Mục lục

    Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện tỉnh Long An giai đoạn năm 2021 – 2030 được chia làm 3 vùng liên huyện.

    Liên kết giao thông vùng

    Theo định hướng của quy hoạch vùng tỉnh Long An, về tổng quan, khung phát triển vùng tỉnh Long An gồm các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế và quốc gia như sau:

    • Trục hành lang Quốc lộ 1, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường sắt tốc độ cao nối trung tâm thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An với thành phố Cần Thơ trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
    • Hành lang trục vành đai 3 và 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh kết nối Long An với quốc tế qua sân bay quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải.
    • Trục hành lang đường Hồ Chí Minh, đường N1 kết nối Long An với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, các trục hướng tâm nối trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
    • Tuyến đường N2 kết nối các tuyến vành đai vùng TP HCM với các huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Thạnh và xa hơn là vùng đồng bằng sông cửu Long. Đây cũng là một tuyến quan trọng kết nối các tỉnh khu vực trung tâm Long An với hai vùng kinh tế trọng điểm.
    • Trục hành lang Quốc lộ 62 qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp kết nối vùng Đồng Tháp Mười với hành lang Xuyên Á.
    • Trục hành lang kinh tế – đô thị quốc gia Quốc lộ 50: nối thành phố Hồ Chí Minh với vùng công nghiệp cảng Cần Giuộc và tỉnh Tiền Giang.
    • Trục hành lang kinh tế đường thủy quốc gia: Hệ thống giao thông thủy như sông Soài Rạp, sông VCĐ, sông VCT, sông Cần Giuộc kết nối thành phố Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long.
    • Các hệ thống giao thông vành đai, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các tuyến hướng tâm… nằm trong các giai đoạn phát triển (2021 – 2025), (2026- 2030) và (sau 2030), một số các tuyến đường kết nối khác vẫn đang trong quá trình nâng cấp. Từ đó có thể thấy, để đảm bảo một mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, thì cần những lộ trình dài trong 10 – 15 năm tới.

    Cấu trúc không gian các vùng đô thị – công nghiệp tập trung

    – Vùng đô thị – công nghiệp trung tâm vùng tỉnh bao gồm thành phố Tân An, đô thị Bến Lức, thị trấn Thủ Thừa và các khu, cụm công nghiệp trong khu vực như cụm công nghiệp Tân An, Lợi Bình Nhơn, khu công nghiệp Phúc Long, Vĩnh Lộc 2, Nhựt Chánh, Thuận Đạo, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, khu công nghiệp công nghệ cao ở Bến Lức, các cụm công nghiệp gắn với các đô thị.

    – Vùng đô thị – công nghiệp cảng Cần Giuộc bao gồm các đô thị Cần Đước, đô thị Cần Giuộc và khu công nghiệp cảng cặp sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp. Các khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, Cầu Tràm, Tân Kim, Nam Tân Tập, Long Hậu, Long Hậu 3, … và các cụm công nghiệp gắn với các đô thị.

    – Vùng đô thị – công nghiệp Đức Hòa, Hậu Nghĩa. Trong vùng có các khu công nghiệp Đức Hòa I, Đức Hòa III, Xuyên Á, Tân Đức, Tân Đô, Hải Sơn, Hựu Thạnh, các cụm công nghiệp Liên Minh, Liên Hưng, Hoàng Gia, Nhựa Đức Hòa,….


    – Vùng đô thị Đông Thành, Hiệp Hòa, Mỹ Quý, trong đó có khu công nghiệp DNN – Tân Phú, các cụm công nghiệp gắn với đô thị.

    – Vùng đô thị – công nghiệp Kiến Tường gắn với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An. Các cụm công nghiệp tập trung Kiến Tường, Bình Phong Thạnh.

    – Vùng đô thị – công nghiệp gắn với các các trung tâm huyện lỵ trong vùng Đồng Tháp Mười theo dạng tuyến như Vĩnh Hưng– Tân Hưng, Thạnh Hóa – Tân Thạnh

    Vùng 1 ( Vùng liên huyện Đức Hòa – Bến Lức)

    Vùng liên huyện 1 tiếp giáp trực tiếp với thành phố Hồ Chí Minh ở phía Đông Bắc, nằm trên hệ thống hành lang phát triển phía Tây Bắc của vùng thành phố Hồ Chí Minh. Trục xương sống của vùng liên huyện số 1 là tuyến đường vành đai 4 bao quanh vùng trung tâm TP Hồ Chí Minh. Các trục xuyên tâm đóng vai trò quan trọng là cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Quốc Lộ 1A, quốc lộ N2.

    – Là vùng có địa hình tương đối cao so với toàn tỉnh Long An, đặc biệt là khu vực huyện Đức Hòa, chủ yếu hiện nay vẫn sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Vùng liên huyện Đức Hòa – Bến Lức không có đất lâm nghiệp hoặc rừng bảo tồn, do đó thuận lợi cho việc chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm tận dụng lợi thế vùng ven TP Hồ Chí Minh.

    • Quy mô: 71.297 ha
    • Dân số: 499.317 người
    • Phạm vi gồm toàn bộ ranh giới hai huyện Đức Hòa – Bến Lức.

    Hướng phát triển trọng tâm:

    Việc xác định vùng liên huyện giữa Đức Hòa và Bến Lức dựa trên các định hướng phát triển chung và những tiềm năng trong tương lai. Giai đoạn ngắn hạn, tỷ trọng nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên trong tương lai, khi những tuyến đường quan trọng được hình thành, mà trọng tâm là đường vành đai 4, sẽ tạo ra một hướng phát triển kết nối rất quan trọng giữa vùng liên huyện Đức Hòa – Bến Lức với cảng Hiệp Phước, thúc đẩy sự phát triển mạnh của hoạt động giao thương về nông nghiệp, công nghiệp giữa Đức Hòa – Bến Lức và khu vực cảng. Lợi thế về thu hút đầu tư cũng gia tăng đáng kể.

    Xác định trục quan trọng nhất của vùng liên huyện Đức Hòa – Bến Lức là trục vành đai 4 và vành đai 3, các định hướng phát triển sẽ chú trọng tập trung vào việc kết nối hiệu quả giữa các vùng sản xuất với 2 tuyến đường vành đai. Điều đó có nghĩa là sẽ tập trung xây dựng và sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường kết nối trong khu vực phân bổ không gian và định hướng phát triển hệ thống mạng đô thị lấy 2 trục đường vành đai này là trọng tâm.

    Hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư. Địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn phải thuận tiện giao thông và phù hợp phong tục tập quán. Định hướng phát triển công nghiệp và du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng của vùng. Thêm vào đó là phát triển các trường cao đẳng, dạy nghề… các bệnh viện, trung tâm y tế, công trình văn hóa thể dục thể thao trong toàn vùng, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn.

    Vùng 2 (Vùng liên huyện Cần Đước – Cần Giuộc)

    Vùng 2 nằm trong ranh giới 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Tiếp giáp khu đô thị Đông Nam TP Hồ Chí Minh và hành lang phát triển QL 50 – sông Soài Rạp, thuận lợi về mặt giao thông thủy theo tuyến sông Vàm Cỏ – sông Soài Rạp, ngoài ra vùng liên huyện thuộc Khu kinh tế ven biển Long An do vậy có thế mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, cảng, logistics và thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc hàng ngày, nhận chuyển giao công nghệ từ TP Hồ Chí Minh.

    • Quy mô: 43.559ha
    • Dân số: 403.846 người
    • Phạm vi gồm toàn bộ ranh giới hai huyện Cần Đước – Cần Giuộc.

    Tính chất vùng :

    • Là vùng phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp; vùng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao; trong đó thế mạnh là công nghiệp và dịch vụ cảng.
    • Là đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối với các vùng tỉnh, thành lân cận.
    • Là khu vực có tiềm năng trở thành hệ sinh thái công nghệ cao với sự tích hợp chuỗi cung ứng sâu rộng bao gồm công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

    Mục tiêu và các chiến lược phát triển:

    • Phát triển mạnh đô thị hóa và các dịch vụ đô thị, dịch vụ logistics. Vùng liên huyện Cần Đước – Cần Giuộc còn nhiều dư địa về đất đai nên có nhiều ưu thế phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, các loại hình công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ logistics.
    • Tập trung xây dựng và phát triển vùng rau an toàn, phát triển thủy sản nước lợ theo hướng bền vững và hiệu quả, gần các khu vực sông Soài Rạp, tận dụng hệ thống kênh rạch chằng chịt trong vùng.
    • Kết nối tuyến với các loại hình du lịch theo tuyến ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
    • Phát triển cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là hệ thống đào tạo nghề phục vụ công nghiệp
    • Phát triển và chuyển dịch nguồn nhân lực khu vực nông thôn.
    • Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng xã nông thôn mới.
    • Ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn hóa và sản xuất công thưong nghiệp.

    Hướng phát triển trọng tâm:

    Vùng liên huyện Cần Đước – Cần Giuộc nằm trong khu vực thuận lợi kết nối các hành lang kinh tế đô thị Quốc tế – Quốc gia như đường Xuyên Á, cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, và các đường vành đai 2,3,4, đang hoàn thành và sẽ đưa vào hoạt động.

    Nằm trong vùng phát triển công nghiệp đứng thứ 3 của tỉnh với thế mạnh các ngành công nghiệp.

    Là khu vực có thế mạnh về phát triển lương thực, có các loại hình sản xuất đặc trưng: rau màu, lúa đặc sản, chăn nuôi gia cầm, nuôi tôm nước lợ.

    Về giao thông:

    Kết nối thuận lợi với các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc tế – Quốc gia. Có kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Tp. HCM – Cần Thơ, đường Xuyên Á, quốc lộ 50 và các đường vành đai 3 và 4 của TP.HCM.

    Có hệ thống giao thông thủy Quốc gia (sông Soài Rạp) hệ thống cảng sông và cảng biển.

    Nằm kề bên cảng Hiệp Phước, là điểm kết của tuyến vành đai 4. Nằm tiếp giáp sông VCĐ nên giao thông đường thủy khá thuận tiện.

    Về tài nguyên tự nhiên, nhân văn:

    Vùng Huyện Cần Đước – Cần Giuộc có tài nguyên đất đai có tiềm năng sản xuất chuyên canh lúa, phát triển thương hiệu nông sản.

    Có hệ thống sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ và các sông rạch chằng chịt thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản.

    Huyện có tiềm năng về nguồn nhân lực: nguồn lao động trẻ, có khả năng đào tạo, phục vụ phát triển KTXH.

    Phát triển các khu, cụm công nghiệp :

    Với lợi thế về vị trí – sát TP Hồ Chí Minh và nằm trong hành lang phát triển QL.50 – sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, bao gồm chuỗi quy hoạch đô thị, công nghiệp, logistics từ cảng Hiệp Phước về cảng Long An;

    Vùng huyện này còn có quỹ đất phát triển các cụm công nghiệp khá dồi dào; đồng thời các trục phát triển trong tương lai như: vành đai 3, đường vành đai 4, các trục đường hướng tâm trong đó có quốc lộ 50 mới, đường Tân Tập – Long Hậu, tuyến đường thủy sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, vùng liên huyện này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư.

    Dựa vào định hướng phát triển chung của tỉnh và những tác động đến huyện Cần Giuộc, các khu – cụm công nghiệp tập trung cao phía Đông của huyện và một phần phân tán trên địa bàn Huyện.

    Vùng Liên huyện 3 (Vùng liên huyện Châu Thành – Tân Trụ)

    Là vùng phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Long An bao gồm huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, vùng phụ cận phía đông của thành phố Tân An.

    – Vị trí địa kinh tế: Là trung tâm tỉnh Long An, gần kề về phía đông của TP. Tân An là đô thị loại I cấp vùng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An. Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và vùng : đường bộ và đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, gần đường vành đai 4, có đường 62B đi qua; hành lang kinh tế đường thủy quốc gia (sông VCĐ, VCT,…).

    • Quy mô: 26.160ha
    • Dân số: 177.003 người
    • Phạm vi gồm toàn bộ ranh giới hai huyện Châu Thành – Tân Trụ.

    Phát triển đô thị:

    – Hình thành vùng đô thị với TP. Tân An là đô thị hạt nhân của toàn vùng. Trong định hướng tương lai, Tân An sẽ phát triển theo hướng là một đô thị Đa chức năng, hỗ trợ cho sự phát triển của toàn vùng, là đối trọng với các đô thị lớn như Mỹ Tho… Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho Vùng liên huyện Châu Thành và Tân Trụ khi có thể đóng vai trò vùng ven đô, cung cấp các dịch vụ, nhân lực cho sự phát triển của TP Tân An trong tương lai.

    Phát triển công nghiệp, cảng:

    – Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít ô nhiễm.

    – Nằm tại vị trí giao nhau của sông VCĐ và VCT, hợp lưu của sông Vàm Cỏ, đây là vị trí thuận lợi cho định hướng phát triển về dịch vụ giao thông đường thuỷ. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao thông thuỷ trong vùng sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của Vùng 3, giảm tải cho hệ thống giao thông bộ, tận dụng được lợi thế vùng, lợi thế về mạng lưới giao thông thuỷ, kênh rạch chằng chịt của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Phát triển thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giải trí cao cấp :

    – Phát triển các trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho thành phố Tân An.

    – Phát triển và đẩy mạnh các ngành dịch vụ du lịch liên quan đến sông nước, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng nằm ven sông. Tận dụng lợi thế của khu vực Lưỡng Hà, vùng giữa 2 con sông lớn để khai thác các giá trị về cảnh quan, sinh thái và khí hậu.

    – Đóng vai trò là vùng phát triển nông nghiệp chủ lực của vùng tỉnh Long An.

    – Đến năm 2030 sẽ trở thành một Trung tâm nông nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao. Đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái.

    – Phát triển vùng phát triển du lịch sinh thái đặc trưng ven sông VCT, văn hóa địa phương đặc sắc.

    – Là vùng có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa thân thiện với môi trường.

    – Phát triển cụm công nghiệp – TTCN: Chủ yếu ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ sạch nhằm làm tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường

    – Phát triển hệ thống giao thông đối ngoại liên kết vùng liên huyện 3 với các vùng lân cận để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế huyện như: tuyến đường trục động lực TPHCM- Long An- Tiền Giang; đường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam (song hành QL 50).

    Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và nuôi trồng thủy sản :

    – Phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao : Hình thành các vùng chuyên canh cây nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như lúa, thơm, chanh, mía, đậu phộng, rau an toàn, …, vùng chuyên canh trồng lúa đặc sản, nếp ngắn ngày, thanh long, dưa hấu ở huyện Châu Thành.

    – Khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mô hình nuôi tôm thẻ trắng; mô hình chăn nuôi trang trại

    Đinh hướng phát triển vùng liên huyện dọc các trục động lực

    Đường vành đai 3 (Định hướng giai đoạn 2021 – 2025)

    Đường vành đai 3 hướng đến giải quyết nhu cầu giao thông kết nối các đô thị vệ tinh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo đột phá về hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

    Dự án đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách TP.HCM bố trí hơn 24.000 tỉ đồng.

    Theo kế hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý 3/2022, hoàn thành vào quý 2/2024; dự kiến khởi công trong quý 4/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

    Các điểm kết nối quan trọng giữa đường vành đai 3 với Long An là tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường 50B, kết nối với đường tỉnh 838, 822 với cửa khẩu Mỹ Quý Tây. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2026, đường vành đai 3 sẽ góp phần thúc đẩy các đô thị vệ tinh gần TP HCM như Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc.

    Đường vành đai 4 (Định hướng giai đoạn 2021 – 2025)

    Dự Án Đường Vành Đai 4 TPHCM có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành là: TP Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011, là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60-80 km/giờ.

    Vành đai 4 là một tuyến đường có quy mô Quốc gia. Khi đi vào hoạt động, các dịch vụ sẽ phát triển tạo thành một vùng đô thị phát triển nối liền với TP HCM. Sự phát triển đô thị, dịch vụ ở khu vực hai bên đường Vành đai 4 kéo theo tác động kinh tế ở vùng phụ cận. Nhờ vậy, không chỉ mặt tiền hưởng lợi mà các vùng nằm sâu phía trong cũng sẽ phát triển.

    Ngoài ra, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

    Hòa nhập Quốc tế chính là mục tiêu chiến lược của đường Vành đai 4, do tuyến đường này kết nối thẳng với cảng Cát Lái, sân bay Long Thành lại là trung tâm trung chuyển hàng hóa của miền Nam.

    Trục ven quốc lộ 50B (Định hướng giai đoạn 2021 – 2025)

    Quốc lộ 50B có điểm đầu từ cuối đường Phạm Hùng, Thành phố Hồ Chí Minh, theo hướng nam sang địa phận huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành thuộc tỉnh Long An. Tuyến được đầu tư xây mới để tạo ra quỹ đất trống góp phần chỉnh trang và mở rộng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội.

    Cùng với hệ thống đường đã và sẽ có trong khu vực, tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thuận tiện và đồng bộ tại các tỉnh mà tuyến đi qua. Tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển hai bên đường và là cơ hội khuyến khích phát triển cơ cấu đô thị đa cực.

    Trục song song quốc lộ 62 (Định hướng giai đoạn 2026 – 2030)

    Quốc lộ 62 là con đường chạy hoàn toàn trong tỉnh Long An, từ Thành phố Tân An đến thị xã Kiến Tường, dài 76,5 km. Quốc lộ 62 bắt đầu từ ngã 3 giao với quốc lộ 1A, phường 2, Thành phố Tân An, đi qua các huyện, thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười gồm: Thủ Thừa, Thạnh Hoá, Tân Thạnh, Mộc Hoá, Kiến Tường và kết thúc tại cửa khẩu Bình Hiệp, Thị xã Kiến Tường.

    Tuyến QL62 là tuyến giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng của tỉnh nối cả vùng Đồng Tháp Mười với trung tâm TP.Tân An cũng như trục giao thông quan trọng của các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang đến TP.HCM. Hiện nay, nhu cầu vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường ngày một tăng cao, nhu cầu vận chuyển nông thuỷ hải sản từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên TP HCM gia tăng, gây ách tắc cho tuyến QL62, nhất là khi đây là tuyến đường độc đạo kết nối Đồng bằng sông Cửu Long lên TP HCM.

    Khu vực phía Nam QL 62 có dư địa cho việc phát triển. Hiện nay, theo định hướng của Tỉnh, với việc gia tăng tần xuất lưu thông hàng hoá và sản phẩm từ cửa khẩu cũng như vùng ĐB sông Cửu Long lên phía Bắc, nhằm tránh việc phụ thuộc vào tuyến đường độc đạo là QL 62, sẽ cần phát triển một tuyến bổ sung nhằm giải quyết vấn đề giao thông trong tương lai, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các khu vực phía Tây và Tây Nam.

    Trục QL 62 mới song song với tuyến QL 62 về phía Nam, tận dụng dư địa sẵn có, cũng như bổ sung thêm quỹ đất phát triển đô thị mới, công nghiệp, dịch vụ, sẽ đóng vai trò như một trục động lực quan trọng góp phần kết nối Đông – Tây. Định hướng không gian dọc theo tuyến mới này sẽ chủ yếu phát triển các khu chức năng đô thị dịch vụ, đô thị công nghiệp, kho vận lưu trữ và trung chuyển hàng hoá.

    Đường kết nối Mỹ Quý tây – Lương Hoà – TP HCM (Định hướng giai đoạn 2026 – 2030)

    Cửa khẩu Mỹ Quý Tây là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, thông thương với cửa khẩu Sam Rông tỉnh Svay Rieng – Campuchia.

    Cùng với sự phát triển kinh tế của các khu vực lân cận, sự ổn định về an ninh quốc phòng, việc kết nối và đảm bảo liên thông giữa cửa khẩu Mỹ Quý Tây và các tuyến đường vành đai, tuyến Lương Hòa – Bình Chánh và xa hơn là kết nối đến đường vành đai 3 TP. HCM sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu vực lân cận dọc theo tuyến đường.

    Các tuyến đường vành đai 3, 4 của vùng TP HCM được xác định là những trục lan toả và thúc đẩy sự phát triển của những đô thị vệ tinh của TP HCM. Thông qua các trục động lực này, các vùng sản xuất và vùng nguyên liệu sẽ được mở rộng cũng như dễ dàng tiếp cận về phía Tây, tăng cường giao thương buôn bán giữa Việt Nam – Capuchia.

    Dọc tuyến quốc lộ N1 (Định hướng giai đoạn 2030 – 2050)

    Quốc lộ N1 là trục giao thông thứ năm (bốn tuyến còn lại là Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 60) và quốc lộ N2 kết nối hệ thống đường hành lang ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long dọc biên giới Tây Nam Việt Nam.

    Đầu tuyến đường N1 kết nối với điểm cuối tuyến Quốc lộ 14C tại thị trấn Hậu Nghĩa huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Lộ trình tuyến qua Đức Huệ – Mỏ Vẹt xã Thuận Bình và Xã Tân Hiệp – Bình Hiệp – Tân Hồng – Hồng Ngự – Tân Châu – Châu Đốc – Tịnh Biên – Hà Tiên, qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.

    Tổng chiều dài của tuyến đường N1 là 235 km.

    Tuy đóng vai trò quan trọng với an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế vùng biên quốc gia, nhưng tuyến quốc lộ N1 và N2 vẫn đang chưa được nâng cấp đúng mức do các yếu tố về địa hình, nhiều sông ngòi kênh rạch.

    Năm 2020, 5 cây cầu được thông xe đã chính thức giúp thông tuyến N1 đoạn Đức Huệ – Thạnh Hóa. Từ Đức Hòa xuống Thạnh Hóa thay vì chỉ có 1 tuyến duy nhất theo đường N2 như trước đây nay có thể rẽ sang tuyến N1 đoạn này để về đến thị trấn Thạnh Hóa.

    Tuy nhiên, tuyến đường N1 đoạn từ Mỏ Vẹt xã Thuận Bình, Thạnh Hóa nối vào quốc lộ 62 ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường đến nay vẫn còn chưa huy động được vốn triển khai. Với vai trò quan trọng như vậy, việc hoạch định tuyến N1 như là 1 trục động lực phát triển là một định hướng đúng đắn. Giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng:

    • Lưu thông của nhân dân vùng phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười lên TP.HCM. Góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế của khu vực phía Tây tỉnh Long An khi rút ngắn được thời gian di chuyển gia tăng khả năng vận chuyển hàng hoá.
    • Thúc đẩy các thành phần kinh tế cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan và lưu chuyển hàng hoá giữa 2 nước.
    • Đảm bảo các lợi ích quốc gia về an ninh quốc phòng.

    Hồ sơ QH tỉnh Long An 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net

    (Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Long An : Tân An, Kiến Tường, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng.)

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây