Từ năm 2019, làn sóng đầu tư khu công nghiệp nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài ra khỏi Trung Quốc tỏ ra hết sức sôi động. Ngay cả nhà phát triển bất động sản số một Việt Nam Vinhomes cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi, hàng chục nghìn tỷ đồng dự kiến được đổ vào các tỉnh công nghiệp phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh… trong vài năm tới.
Các tay chơi mới tỏ ra hào hứng, cho thấy một phần sức hấp dẫn của lĩnh vực kinh doanh này. Nhưng không thể bỏ qua những cái tên lâu năm trên thị trường mà thương hiệu được nhắc đến như sự đảm bảo đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Sự hình thành của liên doanh VSIP
Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), liên doanh giữa hai “ông lớn” Becamex IDC của Việt Nam và Sembcorp của Singapore mỗi bên sở hữu khoảng 49% vốn cổ phần là một ví dụ như vậy.
Được hình thành từ cái bắt tay hữu nghị giữa Chính phủ hai nước, khu công nghiệp đầu tiên VSIP I được phát triển tại Bình Dương năm 1996 trên diện tích 500 ha.
Cho đến thời điểm hiện tại, VSIP đang sở hữu tổng cộng 9 dự án trên toàn quốc, quỹ đất 8.600 ha, bao gồm đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Công ty đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho 840 khách hàng, đến từ 30 quốc gia, với tổng vốn đầu tư 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho hơn 250.000 lao động.
Tính toán cho thấy rằng, quỹ đất của VSIP tương đương khoảng 13% diện tích đất khu công nghiệp cả nước. Các dự án phân bổ tại 6 tỉnh thành trọng điểm, ngoài Bình Dương có Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ngãi.
Được biết, cuối tháng 9 tới đây, khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định sẽ chính thức được khởi công. Dự án có tổng diện tích 2.308 ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (Khu A) 1.425 ha KCN, khu dân cư và tái định cư; giai đoạn 2 (Khu B) 883 ha, được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ và thương mại.
VSIP trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của Becamex và Sembcorp
Sự kết hợp tài tình của một thương hiệu bất động sản lớn trong nước (Becamex) và một ông lớn ngành năng lượng, đô thị của Singapore giúp VSIP nhanh chóng gặt hái được thành công. Nhiều dự án dưới bàn tay phát triển, quản lý của VSIP đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của VSIP cho thấy rõ ràng hơn sức mạnh của liên doanh bất động sản này. Doanh thu năm 2019 đạt gần 9.000 tỷ đồng, lãi ròng 2.240 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 26% và 16%. Đà tăng này vẫn được duy trì trong nhiều năm nay.
Đóng góp lớn nhất đến từ VSIP Bình Dương, chiếm gần một nửa trong cơ cấu doanh thu, tương đương hơn 70% lợi nhuận. Doanh thu của đơn vị này trong những năm gần đây có xu hướng chững lại, nhưng nhiều khả năng do đã lấp đầy tối đa công suất. Trong khi đó, lợi nhuận vẫn tăng trưởng 33% năm ngoái phản ánh rằng, dường như việc khai thác ngày càng trở nên hiệu quả.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của VSIP tại các tỉnh thành khác như Bắc Ninh và Hải Phòng đang gia tăng nhanh chóng.
Ngoài cho thuê đất khu công nghiệp, VSIP cũng phát triển các dự án bất động sản tận dụng hệ sinh thái, sản phẩm từ khu thương mại, nhà phố và dân cư như Suncasa, Bel Homes, The Habitat Bình Dương II, VSIP Plaza Quảng Ngãi…
Như vậy, VSIP đã và đang là “con gà đẻ trứng vàng” đối với hai cổ đông Becamex và Sembcorp.
Báo cáo bán niên soát xét 2020 của Becamex nói rằng đã đầu tư giá gốc vào VSIP 1.295 tỷ đồng, nhưng phần lợi nhuận phát sinh thu về đã gấp hơn hai lần đạt 2.661 tỷ đồng. Năm ngoái, cổ tức được chia về từ liên doanh hơn 460 tỷ đồng.
Về Semcorp, VSIP chính là tài sản lớn nhất của công ty này tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty Singapore hiện cũng đang sở hữu 66,67% trong dự án điện khí BOT Phú Mỹ 3, công suất 720 MW, khánh thành năm 2004. Trong năm 2019, Semcorp bắt tay cùng Becamex phát triển điện tái tạo, dự án đầu tiên là điện mặt trời gác mái công suất 51 kWp tại VSIP I, Bình Dương.
Theo CAFEF