Mục lục

    Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô nằm tại thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

    Thông tin quy hoạch

    Dự án có tổng diện tích là 27.108 ha, được thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

    Đây là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.


    Là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

    Toàn bộ không gian Khu kinh tế được quy hoạch thành các khu chức năng đô thị và phân loại theo quy chế quản lý không gian khác nhau, bao gồm các khu vực bắt buộc tuân thủ quy hoạch và các khu vực được phép sử dụng đất linh hoạt.


    • Khu cảng Chân Mây bố trí tại mũi Chân Mây Đông có quy mô 370 ha bao gồm cảng tổng hợp và cảng riêng dành cho khu phi thuế quan. Trung tâm tiếp vận hàng hoá và thương mại dịch vụ đầu mối: quy mô 120 ha phân bố tại khu vực giao cắt giữa quốc lộ 1A và đường ra cảng Chân Mây. Đô thị Chân Mây và các trung tâm chủ yếu: quy mô khoảng 1.545 ha, phân bố tại khu vực dọc sông Bu Lu, sông Thừa Lưu và chân núi Phước Tượng.
    • Khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp: phân bố từ cửa Cảnh Dương, Cù Dù đến Cầu Tư Hiền, khu vực Lăng Cô ven núi Hải Vân và hòn Sơn Chà. Quy mô dự kiến khoảng 1.950 ha. Trong đó khu du lịch Lăng Cô 950 ha, khu du lịch Bãi Chuối 120 ha, khu du lịch đảo Sơn Chà 150 ha, khu du lịch Cù Dù 360 ha, khu du lịch Cảnh Dương 270 ha, các khu du lịch còn lại 100 ha.
    • Khu du lịch kết hợp với nhà ở đô thị: phân bố tại thị trấn Lăng Cô và khu vực phía Tây đầm Lập An, Hói Mít, Hói Dừa quy mô khoảng 485 ha, bao gồm: khu vực thị trấn Lăng Cô diện tích 135 ha, khu tái định cư đầm Lập An 30 ha, khu vực Hói Mít, Hói Dừa 320 ha.
    • Khu phi thuế quan – công nghiệp – dịch vụ hậu cảng: phân bố tại khu vực từ mũi Chân Mây Đông đến sông Bu Lu, quy mô khoảng 1540 ha. Trong đó quy mô khu phi thuế quan là 1000 ha, các khu công nghiệp và dịch vụ hậu cảng quy mô khoảng 540 ha.
    • Dịch vụ đô thị công nghiệp – công nghiệp kỹ thuật cao; dịch vụ du lịch; khu vui chơi giải trí: quy mô khoảng 1.500 ha, phân bố tại khu vực từ quốc lộ 1A đến chân núi Hòn Voi. Khu vực này dành ưu tiên phát triển công nghiệp sạch kỹ thuật cao hoặc đô thị dịch vụ, các khu vui chơi giải trí…

    Về định hướng không gian Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô:

    • Phía Nam: khai thác tối đa diện tích đất thuận lợi cho xây dựng đô thị đến sát chân núi Bạch Mã Hải Vân, tăng cường các mối liên kết với thành phố Đà Nẵng. Việc phát triển quỹ đất không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.
    • Phía Bắc: phát triển các khu dân cư dịch vụ đô thị kết hợp du lịch sinh thái gắn liền với cửa biển Tư Hiền và vùng đầm phá Cầu Hai. Khu vực mũi Chân Mây Đông kéo dài lên núi Phú Gia và sông Bu Lu dành để phát triển cảng, dịch vụ hậu cảng và công nghiệp sạch.
    • Phía Đông: khu vực mũi Chân Mây Đông và vùng Lăng Cô – đầm Lập An – đèo Hải Vân khai thác phát triển du lịch sinh thái gắn liền cảnh quan môi trường.
    • Phía Tây: phát triển các khu dân cư thấp tầng, kết hợp du lịch và dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Toàn bộ khu vực các núi Giòn, núi Phú Gia, núi Phước Tượng, Hòn Voi, Hải Vân và hệ sinh thái dọc các sông Bu Lu, sông Thừa Lưu, Mỹ Vân, đầm Lập An trong Khu kinh tế được xác định là khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nghiêm ngặt.

    Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật: về đường bộ, đoạn tuyến quốc lộ 1A qua khu du lịch Lăng Cô được xây dựng chỉnh tuyến về phía tây đầm Lập An. Quốc lộ 1A được xây theo tiêu chuẩn đường cấp I, lộ giới rộng 54 m. Đường cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua KKT có quy mô 4-6 làn xe. Xây dựng thêm tuyến đường nối KKT với đường cao tốc này có mặt cắt ngang 52 m.

    Xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối vào cảng Chân Mây, xây dựng mới nhà ga Chân Mây kết hợp với Trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối.

    Về đường thủy, cảng Chân Mây là cảng tổng hợp: cảng trung chuyển container, cảng phục vụ du lịch và phục vụ giao thương hàng hóa.

    Đến năm 2025, xây dựng các bến cảng dọc mũi Chân Mây Đông sử dụng chung cảng tổng hợp và cảng khu phi thuế quan, quy mô khoảng 150 ha. Giai đoạn sau năm 2025 tiếp tục xây dựng các bến cảng từ đường Cảnh Dương tới mép bờ biển, tách riêng chức năng cảng tổng hợp Chân Mây và cảng khu phi thuế quan.

    Hướng đến đô thị ven biển hiện đại

    Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế của miền Trung, là đô thị phát triển các ngành công nghiệp…

    Trong quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Chân Mây – Lăng Cô được định hướng phát triển thành đô thị loại III; là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm :

    • Chu Lai (Quảng Nam),
    • Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng),
    • Dung Quất (Quảng Ngãi),
    • Nhơn Hội (Bình Định),

    Từ đó tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực. Tại KKT Chân Mây – Lăng Cô có những dự án lớn như :

    • Khu du lịch Laguna Lăng Cô,
    • Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô;
    • Dự án Bến số 2 và Bến số 3 – Cảng Chân Mây;
    • Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp – Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây;
    • Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế;
    • Nhà máy Điện khí LNG Chân Mây…

    Góp phần giúp KKT Chân Mây – Lăng Cô có những bước chuyển tích cực trong tiến trình khẳng định vai trò là khu kinh tế đa ngành.

    Với mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch của ASEAN, thì KKT Chân Mây – Lăng Cô sẽ là hạt nhân tăng trưởng, là điểm đột phá để tỉnh vươn lên trở thành tỉnh phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

    Theo ThuaThienHue Gov

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây