Vụ án liên quan đến ông Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát)

1427
Ông Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát) tại Tòa án
Ông Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát) tại Tòa án
Mục lục

    (25/04/2024) Sau 3 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo phán quyết, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định áp dụng các hình phạt như sau: Trần Quí Thanh bị kết án 8 năm tù, Trần Uyên Phương bị kết án 4 năm tù, và Trần Ngọc Bích bị kết án 3 năm tù, trong đó Trần Ngọc Bích được cho hưởng án treo.

    Ngoài ra, HĐXX cũng ra phán quyết buộc các bị cáo phải nộp 100 triệu đồng mỗi người để sung công quỹ. Đối với trách nhiệm dân sự, HĐXX đã xem xét yêu cầu của các bị hại liên quan đến việc hủy các hợp đồng và hoàn trả tiền, cũng như việc xin nhận lại tài sản. HĐXX đã chấp nhận yêu cầu này và buộc những người môi giới phải hoàn trả số tiền đã nhận sau các giao dịch giữa bị hại và các bị cáo, đồng thời cơ quan chức năng công chứng và chứng nhận cũng phải hỗ trợ trong việc hủy bỏ các hợp đồng và hoàn trả tài sản cho bị hại.

    (23/04/2024) Ông Thanh (71 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương (43 tuổi, Phó giám đốc) được đưa đến TAND TP HCM để xét xử sơ thẩm. Riêng Trần Ngọc Bích (40 tuổi, con gái thứ hai của ông Thanh) được tại ngoại.

    (24/11/2023) Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam (C01) vừa công bố kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (70 tuổi), Chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái là Trần Uyên Phương (42 tuổi) và Trần Ngọc Bích (39 tuổi) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Theo kết luận, ông Thanh đối mặt với cáo buộc chiếm đoạt số tiền lên đến 767 tỷ đồng, trong khi Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích lần lượt bị buộc tội với số tiền 350 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.


    Cảnh sát đã chỉ ra rằng, bố con ông Thanh từng áp dụng một chiến thuật tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội này. Họ thường xuyên sử dụng phương pháp cho vay lãi thế chấp, cam kết bằng các dự án và hàng chục thửa đất. Tuy nhiên, họ đã lợi dụng thủ đoạn gian dối, nắm quyền kiểm soát và tạo ra các lý do giả mạo để tránh trách nhiệm trả lại tài sản.

    Vụ án liên quan đã bắt đầu từ tháng 3/2021 khi C01 khởi tố để làm rõ các tình tiết liên quan đến đơn tố cáo về gia đình ông Thanh. Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan công tác giám định.

    Đến đầu tháng 4/2023, ông Trần Quí Thanh và con gái Uyên Phương đã bị bắt tạm giam. Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh và giải quyết đơn tố cáo của công dân, trong đó nêu rõ các hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế”, “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến các dự án, bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM và Đồng Nai. Cơ quan điều tra khẳng định rằng có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của ba cha con chủ tịch Tân Hiệp Phát đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

    (09/11/2022) Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an đã quyết định tạm đình chỉ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

    Vụ án này liên quan đến tố cáo của hai con gái ông Trần Quí Thanh, chủ tịch Tân Hiệp Phát, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các dự án bất động sản có giá trị lớn.

    Quyết định tạm đình chỉ được cơ quan điều tra đưa ra do hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác giám định. Cụ thể, cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến các vấn đề được tố cáo.

    Vụ án được khởi tố từ tháng 3/2021 sau đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh, và một số người khác, tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các dự án bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM và Đồng Nai.

    Bà Uyên Phương và bà Ngọc Bích là con gái ông Trần Quí Thanh, chủ tịch Tân Hiệp Phát, và giữ chức vụ phó tổng giám đốc của tập đoàn.

    Theo đơn tố cáo, một số người trong gia đình ông Thanh và một số người liên quan đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua chuyển nhượng dự án và cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh lên đến 1.000 tỉ đồng.

    Trước đó, vào tháng 12/2020, UBND TP.HCM đã nhận đề nghị của Bộ Công an về việc ngăn chặn mọi biến động liên quan đến 33 thửa đất tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức, đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên. Tại Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và tạm dừng mọi biến động đối với Công ty cổ phần bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành, do Công ty Minh Thành Đồng Nai làm chủ đầu tư. Các công ty và dự án này cũng liên quan đến đơn tố cáo về gia đình ông Thanh và bà Uyên Phương.

    (09/12/2020) Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra, xác minh đơn tố cáo về vụ việc ông Trần Quý Thanh cùng con gái và một số cá nhân bị tố lừa đảo.

    Đại tá Chữ Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu ra tại buổi họp báo thông báo kết quả công tác của ngành năm 2020, diễn ra tại TPHCM vào chiều 7/12.

    Theo Đại tá Dũng, vào tháng 10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có nhận được của ông Lê Văn Lâm (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai) tố cáo ông Trần Quý Thanh, bà Trần Uyên Phương và một số cá nhân khác có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án gây thiệt hại cho công ty của ông Lâm số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

    Đến ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.

    Văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi UBND tỉnh Đồng Nai.
    Văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi UBND tỉnh Đồng Nai.

    Ông Trần Quý Thanh là Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, được biết đến với thương hiệu trà giải nhiệt Dr. Thanh và Trần Uyên Phương là con gái của ông Thanh.

    (Theo Tầm Nhìn)

    Nội dung sự việc và hợp đồng giả cách để vay tiền của Kim Oanh

    Theo hồ sơ, năm 2017, công ty cổ phần Kim Oanh Đồng Nai (Kim Oanh) có thỏa thuận mua lại 100% vốn điều lệ của công ty cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai (Minh Thành) của các cổ đông sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp này là ông Phạm Hoàng Minh, bà Hồ Thị Diễm Trang và một pháp nhân cũng do các cá nhân này sở hữu với giá 530 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này bao gồm vốn điều lệ của Công ty Minh Thành và toàn bộ dự án mà công ty này làm chủ đầu tư.

    Một trong những dự án “sáng” nhất của Minh Thành làm chủ đầu tư là dự án bất động sản ở huyện Long Thành (Đồng Nai) với diện tích hơn 56 ha. Ở thời điểm cam kết chuyển nhượng cổ phần, dự án này đã được các cấp có thẩm quyền ở Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, Minh Thành mới chỉ nhận bàn giao đất khoảng 31 ha. Phần diện tích còn lại Minh Thành đang tiếp tục giải phóng mặt bằng và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan. Theo thỏa thuận giữa Kim Oanh và Minh Thành, thì sau khi Công ty Minh Thành hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc chấp thuận đầu tư, quyết định giao đất, phê duyệt thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng của dự án thì ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang sẽ chuyển nhượng 100% cổ phần cho Công ty Kim Oanh.

    Về phương thức thanh toán, Kim Oanh sẽ trả tiền mua cổ phần thành nhiều đợt nhưng sẽ giữ lại 100 tỷ đồng cho đến khi bên bán (Minh Thành) hoàn tất các thủ tục về giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất của dự án và thực hiện xong các thủ tục hành chính liên quan đến dự án.

    Ðến ngày 8/12/2019, phía Kim Oanh đã thanh toán cho Minh Thành là 265 tỉ đồng tương ứng với 50% cổ phần.  Phía Minh Thành cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% cho Kim Oanh. Tiếp đó, biên bản thỏa thuận kí ngày 21/10/2019, hai bên thống nhất: Khi Minh Thành chuyển nhượng đủ 100% cổ phần cho Kim Oanh thì Kim Oanh thanh toán cho Minh Thành 115 tỷ đồng. Khi đó, Minh Thành sẽ bàn giao thực địa 38 ha đất và hồ sơ của 5,3 ha đất cho Kim Oanh.

    Để có tiền thực hiện thỏa thuận này, phía Kim Oanh đã đến gặp bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (thông qua môi giới của một người tự giới thiệu là trợ lý của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) để vay số tiền 350 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng. Tuy nhiên, phía bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích yêu cầu không làm Hợp đồng vay, mượn thông thường. Theo điều kiện của bên cho vay, số tiền 350 tỉ đồng này sẽ được cho vay có bảo đảm bằng 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

    Theo đó, ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang phải ký hợp đồng chuyển nhượng 50% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai cho bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS (công ty do bà Bích và bà Phương chỉ định) với giá 115 tỷ đồng.

    Số tiền 235 tỷ đồng sẽ được chuyển cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai với điều kiện Công ty Kim Oanh Đồng Nai cũng phải ký hợp đồng chuyển nhượng 50% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai đang sở hữu cho bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS.

    Với điều kiện cho vay này, toàn bộ 100% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai được đảm bảo cho khoản vay 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương ký cam kết bán lại cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai số cổ phần trên (bao gồm cả cổ phần mà ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang đứng tên). Khi khoản nợ 350 tỷ này được trả đúng hạn, bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS sẽ trả lại số cổ phần theo cam kết bán lại.

    Phía Kim Oanh phải trả lãi 3 tháng/1 lần (với số tiền 31,5 tỷ đồng/lần). Mỗi lần trả tiền lãi, số tiền này được các cá nhân cho vay hợp thức hóa bằng giấy tờ là “đặt cọc” mua lại số cổ phần trên. Theo giấy đặt cọc này thì hết thời gian thực hiện cam kết mua lại, bên đặt cọc mất số tiền đặt cọc. Đây là hình thức hợp thức hóa số tiền lãi 3% tháng của số tiền 350 tỷ mà Công ty Kim Oanh đã vay.

    Công ty Kim Oanh khẳng định, việc ký hợp đồng mua bán cổ phần chỉ là giả cách theo yêu cầu của bên cho vay. Giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm ký hợp đồng cao gấp nhiều lần con số 350 tỷ nên không có việc các bên mua bán số cổ phần này như những gì thể hiện trên hợp đồng (giả cách).

    Trong quá trình thực hiện hợp đồng giả cách mua bán cổ phần, thực tế là hợp đồng vay nợ 350 tỷ này, Kim Oanh đã chậm thanh toán tiền lãi 1 ngày. Ngay lập tức, Kim Oanh bị phạt số tiền lên đến 35 tỷ đồng.

    Trước sự việc này, phía Kim Oanh và bên cho vay thống nhất thời hạn chấm dứt hợp đồng vay bằng việc đưa ra cam kết thực hiện việc “mua lại cổ phần” theo lộ trình. Theo đó, trước ngày 13/8/2020, nếu Công ty Kim Oanh mua lại cổ phần (tức là trả nợ gốc) thì số tiền phải trả để mua 100% cổ phần là 416,5 tỉ đồng (gồm 350 tỷ tiền gốc, tiền lãi theo kỳ và tiền phạt chậm) . Ðúng hạn theo cam kết, ngày 12/8/2020, thông qua tài khoản cá nhân, Kim Oanh đã chuyển đủ số tiền 350 tỉ đồng tiền gốc vào tài khoản của bà Trần Uyên Phương với nội dung “thực hiện cam kết ngày 28/5/2020” (mua lại cổ phần, bản chất là trả nợ gốc). Người nhận cũng đã xác nhận việc nhận đủ số tiền này.

    Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của Công ty Kim Oanh, chỉ ít ngày sau đó, bà Trần Uyên Phương đã gửi trả lại qua tài khoản số tiên 350 tỷ. Lý do, theo những giấy tờ ký kết, Kim Oanh chỉ có quyền mua lại 50% cổ phần (50% còn lại đứng tên ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang). Theo phía Kim Oanh, phía bà Phương và bà Bích đã mặc nhiên coi những điều ký trong các hợp đồng giả cách (thực tế để hợp thức hóa khoản vay và khoản lãi trong giao dịch giữa hai bên) là hợp đồng với các điều khoản thật để chiếm đoạt số cổ phần của họ tại Minh Thành đặc biệt là dự án ở Long Thành với giá trị cao hơn giá trị khoản vay (350 tỷ) rất nhiều.

    Phía Kim Oanh đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng cũng như cơ quan truyền thông báo chí. Bộ Công an cũng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Ðồng Nai, yêu cầu tỉnh này giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý liên quan Công ty Minh Thành Ðồng Nai để phục vụ điều tra.

    Phản hồi đại diện luật của bà Trần Uyên Phương

    Luật sư, đại diện phía bà Trần Uyên Phương, cho rằng Công ty Kim Oanh Đồng Nai đã hoàn tất toàn bộ việc chuyển nhượng cho bà 50% cổ phần tại Công ty Minh Thành. Việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng là hoàn toàn tự nguyện.

    Văn bản gửi cơ quan báo chí từ văn phòng luật sư- đại diện hợp pháp của bà Phương.
    Văn bản gửi cơ quan báo chí từ văn phòng luật sư- đại diện hợp pháp của bà Phương.

    Theo đó, liên quan đến Công ty CP Bất động sản Minh Thành và đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh Đồng Nai, về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”, văn bản cho biết việc nêu dự án của Công ty Bất động sản Minh Thành (Công ty Minh Thành) có giá trị lên đến 1.000 tỉ đồng là không có cơ sở và dự án này không thuộc sở hữu của Công ty Kim Oanh Đồng Nai.

    Công ty Kim Oanh Đồng Nai đã hoàn tất toàn bộ việc chuyển nhượng cho bà Trần Uyên Phương 50% cổ phần của Công ty Kim Oanh Đồng Nai tại Công ty Minh Thành – chủ sở hữu của dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch, tại xã An Phước Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng là hoàn toàn tự nguyện. Công ty Kim Oanh Đồng Nai cũng đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng; hai bên hoàn tất toàn bộ quyền và nghĩa vụ với nhau.

    Đồng thời, phía luật sự cũng cho rằng thời điểm hiện tại, bà Trần Uyên Phương không nhận được văn bản nào từ phía cơ quan điều tra Bộ Công an liên quan đến dự án này. “Chúng tôi và bà Trần Uyên Phương sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để xác minh làm rõ các thông tin liên quan (nếu có) phù hợp theo quy định của pháp luật” – đại diện luật sư nhấn mạnh.

    Thông tin dự án Kim Oanh Đồng Nai đang tranh chấp

    Khu dân cư – dịch vụ (tạm gọi Khu dân cư – dịch vụ Minh Thành) có tổng diện tích 56,7276 ha, quy mô dân số khoảng 4.350 – 4.500 người.

    Cơ cấu sử dụng đất Khu dân cư – dịch vụ Minh Thành được quy hoạch cụ thể như sau:

    Đất xây dựng nhà ở có tổng diện tích quy hoạch 234.744m2, gồm có 04 loại hình nhà ở: Chung cư 15.000m2, Liên kế phố 43.956m2, Liên kế sân vườn 115.440m2 và Biệt thự 60.348m2;

    Đất công trình dịch vụ đô thị với tổng diện tích quy hoạch khoảng 55.183m2 gồm: Thương mại – dịch vụ 12.839m2, Trường mẫu giáo 7.910m2, Trường tiểu học 8.956m2, Trạm y tế 3.378m2 và Thể dục thể thao 22.100m2;

    Đất cây xanh, mặt nước có tổng diện tích quy hoạch 91.300m2, bao gồm: Cây xanh trong khu ở với diện tích 40.130m2, Cây xanh cảnh quan cách ly dọc sông với diện tích 28.370m2 và Mặt nước với diện tích 21.800m2;

    Đất giao thông có diện tích quy hoạch 181.249m2 gồm: Đất đường giao thông 175.849m2 và Đất sân bãi, bến thuyền 5.400m2;

    Đất khác với diện tích khoảng 4.800m2, bao gồm: Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật 2.400m2, Đất cơ sở tín ngưỡng (miếu thờ hiện hữu) giữ nguyên vị trí và diện tích khoảng 2.400m2.

    Tổng số nhà ở trong dự án gồm 1.181 căn, trong đó, nhà thương mại là 831 căn (có 258 căn hộ)và 350 căn là nhà xã hội. Tầng cao xây dựng tối đa trong khu vực là 12 tầng.

    Khu dân cư – dịch vụ Minh Thành có phía Bắc giáp đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Phía Nam giáp sông Tắt Gò Đa và xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch; Phía Đông giáp đất nông nghiệp; Phía Tây giáp sông Nước Trong và sông Tắt Gò Đa.

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây