Mục lục

    Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Gia lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Hiện trạng công nghiệp tỉnh Gia Lai

    Khu công nghiệp

    Các khu công nghiệp tập trung ở TP. Pleiku và huyện Đức Cơ. Các cụm CN rải rác ở TP. Pleiku, TX. Ayun Pa, huyện Chư Păh, huyện Chư Sê, Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Grai.

    Các khu và cụm công nghiệp tập trung dọc theo QL 14, QL 19, QL 25 và các đô thị; Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều mới được hình thành, nên đang ở trong giai đoạn đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hoạt động trong đó có một số dự án tiêu biểu là cụm công nghiệp tại Đak Pơ 1 và 2 với tổng diện tích 150 ha của chủ đầu tư TRE.


    Hạ tầng khu công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 03 khu công nghiệp với tổng diện tích 619,82 ha. Các khu công nghiệp trên địa bàn đều có quy mô nhỏ từ 100-200 ha. Tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, trong 3 KCN mới có KCN Trà Đa đã lấp đầy 100%. Chưa hình thành được các vùng công nghiệp chuyên sâu gắn với các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo.

    – KCN Trà Đa có diện tích 210,17 ha (trong đó, đất cơ sở sản xuất là 152,12 ha, đất hạ tầng kỹ thuật là 58,05 ha). Hệ thống hạ tầng được đầu tư khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Kết nối thuận lợi với các tuyến QL 19 và QL 14. Đến cuối năm 2020, KCN Trà Đa cơ bản được lấp đầy với 58 dự án đầu tư, trong đó 48 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động (diện tích đất xây dựng nhà máy, kho tàng cơ bản đã được lấp đầy).


    – KCN Nam Pleiku: có diện tích quy hoạch là 199,55 ha. Nằm trên tuyến QL 14, cách ngã ba Hàm Rồng khoảng 4 km, thuộc địa phận 02 huyện Chư Sê và huyện Chư Prông. Đây là ngã 3 giao nhau giữa QL 14 và QL 19, rất thuận lợi cho phát triển; đi về hướng Đông theo QL 19 kết nối cảng biển Quy Nhơn tỉnh Bình Định, đi về hướng Tây kết nối với Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh qua Campuchia, đi về hướng Nam theo QL 14 đi tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh thành phía Nam; hướng Bắc đi trung tâm TP. Pleiku theo QL 14 đi tỉnh Kon Tum. Hiện nay KCN đang trong giai đoạn thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, tuy nhiên do còn gặp một số khó khăn trong giá thuê đất chưa hấp dẫn nên số doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh còn đạt thấp hơn so với kỳ vọng, tỉnh đang tiếp tục tìm các giải pháp xây dựng các cơ chế ưu đãi về thuế, giá thuê đất để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp lấp đầy diện tích cho thuê tại KCN.

    – KCN thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được bố trí ở phía Bắc trục đường QL 19 có diện tích 210,1 ha. Đến cuối năm 2020, đã thu hút được 04 dự án đầu tư (02 dự án chế biến, sản xuất gỗ và hàng nội thất xuất khẩu và 02 dự án nuôi trồng, chế biến các sản phẩm từ nấm). Các dự án đã hoàn thiện thủ tục và đang trong quá trình xây dựng cơ bản.

    Cụm công nghiệp

    Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 10/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến 2020, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 21 cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Pleiku. Đến nay, thực trạng các cụm công nghiệp như sau:

    * Số lượng Cụm công nghiệp đã thành lập và đã quy hoạch chi tiết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 Cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,53 ha. Cụ thể:

    – Cụm công nghiệp Diên Phú, thành phố Pleiku: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết với diện tích 40 ha.

    – Cụm công nghiệp Ia Khươl, huyện Chư Păh: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 53,91 ha.

    – Cụm công nghiệp Đăk Djrăng, huyện Mang Yang: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 15 ha.

    – Cụm công nghiệp tập trung Chư Sê, huyện Chư Sê: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 51,5 ha.

    – Cụm công nghiệp An Khê, thị xã An Khê: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích  với diện tích 50,65 ha.

    – Cụm công nghiệp Phú An, huyện Đak Pơ: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 15 ha.

    – Cụm công nghiệp Ia Pa, huyện Ia Pa: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 30 ha.

    – Cụm công nghiệp Ia Sao, thị xã Ayun Pa: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 15 ha.

    – Cụm công nghiệp Đak Đoa, huyện Đak Đoa: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 29,78 ha.

    – Cụm công nghiệp Ia Grai, huyện Ia Grai: được thành lập cụm công nghiệp và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 52,69 ha.

    – Cụm tiểu thủ công nghiệp huyện Kông Chro: được thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 15 ha.

    – Cụm tiểu thủ công nghiệp huyện Phú Thiện: Đã được thành lập với diện tích 38 ha.

    * Số lượng Cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập: 02 cụm công nghiệp với diện tích 63 ha. Cụ thể:

    – Cụm công nghiệp Chư Prông, huyện Chư Prông: được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp huyện Chư Prông với diện tích 15 ha.

    – Cụm công nghiệp Chư Pưh, huyện Chư Pưh: Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp huyện Chư Pưh với diện tích 48 ha.

    * Số lượng Cụm công nghiệp chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết: 04 cụm công nghiệp với diện tịch 170 ha. Cụ thể:

    – Cụm công nghiệp Krông Pa, huyện Krông Pa: Dự kiến thành lập và quy hoạch với diện tích 50 ha.

    – Cụm công nghiệp Kbang, huyện Kbang: Dự kiến thành lập và quy hoạch với diện tích 40 ha.

    – Cum công nghiệp Mang Yang (B), huyện Mang Yang: Dự kiến thành lập và quy hoạch với diện tích 40 ha.

    – Cụm công nghiệp Chư Păh (B), huyện Chư Păh: Dự kiến thành lập và quy hoạch với diện tích 40 ha.

    * Số lượng Cụm công nghiệp không triển khai: 04 cụm công nghiệp. Cụ thể: Cụm công nghiệp Chư Sê B, Cụm công nghiệp Pleime, Cụm công nghiệp Krông Pa (B) và Cụm công nghiệp Kbang (B).

    Khu kinh tế cửa khẩu

    KKTCK quốc tế Lệ Thanh: là khu vực tập trung các điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp…từng bước trở thành đô thị biên giới. Sự phát triển của khu vực này có ý nghĩa quan trọng, tác động rất lớn tới quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai cả về kinh tế – xã hội, môi trường và quốc phòng – an ninh, kết nối các hoạt động kinh tế của tỉnh, vùng Tây Nguyên, Duyên Hải Trung Bộ với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

    KKTCK quốc tế Lệ Thanh có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển với vị trí nằm trên tuyến đường cao tốc thuộc hành lang Đông – Tây (phía Nam), trong bối cảnh Myanmar đẩy nhanh việc hình thành Đặc khu kinh tế Dawei và quá trình thu hút đầu tư phát triển của KKT Nhơn Hội.

    Quyết định số 464/QĐ-TTG của thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 3 năm 2021 về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung khu Kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh tỉnh Gia Lai đến năm 2045 đã xác định:

    – Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) quốc tế Lệ Thanh: bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị trấn Chư Ty, các xã: Ia Kia, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515 ha.

    – Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được xác định như sau: phía Bắc giáp xã Ia Chía (huyện Ia Grai); phía Đông giáp xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ); phía Nam giáp xã Ia Puch (huyện Chư Prông); phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri, Campuchia.

    – Tính chất: là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm…) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận…) của vùng tỉnh Gia Lai.Là đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan; điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai, với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.Trung tâm dịch vụ du lịch lâm viên sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh của vùng Tây Nguyên và Quốc gia.

    Việc lập quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thành một vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế năng động, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố quốc phòng – an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phát triển đầu mối giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực Đông Bắc Campuchia và khu vực Tây Nguyên. Phát triển cân bằng giữa khu vực kinh tế cửa khẩu – đô thị – nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

    Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Gia Lai

    Phương án phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp

    Phát triển các khu công nghiệp

    Khu công nghiệp Trà Đa

    – Nằm ở vị trí xã Trà Đa, thành phố Pleiku, giữ nguyên quy mô hiện nay là 210,17 ha, hạn chế mở rộng, ổn định sản xuất, nâng cấp hạ tầng xử lý nước, rác thải.

    – Khuyến khích đổi mới dây truyền sản xuất tiên tiến, ít gây ô nhiễm nâng cấp hạ tầng, cảnh quan sinh thái.

    Khu công nghiệp Lệ Thanh

    – Nằm ở vị trí xã Ia Dom thuộc khu KTCK Lệ Thanh.

    – Quy mô 172 ha (giai đoạn 2021 – 2025: 80 ha)

    – Tính chất: khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế CK. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu trong khu vực nước bạn CPC và Lào, là điểm tựa để các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản phía CPC và Lào.

    Khu công nghiệp Nam Pleiku

    – Nằm trên địa bàn xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê.

    –  Quy mô: 200 ha (giai đoạn 2021 – 2025)

    – Tính chất: khu công nghiệp đa ngành sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, máy nông cụ, phân vi sinh.

    Khu công nghiệp Nam Pleiku 2

    – Nằm trên địa xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (tiếp giáp với KCN Nam Pleiku)

    – Quy mô: 150 ha (giai đoạn 2026 – 2030)

    – Tính chất: khu công nghiệp tiêu chuẩn sinh thái, sản xuất hàng nông sản xuất khẩu gắn với các vùng nguyên liệu tiêu chuẩn cao (Global Gap).

    Khu công nghiệp Tây Nam Pleiku

    Cùng với tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây và cao tốc Lệ Thanh – Quy Nhơn, chuẩn bị các điều kiện về quỹ đất để hình thành KCN sinh thái phía Tây Nam (nằm gần giao lộ giữa cao tốc đường 19 và cao tốc Bắc – Nam)

    – Quy mô: 500 ha (sau 2030)

    – Tính chất: khu công nghiệp theo tiêu chuẩn KCN sinh thái gắn trung tâm ICD và logistic của tỉnh Gia Lai. Hình thành trung tâm nghiên cứu R&D. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp mới như chế biến thực phẩm tiêu chuẩn quốc tế, ngành đồ uống cao cấp, ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm bổ dưỡng, thực phẩm chức năng, sản xuất thiết bị thông minh phục vụ nông nghiệp, các ngành công nghiệp công nghệ sinh học, công nghệ nano và các ngành sử dụng công nghệ thông minh, thiết bị cầm tay chăm sóc sức khỏe, dụng cụ thể thao, du lịch dã ngoại,…

    Khu công nghiệp Chư Sê (lập mới sau 2030)

    – Nằm vị trí QL.14, đón luồng nguyên liệu từ thuộc xã Ia Glai huyện Chư Sê.

    – Quy mô 300 ha (sau 2030)

    – Tính chất: khu công nghiệp chế biến nông sản hấp dẫn các vệ tinh CCN vùng nguyên liệu nông sản phía Nam và Đông Nam theo hướng hàng hóa tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu cà phê, tiêu, điều, sản xuất và chế biến các sản phẩm thịt chế biến từ nguồn nguyên liệu vùng chăn nuôi đại gia súc tiểu vùng phía Đông Nam.

    Khu công nghiệp Đông Pleiku (lập mới sau 2030)

    – Nằm ở huyện Đak Đoa.

    – Quy mô 200 ha.

    Phát triển cụm công nghiệp

    Hình thành các CCN theo hướng là các cụm vệ tinh cho các KCN tại Pleiku, sản xuất hàng công nghiệp, TTCN, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

    Ưu tiên các CCN có vị trí nằm gần các tuyến giao thông quốc gia, tỉnh gắn với các đô thị trung tâm (thị xã, trung tâm huyện lỵ). Trước mắt là các CCN nằm trên địa bàn các huyện nằm trên tuyến QL.19, QL.14, QL.25.

    Khuyến khích các doanh nghiệp địa phương sản xuất tập trung tại CCN, ưu đãi các doanh nghiệp khởi nghiệp, HTX đóng chân trên địa bàn. Thu hút, hỗ trợ các hoạt động đầu tư hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn thải.

    Đến năm 2030, tổng số có 30 CCN trên địa bàn tỉnh, Trong đó:

    – Thành lập mới 17 CCN bao gồm: CCN Pleiku 1, Ia Ly, Đak Ta Lay, Đak Ta Lay 2, Song An 1 (TX. An Khê), Phú Thiện, Đak Pơ 1, Đak Pơ 2, Chư Prông 2, Chư Prông 3, Krông Pa, K’Bang, Đak Đoa 2, Đak Đoa 3, Đak Đoa 4, Đức Cơ.

    – Mở rộng 10 CCN bao gồm: CCN Ia Khươl, Mang Yang, An Khê, Phú An, Ia Pa, Ia Grai, Kông Chro, Chư Prông 1, Ia Sao, Đak Đoa 1.

    – Giữ nguyên quy mô 03 CCN bao gồm: CCN Diên Phú, Chư Sê, Chư Pưh.

    Ưu tiên giai đoạn 2021 – 2025 thu hút vào các CCN tiếp giáp với TP. Pleiku và CCN tại hai TX. Ayun Pa và An Khê trong giai đoạn 2021 – 2025.

    Hệ thống các CCN đến năm 2030

    TTDanh mục cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnhĐịa điểmQuy mô (ha)
    Năm 2030Sau năm 2030
    1Cụm công nghiệp Diên PhúXã Diên Phú, TP. Pleiku4040
    2Cụm công nghiệp Pleiku 1Xã Gào, TP. Pleiku7575
    3Cụm công nghiệp Pleiku 2Xã Gào, TP. Pleiku7575
    4Cụm công nghiệp – TTCN Ia KhươlXã Ia Khươl, H. Chư Păh7575
    5Cụm công nghiệp Ia LyThị trấn Ia Ly, H. Chư Păh24.575
    6Cụm công nghiệp TTCN huyện Mang YangXã Đăk Djrăng, H. Mang Yang7575
    7Cụm công nghiệp Đak Ta LayXã Đak Ta Lay, H. Mang Yang7575
    8Cụm công nghiệp Đak Ta Lay 2Xã Đak Ta Lay, H. Mang Yang7575
    9Cụm công nghiệp tập trung Chư SêXã Ia Blang, H. Chư Sê51,575
    10Cụm công nghiệp thị xã An KhêPhường An Bình, TX. An Khê7575
    11Cụm công nghiệp Song An 1Xã Song An, TX. An Khê7575
    12Cụm công nghiệp Phú ThiệnXã Ia Ke, H. Phú Thiện3875
    13Cụm công nghiệp Phú AnXã Phú An, H.Đak Pơ2525
    14Cụm công nghiệp Đak Pơ 1Thị trấn Đak Pơ, H.Đak Pơ7575
    15Cụm công nghiệp Đak Pơ 2Xã An Thành, H.Đak Pơ7575
    16Cụm công nghiệp Ia PaXã Pờ Tó, H.Ia Pa7575
    17Cụm công nghiệp Ia GraiXã Ia Dêr, H.Ia Grai7575
    18Cụm công nghiệp Kông ChroTT.Krông Chro, H.Kông Chro3075
    19Cụm công nghiệp Chư Prông 1Xã Thăng Hưng, H. Chư Prông7575
    20Cụm công nghiệp Chư Prông 2Xã Thăng Hưng, H.Chư Prông7575
    21Cụm công nghiệp Chư Prông 3Xã Thăng Hưng, H. Chư Prông7575
    22Cụm công nghiệp Ia SaoXã Ia Sao, TX. Ayun Pa5075
    23Cụm công nghiệp Chư PưhXã Ia Le, H. Chư Pưh4875
    24Cụm công nghiệp Krông PaXã Phú Cần, H. Krông Pa5075
    25Cụm công nghiệp K’BangXã Tơ Tung hoặc xã Đông H. K’Bang3075
    26Cụm công nghiệp Đak Đoa 1Xã KDang, H. Đak Đoa7575
    27Cụm công nghiệp Đak Đoa 2Xã Tân Bình, H. Đak Đoa7575
    28Cụm công nghiệp Đak Đoa 3Xã Tân Bình, H. Đak Đoa7575
    29Cụm công nghiệp dự phòng Đak Đoa 4Xã Tân Bình, H. Đak Đoa7575
    30Cụm công nghiệp Đức CơXã Ia Kriêng, H. Đức Cơ3075
     Tổng cộng 1.817,502.165,00

    Phương án phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh

    – Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm ở phía Tây tỉnh Gia Lai, thuộc địa bàn huyện Đức Cơ, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Chư Ty, các xã: Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn.

    – Quy mô diện tích: 41.515 ha.

    – Tính chất:

    + Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bầy triển lãm, giới thiệu sản phẩm….) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận…) của vùng tỉnh Gia Lai.

    + Là đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

    + Là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai, với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.

    + Trung tâm dịch vụ du lịch lâm viên sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng.

    + Khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh của vùng Tây Nguyên và quốc gia.

    – Định hướng các khu chức năng

    + Khu vực vành đai biên giới và vùng cấm: tập trung nguồn lực củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng hạ tầng giao thông khu vực vành đai nhằm kết nối vùng biển và thông thương hàng hóa, thuận lợi cho giao thương trong và ngoài nước.

    – Khu cửa khẩu quốc tế: tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, văn phòng dịch vụ tại khu Trung tâm hiện hữu.

    – Khu công nghiệp, khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu… Mở rộng theo quy hoạch chung khu kinh tế, đến năm 2030 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Ia Dom, và xã Ia Nan, tăng thêm 453,26 ha so với hiện trạng là 78,96 ha. Giao đất xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp. Triển khai dự án khu kinh tế thương mại đặc biệt. Đầu tư nhà máy may gia công xuất khẩu tại khu công nghiệp – khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trên địa bàn xã Ia Dom và xã Ia Nan.

    – Khu vực hành chính: trung tâm hành chính cửa khẩu tại khu trung tâm hiện hữu, tiếp tục được đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước, văn phòng làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp.

    – Khu thương mại, dịch vụ, du lịch: đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng Khách sạn, khu Thương mại – dịch vụ – du lịch, khu thương mại công nghiệp, khu kinh tế thương mại đặc biệt. Tiến hành giao đất, cho thuê đất xây dựng văn phòng, thương mại, dịch vụ tại khu trung tâm – khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh trên địa bàn xã Ia Dom và xã Ia Nan.

    – Khu đô thị: trung tâm kết nối khu kinh tế cửa khẩu là thị trấn Chư Ty, định hướng phát triển đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Đây là đầu mối giao thương và điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, đảm bảo cung ứng dịch vụ hậu cần cho hoạt động của khu vực cửa khẩu. Là địa điểm gắn kết du lịch với các huyện biên giới của tỉnh và điểm dừng chân lưu trú cho khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Khu trung tâm hiện hữu trên địa phận xã Ia Dom tại khu kinh tế cửa khẩu đạt tiêu chí đô thị loại V.

    – Khu dân cư biên giới, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn: gồm các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn. Triển khai giao đất ở trong khu dân cư tại khu trung tâm – khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom, xã Ia Nan). Tiến hành quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tại 8 xã, ưu tiên quy hoạch các điểm dân cư trên địa bàn xã Ia Kla, Ia Dom.

    – Một số khu chức năng khác (khu du lịch, khu vực và các cơ sở quốc phòng an ninh, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nghĩa trang, nghĩa địa, khu xử lý chất thải, các khu vực cấm, hạn chế phát triển…). Kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch thác Ông Đồng trên địa bàn xã Ia Nan, Ia Pnôn và suối Đôi trên địa bàn xã Ia Dom. Kết hợp du lịch tham quan Quốc môn… Và mua sắm tại khu trung tâm. Đồng thời chỉnh trang, mở rộng, xây mới các nghĩa trang, nghĩa địa chung nhằm đáp ứng nhu cầu chôn cất, an táng phù hợp của nhân dân; Nhất là đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường, cần thiết sớm đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải và các bãi rác tập trung, trung chuyển rác, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

    Hồ sơ QH tỉnh Gia Lai 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net

    (Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Gia Lai : TP Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa, Đak Pơ, Đức Cơ, Ia Grai, Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện)

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây