Giá đất leo thang sẽ tích tụ bong bóng bất động sản, tạo kịch bản phồn vinh ảo, đẩy chi phí sản xuất lên cao, nợ xấu lớn dần.
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, giá đất tại TP HCM đã tăng liên tục 4 năm (2014 – 2017) và chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2018 không phải là tín hiệu tốt. Đặc biệt cơn sốt đất lan rộng khắp Sài Gòn năm 2017 đang đẩy mặt bằng giá đất lên cao ngất ngưởng, ngày càng leo thang và không có dấu hiệu hạ nhiệt, có thể là khởi đầu của những kịch bản xấu đáng lo ngại.
Chuyên gia này liệt kê những tác động tiêu cực mà cơn sốt đất có thể gây tác động đến thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đồng thời kêu gọi nhà đầu tư nên cảnh giác trước cơn bão giá này.
Chi phí thuê mặt bằng bị đẩy lên cao
Giá đất không ngừng leo thang sẽ khiến cho chi phí thuê mặt bằng tăng vọt. Khi mặt bằng ngày càng đắt đỏ, giá thành của hàng hóa và nhiều dịch vụ liên quan có thể bị đội lên do phải gánh thêm khoản chi phí ngoài dự kiến này.
Sốt đất gây áp lực lên chi phí sản xuất
Sản xuất cũng chịu tác động xấu khi sốt đất do chi phí thuê nhà xưởng tăng lên. Thậm chí sốt đất còn có thể dẫn đến kịch bản nhà xưởng bị lấy lại để phục vụ cho những hoạt động mang về nguồn lợi lớn hơn. Điều này gây bất ổn hoặc trì trệ cho ngành sản xuất (đòi hỏi sự ổn định và bền vững) đồng thời khiến giá thành sản phẩm phải cõng thêm chi phí.
Bùng nổ tranh chấp, lừa đảo ở lĩnh vực đất đai
Giá đất tăng mạnh thường không mang lại sự bình yên cho thị trường bất động sản. Ngược lại, khi đất đai biến động giá quá nhanh có thể phát sinh những tranh chấp trong giao dịch mua bán, lừa đảo, kiện tụng, do tác động trực tiếp đến quyền lợi của các bên liên quan. Thậm chí hoạt động thẩm định giá, khiếu nại về giá đất có thể diễn ra thường xuyên. Lòng tham sẽ thổi bùng các tranh chấp, gây nên những tiền lệ xấu cho thị trường, khiến cho tính minh bạch và bền vững của ngành này bị lung lay.
Nợ xấu bất động sản gia tăng
Khi sốt đất xảy ra, người người đua nhau gom đất, nhà nhà đổ xô đi buôn đất vì tỷ suất sinh lời cao, không loại trừ cả việc nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính (vay ngân hàng hoặc các định chế tài chính và thế chấp bằng tài sản). Việc ngân hàng có nhiều khoản cho vay liên quan đến bất động sản nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng. Thông thường khối nợ xấu bất động sản phải mất nhiều năm, thậm chí kéo dài cả thập niên vẫn chưa xử lý hết. Đây là thiệt thòi rất lớn cho nền kinh tế.
Lệch pha trong phân bổ dòng vốn
Vốn chảy vào bất động sản nhiều hơn các ngành sản xuất và những ngành nghề khác để săn tìm lợi nhuận sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế. Nội lực của nền kinh tế cần phải bắt nguồn từ sản xuất, tạo ra hàng hóa chứ không phải thuần túy là mua đất “rung đùi” chờ tăng giá.
Sốt đất không chỉ nắn dòng vốn cá nhân chảy vào bất động sản mà còn dẫn đến tình trạng đầu tư trái ngành, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cũng ôm tiền đầu tư địa ốc. Đây là kịch bản lệch pha tồi tệ đối với nền kinh tế. Diễn biến xấu nhất của kịch bản này là khi thanh khoản của thị trường đột ngột suy giảm hoặc giá đất hạ nhiệt, thị trường sẽ chứng kiến những cái chết được báo trước trên khối tài sản (bất động sản).
Hình thành bong bóng bất động sản
Sốt đất là bước đầu tạo nên bong bóng giá, kế đến gây bất ổn cung cầu, thị trường không phát triển bền vững càng khiến cho khối bong bóng bất động sản tích tụ càng lớn. Dù bong bóng bất động sản nổ tung hoặc xì hơi thành bom xịt cũng khiến cho đổ vỡ dây chuyền, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trong dài hạn.
Xu hướng kỳ vọng ảo
Sốt đất lôi kéo nhiều thành phần của nền kinh tế tham gia vào thị trường bất động sản tạo nên hiệu ứng đám đông. Trong lịch sử, tác động tiêu cực của tâm lý đám đông là tạo ra xu hướng kỳ vọng ảo và hệ lụy đáng lo ngại nhất là dẫn đến đổ vỡ dây chuyền. Xu hướng kỳ vọng ảo nếu kéo dài còn tạo nên sức ì rất lớn cho nền kinh tế.
Tạo nên sự phồn vinh giả
Sốt đất có thể khiến cho nhiều người và cả tổ chức, doanh nghiệp giàu lên nhờ bán đất, buôn đất. Tuy nhiên, nhìn tổng thể nền kinh tế, sốt đất không mang lại giá trị thặng dư cho xã hội mà chỉ làm giàu cho một nhóm người (thiểu số). Kịch bản phồn vinh giả này tạo nên khoảng cách giàu nghèo cực lớn trong xã hội.
Giá nhà ở xa tầm với nhiều người
Cuối cùng, sốt đất tác động trực tiếp đến giá thành nhà ở vì đây là chi phí đầu vào quan trọng nhất tạo nên sản phẩm đặc biệt này. Như vậy, sốt đất kéo dài thì giá nhà cũng tăng mạnh, càng khiến cho khả năng mua nhà của đại đa số người dân có thu nhập trung bình thấp trở nên xa vời.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ buộc phải dùng một nguồn lực rất lớn để tạo lập quỹ nhà xã hội phục vụ an cư cho những đối tượng có thu nhập thấp. Trên thực tế, rất khó đáp ứng được tất cả nhu cầu nhà ở của người dân bằng quỹ nhà ở xã hội nên sốt đất có thể gây thêm bất ổn xã hội.
Theo ông Nghĩa, để kiểm soát cơn sốt đất đòi hỏi sự am tường và thấu suốt từ bàn tay chính sách. Tuy nhiên, trước khi Nhà nước can thiệp bằng nhiều gọng kiềm chính sách thì bản thân nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có sự thận trọng trong đầu tư bất động sản ở giai đoạn nhạy cảm này mới tránh được những đổ vỡ ngoài ý muốn.
Theo VNE
duan24h.net
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)