Điều này nghĩa là ta có thể lấy tiền từ một công ty đã bão hòa hoặc tăng trưởng chậm sang đầu tư cho một công ty có nhiều viễn cảnh hứa hẹn hơn.

    3/ Tối ưu hóa chi phí

    Tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp bằng cách thực hiện các giao dịch cho vay giữa các công ty trong nội bộ, chuyển lợi nhuận và kết hợp với công ty được lập ở thiên đường thuế. (An Phát, CII cũng như hầu hết các tập đoàn đa quốc gia)

    4/ Tránh rủi ro đổ vỡ dây chuyền

    Tránh được sự đổ vỡ dây chuyền. Đây là cách mà không ít công ty lớn, đặc biệt là những công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sử dụng để tự vệ.

    Theo đó, họ sẽ sở hữu nhiều công ty con cho các mục đích khác nhau: một số công ty sẽ sở hữu thương hiệu sản phẩm, một số sở hữu nhà máy sản xuất, một số sở hữu bản quyền.Trong trường hợp công ty gặp trục trặc, nhà máy có vấn đề thì thương hiệu sản phẩm cũng không bị mất đi (P&G là một ví dụ điển hình)

    5/ Các ưu điểm khác

    Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp, việc thành lập các công ty riêng như Holding mang lại nhiều lợi ích cho họ:

    a/ Các công ty holding này đứng ra làm đại diện cho các quyền sở hữu => danh tính của các ông chủ đứng đằng sau đó ít được dư luận chú ý hơn (An Phát Holding)

    b/ Giảm khoản thuế phải nộp: Nếu cổ đông của công ty là cá nhân thì khi nhận được cổ tức, cá nhân đó sẽ bị tính thuế 5%, nhưng nếu cổ đông đó là pháp nhân thì theo luật pháp Việt Nam hiện hành, sẽ khỏi phải bị khấu trừ thuế (Thế Giới Di Động)

    c/ Cho phép các chủ nhân có thể chuyển nhượng tài sản của mình cho bạn bè cũng như cho các thành viên kế thừa trong gia đình. Đặc biệt đây là công cụ đơn giản khi bạn nắm giữ nhiều tài sản lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

    Khi đó, thay vì phải chuyển nhượng từng tài sản một, giờ đây chỉ cần cổ phần hóa công ty holding này và chuyển nhượng cổ phần đó sang cho người khác, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. (Tata group của Ấn Độ là ví dụ điển hình)

    Nhược điểm của mô hình Holding

    Xung đột lợi ích giữa holding và cổ đông tại các doanh nghiệp con: các doanh nghiệp con luôn phải đối mặt, trung hòa 2 mục đích trái ngược nhau: phục vụ lợi ích chung của và phục vụ lợi ích cho các cổ đông còn lại.

    Thông thường, Holdings sẽ là người chiếm ưu thế trong cuộc chiến này vì nắm giữ quyền kiểm soát tại doanh nghiệp (chiếm trên 51% tỷ lệ cổ phiếu).

    Mô hình Holdings có phải là “thần thánh” ?

    CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) cũng từng được coi là mô hình holdings thành công. Hiện nay, HAGL sở hữu 34 công ty con kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau (khoáng sản, mía đường, bất động sản, cao su…).

    Tuy nhiên, việc sở hữu nhiều đơn vị thành viên và đầu tư dàn trải đã khiến kết quả kinh doanh những năm gần đây của Hoàng Anh Gia Lai đi xuống.

    Bên cạnh việc tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, mô hình holdings vẫn tồn tại một số thách thức khi các đơn vị phải đối mặt với những xung đột lợi ích giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. 

    Theo chia sẻ của ông Mai Hữu Tín, bí quyết thành công của mô hình Holding nằm ở chỗ chọn người phù hợp rồi giao việc cho họ với các hỗ trợ và giám sát cần thiết. Mức độ giám sát sẽ tùy thuộc quy mô và sự phức tạp của từng doanh nghiệp thành viên. Nhưng khi chọn được người, phải sẵn sàng giao trách nhiệm với thật nhiều quyền tự quyết cho người đó.

    Trong holdings, nếu xác định khoản đầu tư nào đó không hiệu quả, không có khả năng cải thiện thì ông sẽ cắt lỗ sớm. Nhưng một khi đã đầu tư, thì phải xác định đi dài hạn với doanh nghiệp đó, dù có khó khăn.

    Vậy nên, việc xây dựng các tiêu chuẩn về quản trị tài chính, tránh rủi ro trong kinh doanh giúp kiểm soát tốt các công ty con luôn là một bài toán khó mà lãnh đạo cần vượt qua để tránh lâm vào tình trạng thua lỗ. Làm được điều này, họ sẽ có đủ sức mạnh để tồn tại, phát triển và là đôi hia bảy dặm đưa tên tuổi doanh nghiệp vươn xa hơn nữa.

    Theo Tổng hợp

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây