Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp bất động sản, khi dịch Covid-19 đi qua, thị trường bất động sản chắc chẵn sẽ phục hồi. Bởi, đây là kênh đầu tư có độ an toàn và thanh khoản cao.
Bất động sản – kênh trú ẩn an toàn
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, kết thúc quý I/2020, thị trường ghi nhận tổng sản phẩm chào bán trên cả nước đạt hơn 53.200 sản phẩm, trong đó, riêng Hà Nội có hơn 8.950 sản phẩm và TP.HCM có hơn 8.400 sản phẩm.
Đáng chú ý là mức giá bất động sản không hề giảm, không có tình trạng bán tháo hay giảm giá. Hầu hết, giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể tổ chức bán hàng do dịch Covid 19. Khách hàng có tâm lý chờ đợi sau khi hết dịch, giá giảm sẽ xuống tiền mua nhà. Tâm lý này của nhà đầu xuất phát từ trải nghiệm thị trường từng trải qua giai đoạn khủng hoảng và giá bất động sản có xu hướng giảm mạnh. Tuy vậy, điều này được dự báo khó xảy ra trong thời điểm hiện nay.
Nội Dung Đề Xuất
Thực tế cho thấy, trong cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2008, đến đầu năm 2014, bắt đầu xuất hiện vùng giá đáy, một số dự án phải giảm giá mạnh so với năm 2008 để thoát hàng. Song, thị trường thời điểm đó có nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực tham gia và cuộc khủng hoảng kéo dài suốt nhiều năm. Còn hiện tại, thị trường trầm lắng là do ảnh hưởng của chính sách giãn cách xã hội trong mùa dịch.
Khi dịch bệnh kết thúc, các chủ đầu tư sẽ đồng loạt bung hàng và đưa ra nhiều chính sách bán hàng linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Ông Vũ Kim Giang – Tổng Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Hải Phát nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát sớm, đó sẽ là giai đoạn “bùng nổ” của thị trường. Đặc biệt, phân khúc đất nền sẽ có giao dịch tốt. Bởi, đây là những tài sản tích trữ có tính an toàn cao, thậm chí, còn tăng giá và thanh khoản cao.
Trong đó, TP. Hà Nội sẽ chào đón lượng nguồn cung tương lai dồi dào tại các khu vực phía Tây và Bắc thành phố với các dự án khu đô thị được đầu tư tiện ích và tiện nghi đầy đủ. Thay vì bán đất nền phân lô, các chủ đầu tư sẽ chuyển sang bán căn nhà bàn giao hoàn thiện.
“Để chuẩn bị cho kế hoạch bán hàng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các phương thức bán hàng trực tuyến như thành lập các sàn giao dịch điện tử, áp dụng nền tảng công nghệ để giới thiệu và quảng bá trước các sản phẩm bất động sản. Thực tế, lượng khách hàng quan tâm khá lớn, thị trường không hề bị gián đoạn. Vì vậy, các đơn vị phân phối rất kỳ vọng, sau dịch Covid-19, thanh khoản thị trường sẽ tăng mạnh trở lại sau gần 2 tháng bị kìm nén. Hiện nay, số đông nhà đầu tư đều đồng tình đây chính là thời điểm thích hợp để quyết định mua nhà, đất bởi một loạt động thái kích cầu từ các chủ đầu tư sẽ cho người mua những lợi ích thiết thực. Đặc biệt, đối với người có nhu cầu mua ở thực cần tận dụng cơ hội này”- ông Giang kỳ vọng.
Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp bất động sản đang được nhận sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ như giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Đây chính là động lực để các Doanh nghiệp bất động sản bứt phá.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây được coi là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Đính nói.
Đất nền khó giảm giá
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù, thị trường đang đối mặt nhiều thách thức nhưng xu hướng giảm giá đất nền trong năm 2020 rất khó xảy ra do mặt bằng giá đất đã bị điều chỉnh tăng. Cụ thể, từ Quý I/2020, khung giá đất tại 63 tỉnh thành đã được tăng lên mức 10 – 15%. Việc doanh nghiệp lấy dự án chủ yếu phải thông qua hình thức đấu giá đất. Đây là yếu tố quan trọng đẩy mặt bằng giá đất lên cao.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam phân tích, việc giảm giá nhà trong trung và dài hạn là điều khó xảy ra bởi quỹ đất ngày càng hạn chế, khung giá đất tăng, thủ tục pháp lý triển khai bị siết chặt, giải phóng mặt bằng khó khăn, nguồn cung giảm… Có lẽ, phải đến hết Quý I/2021 mới có thêm nhiều dự án được gỡ vướng pháp lý và được cấp phép. Với tình hình nguồn cung như vậy, ngoài đợt kích cầu vào mùa dịch hiện nay, các chủ đầu tư bất động sản khó có thể giảm giá.
Điều này lý giải, vì sao dịch bệnh mới xảy ra 2 tháng, thời gian chưa đủ lâu để các doanh nghiệp phải vội vàng giảm giá bán. Trong trường hợp cần đẩy mạnh bán hàng do dịch bệnh kéo dài, chủ đầu tư sẽ áp dụng các hình thức hỗ trợ khác chứ không giảm giá trực tiếp.
Theo khảo sát của Phóng viên, giá đất nền tại nhiều dự án thuộc khu vực Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm vẫn được chào bán ở mức cao. Mới đây, một dự án đất nền quận Hoàng Mai vừa chính thức chào ra thị trường với mức giá từ 75 – 80 triệu đồng/m2, chưa bao gồm tiền xây thô. Huyện Gia Lâm, giá bán đất nền đang được giao dịch ở mức 45 – 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí… Mức giá trên tăng khoảng 10 – 15% so với năm 2019. Tương tự, huyện Đông Anh, sau khi công bố thông về Khu Đô thị Thành phố thông minh, giá đất dự án, đất đấu giá quanh khu vực trung tâm huyện được chào bán lên đến 60 – 100 triệu đồng/m2….
Theo Báo TN&MT