Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959 tại Nam Đinh, ông là người sáng lập, điều hành Coteccons những ngày đầu từ năm 2004 đến khi từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT năm 2020. Hiện tại ông là Chủ tịch sáng lập của hệ sinh thái đa ngành gồm: Ricons, Newtecons, Sol E&C, BM Windows, Boho Decor, Design & Build Việt Nam và Areus Atelier.
Mâu thuẫn làm tan rã hệ sinh thái Coteccons Group
Ông Nguyễn Bá Dương từng có thời gian 5 năm làm việc tại Bộ Xây dựng và 12 năm tại Công ty Công nghiệp nhẹ số 2 (Descon), ông đã gia nhập Coteccons vào năm 2002. Trong thời gian ông Dương lãnh đạo, Coteccons đã từ một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trở thành một tổng thầu thiết kế và thi công hàng đầu, hoạt động từ Bắc vào Nam.
Dưới sự chèo lái của một người giàu kinh nghiệm như ông Dương, Coteccons từ một doanh nghiệp non trẻ đã nhanh chóng phát triển và bùng nổ để trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Việt Nam.
5 năm sau khi thành lập, Coteccons quyết định niêm yết cổ phiếu trên HoSE từ tháng 1/2010 vốn điều lệ thời điểm đó là 184,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng này đạt gần 16.199 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần thời điểm mới lên sàn cách đây 10 năm.
Thực tế, mâu thuẫn bắt đầu “nhen nhóm” từ khi Ban lãnh đạo Coteccons đưa ra phương án sáp nhập các công ty con điển hình là Unicons và Ricons. Một mặt nhằm tận dụng thế mạnh của nhau để tối đa hóa lợi ích công ty đồng thời có thể pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại.
Động thái này khiến cổ đông ngoại Kusto rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu đồng ý sáp nhập thì tỷ lệ sở hữu sẽ bị giảm xuống do nhóm cổ đông ngoại không có cổ phần tại các công ty con. Nếu không đồng ý sáp nhập, tài nguyên của Coteccons sẽ bị phân tán sang các công ty thành viên mà nhóm cổ đông ngoại không có lợi ích ở đó.
Mâu thuẫn giữa Kusto với Coteccons trở nên gay gắt hơn từ năm 2017 khi cổ đông ngoại này bất ngờ can thiệp vào HĐQT Coteccons yêu cầu thay đổi chính sách ESOP đồng thời phản đối quyết định sáp nhập Ricons (công ty mà Coteccons chiếm giữ 15% cổ phần) dù đã sáp nhập thành công Unicons trước đó.
Đỉnh điểm vào năm 2019, Kusto đã yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ), kiểm toán các công ty thành viên. Lý do mà Kusto đưa ra là có sự xung đột lợi ích giữa các nhà quản trị điều hành của Coteccons với các công ty thành viên trong tập đoàn.
Say đó, ngày 02/06/2020, Kusto một lần nữa đòi triệu tập ĐHĐCĐ bất thường và yêu cầu thay nhà sáng lập kiêm chủ tịch Coteccons và toàn bộ ban điều hành từ chức để bầu HĐQT mới.
Trước động thái này, phía Coteccons cũng có những phản ứng gay gắt và cho rằng những cáo buộc vô căn cứ trong văn bản của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh công ty.
Mâu thuẫn tưởng chừng không thể thỏa hiệp bất ngờ tìm được lối thoát khi ông Nguyễn Bá Dương muốn rút khỏi HĐQT Ricons. Về phía Coteccons, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng từ nhiệm Thành viên HĐQT, nhường chỗ cho đại diện The8th và Kusto.
Mặt khác, Ricons cũng thay đổi nhận diện thương hiệu, không còn trong Coteccons Group và tuyên bố phát triển hệ sinh thái Ricons Group với 8 thương hiệu khác nhau và đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE ngay trong năm 2021 dưới sức ép từ cổ đông ngoại Dragon Capital.
Việc ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Coteccons được nhận định là dấu chấm hết cho hệ sinh thái mang tên Coteccons Group với Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… có mối quan hệ qua lại mật thiết và từng được marketing cùng nhau.
Ông Bolat Duisenov đã tiếp quản vị trí Chủ tịch của Coteccons sau khi ông Nguyễn Bá Dương dời đi.
Sự trở lại của thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương và đế chế mới
Trở thành chủ tịch sáng lập hệ sinh thái đa ngành
Từ khi rời khỏi vị trí quan trọng tại Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã không có bất kỳ lần xuất hiện nào trực tiếp trước truyền thông. Tuy vậy, tên tuổi của ông vẫn là một điểm nổi bật, thu hút sự chú ý của dư luận mỗi khi xuất hiện trong các thông tin liên quan đến hệ sinh thái xây dựng.
Đầu năm 2021, chỉ vài tháng sau khi rời Coteccons, ông Dương trở lại ánh sáng khi tham gia lễ công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh của hai doanh nghiệp xây dựng hàng đầu: Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons (trước đây là Xây dựng FDC) và Công ty cổ phần Vật liệu và Giải pháp SOL E&C.
Giữa năm 2022, ông cùng các lãnh đạo cũ của Coteccons như ông Trần Kim Long và ông Nguyễn Sỹ Công tham gia sự kiện Newtecons về việc thay đổi mô hình quản trị theo chuẩn quốc tế. Tại sự kiện này, ông Dương tham gia vào quyết định bổ nhiệm ông Võ Thanh Liêm làm Tổng giám đốc Newtecons, bắt đầu từ tháng 6/2022.
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ông Dương tiếp tục xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của SOL E&C và Newtecons, trong đó có lễ tổng kết và kế hoạch kinh doanh cho năm 2023. Sự xuất hiện của ông Dương thể hiện sự quan tâm và tham gia tích cực trong việc xác định hướng phát triển của hai công ty này.
Mới đây, vào ngày truyền thống (03/08/2023), ông Nguyễn Bá Dương gửi một bức thư đến cán bộ nhân viên trong hệ sinh thái. Với tư cách là Chủ tịch sáng lập, ông Dương gửi thư tới 7 công ty trong hệ sinh thái, bao gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, BM Windows, Boho Decor, Design & Build Việt Nam và Areus Atelier.
Triết lý kinh doanh và tương lai
Trong bức thư, ông Dương nhấn mạnh triết lý kinh doanh đã được duy trì từ những ngày đầu thành lập. Triết lý này bao gồm việc không thắng thầu bằng mọi giá, cam kết làm được những gì đã hứa, và luôn đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu. Dù ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, hệ sinh thái vẫn duy trì hoạt động hiệu quả và không ngừng phát triển.
Ông Dương cũng chia sẻ tâm huyết cá nhân khi khuyến khích cán bộ nhân viên nhiệt tình dấn thân và đam mê công việc. Ông cho biết dù đã có tuổi, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc khi đến công ty mỗi ngày. Ông hy vọng mỗi người trong hệ sinh thái hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với tập thể, từ đó hệ sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thư của ông Dương xuất hiện trong một thời kỳ các công ty trong hệ sinh thái đạt được nhiều thành công đáng kể. Đáng chú ý là việc nhiều công ty trúng gói thầu quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của ngành xây dựng.
Ricons đã tham gia liên danh và trúng gói thầu 9.000 tỷ đồng để xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. Newtecons và SOL E&C, trong liên danh Vietur, đã chiến thắng liên danh Hoa Lư (bao gồm Coteccons) để trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 1 của nhà ga sân bay Long Thành.
Không chỉ hoạt động trong nước, các công ty trong hệ sinh thái của ông Dương còn mở rộng ra nước ngoài. BM Windows đã thành công trong việc cung ứng mặt dựng cho các tòa tháp tại Canada và Campuchia, chứng tỏ sự phát triển và uy tín của hệ sinh thái này.
Như vậy, ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục đóng góp vào sự phát triển và thành công của hệ sinh thái xây dựng thông qua sự tham gia tích cực và triết lý kinh doanh định hướng.
Tổng hợp bởi Duan24h.net (nguồn: Dân Trí, Bizlive)