Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, năm 2018, địa phương này có kế hoạch đầu tư gần 700 tỷ đồng vào các công trình, dự án trọng điểm về môi trường tại 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh này dành nguồn kinh phí dự kiến khoảng 13.230 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó nguồn vốn ODA là khoảng 7.619 tỷ đồng.
Một trong những dự án bảo vệ môi trường có số vốn lớn tác động trên địa bàn có nhiều dân cư sinh sống là Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đã đi vào hoạt động. Theo đó, đầu năm 2018, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương tại thị xã Bến Cát, đã hoàn thành giai đoạn II và đi vào vận hành, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch. Dự án này được thực hiện qua 2 giai đoạn với vốn đầu tư 30,5 triệu USD, gồm vốn vay ODA và vốn đối ứng của tỉnh; riêng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ Phần Lan gần 131 tỷ đồng. Dự án góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của Bình Dương, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.
Hiện tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai lắp đặt quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên. Đến nay, đã có 72/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương đã chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh để tập trung xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Hàng năm, tỉnh đều ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý. Đến nay, 268/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ trên 99%.
Được biết, Bình Dương đang phấn đấu đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và là đô thị loại I trước năm 2020. Đây được xem là cơ sở để Bình Dương đầu tư nhiều vốn thực hiện các dự án về môi trường nhằm nâng cao các tiêu chí về môi trường mà đô thị loại I bắt buộc phải đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2018, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình, dự án trọng điểm về môi trường, với sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành liên quan. Bình Dương cũng đã xây dựng danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và đề xuất biện pháp phòng ngừa, xử lý; xây dựng đề án nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đề án phân loại rác thải tại nguồn; đề án phân vùng xả thải trên các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đề án điều tra khảo sát lập dự án cải tạo hạ tầng cụm công nghiệp hiện hữu và cụm công nghiệp tự phát…/.
Theo Báo điện tử ĐCSVN
duan24h.net
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)