Mục lục

    Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm : TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, Bảo Lâm, Cát Tiên, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà.

    Hiện trạng công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

    Khu công nghiệp

    Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 03 khu công nghiệp (KCN) là: KCN Lộc Sơn (TP Bảo Lộc), KCN Phú Hội (huyện Đức Trọng) và KCN Phú Bình (huyện Đức Trọng) với tổng diện tích quy hoạch 538 ha.

    Trong đó, có 02 KCN Lộc Sơn và Phú Hội đang có các hoạt động sản xuất và KCN Phú Bình đang trong giai đoạn thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.

    – Xây dựng phát triển hạ tầng: Đến nay, hạ tầng của 02 KCN đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục cơ bản (Hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, giao thông, điện chiếu sáng, …), đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng và hoạt động của doanh nghiệp trong KCN.

    Hiện cả 02 KCN của tỉnh đã và đang xây dựng và đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung.


    Vị trí và quy mô các KCN tỉnh Lâm Đồng
    Vị trí và quy mô các KCN tỉnh Lâm Đồng

    KCN Lộc Sơn (TP Bảo Lộc)

    KCN Lộc Sơn được thành lập tại Quyết định số 1733/CP-CN ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính Phủ, với tổng diện tích quy hoạch 185 ha.

    KCN Lộc Sơn được phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1035/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, Quyết định số 2841/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2010 và Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

    Ngày 12 tháng 8 năm 2015 khu công nghiệp đã được TTCP đồng ý điều chỉnh giảm diện tích từ 185 ha xuống còn 183 ha theo văn bản số 1349/TT-KTN.

    KCN đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ chi tiết tại Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2019.

    KCN cách TP Bảo Lộc 03 km về phía Đông Nam, nằm cạnh các đầu mối giao thông chính; phía Bắc có QL 20 nối TP HCM với TP Đà Lạt; phía Tây là QL 55 nối với tỉnh Bình Thuận. Do vậy, hạ tầng ngoài KCN rất thuận tiện, các yếu tố hạ tầng xã hội khác tương đối hoàn chỉnh. Có thể đánh giá, đây là KCN có vị trí hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

    Theo điều chỉnh quy hoạch, KCN Lộc Sơn có tổng diện tích SDĐ là 183 ha, trong đó đất công nghiệp là 134,5 ha, chiếm 73,5% diện tích đất KCN. Đến nay, diện tích đã đền bù giải phóng mặt bằng là 166 ha, diện tích còn lại chưa bồi thường giải phóng mặt bằng là 17 ha (Tương đương khoảng 9,3% diện tích khu công nghiệp).

    KCN Phú Hội (huyện Đức Trọng)

    KCN Phú Hội được phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2007. Năm 2015, KCN đã được điều chỉnh giảm diện tích từ 174 ha xuống còn 109 ha tại văn bản số 1349/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 8 năm 2015.

    KCN Phú Hội đã được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tại Quyết định số 587/QĐ- UBND ngày 28 tháng 3 năm 2017 và Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

    Đến nay KCN đã đền bù giải phóng mặt bằng được 89,75/109 ha (đạt 82,3%); diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng là 19,25 ha. KCN Phú Hội có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông và khoảng cách cung ứng từ các vùng nguyên liệu.

    KCN cách TP Đà Lạt 35 km về hướng Đông Bắc, cách TP Bảo Lộc 80 km về hướng Tây- Tây Nam; cách sân bay Liên Khương 03km; nằm sát QL 20 nên thuận tiện giao thông đi Tp HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

    KCN Phú Bình (Huyện Đức Trọng)

    KCN được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập mới và bổ sung vào Danh mục các KCN tỉnh Lâm Đồng tại văn bản số 939/TTg-CN ngày 21 tháng 7 năm 2020 với quy mô diện tích 246 ha.

    KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại văn bản số 8932/UBND-MT ngày 03 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng và văn bản số 1133/UBND-MT ngày 25 tháng 02 năm 2021 của UBND tỉnh về việc thống nhất chủ trương lập quy hoạch Khu dân cư kế cận KCN Phú Bình (huyện Đức Trọng) với quy mô 35,6 ha.

    KCN có vị trí thuộc địa bàn 02 thôn Phú Bình và Phú An (xã Phú Hội), cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 45 km về phía Tây-Nam, giáp đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương (quy hoạch), cách QL 20 khoảng 03 km và cách sân bay quốc tế Liên Khương khoảng 10 km).

    KCN đang được thực hiện lập đồ án quy hoạch phân khu chức năng và phân khu dân cư tỷ lệ 1/2000. Sau khi phê duyệt quy hoạch KCN sẽ được tập trung trung xúc tiến, kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng để triển khai xây dựng.

    Cụm công nghiệp

    Theo Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó đã quy hoạch 14 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 647,65 ha.

    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đã có một số điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với nhu cầu, điều kiện thực tế sản xuất và phát triển của từng địa phương.

    Cụ thể một số điều chỉnh, bổ sung như sau: – Rút ra khỏi quy hoạch 04 CCN14 với tổng diện tích 230,61 ha. Bao gồm CCN Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) diện tích 47 ha; CCN Tân Châu (huyện Di Linh), diện tích 78 ha; CCN Hà Lâm (huyện Đạ Huoai), diện tích 66,6 ha và CCN Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) diện tích 44,84 ha.

    – Bổ sung vào quy hoạch CCN Tam Bố (huyện Di Linh), diện tích 30 ha15. Sau quá trình điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN, đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 11 CCN với tổng diện tích 381,96 ha (giảm 265,7 ha so với quy hoạch theo Quyết định số 118/QĐ-UBND).

    Chia theo địa phương, huyện Di Linh và Bảo Lâm cùng có 02/11 CCN; 07 huyện, thành phố mỗi địa phương có 01 CCN và 03 địa phương Đức Trọng, Đạ Tẻh và Cát Tiên không có CCN.

    Diện tích trung bình của các CCN trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 34,72 ha/CCN. Trong đó, CCN lớn nhất là CCN Đạ Oai (huyện Đa Huoai), có diện tích phê duyệt là 59,7 ha; tiếp theo là CCN Ka Đô (huyện Dơn Dương), diện tích 47,2 ha;… và thấp nhất là CCN Gia Hiệp (huyện Di Linh), diện tích 21,74 ha.

    Quy hoạch đất CCN hiện tập trung nhiều nhất ở 02 huyện Bảo Lâm và Đạ Huoai với tổng diện tích 59,7 ha/địa phương, cùng chiếm 15,6% tổng diện tích đất quy hoạch CCN toàn tỉnh. Tiếp theo là huyện Di Linh, chiếm 13,5%, huyện Ka Đô, chiếm 12,4%… thấp nhất huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, chiếm lần lượt 7,9% và 6,9%.

    Tất cả các CCN quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có diện tích nhỏ hơn 75 ha, đảm bảo quy mô diện tích của CCN theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và có không có CCN nào thấp hơn diện tích quy hoạch tối thiểu (dưới 10 ha).

    Vị trí và quy mô các CCN tỉnh Lâm Đồng
    Vị trí và quy mô các CCN tỉnh Lâm Đồng

    Thực trạng phát triển và đầu tư hạ tầng

    – Đầu tư phát triển hạ tầng Hiện có 07 CCN đang xây dựng và phát triển hạ tầng, trong đó có 06 CCN đã có quyết định thành lập. Riêng CCN Tam Bố (huyện Di Linh) chưa quyết định thành lập, được phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2202/QĐ-UBND ngày 14/8/2018.

    Có 09/11 CCN (trừ CCN Tam Bố và CCN Lạc Dương) đã được UBND tỉnh phê duyệt vốn đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng được duyệt là 703,12 tỷ đồng, tổng kinh phí đã bố trí để đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng đạt 147,27 tỷ đồng/703,12 tỷ đồng (đạt khoảng 20,9%); diện đã giải phóng mặt bằng được 181 ha/351,96 ha, đạt tỷ lệ 51,4%, trong đó có 02 CCN đạt 100% là CCN Phát Chi (TP Đà Lạt) và CCN Gia Hiệp (huyện Di Linh).

    Có 09/10 CCN do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư xây dựng HTKT và giao cho Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng hoặc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng ở cấp huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất (TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc) đầu tư xây dựng hạ tầng.

    Riêng CCN Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) do doanh nghiệp đầu tư cơ sở HTKT.

    – Đầu tư phát triển sản xuất Đến nay, có 10 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 351,96 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 258,96 ha, chiếm 73,57% tổng diện tích đất CCN. Riêng CCN Lạc Dương (huyện Lạc Dương) đang trong quá trình xây dựng phương án phát triển CCN và thực hiện các thủ tục theo quy định.

    Có 06 CCN được UBND tỉnh thành lập gồm có: CCN Gia Hiệp (huyện Di Linh), CCN Ka Đô (huyện Đơn Dương), CCN Lộc Phát (TP Bảo Lộc), CCN Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), CCN Phát Chi (TP Đà Lạt) và CCN Đinh Văn (huyện Lâm Hà).

    Tổng diện tích 06 CCN đã thành lập là 199,4 ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 147,8 ha chiếm 74,1% diện tích đất CCN.

    Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

    Khu công nghiệp

    – Giai đoạn đến năm 2025 Tập trung thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại (Giai đoạn 2) tại 02 KCN Lộc Sơn và Phú Hội tạo đất sạch bố trí cho nhà đầu tư.

    Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội (Trạm xử lý nước thải, hệ thống thu gom nước thải, đường giao thông,…) để thu hút các dự án sản xuất lấp đầy 100% diện tích KCN.

    Vốn đầu tư khoảng 382 tỷ đồng. Sắp xếp, bố trí thu hút các dự án đầu tư thứ cấp sản xuất-kinh doanh trong các KCN khoa học, hợp lý, đúng với ngành nghề hoạt động được phê duyệt, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Tập trung hoàn thành thủ tục pháp lý thành lập KCN Phú Bình (huyện Đức Trọng), kêu gọi thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN và các nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất.

    Đến năm 2030, phát triển 03 KCN với tổng diện tích 538 ha. Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 03 KCN của tỉnh đạt khoảng 60-65% đất công nghiệp vào năm 2025 và 100% các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đồng bộ theo quy định của Luật BVMT.

    Hoàn thành công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030 và sau năm 2030. Bổ sung vào danh mục quy hoạch KCN của tỉnh thêm 02 KCN mới với tổng diện tích khoảng 690 ha, đưa số KCN của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng

    Chính phủ chấp thuận lên 05 KCN với tổng diện tích 1.228 ha. Trong đó 02 KCN bổ sung mới là KCN Nam Lâm Đồng (huyện Đạ Tẻh), diện tích 500 ha và KCN Lộc Châu-Đại Lào (TP Bảo Lộc), diện tích 190 ha sẽ được từng bước phát triển để thu hút các nhà đầu tư sản xuất từ năm 2030-2031.

    – Giai đoạn 2026-2030 Ổn định các doanh nghiệp sản xuất trong KCN. Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện theo giai đoạn KCN Phú Bình (huyện Đức Trọng) theo kế hoạch, tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất công nghiệp. Phấn đấu lấp đầy 85-90% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của 03 KCN (Tương đương lấp đầy 100%% diện tích đất công nghiệp của 02 KCN Lộc Sơn, Phú Hội và 70-80% KCN Phú Bình).

    Dự kiến trong giai đoạn đến năm 2030, hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN Nam Lâm Đồng (huyện Đạ Tẻh) và KCN Lộc Châu-Đại Lào (TP Bảo Lộc); từng bước đầu tư hạ tầng và hoàn thành theo giai đoạn.

    Phấn đấu thu hút nhà đầu tư thứ cấp từ năm 2030-2031. Phấn đấu 100% các KCN hoạt động, hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn.

    Danh mục phát triển các KCN tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030
    Danh mục phát triển các KCN tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030

    Cụm công nghiệp

    Giai đoạn đến năm 2025

    – Về quy hoạch Giữ nguyên 09 CCN hiện trạng với tổng diện tích 307,39 ha (Đã quy hoạch tại Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2010 và Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2016).

    Trong đó, phát triển CCN Lạc Dương (huyện Lạc Dương) với diện tích 25,2 ha (Tại Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2010, CCN được định hướng phát triển khoảng 30 ha).

    Điều chỉnh mở rộng CCN Đinh Văn (huyện Lâm Hà) từ 34,37 ha lên 37,19 ha (Mở rộng thêm 2,82 ha). Đưa ra khỏi danh mục quy hoạch CCN tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, CCN Đạ R’ Sal (huyện Đam Rông), diện tích 35,4 ha, do không còn phù hợp với thực tế phát triển của huyện Đam Rông. Bổ sung 07 CCN với tổng diện tích khoảng 419 ha.

    Bao gồm: CCN Cát Tiên (huyện Cát Tiên), diện tích 29 ha; CCN Liêng Srônh (huyện Đam Rông), diện tích 30-35 ha; CCN Đinh Văn 2 (huyện Lâm Hà), diện tích 70 ha; 03 CCN tại huyện Di Linh gồm: Liên ĐầmTân Châu, Hoà Ninh và Gia Bắc với diện tích khoảng 70 ha/CCN và CCN Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), diện tích 75 ha.

    Do vậy, sau khi điều chỉnh và bổ sung mới, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh quy hoạch 17 CCN với tổng diện tích 763,58 ha (Tăng thêm 381,62 ha so với diện tích 381,96 ha năm 2020 mà tỉnh đã phê duyệt). Tiếp tục rà soát, điều chỉnh diện tích các cụm công nghiệp phù hợp với phát triển công nghiệp của các địa phương.

    – Đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất Tập trung đầu tư và hoàn thiện hạ tầng các CCN đã thành lập và đang có các hoạt động sản xuất. Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất tại các CCN này.

    Phấn đấu thu hút đầu tư lấp đầy 70% các cụm công nghiệp trọng điểm; hoàn thiện sắp xếp bổ sung các cụm công nghiệp tại các địa phương có tiềm năng.

    Tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp theo định hướng phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh. Thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển các CCN đã quy hoạch từ giai đoạn trước, gồm: CCN Lộc An (huyện Bảo lâm), CCN Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) và CCN Lạc Dương (huyện Lạc Dương) với tổng diện tích 112,36 ha.

    Trong giai đoạn này, từng bước thực hiện các thủ tục để hình thành và phát triển một số CCN đã được quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp tại địa phương.

    – Bảo vệ môi trường Đến năm 2025, phấn đấu từ 2-3 CCN có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

    Giai đoạn 2026 – 2030

    – Đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất trong CCN Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các địa phương, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất trong CCN. Tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy các CCN phát triển ở giai đoạn trước. Phát triển các CCN theo nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và phát triển công nghiệp của địa phương.

    Thành lập thêm các CCN và tuỳ theo tình hình thu hút đầu tư thực tế của các địa phương sẽ điều chỉnh số lượng CCN và diện tích đất công nghiệp này phát triển trong giai đoạn 2026-2030 hoặc chuyển sang sau năm 2030). Phấn đấu lấp đầy 100% các cụm công nghiệp trọng điểm, 50% các cụm công nghiệp quy hoạch còn lại.

    – Về Quy hoạch Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, các địa phương và tại nơi khu vực có điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và phù hợp tình hình thực tế phát triển của các huyện, thành phố.

    – Bảo vệ môi trường Phấn đấu 100% các CCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn về BVMT.

    Giai đoạn sau năm 2030

    – Hình thành hệ thống các CCN có quy mô hợp lý, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng và từng địa phương trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh sau năm 2030 và đến năm năm 2050.

    – Khuyến khích và tạo điều kiện các nhà đầu hạ tầng đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các CCN để thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững gắn với xử lý môi trường.

    Bố trí đủ kế hoạch sử dụng đất cho các CCN có nhà đầu tư hạ tầng, để thuận tiện cho công tác thu hồi, đến bù giải phóng mặt bằng và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CCN.

    – Định hướng đến năm 2050, tiếp tục xem xét bổ sung một số CCN cho phù hợp để đảm bảo quỹ đất cho phát triển công nghiệp trên địa bàn các huyện từng bước chuyển dần các doanh nghiệp công nghiệp từ thành phố và ngoài khu, CCN vào trong CCN địa bàn các huyện, khu vực nông thôn đồng thời thu hút các dự án mới có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp nhiều ngân sách và tăng thu nhập cho người lao động.

    Hồ sơ QH tỉnh Lâm Đồng 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây