Đường vành đai 5 Thủ đô có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 331,5 km đi qua 8 tỉnh gồm : TP Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Tổng vốn đầu tư dự kiến đường Vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội khoảng 85.561 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013), cụ thể như sau: Giai đoạn trước 2020 là 19.760 tỷ đồng; giai đoạn 2020 – 2030 là 32.175 tỷ đồng; giai đoạn sau 2030 là 33.626 tỷ đồng.
Thông tin tiến độ thực hiện dự án
(03/01/2022) Bộ GTVT trả lời chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai dự án Vành đai 5 (đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình) bằng vốn ngân sách Trung ương trong nhiệm kỳ này
Nội Dung Đề Xuất
Theo Bộ GTVT, để sớm triển khai xây dựng đường Vành đai 5 đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình theo quy hoạch, tại Quyết định số 1831 ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025. Đường Vành đai 5 qua tỉnh Hòa Bình được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP hoặc ODA, đơn vị đầu mối là Sở GTVT Hòa Bình.
(28/05/2021) UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đầu tư xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 35,4 km theo quy mô đường cao tốc 6 làn xe với chiều rộng nền đường 33 m với tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỷ đồng (suất đầu tư dự kiến là 220 tỷ đồng/1km bao gồm cả GPMB).
(25/05/2021) UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong giai đoạn 2011-2025 quan tâm hỗ trợ tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương (ngoài cân đối cho tỉnh) số vốn là 1.330 tỷ đồng để triển khai Dự án đường vành đai V – vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đoạn từ Km0-Km13+700).
(21/05/2021) Dự án đường vành đai 5 tỉnh Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào tháng 10-2018 với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên) phải hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án đang bị chậm tiến độ và phải tạm dừng thi công do những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục điều chỉnh Dự án.
(03/04/2021) Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn 417TTg – CN về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường Vành đai 5 – Vùng Thủ đô, đoạn từ Km68 đến Km75.
Hướng tuyến có sự thay đổi với điểm chuyển hướng bắt đầu từ khoảng Km68 (lý trình vành đai 5), tuyến đi về phía Đông Bắc xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức.
Tuyến đi song song với tuyến đường bê tông và cắt phía trước khu vực Đình Vạn Phúc, xã Vạn Kim. Tuyến vượt sông Đáy tại khoảng Km70+800 và đi sang xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa.
Tuyến đi qua khu đất trống thôn Thanh Giang, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa (giữa khu vực Lò Gạch và dân cư); sau đó tuyến đi qua xã Đội Bình.
Tuyến cơ bản đi song song với QL.21B và sang địa phận xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tuyến nhập về hướng tuyến theo quy hoạch tại lý trình khoảng Km75.
Quy hoạch đường Vành đai 5 Thủ Đô
Lộ trình tuyến Vành đai 5 dài 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai và quốc lộ 3) đi qua 8 tỉnh như sau :
Đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc (chiều dài 51,5 km)
Từ khu vực đèo Nhe tuyến đi theo hướng đường tỉnh ĐT.301 và đường tỉnh ĐT.310B đến nút giao Bình Xuyên, nhập vào đi trùng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khoảng 14,5 km đến nút giao với quốc lộ 2C, tuyến tiếp tục đi trùng đường Hợp Thịnh – Đạo Tú đến quốc lộ 2, sau đó đi theo quốc lộ 2C, qua cầu Vĩnh Thịnh sang địa phận thành phố Hà Nội.
Đoạn qua tỉnh Thái Nguyên (chiều dài 28,9 km)
Tuyến đi mới theo hướng Tây giao với quốc lộ 37 tại xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, vượt sông Cầu và đi trùng với đại lộ Đông Tây – Khu tổ hợp Yên Bình, giao với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tại nút Yên Bình và đi trùng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khoảng 12 km, đi trùng quốc lộ 3 cũ khoảng 2,5 km đến vị trí nút giao trạm cân Quá Tải.
Tuyến đi theo hướng Tây Nam qua thị xã Sông Công đến đèo Nhởn, vượt dãy Tam Đảo tại đèo Nhe sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuyến đường vành đai 5 chạy qua địa bàn huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên với tổng chiều dài 9,16km. Điểm đầu của tuyến đường nằm ở bờ trái Sông Cầu thuộc địa phận xã Xuân Phương (Phú Bình), điểm cuối giao với nút giao Yên Bình thuộc Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên.
Tuyến đường được xây dựng với bề rộng nền đường là 33m, bề rộng mặt đường là 22m, có giải phân cách giữa rộng 5m. Trên tuyến có xây dựng 2 cầu lớn bắc qua sông Cầu là cầu Xuân Phương và cầu Kênh Tây.
Đoạn qua tỉnh Bắc Giang (chiều dài 51,3 km)
Tuyến đi song song quốc lộ 37 (đoạn Sao Đỏ – Bắc Giang) về phía Tây, vượt sông Lục Nam tại phía hạ lưu cầu Lục Nam, đi tránh thành phố Bắc Giang về phía Đông, giao với quốc lộ 1 (cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn) tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Tuyến tiếp tục đi song song quốc lộ 37 (đoạn Đình Trám – Phú Bình) về phía Đông, sau đó tuyến rẽ theo hướng Tây sang địa phận tỉnh Thái Nguyên.
Đoạn qua tỉnh Hải Dương (chiều dài 52,7 km)
Tại vị trí vượt sông Luộc, tuyến cơ bản đi trùng đường trục phát triển kinh tế Bắc – Nam đến đường ĐT.392, đi song song với quốc lộ 38B, giao với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (phía Đông khu công nghiệp Hưng Đạo).
Tuyến đi tránh thành phố Hải Dương về phía Đông và đi trùng với vành đai 2 quy hoạch của thành phố Hải Dương, hết đường vành đai 2 tuyến đi theo hướng Bắc giao với quốc lộ 5 tại phía Tây cầu Lai Vu, đi song song quốc lộ 37 về phía Đông và nhập vào đi trùng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (quy hoạch) đoạn Côn Sơn – Kiếp Bạc khoảng 11,8 km đến nút giao quốc lộ 37 và tiếp tục đi theo hướng Bắc song song với quốc lộ 37 về phía Tây sang địa phận tỉnh Bắc Giang.
Đoạn qua tỉnh Thái Bình (chiều dài 28,5 km)
Từ vị trí cầu Thái Hà tuyến đi trùng đường nối 2 tỉnh Hà Nam – Thái Bình (ĐT.499) khoảng 15,2 km đến đường huyện ĐH.64A, tuyến đi theo hướng Đông Bắc song song với ĐT.455, vượt sông Luộc tại vị trí cách cầu Hiệp khoảng 1,0 km về phía hạ lưu sang địa phận tỉnh Hải Dương.
Đoạn qua tỉnh Hà Nam (chiều dài 35,3 km)
Từ điểm vượt sông Đáy tuyến đi mới song song quốc lộ 21B về phía Tây Nam, sau đó nhập vào và đi trùng tuyến quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu – Ba Đa khoảng 16,5 km, giao với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình tại nút giao Phú Thứ. Tuyến tiếp tục đi theo hướng Đông nhập vào đi trùng với tuyến nối 2 đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cầu Giẽ – Ninh Bình khoảng 10 km, vượt sông Hồng qua cầu Thái Hà sang địa phận tỉnh Thái Bình.
Đoạn qua tỉnh Hòa Bình (dài khoảng 35,4 km)
Tuyến đi trùng hoàn toàn với đường Hồ Chí Minh trong quy hoạch, đi song song quốc lộ 21, giao với quốc lộ 6 tại phía Đông khu công nghiệp Lương Sơn đến khu vực Chợ Bến, đi về phía Đông sang địa phận thành phố Hà Nội.
Đoạn qua thành phố Hà Nội (chiều sáng 48 km)
Từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nhập vào đi trùng đường Hồ Chí Minh dài khoảng 21,5 km, giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, tuyến đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam.
Đường Vành đai 5 được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729-2012 có đường gom, đường song hành, quy mô 4, 6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu Bn=25,5 – 33,0 m cho các đoạn Sơn Tây – Phủ Lý (từ đường Hồ Chí Minh đến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) và Phủ Lý – Bắc Giang (từ cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn) thuộc địa phận thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và Bắc Giang.
Tổng hợp bởi Duan24h.net, Premierland