Mục lục

    Quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn.

    Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Quảng Ninh

    Trên cơ sở định hướng cấu trúc không gian toàn tỉnh, quy hoạch phân 3 vùng liên huyện để lập và triển khai quy hoạch xây dựng.

    Vùng đô thị Hạ Long

    Phạm vi, quy mô

    Phạm vi bao gồm ranh giới hành chính các địa phương: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều. Trong đó thành phố Hạ Long là trung tâm vùng. Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới.

    Quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người (trong dân số thường trú 1,178 triệu người; dân số quy đổi 722 nghìn người); diện tích khoảng 3.028 km2.


    Diện tích: Khoảng 3.028 km2 (có bao gồm diện tích mặt biển trong địa giới hành chính).

    Động lực phát triển

    Là vùng cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, có khả năng liên kết với với vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng.

    Hạ tầng giao thông liên vùng thuận lợi với đường cao tốc đã được xây dựng, tuyến đường tốc độ cao và đường cao tốc kết nối khu vực phía Tây được dự kiến xây dựng. Các tuyến giao thông đường bộ liên kết với Thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương.

    Có hệ thống cảng biển quy mô lớn như khu bến Yên Hưng (thị xã Quảng Yên), khu bến Cẩm Phả với cảng nước sâu Con Ong – Hòn Nét dự kiến được xây dựng mới.

    Có trung tâm kinh tế lớn của tỉnh là Thành phố Hạ Long, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đã được thành lập với nhiều cơ chế thuận lợi trong thu hút đầu tư.

    Dự kiến phát triển vùng công nghiệp phía Tây quy mô lớn từ Quảng Yên đến Đông Triều, có điều kiện thuận lợi trong liên kết với vùng công nghiệp TP Hải Phòng, Hải Dương, thuận lợi trong liên kết với các cảng biển lớn trong tỉnh và khu vực, qua các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường trục chính mới được dự kiến xây dựng.

    Có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đẳng cấp Quốc tế.

    Vùng tập trung dân số đông nhất tỉnh, có nguồn năng lượng dồi dào, là điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ.

    Tính chất

    Là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, cảng biển, các ngành năng lượng sạch,…

    Hình thành vùng công nghiệp chế biến chế tạo trải dài từ Đông Triều đến Quảng Yên và Hạ Long, thúc đẩy liên kết lao động – việc làm, sản xuất công nghiệp – kinh tế đô thị, công nghiệp – cảng biển, logistics với cảng biển Đầm Nhà Mạc và cảng nước sâu mới Con Ong – Hòn Nét.

    Tăng cường liên kết Thành phố Hạ Long với động lực phát triển mới là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đồng thời tăng cường liên kết theo tuyến phía Tây đến Đông Triều và Thủ đô Hà Nội.

    Tăng cường liên kết vùng đô thị với Hải Phòng để thúc đẩy giao lưu các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo và cảng biển – logistics.

    Định hướng phát triển

    Lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm và phát triển các đô thị quanh vịnh Cửa Lục, hình thành khu vực đô thị trung tâm của vùng và của tỉnh Quảng Ninh.

    Hình thành vùng công nghiệp chế biến chế tạo trải dài từ Đông Triều đến Quảng Yên và Hạ Long, thúc đẩy liên kết lao động – việc làm, sản xuất công nghiệp – kinh tế đô thị, công nghiệp – cảng biển, logistics với cảng biển Đầm Nhà Mạc và cảng nước sâu mới Con Ong – Hòn Nét.

    Tiếp tục phát triển ngành du lịch trên cơ sở bảo vệ tài nguyên du lịch, phát triển ngành du lịch bền vững, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến liên kết đến các vùng du lịch khác trên toàn tỉnh.

    Tăng cường liên kết Thành phố Hạ Long với động lực phát triển mới là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, đồng thời tăng cường liên kết theo tuyến phía Tây đến Đông Triều và Thủ đô Hà Nội. Tăng cường liên kết vùng đô thị với Hải Phòng để thúc đẩy giao lưu các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo và cảng biển – logistics.

    Chú trọng phát triển liên kết hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết đối ngoại với vùng thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, các tỉnh miền núi phía Bắc, hệ thống giao thông liên kết các đô thị nội vùng và giao thông công cộng.

    Vùng đô thị Vân Đồn

    Phạm vi, quy mô

    Phạm vi bao gồm ranh giới hành chính các địa phương: Huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, huyện Cô Tô. Trong đó khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng.

    Quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người (trong dân số thường trú 153,4 nghìn người; dân số quy đổi 170,1 nghìn người); diện tích khoảng 4.145 km2.

    Diện tích: Khoảng 4.145 km2 (có bao gồm diện tích mặt biển trong địa giới hành chính).

    Động lực phát triển

    Hệ thống giao thông liên vùng với 2 tuyến đường cao tốc, sân bay Vân Đồn, là cửa ngõ ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc, khả năng phát triển dịch vụ logistics.

    Có hạ tầng cảng biển phục vụ phát triển công nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ du lịch.

    Có tài nguyên du lịch đa dạng, với biển núi và đô thị ven biển, khả năng hình thành trọng điểm du lịch mới.

    Có hệ thống các đảo có cảnh quan đẹp, một số đảo có thể triển khai hoạt động xây dựng, khả năng phát huy vào phát triển du lịch.

    Có Khu kinh tế Vân Đồn với các cơ chế thu hút đầu tư thuận lợi.. 1.2.3.

    Tính chất

    Là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam.

    Là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.

    Định hướng phát triển

    Phát triển du lịch đa dạng như du lịch biển, núi và du lịch đô thị, với trung tâm là khu vực đảo Cái Bầu, hình thành vùng phát triển tổng hợp du lịch biển – du lịch đô thị – du lịch vùng đồi núi mang tầm cỡ Quốc tế.

    Bố trí hoạt động du lịch theo nhiều phân cấp để nâng cao sức hấp dẫn của vùng với nhiều đối tượng, đồng thời phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ thiên nhiên.

    Tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị ven biển, đô thị biển đảo, hệ thống cảng biển, hình thành trung tâm ngành thuỷ sản, phát triển du lịch biển.

    Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông liên kết đầu mối du lịch với hạ tầng giao thông liên vùng, tăng cường liên kết giao thông với khu vực đồi núi phía Bắc, tăng cường mạng lưới giao thông đường thuỷ, xây dựng cầu và đường bộ liên kết với khu vực biển đảo.

    Phát triển các khu chức năng về dịch vụ vận tải, logistics, thương mại, công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ khác gắn với khai thác động lực là sân bay quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc.

    Vùng đô thị Móng Cái

    Phạm vi, quy mô

    Phạm vi bao gồm ranh giới hành chính các địa phương: Thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu. Trong đó thành phố Móng Cái là trung tâm vùng.

    Quy mô dân số khoảng 418,9 nghìn người (trong dân số thường trú 299,6 nghìn người; dân số quy đổi 119,3 nghìn người).

    Diện tích: Khoảng 2671 km2 (có bao gồm diện tích mặt biển trong địa giới hành chính).

    Hạ tầng giao thông với đường cao tốc và cảng biển quy mô đang được xây dựng, có biên giới trên biển và trên bộ với Trung Quốc, là cửa ngõ ra biển của khu vực miền núi Đông Bắc, cửa ngõ liên kết Đông Nam Á với Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.

    Tập trung phát triển đô thị công nghiệp tại khu vực đồng bằng ven biển và tại các cửa khẩu, đồng thời cần tập trung đầu tư hạ tầng cảng biển, hạ tầng logistics cửa khẩu, hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo…

    Có 3 Khu kinh tế cửa khẩu với các hoạt động giao thương với Trung Quốc ngày càng phát triển. Có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, có thể phát triển du lịch biển và du lịch miền núi, dịch vụ du lịch đô thị.

    Tính chất

    Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh. Là mũi đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại dịch vụ, du lịch.

    Định hướng phát triển

    Tập trung phát triển các ngành kinh tế động lực bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại dịch vụ gắn với cửa khẩu, cảng biển – logistics và du lịch.

    Tăng cường liên kết Móng Cái – Hải Hà để hình thành đô thị lớn trung tâm vùng, hướng đến sáp nhập thành một đơn vị hành chính, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

    Tập trung phát triển đô thị – công nghiệp tại dải đồng bằng ven biển và tại các cửa khẩu; Tập trung đầu tư hạ tầng cảng biển, hạ tầng logistics cửa khẩu, chú trọng kết nối các đô thị, khu kinh tế, cửa khẩu, cảng biển theo tuyến hành lang ven biển và hành lang biên giới;

    Phát triển du lịch biển đảo và mạng lưới giao thông liên kết du lịch biển đảo bằng đường thuỷ, đường bộ và cáp treo. Khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái.

    Quy hoạch vùng huyện tỉnh Quảng Ninh

    Thành phố Hạ Long

    Quy mô dân số 635 nghìn người; diện tích 1.545,9 km2.

    Tính chất: Là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục của tỉnh; là trung tâm dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, cảng biến, dịch vụ logistics trọng điểm của khu vực và quốc tế.

    Định hướng: Thành phố phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đô thị trung tâm của tỉnh, trung tâm tổng hợp thương mại dịch vụ, phát triển du lịch đa dạng về loại hình như du lịch đô thị, du lịch biển, du lịch vùng núi, mở rộng phát triển đô thị với trung tâm là vịnh Cửa Lục;

    Phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Bắc, lấy Vịnh Cửa Lục làm trọng tâm, từng bước khắc phục các tồn tại về môi trường. Khu vực ven Vịnh Cửa Lục ưu tiên phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ.

    Bố trí các cụm trung tâm dự trữ cấp tỉnh, cấp thành phố như hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, công nghệ cao … tại khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục;

    Chuỗi hành lang ven Vịnh Hạ Long tổ chức không gian cảnh quan ven biển, với các công trình kiến trúc điểm nhấn, không gian cộng đồng thân thiện với người dân và du khách; bảo vệ và phát huy giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan khu vực đồi núi phía Bắc, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghệ cao, dịch vụ du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mới.

    Quy hoạch các xã phía Bắc theo mô hình nông thôn mới nâng cao.

    Thành phố Cẩm Phả

    Quy mô dân số 265 nghìn người; diện tích 495,3 km2.

    Tính chất: Là một trong những đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh; là một phần trong chuỗi đô thị ven biển Quảng Yên – Hạ Long – Cẩm Phả – Vân Đồn – Móng Cái để phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển; là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh; là trung tâm hạt nhân của tỉnh Quảng Ninh, gắn kết và nằm trong vùng đô thị Hạ Long; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố Cẩm Phả;

    Gắn kết không gian vịnh Bái Tử Long là đầu mối giao thông quốc tế, quốc gia và khu vực; thế mạnh về công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, cảng biển và công nghiệp hỗ trợ cảng biển, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch biển; là đô thị điển hình trong việc thực hiện cụ thể hóa chuyển đổi phương thức phát triển theo định hướng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

    Định hướng: Cấu trúc phát triển của thành phố theo mô hình đa tâm kết hợp theo 04 dải hành lang, có hạt nhân là các trung tâm tạo thành cực phát triển của thành phố; khu vực phía Tây thành phố hoàn thiện các khu dân cư hiện hữu, mở rộng không gian, phát triển đô thị du lịch;

    Khu vực trung tâm hiện hữu tiếp tục cải tạo nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, hoàn thiện chức năng, phát triển mới không gian đô thị về phía biển; Khu vực công nghiệp hiện hữu hình thành cụm liên hoàn giữa cảng biển Con Ong – Hòn Nét, khu hậu cảng, khu công nghiệp, khu vực đô thị hỗn hợp;

    Khu vực phía Đông thành phố hoàn thiện các chức năng đô thị, bổ sung quỹ đất thuận lợi giao thông để phát triển công nghiệp sạch, ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ, nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao; Khu vực thuộc quy hoạch ngành Than được quản lý theo đồ án riêng trên cơ sở nguyên tắc khai thác vận chuyển an toàn, sạch, khống chế ô nhiễm, ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng thành công viên, phát triển du lịch.

    Thành phố Uông Bí

    Quy mô dân số 250 nghìn người; diện tích 256,8 km2.

    Tính chất: Là trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ; trung tâm y tế và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh; là đô thị có vị trí quan trọng của vùng phía Tây tỉnh Quảng Ninh; là một trung tâm đầu mối giao thông liên vùng và là trung tâm Phật giáo – Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

    Định hướng: Khu vực đô thị trung tâm thành phố Uông Bí hiện hữu phía Bắc Quốc lộ 18 từng bước cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan và không gian đô thị; Khu vực phía Nam QL18 hình thành trung tâm mới của TP Uông Bí với trung tâm hành chính mới, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công viên TDTT tổng hợp và các Khu đô thị mới; phía Tây là cửa ngõ đến khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, phía Đông là đô thị đại học, công viên văn hoá;

    Khu vực phía Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, kết nối khu vực phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao của TX Quảng Yên;

    Khu vực đồi núi phía Bắc phát triển với trọng tâm là khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; khu hoạt động khai thác than phát triển theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hoà với thiên nhiên và cân bằng sinh thái; phát triển các khu dân cư và dịch vụ phục vụ du lịch để khai thác tiềm năng phát triển của khu vực, kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

    Thị xã Quảng Yên

    Quy mô dân số 530 nghìn người; diện tích 333,7 km2.

    Tính chất: Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của tỉnh và của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; Là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực phía Tây Nam của tỉnh và vùng lân cận; gắn kết được các địa phương để tạo động lực phát triển du lịch toàn vùng;

    Là khu vực tập trung các ngành công nghiệp như: Sản xuất các sản phẩm phụ trợ, sửa chữa tàu thuyền; các dịch vụ thương mại và kho vận; chế biến thuỷ sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương;

    Là khu vực năng động phát triển về kinh tế biển, trung tâm là cảng biển; khu công nghiệp hiện đại – khu đô thị thông minh và thân thiện với môi trường; các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

    Định hướng: Mở rộng không gian kết nối về phía Bắc và phía Nam, phát triển trên các trục kết nối với các đô thị và các khu vực động lực phát triển về công nghiệp, du lịch. Phân thành 4 khu vực chính:

    (1) Khu vực công nghiệp công nghệ cao: gồm các khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn kết với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu;

    (2) Khu vực trung tâm thị xã Quảng Yên: gồm khu trung tâm đô thị mới, là trung tâm đô thị đa chức năng, trung tâm hành chính với dịch vụ công cộng và thương mại, phát huy giá trị lịch sử của di tích Bạch Đằng, hình thành cảnh quan của khu vực chính trong hành lang sinh thái dọc sông Chanh;

    (3) Khu vực cảng phía Nam: Khu chức năng chính là các KCN, phát triển kết nối với cảng Lạch Huyện và giao thông đối ngoại, phân chia luồng giao thông hàng hoá và luồng giao thông dân sinh, phát huy không gian xanh sông Rút;

    (4) Khu vực du lịch phía Đông: Bao gồm các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng, bảo vệ rừng ngập mặn, định hướng phát triển là khu du lịch biển, phát triển nông nghiệp trải nghiệm, phát triển các khu resort, đa dạng hoá loại hình du lịch..

    Thị xã Đông Triều

    Quy mô dân số 220 nghìn người; diện tích 396,0 km2.

    Tính chất: Là đô thị cửa ngõ kết nối tỉnh Quảng Ninh với vùng thủ đô Hà Nội, đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ; là một trong những trung tâm văn hoá, lịch sử kết nối với Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện năng của tỉnh Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Quốc gia;

    Phát triển hài hoà và bền vững giữa công nghiệp khai thác than, vật liệu xây dựng, điện, công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hậu cần cảng thuỷ nội địa… và phát triển du lịch dịch vụ gắn với du lịch đồng quê, bảo tồn, phát huy các giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá gốc nhà Trần tại Đông Triều;

    Là một trong những trung tâm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, trung tâm giáo dục đào tạo, du lịch sinh thái, làng nghề của tỉnh Quảng Ninh và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trọng điểm sản xuất chế biến nông nghiệp lớn của tỉnh.

    Định hướng: Không gian phía Đông phát triển khai khoáng, phát triển công nghiệp sạch, dịch vụ hậu cần; Không gian phía Tây phát triển đô thị, nông thôn mới kiểu mẫu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cảnh quan, khu công viên nông nghiệp, công viên sinh thái…;

    Không gian phía Bắc phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái với hệ thống các di tích chùa, đền, lăng Nhà Trần và cảnh quan gắn với các hồ đập, phát triển các khu chăn nuôi tập trung; Phát triển không gian đô thị trung tâm mới ở giữa phường Đông Triều và phường Mạo Khê; tăng cường mạng lưới giao thông trục Đông – Tây, hình thành trung tâm của thị xã Đông Triều.

    Xây dựng trục đô thị trung tâm mới theo hướng Bắc – Nam, liên kết không gian đô thị phía Nam và khu vực du lịch, di tích ở phía Bắc; Quốc lộ 18 hiện tại và đường tốc độ cao hình thành trục liên kết theo phương Đông – Tây.

    Huyện Vân Đồn

    Quy mô dân số 151,6 nghìn người; diện tích 1852,0 km2.

    Tính chất: Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển – đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; Đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững; Khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

    Định hướng: Phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn. Cấu trúc phát triển không gian chia thành 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, và 5 vành đai phát triển: Vành đai nghỉ dưỡng và sinh thái cao cấp; vành đai du lịch và sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí; vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần; vành đai dự trữ phát triển phía Tây.

    Vùng đảo Cái Bầu phát triển tập trung các khu chức năng chính của đô thị và khu kinh tế, phân chia thành: vùng phía Đông phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, các khu chức năng cây xanh, trung tâm văn hoá, công cộng dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch; vùng phía Tây phát triển các khu chức năng về dịch vụ vận tải, logistics, thương mại, công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ khác gắn với khai thác động lực là sân bay quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc; vùng phía Bắc phát triển các khu chức năng về dịch vụ cảng, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

    Quần đảo Vân Hải: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp, gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học. Khu vực phía Bắc thuộc phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long được bảo tồn theo quy định. Khu vực các đảo phía Đông hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp vui chơi giải trí.

    Khu vực các đảo phía Tây phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp. Các đảo đá, đảo sinh thái cho phép khai thác du lịch, hạn chế hoạt động xây dựng công trình.

    Huyện Tiên Yên

    Quy mô dân số 111 nghìn người; diện tích 656,6 km2.

    Tính chất: Là trung tâm văn hóa vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh; Là đô thị đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt – Trung; liên kết, hỗ trợ các trung tâm vùng theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh, cửa ngõ ra biển của các tỉnh biên giới phía Bắc;

    Là khu phát triển công nghiệp, logistics, trọng điểm chế biến, giao dịch nông lâm nghiệp khu vực; xây dựng trung tâm chế biến, phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp khu vực; phụ trợ, dịch vụ cho các khu kinh tế (Móng Cái, Vân Đồn), vùng đô thị Hạ Long và khu vực rừng núi phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh;

    Có vị trí quan trọng trong đảm bảo quốc phòng, an ninh và là vị trí chiến lược trong phòng thủ quốc gia.

    Định hướng: Phát triển dựa trên 03 vành đai, 02 liên kết, 05 vùng phát triển:

    + 03 Vành đai: Vành đai phía Tây tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch, logistic, bảo tồn cảnh quan rừng đầu nguồn; Vành đai động lực tập trung phát triển các trong điểm đô thị, công nghiệp, trung tâm chuyên ngành; Vành Đai ven biển tập trung phát triển đô thị sinh thái, du lịch, phát triển trong điểm thủy sản , bảo tồn cảnh quan rừng ngập mặn.

    + 02 Liên kết: Liên kết theo trục Đông – Tây với Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc thông qua QL4B, cảng mũi Chùa, tuyến cao tốc Lạng Sơn – Quảng Ninh, QL18C liên kết cặp cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn; Liên kết theo trục Đông Nam – Tây Bắc thông qua tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái, QL18C, liên kết các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.

    + 05 Vùng phát triển: Vùng trung tâm Tiên Yên phát triển đô thị, cải tạo các đô thị hiện trạng phát triển mới các đô thị ven sông; Vùng Tiên Lãng phát triển trọng tâm đô thị mới, đô thị sinh thái ven sông và phát triển các trung tâm Thương mại, dịch vụ, trung tâm chuyên ngành; Vùng Đông Ngũ, Đông Hải phát triển Công nghiệp, đô thị sinh thái, du lịch ven biển gắn với bảo tồn rừng ngập mặn; Vùng Yên Than phát triển Logistic, dịch vụ cửa ngõ QL4B, QL18C, cụm công nghiệp, các điểm dân cư mới phát triển du lịch gắn phát triển và bảo tồn cảnh quan rừng; Vùng Hải Lạng là trọng điểm phát triển thủy sản, dịch vụ cửa ngõ trên QL18A, phát triển du lịch khu vực Cái Mắt…

    Huyện Ba Chẽ

    Quy mô dân số 35 nghìn người; diện tích 606,5 km2.

    Tính chất: Là vùng trọng điểm phát triển nông lâm nghiệp, du lịch miền núi gắn với văn hoá các dân tộc, phát triển đô thị bản sắc miền núi;

    Định hướng: Phát triển ngành nghề nông, lâm nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ du lịch; Phát triển ngành nghề chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến nông, lâm sản;

    Phát triển mở rộng tại các điểm trung tâm xã và cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các trạm, trại phục vụ cho phát triển kinh tế chủ lực; Là vùng trọng điểm phát triển nông lâm nghiệp, du lịch miền núi gắn với văn hoá các dân tộc, phát triển đô thị bản sắc miền núi.

    Huyện Cô Tô

    Quy mô dân số 25,5 nghìn người; diện tích 350,0 km2.

    Tính chất: Là khu vực huyện đảo tiền tiêu có kinh tế phát triển, xây dựng đồng bộ; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh; là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hoá lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên với các chức năng vui chơi giải trí tổng hợp, thể thao, dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, môi trường sinh thái…; Là trung tâm hậu cần nghề cá, trung tâm cứu hộ, cứu nạn vùng Đông Bắc.

    Định hướng: Mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô Lớn, Thanh Lân, bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần. Đảo Cô Tô Con không bố trí đất ở; 3 đảo phát triển 3 chức năng bổ trợ cho nhau; Đảo Cô Tô Lớn sử dụng không gian mặt nước vịnh Trường Xuân bổ trợ cho các khu chức năng;

    Đảo Thanh Lân hình thành quỹ đất phát triển du lịch kết hợp cảng khách; Phát triển không gian ở vừa phải, tăng quỹ đất cho hoạt động dịch vụ, giải trí kết hợp nghỉ dưỡng, tăng không gian xanh đệm cho các khu vực chức năng. Kết nối đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân bằng tuyến cáp treo, các điểm kết nối khác bằng tàu thuyền.

    Thành phố Móng Cái – huyện Hải Hà

    Quy mô dân số 320 nghìn người; diện tích 1787,5 km2.

    Tính chất: Là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ;

    Khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh; là đô thị phát triển gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, phát triển du lịch vùng cửa khẩu và du lịch biển.

    Định hướng: Phát triển theo 02 vùng động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà, từng bước hình thành không gian khu kinh tế – đô thị đồng bộ thống nhất với các phân vùng chức năng đặc thù của từng khu vực. Khu vực đô thị dịch vụ tập trung phát triển theo hành lang giới hạn giữa quốc lộ 18 và đường ven biển;

    Khu vực ven biển và đảo phát triển các khu đô thị, khu du lịch, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án sinh thái trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái; ưu tiên tập trung phát triển các dự án dịch vụ du lịch chất lượng cao;

    Khu vực đồi núi phía Bắc quốc lộ 18 đến biên giới Việt – Trung phát triển theo hướng bảo vệ hệ sinh thái đồi rừng, bảo vệ nguồn nước; chuyển đổi hoạt động trồng rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm kết hợp phát triển các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ du lịch.

    Khu vực vành đai biên giới phát triển chuỗi dịch vụ, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, du lịch và nâng cao điều kiện sống của người dân.

    Thành phố Móng Cái được phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm; gồm trung tâm hiện hữu, vành đai dịch vụ đô thị, vành đai chức năng và vành đai sinh thái. Phát triển các trục hướng tâm gắn với các chức năng chủ đạo của khu kinh tế như: trục thương mại Hải Yên – Bắc Luân 3 với trọng điểm là Khu hợp tác kinh tế; trục dịch vụ du lịch từ trung tâm đến Trà Cổ; trục dịch vụ hỗ trợ từ trung tâm tới cảng Vạn Ninh; trục sản xuất công nghiệp công nghệ cao theo hành lang kết nối với Hải Hà; trục dịch vụ sinh thái nông lâm nghiệp hướng Tây.

    Khu vực Hải Hà phát triển mở rộng về phía Tây gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trục kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; về phía Đông gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Phát triển theo cấu trúc mạng ô cờ, sắp xếp lại không gian các khu vực hiện trạng để tạo nên không gian đô thị đồng bộ, hiện đại.

    Khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa và vui chơi giải trí; trong đó ưu tiên bổ sung các khu công viên vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công trình hạ tầng dịch vụ du lịch.

    Quá trình phát triển cần bảo vệ các khu vực rừng phòng hộ ven biển, các điểm di tích văn hóa lịch sử, các khu vực rừng ngập mặn, bãi bồi …

    Khu vực các đảo: Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Nước, Thoi Xanh… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với cảnh quan địa hình, thảm thực vật, hệ sinh thái ven biển. Phát triển các kiến trúc xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, được kết nối dễ dàng băng hệ thống giao thông thủy, cáp treo và các khu dịch vụ bến cảng du thuyền.

    Huyện Đầm Hà

    Quy mô dân số 52,7 nghìn người; diện tích 412,4 km2.

    Tính chất: Là vùng phát triển đô thị có môi trường sinh thái, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật chất lượng cao; là trung tâm sản xuất thủy sản và chăn nuôi; trung tâm lưu giữ và chế biến hàng hóa nông, lâm, thủy sản của vùng; Phát triển mạnh về dịch vụ, thương mại, du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo;

    Định hướng: Vùng rừng núi cao phía Bắc: Ưu tiên phát triển các phát triển kinh tế rừng như trồng rừng, phát triển các loại rừng chuyên dụng, trồng quế, cây ăn quả, khai thác du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, phát triển một số cụm dịch vụ phân tán phục vụ du lịch;

    Vùng đồng bằng ven biển khu vực trung tâm: là khu vực có quỹ đất thuận lợi cho phát triển đô thị, các phân khu chức năng phục vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ…;

    Vùng sinh thái ven biển và hải đảo phía Nam: là khu vực lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng, ưu tiên khai thác hình thành các điểm dịch vụ. Phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung theo phương thức công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Bố trí cảng biển Đầm Buôn phát triển Logistics,…

    Đối với khu vực hải đảo: ưu tiên phát triển các ngành nuôi trông thủy hải sản, đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế biển. Chủ yếu phát triển du lịch sinh thái đảo..

    Huyện Bình Liêu

    Quy mô dân số 46 nghìn người; diện tích 470,7 km2.

    Tính chất: là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh và cấp vùng về kinh tế cửa khẩu mậu dịch biên giới, lâm nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội vùng phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh;

    Điểm hội tụ của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh, kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái rừng và bảo vệ an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới; khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh các tiểu vùng, các xã biên giới và thị trấn.

    Định hướng: Thị trấn Bình liêu là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; là điểm hội tụ văn hóa của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn là đô thị tổng hợp về kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía Bắc tỉnh Quảng Ninh; là trung tâm về thương mại biên giới, công nghiệp phụ trợ, tập kết trung chuyển hàng hóa qua biên giới; phát triển kinh tế dịch vụ và công nghiệp tại khu vực trung tâm đô thị Hoành Mô – Đông Văn;

    Khu vực miền núi: phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, sản phẩn du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương; tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; khai thác hành lang phát triển của tuyến quốc lộ 18C.

    Bản đồ QHVLH Quảng Ninh 2030 (6 MB)

    Bản đồ QHPVCN Quảng Ninh 2030 (18 MB)

    Bản đồ QHPTKG Quảng Ninh 2030 (37 MB)

    Tài liệu: Hồ sơ quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến 2030 (Quyết định phê duyệt, Thuyết minh, Báo cáo tóm tắt, Đánh giá môi trường)

    Bài viết tham khảo : Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050

    Tổng hợp Duan24h.net

     

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây