Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn nút khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam vào sáng ngày 01/01/2023 với tổng vốn 146.990 tỷ đồng, dài 729 km, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Lễ khởi công được tổ chức ở 12 điểm, trong đó có ba điểm cầu chính là Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hậu Giang; đại diện cho ba khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Các điểm cầu còn lại ở Hà Tĩnh (hai điểm), Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên (hai điểm), Khánh Hòa, Cà Mau.
Trong đó, Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn) được chọn là điểm cầu trung tâm, nơi có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết nối trực tuyến với các nơi khác.
Nội Dung Đề Xuất
Dự án đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được chia làm 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh thành phố. Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến.
Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác vào 2026, giúp nối liền toàn trục cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau (riêng đoạn từ Lạng Sơn tới cửa khẩu Hữu Nghị chưa đầu tư).
Trước đó, Đại hội Đảng lần thứ 13 đầu năm 2021 xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển công trình giao thông trọng điểm quốc gia với mục tiêu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ xác định đến 2025 phải hoàn thành 3.000 km cao tốc. Hiện cả nước có hơn 1.400 km đường bộ cao tốc, như vậy từ đây đến 2025 cần tiếp cận làm thêm 1.600 km.
Với dự án đường cao tốc Bắc Nam, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tích cực hoàn thiện thủ tục để báo cáo cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Ngay sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết 18, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ, ngành địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.
Một số cơ chế đặc thù điển hình là: Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 với các gói tư vấn, xây lắp, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian khảo sát, thiết kế, lập, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường phục vụ dự án cho nhà thầu khai thác; nâng công suất các mỏ cát ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Với các cơ chế đặc thù trên, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông với quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm có độ phức tạp kỹ thuật cao nhưng thời gian từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến khởi công chỉ gần một năm; rút ngắn một nửa so với thời gian bình quân triển khai các bước tương tự đối với dự án nhóm A. Hiện, các địa phương đã bàn giao 70% diện tích mặt bằng, đáp ứng yêu cầu khởi công dự án.
Theo Vnexpress