Quy hoạch vùng Trung Du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
Update: Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phụ lục kèm theo.
Vị trí địa lý và phạm vi quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm:
Nội Dung Đề Xuất
- Toàn bộ phạm vi lập quy hoạch và những vấn đề của cả nước, quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng lớn đến vùng;
- Những nội dung liên vùng như kết nối của vùng TDMNPB với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và với cả nước;
- Các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng của vùng kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng cả nước và quốc tế được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ranh giới quy hoạch:
- Phía Bắc giáp với các địa phương cấp tỉnh là Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc;
- Phía Tây giáp Lào;
- Phía Đông và phía Nam giáp vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Diện tích tự nhiên của toàn vùng là 95.200 km2, chiếm 28,66% về diện tích tự nhiên cả nước. Vùng TDMNPB có hơn 1.500 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam là những khu vực đang phát triển khá năng động của Trung Quốc và có khoảng 560 km, giáp với 2 tỉnh khó khăn nhất của Lào là Phong Sa Lỳ và Hủa Phăn với 7 cửa khẩu quốc tế và 10 cửa khẩu quốc gia.
Vùng TDMNPB là vùng có nhiều tiềm năng về thuỷ điện, khoáng sản, cây công nghiệp và rừng, song cũng là vùng có địa hình phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kém, kinh tế chưa phát triển.
Hành lang phát triển vùng
Hình thành và phát triển 06 hành lang kinh tế theo trục dọc hướng tâm gắn với việc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và Hải Phòng, trong đó có 04 hành lang kinh tế chính, 02 hành lang kinh tế bổ trợ; 03 tuyến hành lang theo trục ngang, kết nối Đông – Tây vùng TDMNPB. Cụ thể:
(1) Các hành lang kinh tế theo trục dọc
– Hành lang kinh tế Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng: Là tuyến hành lang kinh tế lớn, nằm trong khu vực phát triển của Tiểu vùng IV. Đây là hành lang kinh tế gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và QL1A từ Lạng Sơn đến Hà Nội. Là hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng, kết nối với hầu hết các cực tăng trưởng.
Định hướng phát triển: Phát triển, hoàn thiện một số tuyến cao tốc quan trọng của vùng như để tăng cường kết nối các địa phương trong vùng với Thủ đô Hà Nội và các vùng khác. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đảm bảo kết nối giữa các cực tăng trưởng và các vùng lãnh thổ trên các tuyến hành lang, tạo điều kiện phát triển vận tải đa phương thức thông qua sự kết nối giữa trục đường bộ Bắc – Nam với các địa phương, các trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ trên toàn tuyến lang; đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt trên toàn tuyến và đáp ứng nhu cầu thông tin của các địa phương lân cận; hình thành và phát triển hợp lý mạng lưới đô thị trên dọc tuyến hành lang. Phát triển đô thị, công nghiệp (khu công nghiệp) và các ngành, lĩnh vực; xây dựng các trung tâm y tế, giáo dục của cả nước, các trung tâm dịch vụ, thương mại quốc gia và vùng.
– Hành lang Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng: Tuyến hành lang kinh tế lớn của Tiểu vùng III. Định hướng phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghiệp ô tô, xe máy, các sản phẩm máy móc thiết bị phức tạp, độ chính xác cao.
– Hành lang Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên: Đây là hành lang kinh tế phía Tây gắn kết các địa phương Tiểu vùng I với vùng ĐBSH và Thủ đô Hà Nội. Tuyến hành lang có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh thuộc Tiểu vùng I, là cửa ngõ liên kết với hành lang kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây ở phía Bắc. Toàn bộ hành lang kinh tế này được kết nối bằng hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có tuyến Quốc lộ 6 từ Hòa Lạc đến TP. Sơn La; đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình – Sơn La đang được triển khai xây dựng, trong đó đoạn Hòa Lạc – Hòa Bình có chiều dài 25,7 km đã hoàn thành đưa vào khai thác, đoạn Hoà Bình – Sơn La có chiều dài 189,5 km dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021- 2025.
Định hướng phát triển: Dự kiến đây sẽ là hành lang tăng trưởng xanh của khu vực miền Bắc, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ vận tải, hình thành chuỗi liên kết cung ứng – tiêu thụ nông sản trong vùng, liên kết các đô thị với các trung tâm du lịch, kết nối, tạo điều kiện phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng Tây Bắc.
– Hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng: Vùng ảnh hưởng trực tiếp gồm 8 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Lào Cai đến Hải Phòng (bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng). Đây là tuyến hành lang kết nối Tiểu vùng II với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng) và là tuyến kết nối ra biển gần nhất của Tiểu vùng II. Hành lang kinh tế này có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng phía Bắc và cả nước, tăng cường hợp tác quốc tế với vùng Tây Nam Trung Quốc và rộng hơn là một trong những cửa ngõ của khu vực ASEAN với Trung Quốc. Kết nối các địa phương trong vùng và liên vùng thông qua cao tốc Hà Nội – Lào Cai; tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai và Hà Nội – Hải Phòng; và cảng hàng không Sa Pa tại Lào Cai.
+ Định hướng phát triển chung: Phát triển mạng giao thông đồng bộ bao gồm đường bộ, đường sắt, đảm bảo kết nối giữa đầu mối cửa khẩu Lào Cai, và các địa phương trên toàn tuyến với cụm cảng biển số I, trong đó có cảng cửa ngõ Lạch Huyện. Phát triển hợp lý hệ thống đô thị dọc tuyến hành lang làm cơ sở để phân bố dân cư, khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp chế tạo, sản phẩm nông, lâm nghiệp, hình thành các tuyến du lịch kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên núi và du lịch biển.
+ Định hướng phân bố không gian công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng:
▪ Lào Cai: là địa phương đầu tuyến và nằm trong khu vực có nhiều tài nguyên, khoáng sản nên tập trung vào các lĩnh vực như: khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất phân bón, hóa chất; sản xuất xi măng; sản xuất chế biến gỗ; sản xuất điện (thủy điện nhỏ). Với vị trí thuận lợi, Lào Cai có thể tham gia sản xuất một số lĩnh vực như: sản xuất, lắp ráp hàng điện tử gia dụng. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ tập trung vào sản xuất, gia công, lắp ráp, bảo quản, đóng gói hàng xuất khẩu.
▪ Yên Bái: do có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng nên có thể hợp tác và liên kết trong khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là trong sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng và đá các loại, bột đá) và khai thác quặng sắt. Ngoài ra, Yên Bái sẽ là khu vực tập trung sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp như: chế biến chè, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, chế biến gỗ, sản xuất giấy và thủy điện nhỏ.
▪ Phú Thọ: phối hợp với các địa phương trên tuyến phát triển một số ngành sản xuất như: phân bón, hóa chất, giấy, cơ khí chế tạo (đặc biệt là sản xuất ô tô tải cỡ nhỏ, phụ tùng, linh kiện), sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng), sản xuất và lắp ráp hàng điện tử, hàng gia dụng.
▪ Liên kết sản xuất trong ngành hóa chất chủ yếu giữa các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Hải Phòng. Theo đó, nguồn nguyên liệu Apatit của Lào Cai sẽ cung cấp cho nhà máy Super phốt phát Lâm Thao và nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng. Sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt là sản xuất xi măng của toàn tuyến được liên kết giữa các địa phương có nguồn nguyên liệu sản xuất là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội. Ngành khai thác và chế biến khoáng sản được liên kết giữa Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hải Phòng trong sản xuất phân bón và luyện gang thép. Lĩnh vực chế biến lâm sản được liên kết giữa Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ để sản xuất giấy, bột giấy và chế biến gỗ, tre, nứa.
– Hành lang kinh tế Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang: Là tuyến hành lang kinh tế nằm trong Tiểu vùng II. Định hướng phát triển mạnh du lịch, nông nghiệp, dịch vụ và là tuyến kết nối các tỉnh phía Bắc với vùng Thủ đô. – Hàng lang kinh tế theo trục đường Hồ Chí Minh: Hà Nội – Phú Thọ – Tuyên Quang – Bắc Kạn – Cao Bằng: Tuyến hành lang kinh tế đi qua Tiểu vùng III. Định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch cội nguồn, lịch sử cách mạng kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô.
(2) Các hành lang kinh tế theo trục ngang
Hành lang kinh tế theo trục ngang gồm:
– Tuyến vành đai 1 (Quốc lộ 4B): Theo đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc, kết nối các tỉnh biên giới, tạo động lực phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy xuất, nhập khẩu của cả nước với thị trường rộng lớn Trung Quốc, kết hợp bảo đảm an ninh – quốc phòng;
– Tuyến vành đai 2 (Quốc lộ 279), kết nối các tỉnh theo trục ngang Đông – Tây để hướng đến mục tiêu sản xuất, cung ứng và trung chuyển hàng hóa nông sản, phát triển công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, hình thành mạng lưới đô thị phù hợp và kết hợp quốc phòng, an ninh;
– Tuyến vành đai 3 (Quốc lộ 37), hình thành các vùng sản xuất tập trung, kết nối với các trung tâm đầu mối phát triển các sản phẩm cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ.
Tài liệu, bản đồ quy hoạch vùng Trung Du và miền núi phía Bắc
Báo cáo tóm tắt quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (trình phê duyệt)
Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch (trình phê duyệt)
Bản đồ:
Sơ đồ phương hướng phát triển đô thị nông thôn
Sơ đồ phương hướng tổ chức không gian và phân vùng chức năng
Sơ đồ phương hướng phát triển hạ tầng xã hội
Sơ đồ phương hướng phát triển hạ tầng ký thuật
Sơ đồ phương hướng sử dụng tài nguyên
Sơ đồ phương hướng bảo vệ môi trường
Sơ đồ phương hướng hạ tầng phòng chống thiên tai thủy lợi, bdkh
Sơ đồ các vị trí các dự án ưu tiên
Tổng hợp bởi Duan24h.net