Bản đồ quy hoạch, kế hoạch thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) cập nhật 01/2025 bao gồm các công trình dân dụng, cơ quan, công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Quy hoạch đô thị TP Sầm Sơn đến năm 2030
Phương án quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045.
Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm
Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Sầm Sơn hiện hữu, hiện tại bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã (08 phường, 03 xã), ranh giới cụ thể:
Nội Dung Đề Xuất
- Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.
- Phía Tây giáp huyện Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa.
- Phía Nam giáp huyện Quảng Xương.
- Phía Bắc giáp huyện Hoằng Hóa (ranh giới là sông Mã).
Quy mô: Diện tích khoảng 44,94km2; quy mô dân số toàn đô thị gồm cả quy đổi đến năm 2030 khoảng 180.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 95%; tầm nhìn đến năm 2045 đạt quy mô dân số khoảng 300.000 người.
Tính chất đô thị: Là đô thị du lịch của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mang tầm vóc quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển thành trung tâm du lịch biển, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh Thanh Hoá và cả nước.
Phát triển dịch vụ, đánh bắt chế biến hải sản, tiểu thủ công nghiệp, các dịch vụ công cộng gắn kết chặt chẽ với thành phố Thanh Hoá và Khu kinh tế Nghi Sơn.
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội
Định hướng phát triển hạ tầng xã hội
Trung tâm chính trị – hành chính: Bố trí trung tâm chính trị – hành chính thành phố tại phía Đông Nam nút giao Quốc lộ 47 với đường ven biển gắn với quảng trường chính trị. Khu trung tâm các phường, xã cơ bản giữ nguyên tại vị trí hiện tại.
Hạ tầng giáo dục: Phát triển trung tâm đào tạo bậc đại học và nghiên cứu ứng dụng (R&D) phía Nam tuyến đường Nam sông Mã, thuộc các phường Quảng Châu và Quảng Thọ. Giữ nguyên vị trí 03 trường phổ thông trung học hiện có, quy hoạch mới 01 trường phổ thông trung học phía Tây thuộc khu vực trung tâm phường Quảng Châu.
Hạ tầng y tế: Phát triển bệnh viện thành phố tại khu vực phía Nam trung tâm phường Quảng Thọ; bố trí các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng gồm các trung tâm hiện có và xây mới khác.
Hạ tầng văn hóa, thể thao: Bố trí khu trung tâm thể dục thể thao với các chức năng sân vận động, nhà thi đấu, tập luyện, khu nghỉ vận động viên… tại phía Đông nút giao đường Trần Hưng Đạo với đường Lê Lợi; trung tâm văn hóa tại phía Đông Nam đền thờ An Dương Vương với các chức năng nhà hát thành phố, thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, cung thiếu nhi.vv…
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế
Hạ tầng du lịch: Phát triển hoàn chỉnh các không gian du lịch đã được quy hoạch, bao gồm:
- Khu khách sạn – dịch vụ hiện có phía Bắc;
- Khu du lịch sinh thái gắn với sân golf Quảng Cư;
- Khu du lịch sinh thái ven biển Nam Sầm Sơn;
- Khu lâm viên văn hóa – tâm linh núi Trường Lệ và khu dịch vụ du lịch núi Trường Lệ;
- Khu du lịch sinh thái ven sông Đơ;
- Khu bãi tắm – bãi cát.
Bố trí công viên đô thị tại các khu trung tâm các phường, xã; xây dựng công viên chuyên đề gắn với dịch vụ thương mại và các khu đô thị ven sông Đơ.
Tổ chức không gian hai bên đường Nguyễn Khuyến thành hành lang lễ hội gắn với Quảng trường biển Sầm Sơn, hình thành phố đi bộ từ biển đến sông Đơ gồm các chức năng Quảng trường biển, phố đi bộ, dịch vụ, khuôn viên, chợ hải sản và khu thương mại phục vụ du lịch; phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của du khách.
Hạ tầng dịch vụ thương mại: Bố trí chợ đầu mối phía Tây cụm công nghiệp Quảng Châu.
Hạ tầng công nghiệp: Phát triển cụm công nghiệp theo hướng tập trung các ngành nghề chế biến thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, bố trí phía Nam cảng thủy nội địa tại phía Bắc phường Quảng Châu.
Quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố Sầm Sơn
Hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối ngoại kết nối thành phố Sầm Sơn với các vùng trong và ngoài tỉnh , gồm giao thông đường bộ QL10, QL47, Đại lộ Nam sông Mã và đường bộ ven biển; tăng cường các tuyến kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn và các ga đường sắt tại thành phố Thanh Hóa.
Xây dựng mới mạng lưới đường chính đô thị và đường liên khu vực đáp ứng lưu lượng và khả năng thông hành lớn, nối liền các trung tâm dân cư lớn, các công trình cấp đô thị; xây dựng cầu qua sông Mã trên tuyến đường Ven biển.
Xây dựng mới cảng Lễ Môn với công suất khoảng 1,5 triệu tấn/năm, mở rộng và nâng công suất cảng cá Hới kết hợp với âu tránh trú bão. Xây dựng bến tầu du lịch phía Đông cảng cá Hới.
Bố trí trong khu vực 03 bến xe, bao gồm: 02 bến xe đối ngoại ở phía Bắc Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn; 01 bến xe bus trung tâm bố trí tại phía Đông Bắ c giao quốc lộ 47 và đường duyên hải; hình thành và phân bố hợp lý các điểm đậu, đỗ xe thuận lợi cho người sử dụng, khuyến khích xây dựng các điểm đậu, đỗ xe ngầm trong các khuôn viên khách sạn.
Phát triển giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường để kết nối các khu vực chức năng. Kết hợp sử dụng các tuyến xe bus của tỉnh và bố trí mới các tuyến xe bus nội thị phục vụ giao thông công cộng và khách du lịch.
Bố trí dành quỹ đất xây dựng đường sắt đô thị qua trung tâm thành phố kết nối với trung tâm thành phố Thanh Hóa và Cảng hàng không Thọ Xuân.
Tài liệu tham khảo: Báo cáo thuyết minh ĐCQHSĐ 2030 và KHSDĐ 2023 thành phố Sầm Sơn
Bản đồ KHSDĐ Sầm Sơn 2023 (9,4 MB)
Bản đồ ĐCQHSDĐ Sầm Sơn 2030 (8,6 MB)
Quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 với mục tiêu:
- Phát triển toàn diện đô thị du lịch Sầm Sơn đạt tiêu chí đô thị du lịch loại I. Hướng tới mục tiêu hình thành liên đô thị Thanh Hoá – Sầm Sơn vào năm 2025.
- Xây dựng đô thị Sầm Sơn thành một đô thị tương hỗ cho thành phố Thanh Hoá và khu Kinh tế Nghi Sơn, hình thành tam giác tăng trưởng: thành phố Thanh Hoá – Sầm Sơn – Nghi Sơn, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, có tác động tới việc phát triển khu vực Bắc Trung Bộ – Nam Bắc Bộ và cả nước.
Dự kiến quy mô dân số đến năm 2040 là 250.000 người. Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 3.908 ha.
Về hướng phát triển đô thị và liên kết vùng, sẽ có năm hướng chính sau:
Theo hướng đông tây, TP Sầm Sơn là điểm xuất phát của hành lang kinh tế – đô thị dọc QL47 kết nối với vùng động lực phía Tây của tỉnh (Lam Sơn – Sao Vàng); đồng thời là điểm đến của khu vực phía tây Thanh Hóa và Đông Bắc Lào.
Theo trục QL47, QL45 kết nối Sầm Sơn với di sản thế giới thành nhà Hồ và các điểm du lịch của khu vực phía tây của tỉnh Thanh Hóa.
Từ Sầm Sơn theo đường Voi – Sầm Sơn đến QL45 kết nối với khu du lịch Bến En; từ Bến En theo đường Sao Vàng – Nghi Sơn kết nối xuống khu kinh tế Nghi Sơn và trở về Sầm Sơn theo hành lang du lịch ven biển tạo thành tuyến du lịch khéo kín phía Nam.
Từ Sầm Sơn theo đường ven biển kết nối khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), động Từ Thức (Nga Sơn), cụm di tích văn hóa tâm linh Bỉm Sơn (Đền Sòng, đền Chín Giếng) – đền Phố Cát (Thạch Thành), thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) quay trở lại Sầm Sơn hình thành tuyến du lịch khép kín phía Bắc.
Theo đường thủy dọc sông Mã hình thành tuyến du lịch trên sông kết nối Sầm Sơn qua di tích Hàm Rồng – Núi Đọ – Ngã Ba Bông với cụm di tích văn hóa tâm linh đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ,…
BẢN ĐỒ QH THANH HÓA 2021 – 2030
(Bản đồ quy hoạch, kế hoạch thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 2023, 2024, 2025, 2026, 2027, 2028, 2029, 2030, 2035, 2040, 2045, 2050)