Lãi suất huy động năm 2022 hiện đã được đẩy lên mức cao nhất tới 10%. Trong những tháng còn lại của năm, áp lực tăng lãi suất vẫn rất lớn khi ngân hàng vẫn còn dấu hiệu căng thẳng thanh khoản.
Mức phổ biến lãi suất dài hạn: Chạm mốc 10%
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được nhiều ngân hàng đẩy lên ngưỡng cao. Mức lãi suất quanh 9% đang ngày càng phổ biến. Thậm chí, có ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất cao nhất tới 10%.
OceanBank hiện đứng đầu danh sách các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất với lãi suất tới 10%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng từ ngày 18-29/11/2022 với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng mở tại quầy trong chương trình “Ngày vàng gửi tiền, rinh liền lãi đỉnh”. Mức lãi suất 9,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng với hình thức gửi tại quần. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng ở hình thức trực tuyến, mức lãi suất là 9,5%/năm.
Nội Dung Đề Xuất
MSB đứng thứ 2 với lãi suất cao nhất lên đến 9,9%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng. Chương trình cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mở 1 sổ tiết kiệm 1 lần và số tiền tối đa mỗi khách hàng có thể tham gia là 5 tỷ đồng.
Vị trí tiếp sau là Sacombank với mức lãi suất cao nhất lên đến 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói “tiết kiệm tăng bảo vệ – thêm tích lũy”, kỳ hạn 36 tháng. Với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất với hình thức tại quầy là 9%; lãi suất với hình thức gửi tiết kiệm online là 9,2%/năm.
VIB cũng đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,8%/năm dành cho khoản tiền gửi mới từ 5 tỷ trở lên đối với hình thức iDepo. Với tiền gửi thông thường tại quầy, VIB đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,6%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tiếp tục nâng lãi suất lần thứ 3 chỉ trong khoảng 1 tháng qua. Theo đó, các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng có lãi suất lên tới 9,75%/năm; kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất tới 9,35%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 7-12 tháng từ 9,4-9,65%/năm.. So với biểu lãi suất công bố hồi cuối tháng 10, lãi suất huy động tại SCB hiện tăng thêm 0,45-0,65%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
SeABank theo sau với mức lãi suất cao nhất tới 9,4%/năm. Song mức lãi suất này chỉ áp dụng cho cán bộ công nhân viên của nhà băng này và một số loại tiền gửi online của khách hàng.
HDBank hiện có mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và dành riêng khách hàng gửi từ 300 tỷ trở lên.
Tại NCB, lãi suất cao nhất hiện lên tới 9,1%/năm với hình thức gửi tiền online áp dụng cho sản phẩm Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
VPBank vừa tăng lãi suất từ 0,2-0,4%/năm cho các khoản tiền gửi nhỏ dưới 10 tỷ đồng tại các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 18 tháng và không phân biệt số tiền gửi. Với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Trong tháng 11 này, Techcombank đã 4 lần tăng lãi suất. Tại Techcombank, lãi suất huy động hiện cao nhất là 9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, các kỳ hạn từ 6 -11 tháng là 8,7%/năm, còn dưới 6 tháng lên 6%/năm.
Số ngân hàng có mức lãi suất cao nhất áp sát 9%/năm cũng ngày một nhiều. Bốn ngân hàng là KienlongBank, VietCapitalBank, CBBank và NamABank cùng có mức lãi suất cao nhất 8,9%/năm. Nhiều ngân hàng khác cũng có mức lãi suất cao nhất trên 8%/năm là: DongABank, OCB, PGBank, PVcomBank,Saigonbank, VRB…
Áp lực tăng lãi suất cuối năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tới cuối tháng 10/2022, dư nợ tín dụng đã tăng 11,5% so với đầu năm trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ tăng 4,8%.
Hiện các ngân hàng thương mại đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn. Bởi dư nợ cho vay và tổng huy động trong hệ thống ngân hàng đang tương đương nhau. Điều này có nghĩa là các ngân hàng đã cho vay gần hết nguồn vốn. Vậy nên ngân hàng phải nâng lãi suất để tăng cường huy động.
Lãi suất huy động nâng lên buộc lãi suất cho vay cũng tăng theo. Hiện các ngân hàng đang cho vay mới với mức lãi suất trung bình từ 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng trung bình trong tháng 11/2022 đã tăng thêm 0,85 điểm phần trăm so với tháng 10/2022, lên mức 7,57%/năm. Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 1,75 điểm phần trăm so với cuối năm 2021. Còn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 6,99% tăng mạnh 0,97 điểm phần trăm so với tháng 10.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước dịch Covid-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4%/năm so với cuối năm 2021.
Giới chuyên gia nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Điều này là do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa Tết Nguyên đán tăng cao… Nhưng mức tăng lãi suất huy động trong thời gian còn lại của năm sẽ không còn lớn như trong 2 tháng vừa qua.
Theo Vietnamfinance