Trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi những dự án nào chậm triển khai.
Đại biểu Nguyễn Thanh Trung chất vấn ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương về: Dự án triển khai quá chậm, ì ạch, đất đai bỏ hoang nhiều năm không sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất đai trong các đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực dự án; tình trạng chủ đầu tư khi vừa xin được chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 đã tự ý đo, vẽ bản đồ rồi phân lô bán nền.
Thậm chí, có một số dự án chưa giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đền bù cho người dân nhưng đã tự ý vẽ bản đồ quy hoạch rồi rao bán trên thị trường bằng hình thức là hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng góp vốn; các khu dân cư tự phát do phân lô bán nền trái phép xuất phát từ tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Trả lời những vấn đề này, ông Ngân cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 358 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất khoảng 4.500ha. Đến nay đã triển khai 216 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất trên 2.613ha, diện tích sàn 17,48 triệu m² (trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10/2018 đã có 53 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với quy mô sử dụng đất 184,28ha, 3,77 triệu m² sàn)”.
Bên cạnh những dự án được triển khai đúng theo tiến độ, vẫn còn một số dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây bức xúc cho người dân. Trước tình hình trên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tiến độ các dự án nhà ở trên địa bàn. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã báo cáo kiến nghị UBND tỉnh cho 24 dự án tiếp tục thực hiện, thu hồi chủ trương 4 dự án và 37 dự án thuộc diện xem xét cho tiếp tục thực hiện, đề nghị chủ đầu tư có báo cáo, cam kết tiến độ thực hiện để Sở Xây dựng và địa phương theo dõi đôn đốc.
Trong 37 dự án chậm triển khai thì có 7 dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chưa có động thái triển khai; 7 dự án Chủ đầu tư đã triển khai đầu tư tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đầu tư; 10 dự án Chủ đầu tư có động thái triển khai dự án; 13 dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính nên chưa triển khai đầu tư.
“Dự kiến, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi 6 dự án (do đa phần các dự án này còn vướng giải phóng mặt bằng và chưa đảm bảo năng lực tài chính để triển khai dự án), các dự án còn lại, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện triển khai dự án trong 2019. Trong trường hợp Chủ đầu tư vẫn không có động thái triển khai, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi”, ông Ngân thông tin thêm.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Bình Dương có 541 khu phân lô bán bền tự phát tại Dĩ An 248 khu, Thuận An 136 khu, Tân Uyên 99 khu, Bến Cát 57 khu và Bàu Bàng 1 khu. Trong thời gian qua, để xử lý tình trạng phân lô bán nền trái phép, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tự phát, xây dựng trái phép.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về phát triển nhà cao tầng có gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và phá vỡ mỹ quan đô thị, ông Ngân chia sẻ: “Phát triển nhà cao tầng nói chung và chung cư nói riêng là một trong những xu thế phát triển đô thị.
Tại các đô thị lớn nhà cao tầng đã góp phần hiệu quả trong việc sử dụng đất hiệu quả và đúng mục đích, tăng diện tích đất cây xanh do giảm mật độ xây dựng, không gian đô thị hiện đại hơn, dân cư tập trung hơn sẽ thuận lợi trong việc phục vụ công cộng. Những năm gần đây kinh tế Bình Dương liên tục phát triển, tỷ lệ đô thị hóa gần 80% nên nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao. Đối với các đô thị phía Nam như: Dĩ An, Thuận An, việc chuyển đổi công năng từ cơ sở sản xuất sang nhà ở, dịch vụ, thương mại là phù hợp định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh”.
Riêng khu vực đô thị hiện hữu áp lực về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là khó tránh khỏi. Trong quá trình tham mưu UBND tỉnh về việc hình thành các dự án nhà ở, Sở Xây dựng xem xét các yếu tố như: Đảm bảo sự phù hợp so với quy hoạch sử dụng đất, cân đối về quy mô dân số đảm bảo phù hợp so với quy hoạch chung, đảm bảo sự phù hợp về không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, đảm bảo một số điều kiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ việc đấu nối.
Đối với từng dự án cụ thể, công trình phải đảm bảo về chỗ đậu xe, an toàn PCCC và có giải pháp xây dựng các công trình phúc lợi như nhà trẻ, vườn hoa, cây xanh… nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Một số dự án hiện nay đã góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị có thể kể đến như: Khu tổ hợp thương mại Gucoland, Khu căn hộ The Habitat; Khu chung cư EcoXuân (thị xã Thuận An); Khu đô thị Becamex Center (TP Thủ Dầu Một)…
Việc phát triển nhà ở là cần thiết, hiện Bình Dương đã xây dựng các chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và chương trình phát triển đô thị. Do đó, trước khi tham mưu cho tỉnh chấp thuận chủ trương dự án nhà ở mới thì Sở Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan khảo sát hiện trạng thực tế. Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thì sẽ từ chối ngay. Thực tế Sở đã từ chối nhiều dự án không đảm bảo các quy định về quy hoạch, cây xanh, hạ tầng giao thông.
Theo Báo xây dựng
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)