Trước đề xuất đánh thuế nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt đã nổ ra, đa phần các ý kiến đều cho rằng, đề xuất này chưa hợp lý.
Trước đó, tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản diễn ra chiều ngày 13/4, Bộ Tài chính đã trình bày một số nội dung về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đề xuất một số phương án đánh thuế đối với việc sở hữu nhà, đất.
Phân tích về các phương án tính thuế, Bộ Tài chính cho biết, về xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có 2 cách là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.
Vietnamnet đưa tin cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.
Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).
Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).
Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
VnExpress đưa tin, trước đề xuất này, một số người dân cùng chuyên gia luật đều tỏ ý quan ngại. Anh Đào Mạnh Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, làm việc ở một cơ quan nhà nước với mức lương 6 triệu đồng một tháng, sau 10 năm ở Hà Nội, anh tích cóp được gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên để mua căn chung cư 1,1 tỷ đồng ở tận khu đô thị Kiến Hưng, ở nơi xa trung tâm Hà Nội, anh phải vay 70% giá trị căn hộ của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ của ngân hàng.
Khi nhận nhà, anh Huy mất gần 20 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân… Nếu phải đóng thêm 0,4% tiền thuế một năm cho phần vượt 700 triệu đồng của căn nhà, anh tính sẽ mất thêm 2 triệu đồng mỗi năm.
“Thuế chồng thuế, còn biết bao khoản khác người dân lao động như chúng tôi phải lo. Có cái nhà, tôi tưởng đã yên thân khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước đó”, anh chia sẻ.
Báo Lao Động đưa tin, trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Đạt (nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) gay gắt hơn, hiện nay anh có ý định mua nhà ở riêng. Anh thấy những đề nghị trong luật thuế tài sản này còn quá nhiều bất cập. Ngay 2 phương án xác định giá tính thuế của Bộ Tài chính đưa ra đã cho thấy họ chưa có cách giải quyết, thực hiện một cách hợp lý. “Thuế đơn, thuế kép đổ lên đầu dân là thể hiện sự yếu kém, trì trệ” – anh Đạt nói.
Giải đáp cho những băn khoăn lo lắng của người dân, cũng chia sẻ với báo Lao Động chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: “Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”.
TS Hiếu cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.
“Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi” – TS Hiếu phân tích.
Theo SHTT – VNE – VNN