Quy hoạch vùng liên huyện Cao nguyên đá Đồng Văn (tiểu vùng cao núi đá phía Bắc) tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm
a. Phạm vi: Huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ
- Diện tích: 234.471,98 ha
- Dân số năm 2020: 326.446 người; dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 356.000 người, đến năm 2030 khoảng 389.900 người.
b. Tính chất:
Nội Dung Đề Xuất
Là Công viên địa chất toàn cầu, có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế. Là khu du lịch quốc gia, đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc bộ, là vùng cung ứng nguồn nguyên liệu nông lâm sản cho cụm ngành công nghiệp chế biến.
c. Lợi thế cạnh tranh:
– Cao nguyên đá Đồng Văn có lợi thế chuyển đổi mô hình kinh tế du lịch gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận.
– Chính phủ định hướng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Khu du lịch quốc gia, là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững cho toàn vùng Bắc Bộ. Ngoài lĩnh vực du lịch, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có tiềm năng để phát triển ngành chế biến nông, lâm sản công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn.
d. Hướng phát triển trọng tâm:
– Bảo tồn, giáo dục và thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua du lịch địa chất. Phát huy và khôi phục các giá trị sinh thái tự nhiên, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy vai trò trụ cột của hệ thống rừng: đảm bảo an ninh nguồn nước nông nghiệp và phòng chống thiên tai bao gồm hạn hán, sụt lở, lũ ống lũ quét trong nội tỉnh.
– Xác định các vùng bảo vệ các giá trị cảnh quan nổi trội, đồng thời phát huy chiến lược du lịch vùng núi cao, phát triển các quỹ đất xây dựng phát triển các khu du lịch và điểm dân cư gắn vói dịch vụ du lịch mới, khai thác các giá trị cảnh quan.
– Xây dựng một nền nông lâm nghiệp theo hướng “5 sao”: Nâng cao sản lượng; nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm ngon; đảm bảo sản xuất sạch và an toàn; phát triển các sản vật mang tính độc đáo; cải tạo cấu trúc cảnh quan sinh thái nông – lâm nghiệp theo hướng phục vụ du lịch. Sản xuất nông nghiệp thích hợp các cây ăn quả ôn đới, cây ngô, đậu tương, rau, cây dược liệu, chăn nuôi bò vàng, lợn, gà bản địa, dê và ong mật.
– Khoanh vùng bảo tồn những vùng sinh thái cảnh quan gắn bó trực tiếp với đời sống của các dân tộc hiện có, đồng thời lựa chọn và tạo ra các “Trung tâm văn hóa dân tộc” chủ đạo (Các “hub” văn hóa) gắn với môi trường sống của từng cộng đồng dân tộc; Lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của các dân tộc sinh sống trên địa bàn; Phát triển mô hình du lịch cộng đồng
– Khai thác thương mại, dịch vụ, du lịch qua cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng. Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo quy hoạch. Giải quyết tốt vấn đề nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất của nhân dân.
– Phát triển các loại hình du lịch như du lịch địa chất, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, vui chơi giải trí & thể thao. Các trung tâm chính của không gian bao gồm: Trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử Đồng Văn; trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ; trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm, thương mại cửa khẩu Mèo Vạc. Xây dựng mới, kết hợp nâng cấp chất lượng khách sạn, cơ sở lưu trú hiện có.
- Giai đoạn 2021-2025, đầu tư mới khoảng 4.000 phòng (khoảng 50 khách sạn & cơ sở lưu trú), tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên.
- Giai đoạn 2026-2030, đầu tư mới thêm khoảng 3.000 phòng (khoảng 50 cơ sở lưu trú) từ 3 sao trở lên. Ưu tiên khách sạn 4 sao trở lên, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 6 sao. Phát triển mô hình homestay kết hợp mô hình làng văn hóa.
– Đầu tư xây mới, nâng cấp các đường du lịch ngắm cảnh, điểm dừng chân ngắm cảnh có đài quan sát & cơ sở hạ tầng du lịch đi kèm, đường kết nối các điểm du lịch với trục giao thông chính; nâng cấp hạ tầng cơ sở điểm đến.
– Phát triển các khu du lịch cấp tỉnh:
- Các khu ngắm cảnh khai thác tầm nhìn từ các đỉnh cao trong vùng, gắn với các lâm viên và các dịch vụ phục vụ cho du khách ngắm cảnh
- Tổ hợp khu vui chơi, giải trí cao cấp huyện Quản Bạ (thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ).
- Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh bằng dược liệu Bình Minh III, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.
- Khu du lịch Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.
- Khu du lịch sinh thái trải nghiệm, thôn Ha Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.
– Các điểm du lịch, thưởng ngoạn phong cảnh, các khu vườn quốc gia, các khu cảnh quan: Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, vườn quốc gia Du Già, … và các làng văn hóa dân tộc; du lịch khám phá tri thức canh tác hốc đá (di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia).
– Phát triển trồng tam giác mạch gắn với các địa điểm du lịch, ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, ven các lối vào các làng du lịch văn hóa.
Hệ thống đô thị trong vùng
– Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng: Năm 2020 là 10,1%; năm 2025 là 13,3%, năm 2030 là 17,5%, năm 2050 là 26%.
– Huyện Mèo Vạc có 03 đô thị: TT Mèo Vạc (huyện lỵ) đạt chất lượng đô thị loại IV với quy mô có thể vẫn là loại V; 02 đô thị mới Pả Vi và Xín Cái là đô thị loại V.
– Huyện Đồng Văn có 02 đô thị: TT Đồng Văn (huyện lỵ) đạt chất lượng đô thị loại IV với quy mô có thể vẫn là loại V; 01 đô thị loại V là TT Phố Bảng.
– Huyện Yên Minh có 03 đô thị: TT Yên Minh (đô thị trung tâm vùng cao nguyên đá – huyện lỵ) đạt chất lượng đô thị loại IV với quy mô có thể vẫn là loại V; 02 đô thị mới là Mậu Duệ, Bạch Đích là các đô thị loại V.
– Huyện Quản Bạ có 04 đô thị: TT Tam Sơn (huyện lỵ) đạt chất lượng đô thị loại IV với quy mô có thể vẫn là loại V; 03 đô thị mới là Quyết Tiến, Tùng Vài, Tráng Kìm là các đô thị loại V.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội
– Xây dựng Trung tâm giáo dục nghiên cứu khoa học địa chất & bảo tàng địa chất.
– Xây dựng các phòng chiếu phim hiện đại tại đô thị Đồng Văn; nâng cấp trung tâm văn hóa, thông tin & du lịch tại trung tâm các huyện đáp ứng yêu cầu của người dân & du khách.
– Cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh (hạng II); khuyến khích xã hội hóa xây dựng trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao phát huy giá trị dược liệu đặc hữu của địa phương tại đô thị Yên Minh.
– Nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện Quản Bạ và phòng khám đa khoa khu vực Đông Hà, Tùng Vài.
– Hoàn thiện & phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở các huyện, ưu tiên các ngành đào tạo y tế cộng đồng, phát triển du lịch, nông lâm sản.
– Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực và lực lượng cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng cao của địa phương.
– Nâng cấp, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ gắn với các đô thị; phát triển chợ chuyên doanh gia súc tại Lũng Phìn (h. Đồng Văn), Tráng Kìm, Cao Mã Pờ, Nghĩa Thuận (h. Quản Bạ).
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
– Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, kết hợp xây dựng tuyến tránh qua các thị trấn.
– Quy hoạch 4 trung tâm thông tin và chuyển đổi các loại hình giao thông (giúp khách du lịch tìm hiểu thông tin du lịch và chuyển đổi sang loại hình giao thông khác như xe bus nội vùng du lịch, xe máy, xe đạp…..) tại thị trấn của 4 huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ. Quy hoạch 01 trung tâm cấp vùng tại huyện Yên Minh tại vị trí nút giao giữa quốc lộ 4C và đường tỉnh 176, quy mô 1-2ha.
Bản đồ QHVLH Cao nguyên đá Đồng Văn (6,5 MB)
Theo Duan24h.net – Quy hoạch vùng liên huyện Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)