Mục lục

    Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phân thành 3 vùng liên huyện.

    Vùng 1 (vùng trung tâm tỉnh An Giang)

    Bao gồm TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Thoại Sơn. Trung tâm vùng là TP. Long Xuyên.

    Cơ sở hình thành:

    – Có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên: là vùng đồng bằng châu thổ (vùng nước ngọt phù sa sông Hậu), có hệ thống sông, kênh rạch phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và giao thông đường thủy. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, với điều kiện đặc thù được chia thành 2 tiểu vùng: tiểu vùng thành phố Long Xuyên và tiểu vùng vành đai (huyện Châu Thành, Thoại Sơn).

    – Có các nông sản chiến lược như lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản,…. Tuyến du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, miệt vườn và các di sản.


    – Các huyện, thành phố gần nhau, cùng sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng chung như các công trình xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, cấp điện, thông tin liên lạc, nguồn nước,… có thể dễ dàng liên kết thông qua hệ thống hạ tầng giao thông.

    – Vùng trung tâm là động lực chính để thúc đẩy phát triển các vùng khác phát triển với việc đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, du lịch, tạo việc làm cho lao động của các vùng khác, là nơi tập trung cao lực lượng lao động của tỉnh, là thị trường tiêu thụ các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm trong nông nghiệp của các khu vực khác trong và ngoài tỉnh.

    Tính chất:

    • Là vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh, là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, dịch vụ của tỉnh An Giang.
    • Trung tâm tăng trưởng kinh tế, thương mại dịch vụ tiểu vùng giữa đồng bằng phía Nam sông Hậu; chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, lúa gạo và thủy sản nước ngọt; đầu mối giao thương quan trọng của vùng ĐBSCL và quốc tế.
    • Trung tâm du lịch sinh thái sông nước, văn hóa, lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng… tầm quốc gia.

    Dự báo:

    • Dân số toàn vùng đến năm 2025 khoảng 602.000 người, năm 2030 khoảng 627.000 người, năm 2050 khoảng 703.000 người.
    • Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 70-73%, năm 2030 khoảng 73-75%, năm 2050 khoảng 75-80%.

    Tiềm năng và nguồn lực phát triển vùng

    – Vị trí địa kinh tế:

    • Nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương với TP. Cần Thơ, vai trò trung chuyển của các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia (vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Phnompenh). Là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy của tỉnh và vùng ĐBSCL.
    • Có TP. Long Xuyên là đô thị lớn thứ 2 trong vùng ĐBSCL nên được chú trọng đầu tư các nguồn lực phát triển; đóng vai trò đầu tàu về kinh tế, xã hội trong toàn tỉnh. Các huyện, thành phố trong vùng hỗ trợ nhau cùng phát triển và lan tỏa đến cả tỉnh.
    • Nằm trên các trục hành lang kinh tế – đô thị quốc gia kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng biên giới Campuchia như đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, quốc lộ 91, 91D, N2, cảng Mỹ Thới, Trung tâm logistics,… Đầu mối về cấp nước.

    – Tiềm năng tự nhiên – nhân văn:

    • Tài nguyên đất: đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
    • Tài nguyên nước: nguồn nước mặt dồi dào với sông Hậu, kênh Rạch Giá – Long Xuyên, Cái Sắn, Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, hệ thống kênh rạch chằng chịt,…. thuận lợi cho phát triển sản xuất, du lịch, cung cấp nước cho sinh hoạt và vận tải đường thủy.
    • Tài nguyên cảnh quan đa dạng: vùng đồng bằng cảnh quan sông nước miệt vườn, cù lao Mỹ Hòa Hưng, vùng đồi núi nằm giữa đồng bằng sông nước (núi Ba Thê, núi Tượng, núi Sập) tạo thành các cảnh quan độc đáo, đặc trưng riêng của vùng, là tiềm năng phát triển du lịch.
    • Tài nguyên nhân văn: có lịch sử phát triển lâu đời, là vùng duy nhất của tỉnh có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên) và Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn), tạo nên lợi thế nổi trội về phát triển du lịch. Hiện nay khu di tích Óc Eo – Ba Thê đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, là 1 trong 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh.
    • Tiềm năng về nguồn nhân lực: có nguồn nhân lực lớn, trình độ chuyên môn cao. Có các trường đại học, trung tâm nghiên cứu. Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh và vùng ĐBSCL.

    Hướng phát triển trọng tâm, các trục hành lang kinh tế trọng điểm

    Hướng phát triển trọng tâm:

    – Phát triển vùng trung tâm với động lực phát triển chính là dịch vụ, du lịch, công nghiệp có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác. Hướng đến thành trung tâm dịch vụ, du lịch, công nghiệp, đô thị có quy mô vùng, liên kết không gian dịch vụ, du lịch, công nghiệp, đô thị hóa với các tỉnh, thành phố, khu vực xung quanh và để khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.

    – Phát triển đô thị: vùng đô thị Long Xuyên và vùng phụ cận trên trục quốc lộ 91, N2, đường ĐT.943 (TP. Long Xuyên, TT. An Châu, Vĩnh Bình, Phú Hòa, Núi Sập, Óc Eo, đô thị Cần Đăng). Ưu tiên phát triển TP. Long Xuyên vai trò là đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển toàn vùng và toàn tỉnh; Tập trung phát triển không gian kinh tế Long Xuyên – Phú Hòa – An Châu – Cần Đăng (đô thị – dịch vụ tổng hợp – công nghiệp – du lịch) để hình thành các cực tăng trưởng năng động của vùng và tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các vùng phụ cận khác để tạo thành một khu vực phát triển kinh tế năng động của tiểu vùng giữa đồng bằng thuộc vùng ĐBSCL

    – Phát triển thương mại dịch vụ: Trung tâm thương mại cấp vùng tại TP. Long Xuyên, từng bước phát triển khu thương mại – dịch vụ – đô thị – dân cư và gắn liền với các khu, cụm công nghiệp. Phát triển dịch vụ cảng, logistics tại TP. Long Xuyên.

    – Phát triển du lịch: Sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch nổi trội là 2 khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên), Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, huyện Thoại Sơn).

    – Phát triển công nghiệp: tập trung chủ yếu ở TP. Long Xuyên, khu vực Bình Hòa (huyện Châu Thành), Định Thành (huyện Thoại Sơn) gắn với Trung tâm logistics ở TP. Long Xuyên. Các ngành công nghiệp chính như: chế biến nông thủy sản, lương thực, thực phẩm, may mặc, da giày, hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp điện tử,….

    – Phát triển nông nghiệp: lúa gạo, rau màu, thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của vùng. Phát triển cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tập trung. Hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng khả năng cạnh tranh của nhóm hàng chủ lực. Phát triển nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

    Các trục hành lang kinh tế trọng điểm:

    03 trục hành lang động lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh và liên kết vùng, kết nối đi quốc tế, gồm:

    • Trục hành lang động lực liên kết phát triển theo cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang của vùng ĐBSCL, kết nối cảng biển Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề, TP. Cần Thơ, TP. Châu Đốc, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Đây sẽ là hành lang vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu chính của tỉnh.
    • Trục hành lang động lực liên kết phát triển theo quốc lộ 91: về phía Bắc kết nối TP. Long Xuyên – TP. Châu Đốc – Phnompenh, về phía Nam kết nối TP. Cần Thơ. Trên trục quốc lộ 91 là các đô thị: TP. Long Xuyên, thị trấn An Châu.
    • Trục hành lang động lực liên kết phát triển theo quốc lộ N2: thuộc Hành lang TP. Hồ Chí Minh – Long Xuyên – Rạch Giá, kết nối vùng Tứ giác Long Xuyên, Hà Tiên – Kiên Giang và bán đảo Cà Mau với cả nước. Trên trục là các đô thị: TP. Long Xuyên, thị trấn An Châu, Vĩnh Bình, Tri Tôn, đô thị Cần Đăng, Lương An Trà.

    Các trục hành lang trọng điểm phát triển kinh tế trong tỉnh và liên kết vùng:

    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc lộ 91D: nối từ quốc lộ N1 đến quốc lộ 61C (Hậu Giang), kết nối khu kinh tế cửa khẩu An Giang, đô thị Lương An Trà, thị trấn Óc Eo với TP. Cần Thơ.
    • Trục hành lang ĐT.943: kết nối TP. Long Xuyên, thị trấn Phú Hòa, Núi Sập, Óc Eo.
    • Tuyến đường thủy quốc tế và quốc gia sông Hậu, tuyến rạch Long Xuyên, kênh Rạch Giá – Long Xuyên, Chắc Cà Đao, Ba Thê,…. là các tuyến đường thủy chính trong vùng và tỉnh.

    Động lực phát triển và định hướng phát triển không gian vùng

    Phân vùng phát triển đô thị:

    + Phát triển các đô thị: giai đoạn 2022-2025 nâng cao các tiêu chí đô thị loại I của TP. Long Xuyên, nâng cấp thị trấn An Châu (H. Châu Thành), Phú Hòa (H. Thoại Sơn) lên đô thị loại IV; hình thành đô thị mới Cần Đăng (H. Châu Thành) là đô thị loại V. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu nâng cấp 2 xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng lên thành phường, nâng cấp thị trấn Óc Eo (H. Thoại Sơn) lên đô thị loại IV. Giai đoạn 2031-2050 hình thành 02 thị xã nâng cấp từ 02 huyện Châu Thành, Thoại Sơn là đô thị loại IV.

    + Đô thị trung tâm vùng: TP. Long Xuyên có vai trò là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt. Khai thác tối đa tiềm năng về kinh tế cấp vùng (trung chuyển hàng hóa, du lịch, dịch vụ).

    Phân vùng hệ thống điểm dân cư nông thôn:

    + Cải tạo nâng cấp các trung tâm xã, khu dân cư hiện hữu, phát triển các khu dân cư mới, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển các loại hình nhà ở nông thôn gắn với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhà ở nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với các vùng chuyên canh,… phù hợp với nhu cầu về nhà ở và phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

    + Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu các huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2030: huyện Châu Thành hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2024. Phấn đấu huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2026-2030.

    Phân vùng nông, lâm nghiệp, thủy sản:

    Hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC gắn với mô hình du lịch nông nghiệp.

    Trồng trọt:

    + Quy hoạch cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ. Vùng trồng lúa chất lượng cao ở Thoại Sơn, Châu Thành, lúa Nhật ở Long Xuyên. Vùng trồng rau màu chuyên canh quy mô lớn ở Châu Thành; cây dược liệu ở Thoại Sơn, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tập trung ở Thoại Sơn, Châu Thành.

    + Chuyển dịch đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, gắn với du lịch sinh thái ở Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên). Trên địa bàn Mỹ Hòa Hưng, vùng chuyên canh xoài cát chu quy mô 300ha, vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung quy mô 200- 300 ha.

    + Vùng sản xuất hoa và cây kiểng ứng dụng công nghệ cao tập trung ở thị trấn An Châu, xã Vĩnh Nhuận, Bình Hòa và Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành).

    Chăn nuôi: Quy hoạch các khu trọng điểm về chăn nuôi heo, bò, gia cầm ở xã Cần Đăng, Bình Thạnh, Vĩnh Bình (huyện Châu Thành).

    Lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có ở thị trấn Núi Sập, thị trấn Óc Eo, xã Vọng Đông, An Bình (huyện Thoại Sơn) góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

    Thủy sản: Nuôi cá tra, cá basa (cá thịt) tập trung ở Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành; nuôi tôm (tôm càng xanh) ở Thoại Sơn, Châu Thành; ươm nuôi giống thủy sản ở Thoại Sơn. Bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở khu vực mặt nước bãi bồi ven sông Hậu. Gắn kết với không gian các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản tập trung ở Châu Thành, Long Xuyên.

    Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: xây dựng Khu nông nghiệp sinh học công nghệ cao quy mô 195 ha tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành; Khu phức hợp công nông nghiệp công nghệ cao sản xuất cá tra giống và thương phẩm, quy mô 200 – 1.000 ha ở xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn).

    Phân vùng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

    + Phát triển KCN Vàm Cống 200 ha (Long Xuyên), KCN Bình Hòa 400 ha (Châu Thành), KCN Định Thành 300 ha (Thoại Sơn) kết nối với các cụm công nghiệp như CCN Phú Hòa 25 ha, CCN Định Thành 50,46 ha, CCN Vĩnh Trạch 40 ha (huyện Thoại Sơn), CCN Vĩnh Bình 50 ha, CCN Vĩnh An 5ha, CCN Vĩnh Hanh 5 ha, tại xã Vĩnh Hanh, CCN Hòa Bình Thạnh 55 ha (huyện Châu Thành),….với các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, lắp ráp điện tử,…

    + Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: duy trì phát triển và bảo tồn làng nghề; từng bước mở rộng quy mô, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn.

    Phân vùng du lịch:

    + Vùng trung tâm có lợi thế vượt trội về phát triển du lịch, có 02 trong 04 khu du lịch trọng điểm của tỉnh: khu du lịch Mỹ Hòa Hưng – cồn Phó Ba (Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn). Liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh trong vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh, hình thành các tuyến du lịch cấp vùng ĐBSCL, du lịch xuyên biên giới (sang Campuchia và các nước ASEAN như Lào, Thái Lan).

    + Tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch cộng đồng,… ở cù lao Mỹ Hòa Hưng và cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên). Đầu tư các khu du lịch trọng điểm ở huyện Thoại Sơn:

    • Khu du lịch Núi Sập,
    • Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê;
    • Khu du lịch Núi Trọi, xã An Bình;
    • Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Vĩnh Chánh;
    • Khu du lịch Miếu Thần Nông, xã An Bình (huyện Thoại Sơn);
    • Du lịch vườn, du lịch sinh thái, tham quan,…, tập trung phát triển ở cồn Bình Thạnh.
    • Đầu tư khu ẩm thực tập trung tại An Châu, Bình Hòa (cầu Nhà Lầu), Cần Đăng, ngã ba Lộ Tẻ (huyện Châu Thành).

    Phân vùng không gian bảo tồn (cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử):

    + Bảo tồn cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng sông nước, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan núi. Bảo tồn các góc nhìn và điểm nhìn cảnh quan có giá trị.

    + Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, hoàn tất các thủ tục quy trình đề nghị tổ chức UNESCO công nhận di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới. Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, các làng nghề truyền thống ở TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, Thoại Sơn.

    Vùng 2 (vùng phía Đông tỉnh An Giang)

    Bao gồm TX. Tân Châu, huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới. Trung tâm tiểu vùng là TX. Tân Châu và TT. Chợ Mới.

    Cơ sở hình thành:

    – Có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên: là vùng cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, trong đó tiểu vùng cù lao thượng lưu (An Phú và Tân Châu) và tiểu vùng cù lao hạ lưu (Phú Tân và Chợ Mới). TX. Tân Châu là trung tâm toàn Vùng 2 và là trung tâm tiểu vùng cù lao thượng lưu, TT. Chợ Mới là trung tâm tiểu vùng cù lao hạ lưu. Hệ thống sông, kênh rạch kết nối với nhau phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và giao thông đường thủy trên sông Tiền, sông Hậu, sông Châu Đốc.

    – Là vùng phát triển mạnh về nông nghiệp, thủy sản, có tài nguyên đất phù sa màu mỡ và giàu nguồn nước ngọt, nguồn lao động dồi dào, có điều kiện phát triển nông nghiệp đa ngành. Có đường biên giới giáp Campuchia với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, thuộc khu kinh tế cửa khẩu An Giang và kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, thuận lợi để phát triển kinh tế biên giới.

    – Có các nông sản chiến lược như lúa gạo, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản,… tăng cường khả năng giao thương. Tuyến du lịch gắn với cảnh quan sông nước, miệt vườn và kết nối tuyến với tỉnh Đồng Tháp.

    Tính chất:

    • Là trung tâm thương mại dịch vụ, sản xuất quan trọng ở phía Đông Khu kinh tế tỉnh An Giang. Là đầu mối giao thông thủy, bộ của khu vực, điểm trung chuyển hàng hóa giao thương qua biên giới Campuchia và các nước ASEAN.
    • Là vùng nông nghiệp chuyên canh, nuôi trồng thủy sản.
    • Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng biên giới Tây Nam.

    Dự báo:

    • Dân số toàn vùng đến năm 2025 khoảng 799.000 người, năm 2030 khoảng 814.000 người, năm 2050 khoảng 885.000 người.
    • Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35-40%, năm 2030 khoảng 40-45%, năm 2050 khoảng 50-55%.

    Tiềm năng và nguồn lực phát triển vùng

    Vị trí địa kinh tế:

    + Có vị trí đầu nguồn của tỉnh An Giang, giáp với Campuchia, vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biên giới của tỉnh, đồng thời là 1 trong 2 cửa khẩu đường sông duy nhất với Campuchia (cùng với cửa khẩu Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp).

    + Nằm trên các trục hành lang kinh tế – đô thị quốc gia, vùng kết nối với vùng biên giới Campuchia như quốc lộ 91C, 80B, 80C, N1 (đoạn Tân Châu – Châu Đốc), tạo động lực phát triển, kết nối giao thương giữa vùng TP. Hồ Chí Minh đến khu vực biển Tây (Kiên Giang) với khoảng cách ngắn hơn qua cầu Vàm Cống.

    + Có tuyến đường thủy sông Tiền, sông Hậu vận tải liên vận quốc tế, liên vùng. Có lịch sử phát triển thương mại dịch vụ và hậu cần thương cảng cho tàu bè quá cảnh theo sông Mêkong đi Phnôm Pênh – Siêm Riệp.

    Tiềm năng tự nhiên – nhân văn:

    + Tài nguyên nước: nguồn nước mặt dồi dào với sông Tiền, sông Hậu, sông Phú Hội, sông Châu Đốc, sông Vàm Nao, kênh Tân Châu, Thần Nông, rạch Ông Chưởng,…. thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, du lịch, sản xuất, sinh hoạt, vận tải đường thủy. Nguồn nước ngọt có quanh năm, không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

    + Tài nguyên tự nhiên, nhân văn: nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, có khu du lịch Cù Lao Giêng, các di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo như chùa Giồng Thành, thánh đường Mubarak,.. Có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước và kinh tế cửa khẩu, làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm Chăm ở xã Châu Phong, tơ lụa Tân Châu ở phường Long Châu),…. Cù Lao Giêng là điểm dừng chân cho khách đường thủy quốc tế tuyến Cần Thơ – Phnompenh, TP. Hồ Chí Minh – Mỹ Tho – Phnompenh.

    Huyện Chợ Mới nằm trong Trung tâm du lịch trọng điểm Long Xuyên – Châu Thành – Chợ Mới. Ngoài ra còn có hồ Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu, thuộc huyện An Phú, cũng là tiềm năng phát triển du lịch.

    + Vùng nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản.

    Các trục hành lang kinh tế trọng điểm

    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ 91C: kết nối với TP. Châu Đốc và vùng kinh tế cửa khẩu Khánh Bình.Trên trục quốc lộ 91C là các đô thị: Thị trấn An Phú, Long Bình, đô thị Đa Phước.
    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ N1: thuộc Hành lang thành phố Hồ Chí Minh – Châu Đốc – Hà Tiên (Kiên Giang), kết nối TP. Châu Đốc và TP. Tân Châu.
    • Trục hành lang kinh tế quốc lộ 80B: nối từ quốc lộ 80 (TP. Sa Đéc) đến cửa khẩu Vĩnh Xương và hướng đi TP. Phnom Penh. Đây là trục phát triển đô thị chủ đạo của vùng 3 gồm: TP. Tân Châu, thị trấn Phú Mỹ, Chợ Vàm, Chợ Mới, Mỹ Luông, đô thị Hội An.
    • Trục hành lang kinh tế quốc lộ 80C: nối từ quốc lộ N2 (TP. Sa Đéc) đi qua quốc lộ 91 nối vào quốc lộ 30C (Đồng Tháp), rút ngắn khoảng cách từ phía Bắc của tỉnh với TP. HCM, thúc đẩy khu vực phía Đông của tỉnh phát triển.

    Động lực phát triển và định hướng phát triển không gian vùng

    Phát triển vùng đô thị trên trục quốc lộ 91C, N1, 80B, 80C (TP. Tân Châu, thị trấn An Phú, Long Bình, đô thị Đa Phước, thị trấn Phú Mỹ, Chợ Vàm, đô thị Hòa Lạc, thị trấn Chợ Mới, Mỹ Luông, đô thị Hội An).

    Phát triển nông nghiệp (trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, rau màu, cây ăn trái), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao gắn với mô hình du lịch sinh thái,…. Trồng lúa nếp ở Phú Tân, rau màu chuyên canh quy mô lớn ở Chợ Mới, An Phú, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tập trung ở Chợ Mới, An Phú.

    Vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ở Chợ Mới, vùng nuôi cá tra, cá basa ở Phú Tân, ươm giống thủy sản ở Tân Châu, Phú Tân. Bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở Búng Bình Thiên, sông Vàm Nao đoạn Chợ Mới – Phú Tân, mặt nước bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu.

    Thương mại dịch vụ, kinh tế biên giới là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Xây dựng và thu hút đầu tư ở khu Kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương với khu phi thuế quan, trung tâm thương mại biên giới. Hình thành trung tâm phân phối hàng hoá cấp vùng tại TP. Tân Châu trước khi xuất sang Campuchia và các nước ASEAN, tiến đến hình thành trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia tại khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.

    Phát triển du lịch sinh thái, sông nước, cồn bãi, du lịch ẩm thực, văn hóa lịch sử, danh thắng gắn với tâm linh, tham quan các làng nghề truyền thống (làng Chăm Châu Phong; lụa Tân Châu,…).

    Phát triển công nghiệp – TTCN: xây dựng KCN Hội An, Cụm công nghiệp Long Châu, Châu Giang, Vĩnh Xương, Long Bình, An Phú,…Khu vực huyện Chợ Mới, Phú Tân với ngành công nghiệp chế biến rau màu, hoa quả, lương thực, thực phẩm với trung tâm là KCN Hội An, có nguyên liệu là vùng chuyên canh rau màu Chợ Mới, nông thủy sản ở khu vực lân cận. Khu vực Phú Tân, Tân Châu, An Phú hình thành các cụm CN xay xát, chế biến gạo/nếp (Phú Tân).

    Phía Bắc Tân Châu phát triển cụm CN chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng cho thị trường xuất khẩu Campuchia.

    Vùng 3 (vùng phía Tây tỉnh An Giang)

    Bao gồm TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Trung tâm tiểu vùng là TP. Châu Đốc.

    Cơ sở hình thành:

    – Là khu vực có điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển tương đồng, hạ tầng kết nối khá thuận lợi. Về điều kiện tự nhiên: là vùng bán sơn địa giáp Campuchia, mang tính đặc trưng của vùng Tứ giác Long Xuyên (có đồi núi giữa đồng bằng rộng lớn).

    Huyện Tịnh Biên, Tri Tôn thuộc vùng Bảy Núi – Thất Sơn kéo dài đến thị trấn Núi Sập, huyện
    Thoại Sơn (Vùng 1). Vùng ngập sâu phía Bắc tỉnh An Giang gồm thị trấn Tịnh Biên, Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), dự báo gia tăng ngập trong điều kiện BĐKH, cần quản lý ngập và trữ nước.

    – Về kinh tế: phát triển kinh tế biên giới khu vực Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và gắn kết với Khu kinh tế cửa khẩu Kiên Giang, nông nghiệp đặc thù thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Bảy Núi (lúa đặc sản, hoa màu, cây ăn trái, nấm, cây dược liệu,…).

    – Là vùng tập trung các tài nguyên du lịch nổi tiếng của tỉnh và quốc gia, có cảnh quan hồ, rừng, núi, hang động, phát triển du lịch tâm linh – hành hương, du lịch sinh thái,..

    Tính chất:

    • Là trung tâm du lịch tầm quốc gia, trung tâm thương mại dịch vụ vùng biên giới Tây Nam.
    • Là đầu mối giao thông thủy, bộ của khu vực phía Bắc tỉnh An Giang, điểm trung chuyển hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Campuchia.
    • Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.

    Dự báo:

    • Dân số toàn vùng đến năm 2025 khoảng 540.000 người, năm 2030 khoảng 549.000 người, năm 2050 khoảng 587.000 người.
    • Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 50-57%, năm 2030 khoảng 70-75%, năm 2050 khoảng 75-80%.

    Tiềm năng và nguồn lực phát triển vùng

    Vị trí địa kinh tế:

    + Vị trí cửa ngõ trung chuyển của vùng ĐBSCL qua Campuchia, các nước ASEAN. Nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang thuộc vùng biên giới Tây Nam, có các đô thị hạt nhân như TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Kiên Giang. Là vùng động lực để phát triển kinh tế biên giới của tỉnh.

    + Có TP. Châu Đốc là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh nên được chú trọng các nguồn lực đầu tư phát triển. Có huyện Tịnh Biên dự kiến phát triển thành thị xã trong giai đoạn 2021 – 2025, là 1 trong các cực tăng trưởng mạnh phía Bắc gắn kết với TP. Châu Đốc. Các địa phương trong vùng hỗ trợ nhau cùng phát triển và lan tỏa đến cả tỉnh.

    + Là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy của tỉnh và vùng ĐBSCL, khu vực đầu nguồn sông Mekong. Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia giao thương giữa vùng TP. Hồ Chí Minh đến khu vực biển Tây (Kiên Giang) với khoảng cách ngắn hơn qua cầu Vàm Cống.

    Có đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, quốc lộ 91, N1, N2, 91D, đường ĐT.943, ĐT.955B, ĐT.948. Về đường thủy có tuyến sông Hậu vận tải liên vùng quốc tế, quốc gia, sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, kênh Bờ Sáng, kênh Đào, kênh Tri Tôn, Ba Thê, Tám Ngàn, Cần Thảo, … Trên sông Hậu có cảng Bình Long là bến tổng hợp, bến khách, cảng cạn (ICD).

    Tiềm năng tự nhiên – nhân văn:

    Tài nguyên đất: đa dạng về thổ nhưỡng, phù hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, rau màu, cây ăn trái, cây dược liệu.

    Tài nguyên nước: nguồn nước mặt sông Hậu, kênh Vĩnh Tế, Tri Tôn, Ba Thê, kênh Mới, kênh Huệ Đức, Tám Ngàn, Cần Thảo, kênh 10 Châu Phú, kênh ranh An Giang – Kiên Giang,… thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, du lịch, sinh hoạt, vận tải đường thủy. Tuy nhiên vẫn còn một số khu vực cục bộ ở vùng cao (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên) khó khăn về nguồn nước do kênh nội đồng chưa hoàn chỉnh và thiếu các hồ thủy lợi.

    Tài nguyên cảnh quan, tài nguyên rừng: địa hình độc đáo hiếm có bao gồm cảnh quan núi, rừng, hang động, đồng bằng rất thuận lợi để phát triển du lịch như: rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Tri Tôn, núi Sam, núi Cấm, núi Ông Két, núi Phú Cường, núi Dài Năm Giếng, núi Tô, núi Tà Pạ,… Đồng thời tạo ra cấu trúc đô thị Châu Đốc độc đáo – duy nhất ở ĐBSCL (sông, kênh rạch – núi Sam và dãy Thất Sơn, có các làng nổi trên sông), biểu tượng cho lịch sử trị thủy – khai phá – khẩn hoang – tín ngưỡng nổi bật.

    Tài nguyên nhân văn: có các di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị cao, các lễ hội truyền thống đặc sắc, nổi bật, văn hóa đa dạng của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, văn hóa sông nước phong phú gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất biên giới Tây Nam như: Miếu Bà Chúa Xứ, hệ thống lăng miếu đền chùa xung quanh, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, lễ hội đình Châu Phú, hội đua bò Bảy Núi, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer, sản xuất đường thốt nốt,…

    Hiện nay tỉnh đang lập hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

    Vùng nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản.

    Các trục hành lang kinh tế trọng điểm

    • Trục hành lang kinh tế quốc gia cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: kết nối cảng biển Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề, TP. Cần Thơ, TP. Châu Đốc, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên; là hành lang vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu chính của tỉnh.
    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ 91: về phía Bắc kết nối TP. Hà Tiên, TP. Phnompenh, về phía Nam kết nối TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ. Trên trục quốc lộ 91 là các đô thị: TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, thị trấn Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung, đô thị Mỹ Đức.
    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ N1: thuộc Hành lang thành phố Hồ Chí Minh – Châu Đốc – Hà Tiên (Kiên Giang), kết nối TP. Tân Châu, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, thị trấn Ba Chúc.
    • Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ N2: trên trục là các đô thị: thị trấn Tri Tôn, đô thị Lương An Trà.
    • Trục hành lang kinh tế quốc lộ 91D: trên trục là đô thị Lương An Trà, thị trấn Óc Eo, TP. Cần Thơ.
    • Trục hành lang ĐT.943 – ĐT.948: trên trục là TX. Tịnh Biên, thị trấn Tri Tôn, Cô Tô, Phú Hòa, Núi Sập, Óc Eo, TP. Long Xuyên.

    Động lực phát triển và định hướng phát triển không gian vùng

    Phát triển vùng đô thị trên trục quốc lộ 91, N1, N2, 80C, 91D (TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, thị trấn Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung, đô thị Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc, Cô Tô, đô thị Lương An Trà).

    Phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế biên giới tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cửa khẩu Vĩnh Ngươn, Vĩnh Gia. Xây dựng địa bàn kinh tế mở, nằm trong chuỗi logistics giữa Việt Nam và Campuchia.

    Vùng thuộc 2 trung tâm du lịch chính của tỉnh là Trung tâm du lịch Châu Đốc (bao gồm Châu Đốc và An Phú, Tân Châu) và Trung tâm du lịch Tịnh Biên – Tri Tôn. Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn kết nối Phú Quốc, TP. HCM, Siem Riep (Campuchia), là nơi trung chuyển khách liên tuyến quốc tế Việt Nam – Campuchia. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch tâm linh là sản phẩm du lịch chủ đạo.

    Phát triển du lịch tâm linh, lễ hội, văn hóa tín ngưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh, tham quan mua sắm, làng nghề truyền thống, du lịch sông nước, đất ngập nước và sinh thái núi. Các khu, điểm du lịch chính như :

    • Khu du lịch văn hóa tâm linh Cáp treo núi Sam,
    • Công viên văn hóa núi Sam (TP. Châu Đốc),
    • Khu du lịch Núi Cấm,
    • Thiền viện chùa Phật lớn,
    • Rừng Tràm Trà Sư,
    • Cánh đồng Thốt Nốt,
    • Miễu Bà Bàu Mướp,
    • Chùa Phật nằm (TX. Tịnh Biên),
    • Khu du lịch nông nghiệp và tâm linh Hồ Tà Pạ (H. Tri Tôn),
    • Khu di tích văn hóa lịch sử Trần Văn Thành (H. Châu Phú),…

    Phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch thông minh.

    Phát triển công nghiệp tập trung (KCN Bình Long, KCN Xuân Tô, cụm CN Mỹ Phú, Bình Mỹ, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Tế, An Phú, An Cư, An Nông,…) với công nghiệp xay xát, chế biến gạo, nếp ở Châu Đốc, chế biến thủy sản (cá tra là chủ lực) ở Châu Phú, sản xuất, chế biến thịt, sữa, sản phẩm từ thịt, sữa; chế biến dược liệu từ vùng nguyên liệu tại chỗ ở khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên.

    Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn (trồng lúa, rau màu, cây ăn trái (xoài, nhãn, chuối, cây có múi), cây dược liệu,….), mô hình vườn du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng CNC. Trồng lúa thơm, lúa jasmine ở Châu Phú, lúa đặc sản, lúa hữu cơ – lúa Nàng Nhen ở Tri Tôn, Tịnh Biên, bảo tồn lúa mùa nổi ở Tri Tôn.

    Trồng rau màu chuyên canh quy mô lớn ở Châu Phú, Tri Tôn, cây dược liệu ở Tri Tôn, Tịnh Biên, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tập trung.

    Vùng nuôi cá tra, cá basa (cá thịt) nuôi tôm (tôm càng xanh), ươm nuôi giống thủy sản tập trung ở Châu Phú. Bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở khu vực rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Bình Minh. Không gian phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản tập trung ở Châu Phú.

    Hồ sơ QH tỉnh An Giang 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net – Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện tỉnh An Giang

    (Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện tỉnh An Giang : Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn.)

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây