Có lẽ ít người nhớ rằng, vào đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của người dân thế giới là 40. Ở Việt Nam cũng vậy, ai sống đến 50 tuổi là đã lên lão. Người thời ấy dễ chết bởi nhiều loại bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, ỉa chảy, mụn nhọt…
Sau năm 1945, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng như thế giới tăng vọt từ 40 lên 60 trong một thời gian ngắn, đó là nhờ công lao phát minh ra kháng sinh, mở đầu là penicillin, rồi sau đó là hàng loạt kháng sinh khác.
Nhờ có kháng sinh, người ta đã chữa được các bệnh nhiễm trùng, dập tắt các dịch truyền nhiễm, nhiều bệnh gây chết người xưa kia nay đã chữa được bằng những liều thuốc đơn giản. Tất cả những cái đó đã kéo dài tuổi thọ trung bình của con người. Có thể nói phát minh ra kháng sinh là phát minh cứu được nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại.
Nội Dung Đề Xuất
Các thành tựu của thuốc kháng sinh rất nhiều. Nhờ có thuốc kháng sinh, y học đã thanh toán được rất nhiều bệnh nhiễm trùng. Đến mức, có lúc người ta lạc quan cho rằng vào nửa sau của thế kỷ 20, bệnh nhiễm trùng không còn là mối đe dọa với sức khỏe nhân loại nữa. Y học chuyển sang kỷ nguyên mới chiến đấu chống lại các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung bướu…
Tuy nhiên thực tế diễn biến tình hình những năm gần đây không lạc quan như vậy. Theo thời gian, người ta nhận thấy tình trạng kháng thuốc (lờn thuốc) với thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng, có nguy cơ xóa sổ tất cả các thành tựu trong thế kỷ qua.
Thực tế kháng thuốc kháng sinh xảy ra ngày càng rõ rệt, đến mức người dân bình thường cũng nhận thấy. Nhiều kháng sinh bây giờ phải dùng liều cao hơn mới có tác dụng. Thậm chí có nhiều thuốc hoàn toàn không còn tác dụng. Ví dụ penicillin, những ngày đầu rất nhạy với các chứng viêm nhiễm ngoài da, vết thương, viêm phổi. Trong kháng chiến chống Pháp những năm 1950, quân y lúc đó chỉ dùng nước lọc từ môi trường nuôi cấy nấm penicillin, có nồng độ kháng sinh rất loãng, cũng đã cứu được nhiều thương binh bị thương. Còn nay hầu như penicillin đã không còn dùng phổ biến trong điều trị nhiễm trùng nữa hoặc có dùng thì phải dùng liều rất cao vì đã bị kháng thuốc.
Các ví dụ có thể kể ra rất nhiều. Từ các kháng sinh cổ điển như penicillin, streptomyxin đến các kháng sinh mới hơn như cephalosporin, quinolon, macrolid. Rồi các kháng sinh vốn được kỳ vọng dùng để trị các vi khuẩn kháng thuốc như vancomycin, carbanpenem thì nay cũng đã bắt đầu bị kháng thuốc. Trên thế giới đã có những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc, tức là kháng lại nhiều loại kháng sinh, thậm chí có vi khuẩn kháng lại tất cả các kháng sinh hiện có.
Hiện tượng kháng thuốc này làm giảm khả năng điều trị, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. WHO dự đoán đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ giống như đại dịch và làm chết 10 triệu người. CDC Hoa Kỳ cho biết năm 2019, kháng kháng sinh ở Mỹ đã làm chết 35.000 người, 2,8 triệu người khác nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, tiêu tốn 4,6 tỷ USD.
Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhiều nhất thế giới. Một số nghiên cứu cho biết nhiều kháng sinh thông dụng ở Việt Nam đã bị kháng từ 70 – 90%.
Để chống lại tình trạng kháng thuốc, các nhà khoa học phải chạy đua với tự nhiên, cố gắng phát minh ra kháng sinh mới mà chưa bị vi khuẩn đề kháng. Nhưng khi kháng sinh mới này đưa ra sử dụng thì sau một thời gian vi khuẩn lại đề kháng được, bắt buộc phải nghiên cứu để đưa ra các kháng sinh mới hơn nữa. Cuộc chạy đua cứ thế tiếp diễn, mà phần thắng luôn thuộc về giới tự nhiên bao la xung quanh chúng ta. Các nghiên cứu mới về kháng sinh cạn kiệt dần, đe dọa trong một ngày không xa, chúng ta lại quay trở về điểm xuất phát ban đầu là bất lực trước các bệnh nhiễm trùng.
Để chiến thắng trong cuộc chiến với vi khuẩn này, chúng ta cần hiểu cơ chế tình trạng kháng thuốc ở vi sinh vật. Đây chính là biểu hiện của quy luật chọn lọc tự nhiên, do đặc tính đột biến và di truyền của vi sinh vật. Cụ thể, khi chúng ta dùng kháng sinh, thì phần lớn vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên sẽ có một số rất ít vi khuẩn có sẵn đột biến, có thể chịu được kháng sinh trên mà không bị diệt. Khi chúng ta tiếp tục dùng kháng sinh thì nhóm vi khuẩn trên vẫn tiếp tục phát triển và trở thành đa số. Đến lúc đó ta gọi là vi khuẩn kháng thuốc.
Tình hình trên còn phức tạp hơn khi các vi khuẩn có thể trao đổi gen kháng thuốc cho nhau, và nhiều vi khuẩn đã có tính kháng thuốc sẵn ngay khi chưa gặp kháng sinh.
Qua cơ chế trên thì chúng ta dễ dàng nhận ra nguyên tắc quan trọng nhất của việc tránh tình trạng kháng thuốc là hạn chế dùng kháng sinh. Thật vậy, nếu chúng ta hạn chế dùng kháng sinh tức là chúng ta hạn chế áp lực chọn lọc tự nhiên, hạn chế việc sinh ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Điều này đã được thực hiện tốt ở các nước phát triển. Việc mua kháng sinh phải có đơn của bác sĩ, không bán tự do kháng sinh.
Hạn chế dùng kháng sinh còn ở khía cạnh hạn chế tiến tới cấm dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Trong chăn nuôi để đạt năng suất cao người ta nuôi mật độ rất cao như nuôi gà, lợn, cá… với rất nhiều cá thể trên một mét vuông chuồng trại hay ao nuôi.
Vì nuôi mật độ cao như vậy nên các vật nuôi dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và chết hàng loạt. Để tránh bị bệnh, người ta phải dùng kháng sinh thường xuyên, trộn vào thức ăn hàng ngày cho vật nuôi. Đến khi thu hoạch, trong vật nuôi vẫn tồn tại dư lượng thuốc kháng sinh và khi người tiêu dùng ăn chúng, đã vô tình ăn dư lượng thuốc kháng sinh, và huấn luyện cho vi khuẩn trong cơ thể người làm quen kháng sinh đó.
Tiếp theo việc hạn chế dùng kháng sinh thì khi bắt buộc phải dùng, chúng ta phải dùng đủ liều lượng và đủ thời gian, để có thể diệt hầu hết vi khuẩn gây bệnh, không cho chúng cơ hội làm quen với kháng sinh. Ở đây là vai trò của thầy thuốc là kê đơn kháng sinh đúng liều lượng, đủ thời gian. Người thầy thuốc còn phải tuân thủ chẩn đoán, chọn kháng sinh phù hợp, không dùng kháng sinh tràn lan theo hướng bao vây.
Ở Việt Nam tình trạng dùng kháng sinh rất bừa bãi. Tất cả các kháng sinh đều có thể mua tự do trên thị trường, không cần đơn của bác sĩ. Hậu quả của việc đó là tình trạng kháng thuốc kháng sinh của Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới, gây nhiều hậu quả nặng nề cho công tác điều trị. Năm 2017, WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo số liệu của WHO, từ năm 2009 đến năm 2017, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh khi có tới 88% thuốc kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi đó tỉ lệ này ở nông thôn là 91%.
Văn phòng Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam và Tổng hội y học Việt Nam đã ra tuyên bố chung, kêu gọi chung tay hành động để chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Chương trình hành động thì có nhiều điểm về chuyên môn, nhưng về phía người dân có một nguyên tắc đơn giản nhưng rất hữu ích, đó là: Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, mà hãy dùng kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc.
Sự chung tay phối hợp giữa thầy thuốc và người dân sẽ góp phần đầy lùi tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nâng cao sức khỏe, cứu sống nhiều mạng người trong tương lai.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.