Phương án quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Thành phố Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045.
Phạm vi, tính chất và định hướng phát triển trọng tâm
Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện hữu, hiện tại bao gồm 48 đơn vị hành chính cấp xã (30 phường, 01 thị trấn và 17 xã). Ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Đông giáp Thành phố Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa;
- Phía Tây giáp huyện Triệu Sơn và huyện Thiệu Hóa;
- Phía Nam giáp huyện Quảng Xương và huyện Nông Cống;
- Phía Bắc giáp các huyện Thiệu Hóa và huyện Hoằng Hóa.
Quy mô: Diện tích tự nhiên toàn đô thị khoảng 228,28 km2; quy mô dân số toàn đô thị đến năm 2030 khoảng 745.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 95%; tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố 1 triệu dân.
Tính chất đô thị: Là đô thị loại I, thành phố trực thuộc tỉnh; đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa;
Là một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, TDTT của vùng phía Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ;
Là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước, quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội
Định hướng phát triển hạ tầng xã hội
Trung tâm hành chính, chính trị cấp tỉnh và thành phố: Giữ nguyên vị trí trụ sở Tỉnh ủy và các cơ quan Đảng, Đoàn thể cấp tỉnh. Sắp xếp khu vực Hồ Thành để xây dựng lại trung tâm hành chính của tỉnh theo hướng hiện đại, tập trung.
Ổn định trung tâm hành chính chính trị thành phố Thanh Hóa tại khu vực phường Đông Hải (sau khi sáp nhập thì chuyển đổi trung tâm hành chính, chính trị huyện Đông Sơn thành đất công cộng đô thị, quảng trường và nhà ở kết hợp thương mại).
Từng bước di chuyển và hợp khối một số trụ sở cơ quan Sở ngành đang phân tán vào các tòa liên cơ quan để tiết kiệm đất cho các không gian công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố.
Hạ tầng giáo dục: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở đại học gồm Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Đại học Công nghiệp TPHCM, Phân hiệu Đại học Y Hà Nội và các trường cao đẳng hiện có.
Xây dựng Khu đô thị giáo dục quốc tế quy mô 85 ha tại xã Quảng Phú. Quy hoạch quỹ đất khoảng 100 ha bố trí khu giáo dục đào tạo và dịch vụ khoa học công nghiệp tại Khu đô thị Đông Nam.
Cải tạo, nâng cấp các cơ sở đào tạo hiện hữu trong đô thị; xây dựng hệ thống trường phổ thông các cấp và trường mầm non theo quy hoạch, quy mô và chỉ tiêu đạt chuẩn quốc gia. Bố trí quỹ đất khoảng 50 ha, xây dựng 20 cơ sở trường phổ thông trung học (cải tạo nâng cấp 11 trường hiện trạng, xây dựng mới 09 trường theo các khu vực đô thị).
Hạ tầng y tế: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh và khu vực hiện có tại khu vực Nam thành phố; khuyến khích đầu tư các bệnh viện, phòng khám tư nhân chất lượng cao phục vụ nhân dân.
Bố trí quỹ đất khoảng 60÷80ha tại khu vực xã Đông Quang để quy hoạch khu trung tâm y tế chất lượng cao, thu hút đầu tư các bệnh viện ngoài công lập gắn với đô thị dịch vụ theo kèm.
Quy hoạch chuỗi các cơ sở chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng, khu nghiên cứu, tập luyện và chữa bệnh bằng các phương pháp cổ truyền (đông y, nam dược, thiền, khí công, vv…), viện dưỡng lão tại các khu vực yên tĩnh, cảnh quan đẹp gắn kết các hoạt động dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe với du lịch sinh thái.
Hạ tầng văn hóa, thể thao: Xây dựng các cụm thiết chế văn hóa thể thao cấp đô thị gồm: trung tâm văn hóa thể thao thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Hải, trung tâm văn hóa thể thao huyện Đông Sơn tại xã Đông Tiến, thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân tại Khu công nghiệp phía Tây.
Bố trí các công trình thể thao văn hóa cấp xã và trong khu đô thị mới đảm bảo tiêu chuẩn theo quy hoạch phân khu. Tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu liên hợp thể thao tỉnh tại khu vực Đông Nam thành phố gồm hệ thống các công trình thi đấu, tập luyện, trường đua gắn với hệ thống cảnh quan và các dịch vụ khai thác kinh tế thể thao như tổ chức sự kiện, lưu trú và lữ hành thể thao, kinh doanh dụng cụ, thời trang thể thao, cá cược thể thao hợp pháp.
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế
Hạ tầng du lịch: Phát triển đô thị Thanh Hóa thành điểm đến du lịch với các trụ cột chính gồm: du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch công vụ (MICE); là nơi kết nối cụm trọng điểm du lịch thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn – Hải Tiến với các vùng trong và ngoài tỉnh.
Bảo tồn, tôn tạo các vùng cảnh quan, danh thắng và hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện hữu. Hình thành các không gian du lịch gồm:
- Không gian du lịch trung tâm thành phố;
- Không gian du lịch dọc sông Mã;
- Không gian du lịch Hàm Rồng – Núi Đọ và khu vực Rừng Thông;
- Không gian du lịch núi Nhồi (An Hưng);
- Không gian du lịch núi Long – núi Mật Sơn – Bố Vệ;
- Không gian du lịch hồ Rủn, sông Mơ, sông Hoàng và thành Hoàng Nghiêu.
Phát triển các khu vui chơi giải trí gắn với các trung tâm thương mại và du lịch, các công viên chuyên đề như:
- Công viên văn hóa xứ Thanh;
- Khu vui chơi giải trí hồ Kim Quy, sân Golf và công viên vui chơi giải trí tại các khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ và công viên nước tại đô thị Đông Nam thành phố;
- Các vườn thực vật cảnh gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái nông nghiệp tại ven sông Hoàng;
- Công viên các trường đua và dịch vụ cá cược thể thao hợp pháp gắn với khu TDTT tỉnh;
- Công viên triển lãm các sáng tạo mới tại khu đô thị Đông Bắc;
- Các khu vui chơi giải trí khác.
Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng về quy mô và hình thức đáp ứng khoảng 8.000÷10.000 phòng ngủ; xây dựng các khách sạn có chất lượng tốt dọc các tuyến đường chính và xung quanh các quảng trường đô thị;
Quy hoạch các khu đô thị du lịch sinh thái trong khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ và các khu vực có cảnh quan đẹp khác trong đô thị với các hình thức chủ yếu gồm resort, nhà ở có vườn cho thuê và homestay tại các làng xóm dân cư hiện có.
Hạ tầng dịch vụ thương mại: Các cơ sở dịch vụ thương mại đô thị được bố trí theo khu vực hỗn hợp, tuyến phố chính, tổ hợp dịch vụ thương mại, điểm thương mại kết hợp trong các khu đô thị, gồm: Các khu phố dịch vụ thương mại hỗn hợp thuộc khu vực trung tâm các phường Đông Thọ, Nam Ngạn, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Tân Sơn, Đông Hương, Đông Hải, Đông Vệ.
Đây là các phố kinh doanh truyền thống của thành phố được cải tạo, chỉnh trang theo hướng khuyến khích hợp khối, sử dụng hỗn hợp, trở thành các khu phố đi bộ sầm uất, thu hút khách du lịch và thăm quan mua sắm.
Bố trí các cụm công trình hỗn hợp dịch vụ thương mại cao tầng kết hợp văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp dọc theo các đường phố chính đô thị. Bố trí các tổ hợp dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố, gồm các trung tâm thương mại hiện có BigC, Coop.Mart, Nguyễn Kim, Vincom và thu hút các thương hiệu mới.
Ưu tiên các mô hình tổ hợp thương mại mua sắm lớn kết hợp khu du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực cửa ngõ đô thị.
Quy hoạch các chợ đầu mối gồm: chợ đầu mối thực phẩm phía Bắc cầu Nguyệt Viên; chợ đầu mối phía Tây nút giao Đông Minh; chợ đầu mối phía Đông trên đường quy hoạch quốc lộ 10 kết hợp với chợ đầu mối thành phố Sầm Sơn mở rộng. Bố trí các chợ dân sinh khác theo quy hoạch hệ thống chợ.
Bố trí các khu đô thị dịch vụ gắn với các khu chức năng, bố trí các công trình dịch vụ thương mại hỗn hợp gắn với các khu đô thị.
Hạ tầng công nghiệp: Chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp sang hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao với diện tích khoảng 1.500 ha, bao gồm: Phát triển Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga (180 ha) thành KCN sạch, kho tàng và dịch vụ logistic.
Từng bước chuyển đổi Khu công nghiệp Lễ Môn (87,61 ha) sang công nghiệp công nghệ cao sử dụng ít lao động, sau năm 2030 chuyển đổi thành khu phức hợp nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ đô thị. Hình thành các Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa (đất công nghiệp khoảng 650 ha).
Quy hoạch xây dựng trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây thành phố Thanh Hoá với quy mô khoảng 10 ha. Hoàn thiện các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện hữu, diện tích khoảng 200 ha.
Hoàn nguyên môi trường các mỏ khai thác đất sét (tại Đông Quang, Đông Văn, Đông Thịnh, Đông Nam, Đông Phú), mỏ khai thác cát sỏi (Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Hoằng Quang), chuyển đổi thành các khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, khu dịch vụ đô thị theo lộ trình đối với các khu kết thúc khai thác; xác định các vành đai cây xanh cách ly, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các mỏ còn tiếp tục khai thác.
Quy hoạch hạ tầng giao thông Thành phố Thanh Hóa
Hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối ngoại kết nối thành phố Thanh Hóa với các vùng trong và ngoài tỉnh; gồm giao thông đường bộ (QL1A, QL10, QL45, QL47, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường bộ ven biển), giao thông đường sắt (đường sắt Bắc – Nam hiện hữu và đường sắt tốc độ cao);
Tăng cường các tuyến kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển Nghi Sơn. Hoàn chỉnh các trục kết nối trung tâm gồm :
- Đường từ đô thị Hải Tiến đi trung tâm thành phố Thanh Hóa qua Đại lộ Lê Lợi;
- Trục kết nối Nam sông Mã – Nam sông Chu; các trục kết nối Đông – Tây phía Bắc (qua Đại lộ Bắc sông Mã) và phía Nam (qua Đại lộ Võ Nguyên Giáp);
- Tuyến kết nối QL45 đến KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa;
- Tuyến kết nối từ xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn đi xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa;
- Tuyến kết nối từ huyện Thiệu Hóa đến QL47, xã Đông Minh.
Xây dựng mạng lưới đường chính đô thị và đường liên khu vực đáp ứng lưu lượng và khả năng thông hành lớn, nối liền các trung tâm dân cư lớn, các công trình cấp đô thị. Bố trí 06 cầu xây mới và 03 cầu hiện có qua sông Mã, sông Chu. Xây dựng hầm qua đường cho người đi bộ tại vị trí các tuyến đường lớn qua khu vực dân cư đông đúc.
Quy hoạch các cảng gồm: Cảng Lễ Môn là cảng biển công suất 1,5 triệu tấn/năm, cỡ tàu đến 10.000 tấn; cảng Hoằng Lý là cảng hàng hóa nội địa với công suất 500.000 tấn/năm, cỡ tàu đến 500 tấn; cảng du lịch Hàm Rồng.
Hoàn thiện các bến thủy nội địa gồm bến Hoằng Đại, bến Quảng Hưng là các bến tổng hợp. Quy hoạch các nhà ga đường sắt (ga đường sắt hiện có, ga đường sắt tốc độ cao và các ga đường sắt đô thị), bến xe, bãi đỗ xe ngầm hoặc nổi trong đô thị, đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Phát triển giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường để kết nối các khu vực chức năng. Kết hợp sử dụng các tuyến xe bus của tỉnh Thanh Hóa đi qua đô thị Thanh Hóa và bố trí mới các tuyến xe bus nội thị phục vụ giao thông công cộng và khách du lịch. Bố trí dành quỹ đất xây dựng đường sắt đô thị qua trung tâm thành phố kết nối với trung tâm thành phố Sầm Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân và khu đô thị biển Hải Tiến.
BẢN ĐỒ QH THANH HÓA 2021 – 2030
(Quy hoạch thành phố Thanh Hóa)
Xen thêm : Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành phố Thanh Hóa mới nhất