Quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Hiện trạng giao thông tỉnh Bình Định
Giao thông đường bộ
Quốc lộ
Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện tại có 5 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 308,5km và tuyến đường bộ ven biển dài 130,87km. Mạng lưới đường theo trục dọc Bắc Nam và trục ngang Đông Tây.
Nội Dung Đề Xuất
QL.1: đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 118 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 04 làn xe; riêng các đoạn tuyến tránh quy mô 02 làn xe.
QL.1D: Quốc lộ 1D dài 34km nối liền 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, có điểm đầu tại ngã ba Phú Tài – Bình Định, điểm cuối tại TX. Sông Cầu – Phú Yên. Đoạn qua địa bàn tỉnh dài 21,6km, đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe cơ giới; riêng đoạn đi qua nội thành thành phố từ ngã 3 Phú Tài đến bến xe bến xe Trung tâm Quy Nhơn theo quy hoạch đường đô thị, 4 làn xe, lộ giới 40m.
QL.19: Quốc lộ 19 dài 240km có điểm đầu tại cảng Quy Nhơn – Bình Định, điểm cuối tại cửa khẩu Lệ Thanh – Gia Lai. Đoạn qua địa bàn tỉnh dài 69,5km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 02 làn xe cơ giới.
QL.19B: đoạn qua địa bàn tỉnh dài 60km, gồm nhiều đoạn tuyến: Đoạn đi trùng Đường trục khu kinh tế Nhơn Hội dài 15,70km nền đường 65-80 m, mặt đường 15 m gồm 04 làn xe; đoạn đi trùng đường ĐT.639 dài 1,95km đạt đường cấp VI, nền 6,5m; Đoạn từ Cát Tiến – Kiên Mỹ dài 42,35km đạt quy mô từ cấp VI đến cấp III tùy đoạn.
QL.19C: Quốc lộ 19C dài 151,48km có điểm đầu giao với QL 1 (km1220+600) thuộc thị trấn Diêu Trì – huyện Tuy Phước – tỉnh Bình Định, điểm cuối giáp với ĐT.693B (đường liên tỉnh 13B) thuộc xã Sông Hinh – huyện M’Đrăk – tỉnh Đắk Lắk, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 39,38km. Tuyến đường đạt cấp IV, V, VI tùy từng đoạn.
Đường bộ ven biển: đoạn qua địa bàn tỉnh dài 130,87km theo quy hoạch Đường ven biển quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg. Về hiện trạng, tuyến đường được chia thành 3 đoạn tuyến chính:
- Đoạn Tam Quan – Nhơn Hội dài 103,77km cơ bản theo đường ĐT.639 hiện trạng, quy mô đường cấp VI,
- Đoạn Nhơn Hội – Kho xăng dầu Phú Hòa dài 12,1km đi theo đường trong đô thị;
- Đoạn kho xăng dầu Phú Hòa – ranh giới Bình Định, Phú Yên dài 15,0km đi trùng Quốc lộ 1D.
Các tuyến đường tỉnh (ĐT) : có 11 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 506,47km
- ĐT 629 có điểm đầu tại Bồng Sơn, điểm cuối tại An Lão, chiều dài tuyến là 31,2 km.
- ĐT 630 có điểm đầu tại Hoài Đức, điểm cuối tại Kim Sơn, chiều dài tuyến là 22,8 km.
- ĐT 631 có điểm đầu tại Nhơn Hưng, điểm cuối tại Phước Thắng, chiều dài tuyến là 15,2 km.
- ĐT 632 có điểm đầu tại Phù Mỹ, điểm cuối tại Bình Dương, chiều dài tuyến là 18,7 km.
- ĐT 633 có điểm đầu tại Chợ Gồm, điểm cuối tại Đề Gi, chiều dài tuyến là 20,7 km.
- ĐT 634 có điểm đầu tại Hòa Hội, điểm cuối tại Hội Sơn, chiều dài tuyến là 17,9 km.
- ĐT 636 có điểm đầu tại Gò Bồi, điểm cuối tại Bình Nghi, chiều dài tuyến là 27,6 km.
- ĐT 637 có điểm đầu tại Vườn Xoài, điểm cuối tại Vĩnh Sơn, chiều dài tuyến là 57,2 km.
- ĐT 638 có điểm đầu tại Chương Hòa, điểm cuối tại Long Vân, chiều dài tuyến là 145 km.
- ĐT 639 có điểm đầu tại Quy Nhơn, điểm cuối tại Tam Quan, chiều dài tuyến là 130,87 km.
- ĐT 640 có điểm đầu tại Ông Đô, điểm cuối tại Cát Tiến, chiều dài tuyến là 19,3 km.
Giao thông đường sắt
Tuyến đường sắt thống nhất chạy dọc xuyên suốt tỉnhvới tổng chiều dài là 158,4 km bao gồm tuyến chính Bắc – Nam và 1 nhánh nối vào TP. Quy Nhơn. Tuyến chính Bắc – Nam dài 148km từ đèo Bình Đê (ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi) đến Mục Thịnh (ranh giới với tỉnh Phú Yên).
Nhánh nối vào Quy Nhơn bắt đầu từ ga Diêu Trì đến ga Quy Nhơn tại thành phố Quy Nhơn có chiều dài 10,4km.
Trên địa bàn tỉnh có 12 ga, trong đó 11 ga trên tuyến chính, 1 ga trên tuyến nhánh. Ga chính là ga Diêu Trì, còn lại chủ yếu là các ga có chức năng tránh tàu. Tuy nhiên lượng hàng hóa và hành khách thông qua ga không nhiều.
Ga Quy Nhơn là ga hành khách nằm trong nội đô thành phố, hiện chỉ khai thác tuyến Sài Gòn – Quy Nhơn với lượng khách hạn chế. Ga nằm trong nội thành, khai thác không hiệu quả và cản trở giao thông đô thị, hiện đã có chủ trương dừng khai thác.
Giao thông hàng không
Cảng Hàng không Phù Cát (CHK Phù Cát) thuộc xã Cát Tân – huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định, nằm cách quốc lộ 1A khoảng 1,5km về hướng Tây, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 30km về phía Tây Bắc. Sân bay Phù Cát là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự cấp I.
Giai đoạn vừa qua, tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không Phù Cát, nâng cấp nhà ga cũ để phục vụ đón khách quốc tế. Đến nay cơ sở hạ tầng cảng hàng không Phù Cát đã cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu của hành khách nội địa và quốc tế.
Giao thông đường thủy nội địa
Theo Đề án được phê duyệt, ngoài tuyến Hải Cảng (Hàm Tử) – Nhơn Châu (tuyến thủy nội địa phục vụ dân sinh), tuyến thủy nội địa phục vụ du lịch trong Khu du lịch sinh thái Hầm Hô đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động tại Quyết định số 3805/QĐ- UBND ngày 13/12/2013 và Quyết định số 4681/QĐ-UBND ngày 24/12/2015.
Các tuyến còn lại chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục bến bãi phục vụ việc hoạt động của luồng tuyến theo quy định, chưa được cấp phép, công bố hoạt động. Do đó, việc hoạt động mang tính tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất An toàn giao thông.
Các tuyến phục vụ khách tham quan, du lịch trong đầm và biển đảo là:
- Tuyến Nhơn Lý – Kỳ Co dài khoảng 05km (ngang qua Hòn Sẹo).
- Tuyến Nhơn Lý – Hòn Cân dài khoảng 9km.
- Tuyến Nhơn Lý – Hòn Cỏ dài khoảng 3,5km.
- Tuyến Nhơn Hải – Hòn Khô dài khoảng 0,5km.
- Tuyến Nhơn Hải – Kỳ Co dài khoảng 10km.
- Tuyến Đống Đa – Cồn Chim dài khoảng 10km.
- Tuyến Đống Đa – Nhơn Hải dài khoảng 15km.
- Tuyến Đống Đa – Nhơn Lý dài khoảng 25km.
Giao thông đường biển
Bình Định có 134 km bờ biển với nhiều đảo, vũng, vịnh và các cửa biển rất thuận lợi xây dựng cảng biển. Các bến cảng biển chính đều tập trung ở TP. Quy Nhơn và khu vực tiếp giáp đầm Thị Nại. Cụm cảng biển Quy Nhơn có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Bình Định, khu vực miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Cụm cảng biển Quy Nhơn hiện tại có 1 khu bến hoạt động là khu bến Quy Nhơn – Thị Nại, bao gồm 05 bến tổng hợp và 2 bến chuyên dùng đang khai thác.
Năm bến cảng tổng hợp là cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, Tân cảng Quy Nhơn, Tân cảng Miền Trung và bến địa phương Đống Đa (hiện không khai thác). Trong đó, có 2 bến cảng chính chiếm thị phần lớn nhất là cảng Quy Nhơn và cảng Thị Nại; bến Tân cảng Quy Nhơn và bến Tân cảng miền Trung là 2 bến cảng mới công bố; bến Đống Đa là bến địa phương hiện đang trong giai đoạn đầu tư nâng cấp. Hai bến chuyên dùng là bến xăng dầu Quy Nhơn và bến xăng dầu An Phú.
Theo Quyết định số 347/QĐ-CHHVN về việc công bố đưa luồng hàng hải Quy Nhơn vào sử dụng, luồng hàng hải Quy Nhơn sau khi được đầu tư nâng cấp có thông số kỹ thuật cơ bản: tổng chiều dài tuyến luồng là 6,3km; chiều rộng 110m; cao độ đáy đạt -11,0m; vũng quay trở tàu rộng 300m. Việc đưa luồng hàng hải Quy Nhơn vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho các tàu có trọng tải 50.000 DWT giảm tải ra vào luồng Quy Nhơn an toàn, giúp giải quyết nhanh chóng lượng hàng hóa thông qua các cảng.
Hệ thống cảng biển
Cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn là cảng quốc gia do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm đơn vị chủ quản. Hiện có 07 cầu tàu, chiều dài cầu cảng từ 115 đến 200m, tổng chiều dài 1.070m, độ sâu tại cầu từ -7,4m đến -12,5m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000DWT với tần suất bình thường, tàu có trọng tải 63.500DWT giảm tải. Hệ thống luồng lạch, phao tiêu hoàn chỉnh, dẫn dắt tàu ra vào 24/24h.
Hệ thống kho bãi được xây dựng qui mô, chia theo từng khu vực chuyên dùng, đảm bảo phù hợp với điều kiện lưu kho, bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển cho từng loại hàng hoá và hàng trăm thiết bị, phương tiện, công cụ xếp dỡ đã được trang bị đủ khả năng xếp dỡ tất cả các loại hàng rời, hàng container, kể cả hàng siêu trường, siêu trọng.
Tổng diện tích mặt bằng: 310.000 m2. Trong đó:
- Kho: 28.000 m2 (kho CFS 1.872m2).
- Bãi: 200.000m2, bãi chứa container 60.000m2.
Cảng Thị Nại
Hiện có 02 cầu tàu với tổng chiều dài là 288m,cỡ tàu lớn nhất tiếp nhận là 10.000DWT phương tiện và thiết bị chuyên dùng bốc xếp hàng hóa không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 10 thiết bị. Hệ thống kho bãi với tổng diện tích mặt bằng 30.700m2. Cụ thể:
Hệ thống kho hàng: Có 05 kho hàng khô, tổng diện tích 4.540m2.
Hệ thống bãi:
- Bãi sau cầu tàu 10.000DWT (bãi 1): Diện tích 8.000m2.
- Bãi sau cầu tàu 5.000DWT (bãi 2): Diện tích 4.000m2.
Tân cảng Quy Nhơn
Bến cảng Tân Cảng Quy Nhơn nằm tại phía trái luồng hàng hải Quy Nhơn thuộc địa phận phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn. Hiện có 01 cầu tàu, với chiều dài 200m nằm trong vùng nước cảng biển thuộc khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn. Bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu chở container và hàng hóa tổng hợp trọng tải đến 30.000DWT.
Tân cảng Miền Trung
Bến Tân cảng Miền Trung có tổng diện tích là 50.000m2, trong đó tổng diện tích bãi là 40.000m2. Hiện có 01 cầu tàu với chiều dài là 175m. Bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 15.000DWT và khả năng thông qua 300.000 tấn đến 400.000 tấn/năm.
Các cảng khác
Ngoài những cảng biển nêu trên, tỉnh Bình Định còn có cảng địa phương đang hoạt động là cảng Tam Quan và cảng Đề Gi. Hai cảng này được quy hoạch thành cảng địa phương nhưng hiện chưa được đầu tư nhiều và đang chỉ phục vụ như bến tàu cá, thuộc quản lý của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cảng Tam Quan nằm trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, năm 2010 cảng đã được chính phủ đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trong khu vực và phát triển hạ tầng nghề cá địa phương. Do biến đổi khí hậu nên cửa biển, luồng lạch ra vào cảng Tam Quan thường xuyên bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Cùng đó, hệ thống dịch vụ hậu cần không đảm bảo, thiếu nơi tập kết thủy sản…đang gây nhiều khó khăn cho phát triển nghề cá.
Cảng Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2006 cho tới nay với các hạng mục cầu cảng, đê chắn sóng, luồng lạch thiết kế hiện đại, trở thành cảng cá lớn nhất của tỉnh Bình Định. Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường, với các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần thúc đẩy kinh tế biển ở Bình Định.
Bên cạnh đó, đây cũng là nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền trú bão.
Quy hoạch giao thông tỉnh Bình Định
Giao thông đường bộ
Đường bộ cao tốc
− Đường bộ cao tốc Bắc – Nam (CT.01) theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ:
Toàn tuyến dài 2.063km, quy mô 4-10 làn xe, giai đoạn trước 2030. Trong đó đoạn cao tốc CT.01 trên địa bàn tỉnh Bình Định có điểm đầu tại khu vực xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn) giáp ranh giới tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối tại khu vực phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn) giáp ranh giới tỉnh Phú Yên, đi trùng với dự án hầm Cù Mông đang khai thác. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 117km, quy mô 6 làn xe.
− Đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (Gia Lai) – Lệ Thanh theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ:
Toàn tuyến dài 230km, quy mô 4 làn xe, giai đoạn sau 2030. Trong đó đoạn cao tốc CT.20 trên địa bàn tỉnh Bình Định nằm trên đoạn tuyến Quy Nhơn Pleiku, điểm đầu tại cảng Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn), điểm cuối tại khu vực xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), giáp ranh giới tỉnh Gia Lai, chiều dài khoảng 63 km, quy mô 4 làn xe.
Đường quốc lộ
− Nâng cấp, xây dựng, duy tu, bảo trì 05 đoạn tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh: QL.1, QL.1D, QL.19, QL.19B, QL.19C. Cụ thể:
+ QL.1: Nâng cấp mở rộng toàn tuyến trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 4 làn xe. Trong đó nâng cấp mở rộng tuyến tránh QL.1 đoạn qua thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn), thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) lên quy mô 4 làn xe cơ giới đồng bộ trên toàn tuyến. Quy hoạch xây dựng tuyến tránh QL.1 đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước); phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn) đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, quy mô 4-6 làn xe.
+ QL.1D: Nâng cấp mở rộng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh chiều dài khoảng 20,7 km đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 4 làn xe.
+ QL.19: Nâng cấp mở rộng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh chiều dài khoảng 68,5 km đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2-6 làn xe. Quy hoạch xây dựng tuyến tránh QL.19 đoạn qua thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 2-4 làn xe.
+ QL.19B: Nâng cấp mở rộng đoạn tuyến 19B hiện hữu trên địa bàn tỉnh chiều dài khoảng 60 km đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 4 làn xe. Quy hoạch xây dựng quốc lộ 19B kéo dài kết nối với quốc lộ 24 tại khu vực huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) có chiều dài khoảng 131 km, đạt cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.
Đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 112 km, điểm đầu tại giao quốc lộ 19B tại khu vực xã Bình Thành (huyện Tây Sơn), điểm cuối tại khu vực xã An Vinh (huyện An Lão). Quy hoạch tuyến quốc lộ 19B trên địa bàn tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 172km, điểm đầu tại cảng Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn), điểm cuối tại khu vực xã An Vinh (huyện An Lão), đạt cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.
+ QL.19C: Nâng cấp mở rộng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh chiều dài khoảng 39,27 km đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2-4 làn xe. Các đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) và trung tâm huyện Vân Canh theo tiêu chuẩn đường đô thị.
+ Chỉ tiêu về mật độ cao tốc, quốc lộ sau quy hoạch của tỉnh Bình Định đạt 9,87 km/100km2 và 0,4km/1000 dân; gấp gần 2 lần chỉ tiêu hiện hữu.
Phát triển đường tỉnh
− Xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường Cao tốc, đường Quốc lộ đến các Khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu cụm công nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh liên hoàn liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn.
Quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh đến năm 2030 gồm 15 tuyến với tổng chiều dài khoảng 747 km. Trên cơ sở các tuyến đường tỉnh hiện hữu tiến hành nâng cấp, cải tạo 09 tuyến (khoảng 354,7 km); nâng cấp, điều chỉnh kéo dài 03 tuyến (khoảng 250,0 km) và xây dựng mới 03 tuyến (khoảng 142,3 km). Cụ thể:
− Nâng cấp, duy tu, bảo trì 09 tuyến đường tỉnh ĐT.631, ĐT.632, ĐT.633, ĐT.634, ĐT.636, ĐT.637, ĐT.639, ĐT.639B, ĐT.640.
− Nâng cấp, điều chỉnh kéo dài 03 tuyến để đảm bảo tính kết nối: ĐT.629, ĐT.630, ĐT.638.
− Xây dựng mới 03 tuyến đường tỉnh đảm bảo tính kết nối tại một số khu vực: ĐT.635 (An Lão Bồng Sơn), ĐT.637B (Tây Thuận Phước Mỹ), ĐT.638B (An Vinh Hoài Sơn).
Phát triển mạng lưới đường sắt
− Tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh: đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Định: Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa để đạt tốc độ chạy tàu 80km/h đến 90km/h đối với tàu khách và 50km/h đến 60km/h đối với tàu hàng. Tầm nhìn đến năm 2050: Duy trì đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh để khai thác vận chuyển hàng hóa và hành khách theo khu đoạn, nghiên cứu chuyển đổi sang sức kéo điện.
+ Nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, xây dựng mới 02 ga hàng hóa tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) phục vụ vận chuyển hàng hóa khu vực cảng cạn Quy Nhơn và các trung tâm logistics.
+ Đối với đoạn tuyến Diêu Trì – Quy Nhơn: Giai đoạn sau 2030 nghiên cứu chuyển đổi thành đường sắt đô thị (Metro).
+ Nghiên cứu xây dựng mới đoạn tuyến Diêu Trì – Nhơn Bình, bổ sung 1 ga hàng hóa tại Nhơn Bình để phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa qua cảng Quy Nhơn.
− Tuyến đường sắt tốc độ cao: đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên hành lang Bắc – Nam tầm nhìn đến năm 2050, khổ đường 1.435mmm, đường đôi, điện khí hóa với vận tốc thiết kế tối đa 350km/h. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai đầu tư xây dựng thời kỳ 2030-2050, có chiều dài khoảng 115,54km.
+ Hướng tuyến: đi qua địa phận thị xã Hoài Nhơn, huyện Phú Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và TP. Quy Nhơn. Cụ thể: Từ ranh giới tỉnh, tuyến cơ bản đi về phía Tây của đường bộ cao tốc, đến vị trí ga Bồng Sơn tại phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn; sau đó tuyến vượt đường bộ cao tốc và ĐT.629 để đi sang phía Đông đường bộ cao tốc và đi vào huyện Phú Mỹ. Đoạn từ huyện Phú Mỹ đến hết địa phận tỉnh tuyến cơ bản đi về phía Đông và đi sát trong hành lang đường bộ cao tốc để tránh các khu dân cư và sân bay Phù Cát.
+ Vị trí 02 ga: Ga Bồng Sơn tại phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn và ga Diêu Trì tại xã Phước An, huyện Tuy Phước; nằm về phía Tây và cách ga Diêu Trì của đường sắt Hà Nội TP. Hồ Chí Minh khoảng 3,5km.
+ Trạm bảo dưỡng: 03 vị trí kết hợp tại ga Bồng Sơn, ga Diêu Trì và vị trí tại xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ.
Phát triển đường hàng không
− Quy hoạch cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 quy mô cấp 4D, công suất thiết kế 5 triệu HK/năm và tầm nhìn đến năm 2050 quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 12 triệu HK/năm.
− Giai đoạn 2021-2030: Quy hoạch cảng hàng không cấp 4C. Mở rộng sân đỗ đảm bảo nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không. Xây dựng nhà ga đảm bảo tổng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.
− Giai đoạn 2030-2050: Quy hoạch cảng hàng không tiêu chuẩn quốc tế, cấp 4E. Xây dựng thêm 1 đường CHC đảm bảo nhu cầu khai thác máy bay code E, xây dựng đường lăn nối kết nối đồng bộ với đường cất hạ cánh hiện hữu. Mở rộng sân đỗ đảm bảo nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không. Xây dựng nhà ga đảm bảo tổng công suất lên 12 triệu hành khách/năm.
− Quy hoạch khu bãi thủy phi cơ phục vụ bay thương mại tại Khu kinh tế Nhơn Hội (khu vực C, phân khu 3) nhằm kết nối phục vụ khách du lịch các địa điểm trên địa bàn tỉnh Bình Định và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Phát triển mạng lưới đường thủy nội địa
− Quy hoạch 19 tuyến đường thủy nội địa phục vụ dân sinh và du lịch. Trong đó 06 tuyến phục vụ dân sinh và 13 tuyến phục vụ du lịch. Cụ thể:
− Quy hoạch 23 bến thủy nội địa trong đó 11 bến phục vụ dân sinh, 11 bến phục vụ du lịch và 01 bến hỗn hợp.
Phát triển mạng lưới đường biển
− Quy hoạch cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT. Quy mô đầu tư chiều dài luồng 7 km từ phao số 0 đến vũng quay tàu bến số 1; bề rộng luồng 140 m; chiều sâu chạy tàu 14,23 m; cao độ đáy luồng -13,0 m; mái dốc m = 5; đường kính vũng quay tàu dùng chung 400m phục vụ tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải), mực nước chạy tàu +1,65 m; tần suất P = 50%.
– Khu bến Quy Nhơn Thị Nại: Quy hoạch đến 2030 phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên. Quy mô gồm các bến cảng container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến khách. Quy hoạch tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 70.000 DWT kết hợp tiếp nhận tàu khách, tàu hàng lỏng đến 10.000 DWT.
+ Bến cảng Quy Nhơn: Quy hoạch mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch chi tiết mở rộng cảng Quy Nhơn với tổng diện tích 87,92ha trong đó 69,62ha quy hoạch xây dựng trên bờ và 18,03ha quy hoạch khu nước, vũng quay tàu. Trong đó khu bến cảng tổng hợp, container có tổng diện tích 4,72ha; khu vực kho, bãi hậu phương có tổng diện tích 28,86ha. Năng lực thông qua 22-26 triệu tấn/năm.
+ Các bến cảng Thị Nại, Tân cảng Quy Nhơn, Tân cảng Miền Trung, Đống Đa quy hoạch năng lực thông qua 6÷6,5 triệu tấn/năm.
– Xây dựng mới cảng Nhơn Hội: Phục vụ phát triển trực tiếp khu kinh tế Nhơn Hội; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến khách; phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, năng lực của nhà đầu tư. Quy mô diện tích khoảng 72ha; khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 10.000-50.000DWT.
– Trong đó, quy hoạch bến cảng tổng hợp Nhơn Hội (Khang Thông) tại khu vực 4 là cảng hàng hóa, phục vụ trực tiếp cho KKT Nhơn Hội. Quy hoạch bến cảng hành khách Hải Giang có khả năng tiếp đón được các tàu du lịch cỡ lớn quốc tế, tiếp đón các tàu du lịch loại vừa và nhỏ phục vụ vận chuyển khách du lịch trong khu vực và vùng, đồng thời cũng là nơi neo đậu cho các thủy phi cơ.
– Quy hoạch cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại khu vực xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ thuộc kế hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích khoảng 343ha. Quy mô gồm các bến cảng container, tổng hợp, hàng rời. Quy hoạch tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 – 250.000 tấn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp gần 30 triệu tấn hàng/năm.
– Các khu bến khác: Nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn của công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; Đưa cảng Đề Gi, Tam Quan ra khỏi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do cửa biển của 2 cảng này luôn bị bồi lắng hàng năm, mực nước thấp, luồng tàu ra vào hẹp, thay vào đó quy hoạch là cảng cá khu vực kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng cho tàu cá trong định hướng hình thành hai trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh tại xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn và đầm Đề Gi, khu vực xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (huyện Phù Cát); Các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời về khu bến cảng Đống Đa phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn.
– Quy hoạch các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão: Khu neo đậu tránh, trú bão tại Đầm Thị Nại cho tàu trọng tải đến 3.000 DWT và khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão tại Vịnh Làng Mai.
Trung tâm logistic và cảng cạn
− Quy hoạch cảng cạn Tuy Phước và khu kho bãi phục vụ di dời các kho bãi nội thành quy mô khoảng 85,95 ha tại khu vực xã Phước Lộc và Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước); dọc theo tuyến QL.19 mới đóng vai trò kết nối luồng hàng hóa giữa Bình Định với các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng như với các nước tiểu vùng sông Mê Kông trên hành lang kinh tế Đông Tây.
− Quy hoạch trung tâm Logistics tỉnh Bình Định hạng II (cấp Vùng), diện tích khoảng 30 ha phục vụ phát triển hành lang kinh tế đường 19 theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước tại khu vực thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch trên hành lang kinh tế Đông Tây gồm QL.19, QL.19B và cao tốc Quy Nhơn Pleiku theo quy hoạch.
− Quy hoạch cụm Logistics số 1 Cụm logistics Cầu Gành tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) dọc tuyến QL.19 mới tại phía Nam khu vực cảng cạn Quy Nhơn. Quy mô diện tích khoảng 156 ha phục vụ phát triển khu vực cảng Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội; kết nối với các trục giao thông Bắc Nam (QL.1), trục Đông Tây (QL.19), đường sắt Hà Nội TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Quy Nhơn Pleiku theo quy hoạch.
− Quy hoạch cụm Logistics số 2 Cụm logistics tại khu vực xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) tại khu vực dọc tuyến QL.19C, kết nối với cao tốc Bắc Nam phía Đông theo quy hoạch. Quy mô diện tích khoảng 150 ha phục vụ phát triển công nghiệp phía Tây Nam dọc trục QL.19C; kết nối với các trục giao thông cao tốc Bắc Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam theo quy hoạch.
Tổng hợp bởi Duan24h.net