Ông Phạm Văn Tam (Shark Tam) sinh năm 1980 tại Móng Cái (Quảng Ninh), ông là người sáng lập và từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo.
Tiểu sử và sự nghiệp doanh nhân Phạm Văn Tam
Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ông Tam không thi vào đại học mà lựa chọn học nghề chụp ảnh. Sau đó, ông được giới thiệu làm việc trên xe chở hàng điện tử từ Móng Cái vào TP.HCM, mỗi chuyến đi ông nhận được 1 triệu đồng. Tại TP.HCM, ông được giao nhiệm vụ trông coi kho hàng và giao hàng cho các tiểu thương ở chợ Nhật Tảo, quận 10. Công việc này đã đưa ông đến với lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử.
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Asanzo Group) được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của Asanzo Group là ông Phạm Văn Tam, góp 90 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 90%. Các cổ phần còn lại được chia đều cho Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản, và ông Phạm Xuân Tình.
Nội Dung Đề Xuất
Asanzo Group chuyên sản xuất các loại tivi với kích thước từ 21 đến 32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn. Chỉ sau một năm ra mắt thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra hơn 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Với hơn 70 dòng sản phẩm, Asanzo đã lọt vào top 3 thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2019, Asanzo gặp khủng hoảng khi các sản phẩm của công ty bị cáo buộc là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty bị điều tra về việc sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng, buôn lậu và trốn thuế. Asanzo cũng bị cáo buộc nhập khẩu hàng hóa và linh kiện từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn hoặc lắp ráp đơn giản rồi dán nhãn “Asanzo” xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Vụ việc này đã khiến các chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy ngừng kinh doanh sản phẩm của Asanzo. Các đối tác quay lưng, nhà máy sản xuất đình trệ, gây tổn thất lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông Phạm Văn Tam cũng bị cắt sóng trên chương trình Shark Tank mùa 3.
Ngày 30/8/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo thông báo tạm dừng mọi hoạt động do kiệt quệ tài chính, không còn khả năng duy trì. Nhiều nhân sự quan trọng của công ty đã kiệt sức vì áp lực và căng thẳng kéo dài từ khi xảy ra vụ gian lận xuất xứ vào hai tháng trước.
Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho biết, chỉ trong vòng hơn hai tháng, họ đã mất hơn 80% doanh số so với mức bình thường. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải chi ít nhất 1 tỷ đồng mỗi ngày để trả lương cho nhân viên, chi phí kho bãi và các chi phí khác. Asanzo đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh, ngoại trừ các dịch vụ bảo trì và bảo hành sản phẩm đã bán ra.
Ông Phạm Văn Tam cho biết về sản phẩm tivi, công ty nhập khẩu khung sườn, màn hình và bo mạch từ Trung Quốc, chiếm 70% giá trị sản phẩm. Phần còn lại, Asanzo tự thiết kế bảng mạch và điều chỉnh phần mềm Android TV phù hợp với thị trường Việt Nam. Về hình ảnh công nhân lột con tem “made in China”, ông Tam khẳng định đó chỉ là con tem trên linh kiện, không phải trên sản phẩm TV thành phẩm.
Đến tháng 9/2020, ông Phạm Văn Tam thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Winsan (Winsan Group) với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Winsan Group hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp điện tử, nha khoa, thực phẩm. Ông Tam là Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Winsan Group.
Trong cơ cấu vốn của Winsan Group, ông Tam góp 285 tỷ đồng, chiếm 95% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng.
Ngày 17/3/2021, ông Phạm Văn Tam ra mắt Trang trại sinh thái và Thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò, được điều hành bởi CTCP Phân bón T&T 159 Miền Nam, trong đó Winsan Group góp 40% vốn điều lệ. Đây là động thái mở rộng kinh doanh của ông Tam vào lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất phân bón.
Ông Tam cùng một nhóm nhà đầu tư tuyên bố triển khai dự án 5 trang trại nuôi bò từ Hòa Bình đến Nghệ An với vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Ông Tam cũng ra mắt sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò, sản xuất từ quy trình khép kín.
Tuy nhiên, nhà sản xuất thương hiệu phân bón Ba Con Bò bất ngờ khẳng định ông Tam không đầu tư vào bất kỳ trang trại nào mà chỉ mua bao tiêu và phân phối độc quyền sản phẩm Ba Con Bò. Sau đó, ông Tam ít đề cập đến sản phẩm này hơn.
Bị Công An bắt tạm giam vì trốn thuế
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã chính thức khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc Công ty Asanzo, với cáo buộc về tội trốn thuế theo Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian giữ chức Giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty Asanzo, ông Phạm Xuân Tình đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Phạm Văn Tam. Cụ thể, ông Tình đã đại diện Công ty Asanzo ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty khác để mua linh kiện và phụ kiện cho máy điều hòa nhiệt độ. Những linh kiện này sau đó được Công ty Asanzo lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh là máy điều hòa nhiệt độ và bán ra thị trường, nhưng không kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.
Trong năm 2017, Công ty Asanzo đã xuất bán 2.531 bộ máy điều hòa nhiệt độ, và năm 2018 xuất bán 1.446 bộ máy cho Công ty Điện lạnh Asanzo và Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Điện tử Asanzo. Công ty này cũng mua linh kiện điều hòa về thuê các doanh nghiệp khác gia công một phần, phần còn lại tự lắp ráp thành phẩm. Sản phẩm hoàn chỉnh được dán tem và bao bì in nhãn hiệu Asanzo.
Trong tháng 4-2019, Công ty Asanzo đã xuất bán 10.990 bộ máy điều hòa nhiệt độ và tháng 6-2019 xuất bán 15.518 bộ máy cho Công ty Điện lạnh Asanzo nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, đồng thời để ngoài sổ sách kế toán cả linh kiện và thành phẩm máy điều hòa nhiệt độ, và không khai thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo kết luận giám định của cơ quan thuế, từ năm 2017 đến quý II-2019, Công ty Asanzo đã có hành vi trốn thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, với tổng số tiền trốn thuế lên tới 15,7 tỉ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là gần 4,2 tỉ đồng và thuế tiêu thụ đặc biệt là 11,5 tỉ đồng.
Tổng hợp bởi Duan24h.net