Khu công nghiệp Đồng Vàng (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

729
Thông tin Khu công nghiệp Đồng Vàng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Thông tin Khu công nghiệp Đồng Vàng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Mục lục

    Khu công nghiệp Đồng Vàng có quy mô quy hoạch khoảng 491,9 ha, dự án nằm tại xã Tân Trường, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (thuộc một phần phân khu công nghiệp số 15 – khu kinh tế Nghi Sơn).

    Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ đã ký ngày 18/03/2022 về CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP ĐỒNG VÀNG TẠI KHU KINH TẾ NGHI SƠN, TỈNH THANH HÓA có nội dung như sau :

    Điều 1. Quyết định chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Đồng Vàng tại khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa với các nội dung chủ yếu sau đây:

    1. Nhà đầu tư: Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – CTCP.

    2. Tên dự án: khu công nghiệp Đồng Vàng tại khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.


    3. Mục tiêu dự án: đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

    4. Quy mô diện tích sử dụng đất của dự án: 491,9 ha.

    5. Địa điểm thực hiện dự án: xã Tân Trường, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (thuộc một phần phân khu công nghiệp số 15 – khu kinh tế Nghi Sơn).

    Tại địa điểm thực hiện dự án, diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án: 282,29 ha rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất tại xã Tân Trường, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

    6. Tổng vốn đầu tư của dự án: 2.400.222.628.000 đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 430.222.628.000 đồng.

    7. Tiến độ thực hiện dự án: không quá 48 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

    Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn Nhà đầu tư cụ thể tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.

    8. Thời gian hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

    9. Ưu đãi đầu tư: thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

    10. Điều kiện đối với Nhà đầu tư thực hiện dự án:

    – Chỉ được thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng sản xuất sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan và dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    – Giữ nguyên hiện trạng toàn bộ đất rừng tự nhiên trong khu vực thực hiện dự án và không tính phần diện tích này vào phần diện tích đất cây xanh của dự án.

    – Nhà đầu tư có trách nhiệm ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; thực hiện nghĩa vụ về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp; nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

    Điều 2. Tổ chức thực hiện

    1. Trách nhiệm của các bộ có liên quan

    a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.

    b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    – Chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

    – Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật hiện hành.

    c) Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật hiện hành.

    2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

    a) Đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    b) Đảm bảo điều kiện về tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại thời điểm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP .

    c) Tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án. Kiểm tra, xác định việc Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm thực hiện dự án.

    Trường hợp khu đất dự kiến thực hiện dự án có tài sản công thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản của Nhà nước.

    Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

    Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai.

    d) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và quy mô diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp Đồng Vàng thuộc một phần phân khu công nghiệp số 15 – khu kinh tế Nghi Sơn vào quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 – 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    đ) Tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án

    – Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp; rà soát, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 -2025 của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để triển khai dự án, đúng quy định của pháp luật; việc quyết định và tổ chức chuyển mục đích sử dụng rừng nêu tại khoản 4 Điều 1 Quyết định này chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 19, Điều 23 Luật Lâm nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật có liên quan;

    – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng rừng, đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, tham nhũng và gây khiếu kiện, gây mất trật tự xã hội;

    – Chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

    e) Chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng sản xuất, đất trồng lúa trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2018.

    g) Chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan:

    – Giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn của Nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    – Yêu cầu Nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

    – Phối hợp với Nhà đầu tư thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

    Điều 3. Điều khoản thi hành

    1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

    2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nhà đầu tư quy định tại Điều 1 và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

    Phó thủ tướng Lê Văn Thành (đã ký)

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây