Trong mua bán nhà đất có nhiều trường hợp xảy ra xung đột lợi ích khi tài sản đang bị tranh chấp nhưng vẫn được đem ra mua bán. Trong trường hợp này nên xử lý như thế nào ?
Thương lượng và hòa giải
Đây là 2 phương án đầu tiên nhưng để đạt được thì cần phải có sự đồng thuận từ cả 2 phía, trên thực tế tính hiệu quả của 2 phương án này không cao lắm.
Thương lượng là hai bên cùng nhau bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết để dung hòa quyền lợi của nhau. Mỗi bên có thể nêu quan điểm của mình, trình bày lý do không thể thực hiện được hợp đồng đặt cọc, đề xuất phương án giải quyết. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ thống nhất một giải pháp cuối cùng.
Nếu hai bên chịu lắng nghe ý kiến đối phương, cân nhắc được mặt được mất thì có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh gọn. Song thực tế, rất khó để thống nhất được một phương án mà cả hai bên đều nhất trí. Chính vì vậy, việc thương lượng thường không đem lại kết quả khả quan.
Thủ tục hòa giải tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán được thực hiện theo Luật hòa giải cơ sở 2013. Theo đó, các bên sẽ được lựa chọn hòa giải viên, nếu không lựa chọn được thì tổ trưởng tổ hòa giải sẽ phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải.
Hòa giải viên là người có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật và được Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Phương án này trên thực tế cũng không khả quan.
Khởi kiện tranh chấp tại tòa án
Khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất tại tòa án được coi là phương án hiệu quả và triệt để nhất nhưng cũng tốn thời gian, tiền bạc và công sức nhất. Quá trình khởi kiện tại tòa án được thực hiện theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Kết quả giải quyết tranh chấp được bảo đảm thi hành bởi Nhà nước (cơ quan thi hành án dân sự).
Trình tự giải quyết tranh chấp tại tòa án gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện
Người khởi kiện chuẩn bị 1 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:
– Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.
– Bản sao giấy tờ nhân thân của người khởi kiện: Căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu.
– Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giao kết hợp đồng đặt cọc mua bán đất như: Hợp đồng đặt cọc mua bán đất; giấy biên nhận thu/nộp tiền… Những tài liệu này không bắt buộc phải nộp hết mà chỉ cần nộp tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
– Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp: Biên bản làm việc, hòa giải giữa các bên…
Sau đó, người khởi kiện có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương – nơi bị đơn cư trú, làm việc; gửi hồ sơ đến tòa án qua đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án.
Bước 2: Nộp tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý vụ án
Với những hồ sơ hợp lệ, đúng thẩm quyền, tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại chi cục thi hành án dân sự, nộp lại biên lai thu tiền cho tòa án. Sau đó, thẩm phán sẽ tiến hành thụ lý vụ án. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự biết về việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.
Bước 3: Giải quyết tranh chấp tại tòa án
Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất như:
– Lấy lời khai, ý kiến của các bên tranh chấp và những người liên quan.
– Xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp.
– Lập hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.
– Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được và quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tòa án sẽ tiến hành hòa giải, phân tích để các bên trao đổi, thỏa thuận với nhau, đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Nhiều vụ án đã được giải quyết ở giai đoạn này mà không phải đưa ra xét xử.
Bước 4: Mở phiên tòa xét xử
Sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết, hòa giải không thành, tòa án sẽ đưa vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất ra xét xử. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi có bản án sơ thẩm, các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định, nếu không bản án sẽ có hiệu lực.
Theo Đăng Duy – Vietnamnet.vn
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)