Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) là gì ?

70
Mục lục

    Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ số này được giới thiệu lần đầu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) ngày 21/09/2022, tại Hà Nội.

    Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm: Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo), quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững), tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

    VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước.


    Nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.

    Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt.


    Điều này được phản ánh trong việc các chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ. Một ví dụ về xu hướng này là Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp của EU, cũng như các luật liên quan của EU và các thành viên EU. Việc công khai thông tin ngoài việc mang tính chất quan trọng, cần phải được tin tưởng là chính xác và công bằng.

    Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng, mức độ tham nhũng thấp và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Trong đó, ứng xử của các DN có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.

    Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số pháp quyền của Dự án Tư pháp thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.

    Phó đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman cho rằng, Chỉ số VBII là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân.

    VBII được xây dựng dưới hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

    Theo Baochinhphu.vn và VTV4

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây