Lý lịch tư pháp (LLTP) là gì? Những trường hợp nào cần xin phiếu xác nhận lý lịch tư pháp? Duan24h.net sẽ tổng hợp gửi đến bạn đọc hiểu rõ hơn về thủ tục hành chính này.
Lý lịch tư pháp là gì ?
LLTP là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản (Luật sư Nguyễn Đại Hải – Công ty luật TNHH Fanci).
Vì thế mục đích của việc yêu cầu cấp giấy xác nhận LLTP là để biết một người nào đó có thuộc diện bị cấm nêu trên hay không; hoặc có bị phạt theo quy định của pháp luật hay không…
Nội Dung Đề Xuất
Nội dung phiếu lý lịch tư pháp
Nội dung phiếu lý lịch tư pháp số 1
– Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
– Tình trạng án tích:
+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
+ Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
– Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.
Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2
– Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
– Tình trạng án tích:
+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;
+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.
– Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
(Điều 42, 43 Luật Lý lịch tư pháp 2009)
Người lao động có cần xin LLTP ?
Khoản 4 Điều 3 của Luật Lý lịch tư pháp đã quy định việc quản lý LLTP chỉ nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo luật sư Hải, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng, quy định tại điều 16 Bộ luật Lao động, không đề cập thông tin về án tích là nội dung bắt buộc người lao động phải cung cấp. Vì thế, nếu căn cứ LLTP mà để xem xét có tuyển hay không là xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến quyền được lao động, do chính sách của Nhà nước về lao động là “không được phân biệt đối xử”.
Xin cấp phiếu lý lịch tư pháp ở đâu ?
Người dân có thể xin cấp phiếu LLTP qua hai hình thức: nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc làm online qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh, thành phố.
Nếu làm trực tiếp, bạn nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú.
Thời gian nhận kết quả 10-15 ngày, lệ phí 200.000 đồng, hoặc 100.000 đồng với người thuộc đối tượng miễn giảm; riêng trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, hộ nghèo… không mất phí.
Hướng dẫn (thủ tục) làm lý lịch tư pháp online :
Bước 1: Tuy cập vào địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/….
Bước 2: Chọn Tỉnh, thành phố. Sau đó chọn “Đồng ý”
Bước 3: Chọn “Nộp trực tuyến”
Bước 4: Chọn loại tài khoản đăng nhập
Bước 5: Tiến hành đăng nhập
Bước 6: Hệ thống sẽ tự động chuyển về Cổng thông tin địa phương mà công dân đã chọn tại bước 2. Quý khách hàng cần làm theo hướng dẫn trên Cổng thông tin của mỗi địa phương, Người dân sẽ tiến hành thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Tổng hợp bởi Duan24h.net (Vnexpress.net, Thuvienphapluat.vn)