Phân biệt cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng

36
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng là khác nhau, đây là quan điểm của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Dường như đang có sự lẫn lộn giữa hai loại hình hoạt động cho vay, quan điểm của ông về vấn đề này?

Trên thị trường có hai loại hình cho vay là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ Luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp. Hay nói cách khác, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước chịu sự điều chỉnh của hai luật. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động với những tiêu chí như hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, room cho vay… đều dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Đối tượng của hai loại hình này đều dưới chuẩn, tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng để tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố rà soát lại.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng đã có những vai trò và hoạt động gì để thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phát triển ổn định, lành mạnh, tuân thủ các quy định của pháp luật?

Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng và đã có 11 công ty tài chính đăng ký tham gia nhằm mục tiêu tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hướng đến xây dựng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp thông lệ quốc tế.

Kế hoạch từ năm 2023 đến hết năm 2025, Câu lạc bộ hướng tới tạo lập không gian làm việc, nhằm xây dựng địa chỉ giao lưu, kết nối, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các thành viên. Các thành viên sẽ chia sẻ các mô hình kinh doanh, có tính liên kết cao, tạo liên minh để giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay nhằm thực hiện đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Trấn áp tội phạm thu hồi nợ bằng hình thức manh động nhưng người dân vay vốn cần phải ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ.

Đồng thời, phối hợp với các Ban chuyên môn của Hiệp hội Ngân hàng, thực hiện kết nối tới các thành viên Hiệp hội Ngân hàng, nắm bắt nhu cầu và định hướng, chiến lược phát triển của các ngân hàng thương mại/công ty Fintech để tìm cơ hội hợp tác phát triển hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng. Tạo cơ sở dữ liệu chung hoạt động phòng chống gian lận về nhân sự, đối tác, khách hàng, nguồn gian lận giúp giảm thiểu thiệt hại của các thành viên Câu lạc bộ, đồng thời tạo sự minh bạch cho hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng.

Trước dư luận về loại hình cho vay cầm đồ những ngày qua, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã chia sẻ với Hiệp hội Ngân hàng những quan ngại về hệ quả có thể là người vay lần khất trả nợ các công ty tài chính tiêu dùng dẫn đến nợ xấu cao… để tìm cách chia sẻ, tháo gỡ khó khăn. Và một trong những mục tiêu quan trọng thời điểm này là truyền thông để người dân hiểu được sự khác biệt giữa hai loại hình cho vay.

Từ phía các công ty tài chính đã có những kiến nghị, đề xuất gì trong thời gian qua đến Hiệp hội Ngân hàng?

Các công ty tài chính tiêu dùng đều thống nhất quan điểm cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu xã hội đen là rất đúng. Nhưng, thực tế như tôi đã đề cập ở trên, các công ty tài chính tiêu dùng quan ngại nhất là câu chuyện thu hồi nợ, bởi tỷ lệ chây ì trả nợ rất cao.


Chúng tôi đã có những cuộc làm việc từ trước Tết Nguyên đán để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, chưa kịp triển khai tiếp vấn đề này thì lại xảy ra câu chuyện của công ty cho vay cầm đồ. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ bàn về vấn đề này để làm sao có những giải pháp phù hợp…

Để thị trường tài chính tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và ổn định, theo ông cần có những hành động gì trong thời gian tới?

Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất hấp dẫn đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong khi các công ty tài chính tiêu dùng mới đạt được mức cho vay trên dưới 200 nghìn tỷ đồng.

Để cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển, tôi cho rằng, từ phía các công ty, cần rà soát đối tượng cho vay phù hợp; chiến lược cho vay gắn kết với chính quyền địa phương sẽ hạn chế được những đối tượng chây ì. Cần học hỏi kinh nghiệm Agribank cho vay tại nông thôn có tỷ lệ nợ xấu tốt, người đi vay ý thức trả nợ rất cao.

Trấn áp tội phạm thu hồi nợ bằng hình thức manh động nhưng người dân vay vốn cần phải ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động; Đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.

Theo Tinnhanhchungkhoan

4.8/5 - (6 bình chọn)


Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
| FACEBOOK
Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

Bài trướcHiểu đúng về ngành kinh doanh bất động sản
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây