Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài gần 118km đi qua tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk. Tổng mức đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Thông tin cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông; dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm; quy mô 4 làn xe.
Đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 32,7 km, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk dài hơn 84 km.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất phương án phân chia dự án trên thành 3 dự án thành phần. Cụ thể như sau :
- Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km32+000) với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng, do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản thực hiện.
- Dự án thành phần 2 (Km32+000 – Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng, do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thực hiện.
- Dự án thành phần 3 (Km69+500 – Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản thực hiện.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 bố trí khoảng 13.250 tỷ đồng, gồm :
- 6.539 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT;
- 2.320 tỷ đồng dự kiến từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội;
- 4.391 tỷ đồng từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT sau khi rà soát, điều chỉnh từ các dự án giảm nhu cầu và nguồn thu được từ nhượng quyền khai thác các đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; giai đoạn 2026 – 2030 là khoảng 8.685 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án
(31/10/2022) UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đăng ký kế hoạch vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Theo đó, địa phương này đăng ký bố trí vốn cho dự án thành phần 1 (do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư) là trên 3.877 tỉ đồng. Trong đó, vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là 596 tỉ đồng và giải ngân trong hai năm. Cụ thể, năm 2022 là 20,6 tỉ đồng, năm 2023 là hơn 575 tỉ đồng, nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Đối với nguồn vốn kế hoạch trung hạn, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất bố trí 1.845 tỉ đồng. Trong đó, trên 1.130 tỉ đồng lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021, số còn lại ngân sách địa phương sẽ cân đối nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Tỉnh này cũng cho biết hiện dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nên tỉnh sẽ bố trí 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
(15/10/2022) tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án thành phần 3) vừa báo cáo tác động môi trường gửi Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt. Tỉnh cũng dự kiến tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 20-1-2023 và bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30-6-2023, bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.
(25/07/2022) Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ: Triển khai Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
(27/04/2022) Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa có thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Theo đó, thống nhất thành lập Tổ công tác (Tổ giúp việc) trực thuộc Ban Chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 (Ban Chỉ đạo 321) để giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Dự án.
Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Quyết định bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Văn Cảnh làm thành viên Ban Chỉ đạo 321 và Quyết định thành lập Tổ công tác (Tổ giúp việc) với các thành viên đảm bảo phù hợp, thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo Dự án.
Thống nhất chủ trương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư Dự án.
Ban tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để khẩn trương hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí để trình Bộ Xây dựng xếp hạng đối với tổ chức và các cá nhân liên quan để đáp ứng được yêu cầu của Dự án. Nghiên cứu thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án này.
Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Triển khai rà soát, cập nhật các vùng phụ cận của cao tốc như khu, cụm công nghiệp, khu đô thị… vào Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 định hướng đến 2050 và Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương và của tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm phát huy lợi thế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội sau khi cao tốc hoàn thành.
Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng Quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh theo trục Bắc – Nam để kết nối vào 1 trong các điểm giao của cao tốc (dự kiến nút giao Ea Rớt), báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến bổ sung vào Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 rà soát quy trình, thủ tục thực hiện hoán đổi vị trí đất quốc phòng thuộc khu vực phòng thủ đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tiếp tục đôn đốc, triển khai việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai; phát hiện, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tác động tăng giá đất trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo dừng cấp phép khai thác mới đối với các mỏ vật liệu dự kiến phục vụ Dự án nhằm đảm bảo nguồn cung theo thiết kế cho nhà thầu…
(05/04/2022) Trong thông báo kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa (ban hành ngày 5.4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Đối với số vốn còn thiếu để hoàn thành dự án (khoảng 7.200 tỉ đồng): giao UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh để cân đối, bố trí 1.200 tỉ đồng; Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ để cân đối, bố trí bổ sung cho dự án; Bộ KH-ĐT đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung từ các nguồn khác hoặc điều chỉnh từ các dự án chậm triển khai, nguồn dự phòng…
Thủ tướng cũng chỉ đạo cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc, tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới.
(24/03/2022) Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, trong Quý I năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.
Vì vậy, sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, căn cứ năng lực, kinh nghiệm quản lý của các địa phương và trên cơ sở sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đơn vị chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ GTVT là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở và đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm giữa các dự án thành phần thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, khớp nối và không vượt tổng mức đầu tư của Dự án. Đồng thời, là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có) và tổng hợp báo cáo Quốc hội hàng năm.
Về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Dự án, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo Duan24h.net (Tienphong.vn; Baodautu.vn; Chinhphu.vn)
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)