Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, so sánh với tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương.
Định hướng vùng trọng điểm phát triển đô thị
Vùng 1: Khu vực phía Bắc Vân Phong
Khu vực phía Bắc Vân Phong thuộc phạm vi huyện Vạn Ninh, theo nghị quyết 09-BCT đã xác định huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp với việc bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái và tự nhiên vùng vịnh Vân Phong.
Trong Quy hoạch chung KKT Vân Phong đề xuất khu vực lấn biển tại khu vực nút giao Cổ Mã. Khu Đầm Môn cũng dự kiến phát triển khu phi thuế quan và cảng biển kết hợp du lịch quốc tế.
Nội Dung Đề Xuất
Do lợi thế về quỹ đất tương đối sạch, điều kiện tự nhiên Vịnh Vân Phong kín gió và lặng sóng, vị trí giao thông thuận lợi, làm tiền đề cho việc hình thành một khu đô thị cửa ngõ của Khánh Hoà.
Động lực phát triển chính:
Trong suốt chiều dài lịch sử, khu vực phía Bắc Vân Phong – huyện Vạn Ninh có những lợi thế chiến lược về địa lý, địa thế, tuy nhiên, những lợi thế này vẫn ở dạng tiềm năng do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông kết nối hạn chế, bị bao bọc bởi những dãy núi cao.
Thời gian gần đây, những nâng cấp đáng kể về giao thông cũng như sự phát triển mở rộng của những đô thị Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hoà… đã giúp khu vực Vân Phong bộc lộ được những tiềm năng có thể khai thác.
Hầm đèo Cổ Mã hoàn thành đã rút ngắn lộ trình di chuyển từ Tuy Hoà đến Vân Phong, biến sân bay Tuy Hoà trở thành một lợi thế quan trọng để phát triển Vân Phong. Thời gian tới, những tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, tuyến cao tốc hướng Tây Nguyên được mở ra, sẽ thúc đẩy vai trò của cảng biển Vân Phong. Những động lực phát triển chính là:
- Tuyến giao thông cao tốc Bắc Nam
- Gần cảng hàng không Tuy Hoà
- Lợi thế cảng Đầm Môn, vịnh Vân Phong nước sâu và kín gió.
- Vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
- Đã có những điều chỉnh quan trọng về cơ chế chính sách.
Hội tụ đủ các điều kiện giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường không, sẽ mang lại những cơ hội quan trọng để phát triển du lịch, khai thác các giá trị cảnh qua nguyên sơ, hệ thống cảng nước sâu và vịnh kín gió, là những lợi thế tự nhiên mà lâu nay chưa thể khai thác do thiếu mạng lưới hạ tầng đường xá kết nối.
Có thể nói, Vịnh Vân Phong là vùng có khả năng phát triển đột biến nhất tỉnh Khánh Hoà do những tiềm năng mà không một khu vực nào trong vùng duyên hải miền Trung có được.
Định hướng phát triển chính:
– Đô thị cửa ngõ phía Bắc tỉnh Khánh Hoà
Trong quy hoạch chung Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hoà đã xác định vai trò của sân bay Tuy Hoà trong quá trình phát triển của KKT Vân Phong. Với việc nâng cấp sân bay Tuy Hoà, sử dụng như một điểm trung chuyển hành khánh cho các khu vực lân cận, bao gồm cả KKT Vân Phong, khi mà khoảng cách từ sân bay duy nhất của tỉnh Khánh Hoà là sân bay Cam Ranh ở quá xa, sẽ giúp khu vực Bắc Vân Phong phát triển nhanh chóng.
Đô thị cửa ngõ được hình thành sẽ đóng vai trò như một cực tăng trưởng của tỉnh Khánh Hoà, cùng với Nha Trang và Cam Ranh – Cam Lâm, tạo ra 3 vùng phát triển, thúc đẩy sự phát triển của khu vực Bắc Khánh Hoà.
– Trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, logistic, du lịch
Với định hướng phát triển cảng trung chuyển quốc tế, các hoạt động giao thương quốc tế sẽ được từng bước đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp. Định hướng phát triển dịch vụ thương mại, tài chính, logistic, du lịch là tất yếu và sẽ chỉ đạt được khi có sự tham gia của các cấp ban ngành, nhằm tạo ra một cơ chế hợp lý thúc đẩy và thu hút các hoạt động đầu tư.
Vùng 2: Khu vực thị xã Ninh Hoà
Khu vực trung tâm thị xã Ninh Hoà thuộc một phần trong KKT Vân Phong. Khu vực này có lợi thế về giao thương khi nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Bắc Nam, và tuyến đường cao tốc nối Vân Phong – Buôn Mê Thuột. Khu vực này cũng nằm gần cảng tổng hợp Nam Vân Phong. Trong tương lai, với tiềm năng về cảng, công nghiệp, logistic….
Theo Nghị quyết 09- NQ/TW của Bộ Chính trị xác định thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp. Nơi đây sẽ hình thành một cụm đô thị công nghiệp – cảng quan trọng phía Bắc tỉnh Khánh Hoà.
Động lực phát triển chính:
Thị xã Ninh Hoà không có lợi thế về cảng nước sâu và kín gió như khu vực Bắc Vân Phong. Tuy nhiên, khu vực thị xã Ninh Hoà lại có những lợi thế quan trọng với động lực phát triển chính sau:
– Tuyến giao thông cao tốc Bắc Nam
Tuyến cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc Nam đóng vai trò như tuyến huyết mạch, cung cấp nhân lực, hàng hoá, nguyên liệu với quãng đường và thời gian di chuyển được rút ngắn và thuận tiện, sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn khi chi phí về nhân lực và đất đai khu vực này còn thấp.
– Cảng tổng hợp Nam Vân Phong
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong trong thời gian qua vẫn còn bị hạn chế do đường xá không thuận tiện, các tuyến kết nối đến các vùng sản xuất (như vùng Tây Nguyên) bị hạn chế. Do đó, với việc hình thành các tuyến cao tốc lên Tây Nguyên, tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc, vai trò và vị thế của cảng tổng hợp Nam Vân Phong sẽ khác đi rất nhiều, sẽ được nâng lên một tầm mới.
Tuy nhiên, cần phải có những chiến lược phát triển hạ tầng khung cho khu vực cảng và lân cận cảng, nâng cấp đường xá, các khu dân cư, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú cũng như di chuyển sẽ gia tăng đột biến.
– Tuyến cao tốc Vân Phong – Buôn Mê Thuột
Được kì vọng như là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của KKT Vân Phong và toàn tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc sẽ luân chuyển một lượng lớn hàng hóa nông sản từ vùng Tây Nguyên xuống các cảng tổng hợp của Khánh Hòa, thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh.
Với vai trò như khu vực cửa ngõ tập kết và phân phối hàng hóa, thị xã Ninh Hòa sẽ có cơ hội lớn trong việc phát triển hệ thống hậu cần logistic phục vụ cho cảng, từ đó thu hút lao động từ những địa phương khác cũng như sử dụng nguồn lao động địa phương.
Điều này cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sang dịch vụ và công nghiệp, phù hợp với định hướng của tỉnh.
Định hướng phát triển chính:
– Đô thị công nghiệp – cảng
Với những nội dung đã nêu ở trên, việc thị xã Ninh Hòa trong tương lai sẽ phát triển thành một đô thị công nghiệp – cảng là điều tất yếu, đi kèm với đó là nhu cầu phát triển các dịch vụ khác đi kèm như giáo dục, y tế, văn hóa, lưu trú, du lịch…
Vùng 3: Khu vực thị trấn Khánh Vĩnh
Thị trấn Khánh Vĩnh nằm trên trục đường đi từ Nha Trang lên Đà Lạt. Cùng với tốc độ phát triển đô thị hiện nay của Đà Lạt và Nha Trang, vị thế và vai trò của Khánh Vĩnh sẽ gia tăng và đóng vai trò lớn hơn khi có thể khai thác các giá trị vùng núi và bán sơn địa của Khánh Vĩnh.
Động lực phát triển chính:
– Tuyến giao thông kết nối Nha Trang – Đà Lạt
Có chức năng kết nối hai thành phố lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, du lịch của hai địa phương. Hiện tại và trong tương lai, cả hai địa phương đều định hướng đẩy mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, do đó tuyến đường kết nối Nha Trang – Đà Lạt sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển vùng.
– Giá trị du lịch vùng núi – bán sơn địa
Huyện Khánh Vĩnh ngoài thế mạnh về sản xuất nông sản, còn là nơi có nhiều cảnh quan phong phú, đa dạng, có nhiều vùng núi cao với đặc trưng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ nhưng không có các hiện tượng thời tiết như gió nóng, sương muối… Ở những vùng cao, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm, mức độ không dày, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch núi và trồng các loại cây ăn quả.
Về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Vĩnh có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, môi trường sinh thái, đa dạng. Các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Vĩnh mở rộng và phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng và gắn kết tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa.
Định hướng phát triển chính:
– Đô thị du lịch cảnh quan.
Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng đã hoạt động như: Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú); suối Lách (xã Giang Ly); khu suối khoáng nóng Nhân Tâm 2 (xã Khánh Hiệp)…, các địa điểm như: Suối Mấu (xã Khánh Thượng), suối nước nóng (xã Khánh Thành), thác Ziông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)… cũng có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định hướng phát triển các đô thị tại huyện Khánh Vĩnh theo mô hình các tiểu đô thị sinh thái rừng.
Từ đó, mục tiêu chung cho các khu đô thị này là chú trọng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng. Kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước trở thành một điểm đến độc đáo của Khánh Hòa.
– Đặc sản địa phương
Huyện Khánh Vĩnh định hướng du lịch sinh thái – văn hoá, gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, thăm quan vườn cây ăn trái là loại hình du lịch chủ yếu của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương về mọi mặt.
Vùng 4: Khu vực thành phố Nha Trang
Với định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, có bản sắc riêng và kết nối quốc tế.
Đầu tư, phát triển hệ thống đô thị ven biển là động lực tăng trưởng chủ yếu, trong đó xây dựng thành phố Nha Trang là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh. (Nghị quyết 09-BCT). Đô thị Nha Trang được định hướng mở rộng phát triển đến đầm Nha Phu về phía Bắc, đến huyện Diên Khánh về phía Tây thành phố Nha Trang, phát triển theo hướng đô thị dáng sống, ngang tầm khu vực châu Á và phù hợp với lợi thế và tiềm năng của Tỉnh.
Động lực phát triển chính:
– Các tuyến giao thông kết nối đường thuỷ và đường bộ chính
Cho đến nay, Nha Trang vẫn đóng vai trò quan trọng như hạt nhân của toàn tỉnh về hành chính chính trị, thương mại, dịch vụ du lịch.. của tỉnh Khánh Hòa. Hệ thống giao thông đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình nâng cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
– Giá trị trung tâm du lịch, dịch vụ của toàn vùng.
Nha Trang vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu đô thị của toàn tỉnh
Định hướng phát triển chính:
- Đô thị hạt nhân của toàn tỉnh Khánh Hoà
- Đô thị Thông minh, áp dụng công nghệ cao trong điều hành và quản lý đô thị.
- Tiếp tục khai thác các giá trị về du lịch, văn hoá, dịch vụ.
Vùng 5: Khu vực Cam Ranh – Cam Lâm
Thành phố Cam Ranh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong vùng phía nam tỉnh Khánh Hoà. Với lợi thế gần khu vực sân bay Cam Ranh, các cảng biển quan trọng, Cam Ranh đóng vai trò như khu vực cửa ngõ phía Nam, kết nối các tuyến đường bộ và đường thuỷ quan trọng. Tuy nhiên, vì nằm gần khu vực quốc phòng, sức phát triển của Cam Ranh ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, việc hình thành một khu vực đô thị sân bay nằm tại khu vực Cam Ranh – Cam Lâm, tận dụng các lợi thế sẵn có, cũng như không quá gần các khu vực quân sự, là một quyết định quan trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cam Ranh – Cam Lâm hơn nữa.
Động lực phát triển chính:
- Các tuyến giao thông kết nối đường bộ – đường thuỷ – đường hàng không
- Lợi thế nằm gần sân bay, phát triển đô thị sân bay.
- Nằm tại khu vực vịnh kín gió, có giá trị du lịch
Định hướng phát triển chính:
- Đô thị cửa ngõ phía Nam Tỉnh Khánh Hoà
- Phát triển khu vực Cam Ranh và ven biển Cam Lâm theo hướng mở rộng địa giới hành chính huyện Cam Lâm gắn với định hướng phát triển vùng đô thị sân bay.
- Hình thành đô thị mới Cam Lâm theo mô hình đô thị hiện đại, sinh thái, đẳng cấp và kết nối quốc tế, tạo nền tảng để hình thành trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, kinh tế mới của tỉnh và khu vực, tận dụng lợi thế của sân bay Cam Ranh, quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt, đường biển ( cảng Cam Ranh).
Vùng 6: Khu vực thị trấn Tô Hạp
Khánh Sơn là một huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa. Từ Ba Ngòi, Cam Ranh lên tới trung tâm của huyện Khánh Sơn chỉ có hơn 30km. Nơi đây có thung lũng Tô Hạp, một vùng đất phì nhiêu chạy dài theo con sông Tô Hạp. Tuy có nhiều núi cao, rừng rậm nhưng đất ở Khánh Sơn, đặc biệt là vùng thung lũng Tô Hạp khá màu mỡ. Ở trên độ cao hàng trăm mét so với mặt biển, khí hậu ở đây càng đi lên càng thấy mát mẻ, thích hợp với sự sinh trưởng của cây
thông và rất gần với không khí mát mẻ của Đà Lạt.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xác định huyện Khánh Sơn là tiểu đô thị sinh thái núi rừng, do vậy huyện Khánh Sơn có thể sẽ trở thành vùng trọng điểm phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.
Động lực phát triển chính:
- Có điều kiện khí hậu lý tưởng cho phát triển đô thị du lịch, khí hậu của Thị trấn Tô Hạp rất gần với khí hậu Đà Lạt
- Có lợi thế lớn về khai thác các giá trị du lịch văn hoá. Văn hoá truyền thống đầy bản sắc dân tộc được thể hiện qua bộ “Đàn Đá Khánh Sơn” và “Văn hoá Cồng Chiêng” đặc trưng của vùng cao nguyên miền Trung. Những giá trị văn hoá vô cùng giá trị này vẫn chưa được khai phá.
- Thị trấn Tô Hạp có thể tận dụng lợi thế về lâm sản địa phương để thúc đẩy thương mại dịch vụ, sản xuất, xuất khẩu. Khánh Sơn có nhiều loại lâm sản có giá trị. Đặc biệt có nhựa cây Tô Hạp được dùng làm gia vị rất quí, nhựa thông ba lá (loại cây mọc thành rừng ở Khánh Sơn). Chè Khánh Sơn thơm ngon nổi tiếng và cây cà phê gần đây đã trở thành cây chủ lực giúp huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm đem lại thu nhập cao hơn cho cộng đồng dân cư.
Định hướng phát triển chính:
– Tiểu vùng đô thị sinh thái rừng.
Phát triển các khu dân cư mật độ thấp, nhà vườn, có yếu tố trồng rừng sinh thái trong đô thị nhằm tạo ra một cấu trúc đô thị lấy không gian xanh làm chủ đạo, từ đó tạo ra một môi trường sống gần với thiên nhiên, tận dụng tối đa các lợi thế mà điều kiện tự nhiên vùng trung cao nguyên mang lại.
– Đặc sản địa phương.
Đẩy mạnh khai thác quảng bá các hoạt động du lịch lấy trọng tâm là bảo vật văn hoá “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hoá Cồng Chiêng”. Đây là những giá trị văn hoá đặc biệt và quý giá, không chỉ cho tỉnh Khánh Hoà mà đối với cả nước, có thể được xếp hạng di sản văn hoá Vật thể và phi vật thể. Từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn cũng như hình thành các điểm tuyến du lịch, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Bên cạnh các giá trị văn hoá, những lâm sản như Nhựa cây Tô Hạp, chè Khánh Sơn… cũng có thể được quảng bá rộng rãi và tìm đường xuất khẩu. Cần có sự hỗ trợ của Tỉnh cũng như chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của Khánh Sơn.
Định hướng hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa
– Thành phố Nha Trang tiếp tục là đô thị loại I; trong đó, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông và hệ thống hạ tầng xã tại các phường nội thị và các xã dự kiến nâng cấp thành phường nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể về phát triển đô thị
thông minh và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Nha Trang theo kế hoạch đề ra.
– Phấn đấu xây dựng thành phố Cam Ranh đạt tiêu chí của đô thị loại II; trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các khu công nghiệp; huy động nguồn lực trong và ngoài nước đề xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, kết hợp bổ sung quy hoạch đất xây dựng trường học, công viên cây xanh, đất xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao nhằm thúc đẩy gia tăng dân số đô thị, hoàn thiện các tiêu chuẩn về dân số và các tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội của đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
– Xây dựng đô thị mới Cam Lâm đạt tiêu chí đô thị loại I. Tập trung phát triển đô thị thông minh, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng đô thị lớn, các dự án trọng điểm… để hình thành đô thị mới theo mô hình đô thị hiện đại, sinh thái, đẳng cấp và kết nối quốc tế, tạo nền tảng để hình thành trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, kinh tế mới của tỉnh và khu vực, tận dụng lợi thế của sân bay Cam Ranh, các tuyến giao thông trọng điểm của khu vực, giao thông đường biển.
– Thị xã Ninh Hòa tiếp tục là đô thị loại IV. Tập trung xây dựng đồng bộ các tuyến đường giao thông kết nối khu vực đô thị và nông thôn, nâng cấp bổ sung các tuyến phố văn minh đô thị và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trong các khu công nghiệp nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông và kiến trúc cảnh quan của đô thị loại IV trực thuộc tỉnh.
Khu vực phía Nam Ninh Hòa –vùng ven vịnh Nha Phu, đề xuất quy hoạch tổng thể đô thị du lịch, liên kết các điểm du lịch hiện có tạo thành một hệ sinh thái du lịch đa chức năng thu hút đầy đủ các phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế, kêt hợp du lịch ngắn ngày và dài ngày, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm cho toàn tỉnh Khánh Hòa. Khu vực ven vịnh Nha Phu định hướng quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, đô thị thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái biển, sinh thái rừng.
– Phấn đấu xây dựng các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh và thị trấn Cam Đức (thuộc huyện Cam Lâm) đạt tiêu chí của đô thị loại IV thông qua việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống người dân đô thị.
– Các đô thị loại V: thị trấn Tô Hạp (thuộc huyện Khánh Sơn), thị trấn Khánh Vĩnh (thuộc huyện Khánh Vĩnh) tiếp tục là đô thị loại V; trong đó, cần tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đô thị và hoàn thiện các tiêu chuẩn về dân số thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án khu dân cư, khu đô thị mới, khu tái định cư,…kết hợp phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, lễ hội văn hóa nhằm thu hút người dân nhập cư, thúc đẩy tốc độ gia tăng dân số đô thị.
Phấn đấu xây dựng Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh đạt các tiêu chí của đô thị loại V nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch phát triển khu đô thị du lịch của khu vực.
Bản đồ QHĐT Khánh Hòa 2030 (9,5 MB)
Tổng hợp bởi Duan24h.net
(Quy hoạch đô thị tỉnh Khánh Hòa : Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Trường Sa.)