Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh An Giang
Hệ thống giao thông đường bộ
Hệ thống mạng lưới quốc lộ gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 153,3 km: QL 80, QL 91, QL 91C và QL N1. Trong đó QL 91 đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch.
Nội Dung Đề Xuất
Hệ thống đường tỉnh gồm 19 tuyến với tổng chiều dài 529,9 km: ĐT.941, ĐT.942, ĐT.943, ĐT.944, ĐT.945, ĐT.946, ĐT.947, ĐT.948, ĐT.949, ĐT.951, ĐT.952, ĐT.953, ĐT.954, ĐT.955A, ĐT.955B, ĐT.957, ĐT.958, ĐT.959, ĐT.960.
Hạn chế lớn nhất của hệ thống giao thông đường bộ tại An Giang là khả năng kết nối với vùng TP. HCM do chưa có đường cao tốc dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu của tỉnh đến hệ thống các cảng của vùng TP. HCM khá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm.
Hệ thống giao thông đường thủy
An Giang còn có hệ thống giao thông đường thủy nội bộ rất phát triển góp phần chia sẻ khối lượng vận chuyển hành khách và luân chuyển hàng hóa với hệ thống giao thông đường bộ. Vận tải hàng hoá bằng đường thủy chiếm 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 40% khối lượng vận chuyển hành khách (vận chuyển hành khách ngang sông và phục vụ du lịch).
Khả năng kết nối giữa hệ thống giao thông thủy và hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh là khá tốt do các tuyến giao thông đường bộ chủ yếu phân bố dọc theo các tuyến sông, kênh đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất ra các điểm tập kết trên các tuyến sông, kênh chính.
Hệ thống sông, kênh do Trung ương quản lý gồm 18 tuyến với tổng chiều dài 364,6 km.
Hệ thống sông, kênh do tỉnh quản lý gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 512,3 km.
Hệ thống sông, kênh huyện quản lý: tổng chiều dài sông kênh rạch do huyện quản lý là 1.822,9 km, đa số đạt cấp VI. Đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của người dân địa phương.
Hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh gồm 319 tuyến với tổng chiều dài 2.702,8 km, trong đó: 18 tuyến do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 364,6 km; 22 tuyến do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 512,3 km; 278 tuyến do huyện quản lý với tổng chiều dài 1.822,9 km; 01 tuyến đường thủy chuyên dùng với chiều dài 2,9 km.
Hai tuyến vận tải thủy quan trọng của tỉnh là sông Tiền và sông Hậu vừa đảm nhận vận tải liên vận quốc tế, liên vùng vừa phục vụ kết nối đường thủy nội tỉnh, trong đó sông Hậu là trục giao thông thủy quan trọng nhất với các cảng biển, cảng sông tập trung hầu hết trên tuyến sông này.
Bên cạnh những lợi thế hệ thống giao thông thủy mang lại, vẫn còn tồn tại một số vấn đề tồn tại đối với việc phát triển hệ thống giao thông thủy của tỉnh, đó là:
(1) Hệ thống sông Hậu đã chia cắt và tạo nên thế cô lập giữa các huyện Chợ Mới, Phú Tân, thị xã Tân Châu, huyện An Phú với các huyện, thành phố còn lại trong tỉnh và đã tạo khoảng cách rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của các huyện, thị vùng cù lao của tỉnh với TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn;
(2) Hiện nay hệ thống giao thông thủy chủ yếu được khai thác trên nền hiện trạng có sẵn, trong khi đó, nguồn vốn cho việc đầu tư, nạo vét luồng tuyến là quá lớn, cùng với hiện tượng kiệt lũ do tác động xây đập thủy điện từ thượng nguồn đã ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa của các phương tiện đường thủy do mực nước ở một số sông, kênh, rạch xuống thấp, điển hình sông Hậu đoạn từ sông Vàm Nao đến cảng Bình Long chỉ khai thác được các tầu 3.000T.
Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh An Giang đến năm 2030
Phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ
Hệ thống đường tỉnh
a) Các tuyến chuyển cấp
- ĐT.955A: Đoạn từ Tp.Châu Đốc đến ranh huyện Tịnh Biên, đề xuất chuyển thành đường đô thị. Đoạn từ gần kênh 10 đến giao QL.91, quy hoạch thành QL.N1.
- ĐT.942, ĐT.952, ĐT.954: quy hoạch thành QL.80B.
- ĐT.941, ĐT.958: quy hoạch thành QL.N2.
- ĐT.945: quy hoạch thành QL.80C.
b) Các tuyến nâng cấp
– ĐT.941: Kéo dài 11,8km từ gần điểm giao QL.91 đến giao tuyến tránh Tp.Long Xuyên. Tuyến dài 50,8km, điểm đầu giao tuyến tránh Tp.Long Xuyên, điểm cuối giao ĐT.943 tại TT. Tri Tôn. Giai đoạn 2021-2025: xây dựng mới đoạn kéo dài đạt tiêu chuẩn cấp III, mặt nhựa rộng 9m, nền 12m, lộ giới 31m (đoạn qua khu vực đô thị theo quy hoạch xây dựng). Giai đoạn 2026-2030: nâng cấp thành QL.N2.
– ĐT.943: Đoạn từ giao QL.91 đến cầu Cống Vong, dài 23,5 km. Chỉ tiến hành duy tu, sửa chữa để duy trì tiêu chuẩn cấp III, mặt nhựa rộng 14m, nền 20-26m. Đoạn còn lại, dài 40,5 km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Xây dựng tuyến tránh TT. Phú Hòa kết nối tuyến tránh Long Xuyên. Xây dựng tuyến tránh TT. Núi Sập từ cầu Kênh F đến cầu Thoại Giang. Những đoạn đi qua thị trấn được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị.
Lộ giới được xác định như sau:
- Đoạn từ cống Ông Mạnh đến giao tuyến tránh QL.91-Tp.Long Xuyên: lộ giới 36m, mỗi bên 18m tính từ tim đường.
- Đoạn từ tuyến tránh QL.91-Tp.Long Xuyên đến cầu Cống Vong: lộ giới 55m; mỗi bên 27,5m tính từ tim đường hiện hữu.
- Đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn: lộ giới 29m; bên trái 15,5m, bên phải 13,5m tính từ tim đường hiện hữu.
- Đoạn từ cầu Mướp Văn đến cầu Sóc Triết: Lộ giới bên phải tính từ tim đường hiện hữu đến mép bờ cao của kênh Ba Thê mới; lộ giới bên trái là 25m tính từ tim đường hiện hữu;
- Đoạn từ cầu Sóc Triết đến giao ĐT.941: lộ giới 29 m, mỗi bên là 14,5 m tính từ tim đường hiện hữu.
– ĐT.944: Chỉ tiến hành duy tu, sửa chữa để duy trì tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 32m.
– ĐT.945: Xây dựng đoạn mới từ QL.91, cầu Năng Gù đến xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m, hoàn thành trước 2025. Giai đoạn sau quy hoạch thành QL.80C.
– ĐT.946: Kéo dài 15,0 km từ điểm cuối tuyến đến UBND xã Hội An, huyện Chợ Mới. Đoạn kéo dài được nâng cấp từ các tuyến đường giao thông nông thôn. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m. Giai đoạn 2021-2025: đầu tư đoạn kéo dài từ UBND xã Hòa An đến UBND xã Hội An. Giai đoạn 2026-2030: đầu tư nâng cấp đoạn từ ĐT.942 đến UBND xã Hòa An
– ĐT.947: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2027.
– ĐT.948: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn III, mặt nhựa rộng 11m, nền 12m, lộ giới 29m. Dự kiến hoàn thành trước 2025. Xây dựng tuyến tránh thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn; tuyến tránh thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên.
– ĐT.949: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m (đoạn qua khu vực đô thị theo quy hoạch xây dựng). Dự kiến hoàn thành trước 2025. Xây dự tuyến tránh thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên.
– ĐT.951: Gộp ĐT.954 đoạn từ Bửng Chín My đến cầu Năng Gù thành ĐT.951. Tuyến dài 36,2 km, điểm đầu giao ĐT.953 tại xã Châu Phong, TX.Tân Châu, điểm cuối giao ĐT.954 tại Bửng Chín My, Phú Tân. Quy hoạch chỉ tiến hành duy tu, sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m. Đầu tư đoạn tuyến tránh qua xã Phú Bình và Hòa Lạc huyện Phú Tân do khu vực bị sạt lở và khó khăn trong việc mở rộng. Dự kiến thực hiện trước 2025.
– ĐT.953: Đoạn từ phà Châu Giang đến QL.80B (Đường dẫn vào cầu Tân An), dài 12,7 km. Quy hoạch đạt cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 31m (đoạn qua khu vực đô thị theo quy hoạch xây dựng). Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đoạn còn lại từ QL.80B đến ĐT.952 chuyển thành QL.80B.
– ĐT.955B: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m (đoạn qua khu vực đô thị theo quy hoạch xây dựng). Hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
– ĐT.957: Quy hoạch chỉ tiến hành duy tu, sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m (đoạn qua khu vực đô thị theo quy hoạch xây dựng).
– ĐT.959: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
– ĐT.960: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
c) Các tuyến dự kiến
– ĐT.950: Dài 10,8 km, điểm đầu giao QL.80B tại xã Vĩnh Xương-TX.Tân Châu, điểm cuối giao ĐT.957. Tuyến kết nối của khẩu Vĩnh Xương và cửa khẩu Khánh Bình, được hình thành trên cơ sở nâng cấp ĐH.Bờ Đông kênh Bảy xã (TX.Tân Châu) và các ĐH.Nam kênh Bảy xã, ĐH.Sa Tô (huyện An Phú), chỉ mở mới 1 đoạn dài khoảng 1km qua cù lao.
Đầu tư tuyến nhánh ĐT.950, dài 0,4km, điểm đầu gần cầu Thanh Niên, xã Phú Hữu, huyện An Phú, điểm cuối tại QL.21B, ranh Campuchia. Tuyến tăng khả năng kết nối với hệ thống giao thông của Campuchia, góp phần phát triển kinh tế khu vực biên giới.Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến đầu tư trước năm 2025.
– ĐT.942 (mới): do ĐT.946 đoạn dọc rạch Ông Chưởng thường bị sạt lở, đồng thời việc mở rộng ĐT.946 khá khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng nên cần có tuyến hỗ trợ đảm bảo vận chuyển đường bộ của huyện Chợ Mới.
Tuyến dài 27,2km, điểm đầu giao ĐT.946 tại ngã giao đường dẫn cầu Vàm Cống – Hòa An qua xã Hội An rồi dọc theo kênh Long An-rạch Mương Sung, kênh ranh Long Điền A-B qua các xã An Thạnh Trung – Long Kiến – Long Điền B đến giao đường Nguyễn Hữu Cảnh tại thị trấn Chợ
Mới. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
– ĐT.943B: Tuyến dài 1,5km, điểm đầu giao ĐT.943 tại TT. Núi Sập đi dọc theo kênh E đến giao ĐT.916B của Tp.Cần Thơ. Tuyến tăng cường kết nối Tp.Cần Thơ, được hình thành trên cơ sở đường có sẵn. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
– ĐT.944B: Do cầu An Hòa theo định hướng cũ dự kiến xây dựng gần phà An Hòa, tuy nhiên khu vực này sông Hậu khá rộng và đường dẫn cầu sẽ đi vào khu trung tâm Tp.Long Xuyên, khó khăn trong việc tổ chức giao thông và giải phóng mặt bằng.
Khi cầu An Hòa được xây dựng sẽ là trục giao thông quan trọng kết nối Chợ Mới-Long Xuyên-Châu Thành, Thoại Sơn, lưu lượng xe tải qua lại nhiều nên hạn chế đi vào trung tâm Tp.Long Xuyên.
Vì vậy, kiến nghị xây dựng cầu An Hòa trên nhánh cù lao Ông Hổ để giảm chi phí xây dựng và cùng với cầu Tôn Đức Thắng cũng hình thành được trục giao thông kết nối qua sông Hậu. Tuyến dài 10,8km, điểm đầu giao tuyến tránh QL.91 Tp.Long Xuyên, qua gần cầu Tôn Đức Thắng, cù lao Mỹ Hòa Hưng, qua cầu An Hòa đến ĐT.944 tại xã An Thạnh Trung, Chợ Mới.
Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, mặt nhựa rộng 11m, nền 12m, lộ giới 32m, dự kiến đầu tư trong giai đoạn sau 2030, riêng cầu Tôn Đức Thắng đầu tư trước 2030.
– ĐT.946B: Tuyến tăng cường kết nối huyện Chợ Mới với cù lao Giêng và tỉnh Đồng Tháp. Dài 12,7 km, điểm đầu giao ĐT.946 gần cầu Bà Vệ, huyện Chợ Mới, đi dọc theo kênh Trà Và-Cột Dây Thép qua xã Long Kiến và TT. Mỹ Luông, qua cầu Mỹ Luông rồi dọc theo hướng kênh Lê Phước Cương, qua cầu Mỹ Hiệp đến giao QL.30 tỉnh Đồng Tháp. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến đầu tư trong giai đoạn sau 2030.
– ĐT.954 (mới): Tuyến tăng cường kết nối khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu của huyện Phú Tân, được hình thành trên cơ sở nâng cấp ĐH.Kênh Thần Nông và một đoạn ĐH.Vòng O (từ ngã 3 cầu Phú Hưng đến TT.Phú Mỹ).
Tuyến dài 30,4 km, điểm đầu giao QL.80B tại TX.Tân Châu, đi dọc theo kênh Thần Nông qua các xã Phú Long, Phú Thành, Phú Xuân đến ngã ba cầu Phú Hưng rồi theo hướng ĐH.Vòng O về thị trấn Phú Mỹ đấu nối vào đường tránh, đi song song đường Nguyễn Trung Trực, đấu nối vào ĐT.954 cũ tại Bưng Chín My, điểm cuối giao QL.80 tại ngã tư Phú Mỹ. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
– ĐT.956: Tuyến dài 43,1 km, điểm đầu giao tuyến tránh Tp.Long Xuyên, theo phía Tây, chạy dọc theo ranh Châu Thành-Thoại Sơn đến giao ĐT.943 tại TT. Tri Tôn. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa 7m, nền 9m, lộ giới 29m, dự kiến xây dựng sau năm 2030.
Hệ thống cầu, phà
Để đáp ứng được sự phát triển của tỉnh, sự kết nối giữa các huyện, thị, thành phố cũng như cả vùng, hệ thống cầu trên hệ thống đường bộ cần được xây dựng, nâng cấp phù hợp với cấp đường quy hoạch trong tương lai. Do vậy, quy hoạch hệ thống cầu được đề xuất như sau:
– Tỉnh cần tập trung đầu tư các cầu trọng điểm, để tăng cường sự kết nối giao thông, phá vỡ sự chia cắt do các sông lớn: cầu An Hòa, cầu Tôn Đức Thắng, cầu Năng Gù, cầu Châu Đốc, cầu Phú Hữu (sông Hậu); cầu Mỹ Luông (nhánh cù lao Giêng, sông Tiền); cầu Thuận Giang (sông Vàm Nao); cầu Tân Châu (sông Tiền).
Trong đó ưu tiên đầu tư cầu Tôn Đức Thắng, cầu Năng Gù, cầu Châu Đốc, cầu Tân Châu và cầu Thuận Giang để phá vỡ điểm nghẽn về đượng bộ của các huyện phía Đông (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu)
– Đề nghị Bộ GTVT sớm nâng cấp các cầu yếu trên QL.91: cầu Hoàng Diệu, cầu Nguyễn Trung Trực, cầu Bình Hòa, cầu Kinh Quýt.
– Đối với hệ thống đường tỉnh: duy tu, bảo dưỡng các cầu hiện hữu có tải trọng 18T trở lên, các cầu được xây dựng mới đạt tải trọng HL.93.
– Đối với hệ thống đường huyện: duy tu, bảo dưỡng các cầu hiện hữu có tải trọng 8T trở lên. Tuy nhiên các cầu được xây dựng mới nên hạn chế sử dụng kết cấu thép do chi phí duy tu, bảo dưỡng khá lớn, tuổi thọ công trình không cao, quy hoạch đề xuất sử dụng kết cấu BTCT hoặc BTDƯL.
Đồng thời cầu là công trình có quá trình sử dụng lâu dài, do đó các cầu được xây dựng mới cần đạt hoạt tải thiết kế ≥0,5HL.93 để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn sau 2030.
– Đối với hệ thống đường xã: xóa bỏ 100% cầu gỗ, đảm bảo các cầu đạt tải trọng tối thiểu 5T.
– Đối với những nơi chưa xây dựng được cầu thì phải xây dựng bến phà để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Phương án phát triển giao thông đường thủy nội địa
Đường thủy tỉnh quản lý
– Đối với những tuyến mà các thông số kỹ thuật chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn thì tiến hành cải tạo để đảm bảo theo TCVN 5664-2009 về phân cấp kỹ thuật đường thủy.
– Thường xuyên tiến hành khảo sát đánh giá mức độ bồi lắng để tiến hành nạo vét các tuyến sông, kênh đảm bảo kích thước luồng vận tải thủy đã công bố. Thanh thải chướng ngại vật và nâng tĩnh không các cầu ngang sông không đảm bảo.
– Tập trung nạo vét các tuyến đảm bảo hoạt động của tàu ≥50T: kênh 10 Châu Phú, kênh Trà Sư, kênh Núi Chóc – Năng Gù, kênh Bốn Tổng, rạch Cái Vừng…
Quy hoạch các tuyến sông, kênh đường thủy tỉnh quản lý như sau:
- Sông Hậu (4a): Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt cấp III, chiều rộng đáy >125m, chiều sâu luồng ≥5,0m.
- Sông Bình Di: Quy hoạch nâng cấp đạt cấp III, chiều rộng đáy >50m, chiều sâu luồng >2,8m.
- Sông Châu Đốc: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt cấp III, chiều rộng đáy >50m, chiều sâu luồng >2,8m.
- Rạch cái Vừng: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt cấp III, chiều rộng đáy >35m, chiều sâu luồng >3,0m.
- Rạch Cù Lao Giêng: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt cấp III, chiều rộng đáy >35m, chiều sâu luồng >3,0m.
- Kênh Vĩnh Tế: Quy hoạch nâng cấp đạt chuẩn cấp III (hiện là cấp IV), chiều rộng đáy >35m, chiều sâu luồng >3,0m.
Mục đích nhằm phối hợp với phương án phát triển của ngành thủy lợi để chủ động nước ngọt mùa khô, giảm thiểu tác động môi trường, phục vụ vùng sản xuất khu vực phía Bắc tỉnh.
Ngoài ra, kênh Vĩnh Tế thuộc hành lang vận tải vùng kết nối khu vực biên giời vùng ĐBSCCL, từ TP.Hồ Chí Minh đến Hà Tiên, có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa từ tỉnh qua Hà Tiên, nên việc nâng lên cấp III, ngoài các mục tiêu về nông nghiệp thì còn phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân.
- Kênh Đào: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Trà Sư: giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Cần Thảo: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh 10 Châu Phú: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Núi Chóc – Năng Gù: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh T5: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Nhánh kênh Rạch Giá – Long Xuyên: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt cấp III, chiều rộng đáy >35m, chiều sâu luồng >3,0m.
- Kênh Bốn Tổng: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Mặc Cần Dưng: giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Chắc Cà Đao: Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh Sóc Triết-Kênh Tỉnh Đội – Kênh Ba Thê Mới: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
- Kênh ranh Tịnh Biên-Châu Phú – Châu Đốc: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp VI, chiều rộng đáy >10m, chiều sâu luồng >1,3m.
- Kênh ranh Châu Thành – Châu Phú: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp VI, chiều rộng đáy >10m, chiều sâu luồng >1,3m.
- Kênh Ninh Phước II: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp VI, chiều rộng đáy >10m, chiều sâu luồng >1,3m.
- Kênh ranh An Giang – Kiên Giang: Giữ nguyên cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn cấp VI, chiều rộng đáy >10m, chiều sâu luồng >1,3m.
- K.Tân Huệ (K.Ngang Huệ Đức): Quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15m, chiều sâu luồng >2,2m.
Công trình phục vụ vận tải thủy
Trên cơ sở phân tích nhu cầu vận tải, quy hoạch đề xuất như sau:
a) Cảng, bến hàng hóa
– Cảng Bình Long: Đến năm 2030, đầu tư mở rộng bãi hàng, nâng cấp chất lượng thiết bị bốc xếp, nâng cấp bến cho phương tiện đến 5.000T; công suất là 2,5 triệu T/năm, diện tích 15ha.
– Cảng Tân Châu: Thuộc phường Long Châu, TX.Tân Châu, có vai trò là đầu mối cho phương tiện thủy nội địa giao thương với Campuchia. Đến năm 2030, xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải 5.000T, công suất đạt 1 triệu T/năm. Sau năm 2030 nâng công suất lên 2 triệu tấn/năm
– Cảng Phú Tân: Nằm trên nhánh cù lao Tây, Ma của sông Tiền, thuộc TT.Chợ Vàm, huyện Phú Tân. Xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải đến 5.000T, công suất đạt 0,5 triệu T/năm.
– Cảng bốc xếp hàng hóa An Giang; cảng nhà máy xi măng An Giang; cảng công ty CP bê tông ly tâm An Giang; cảng Gavi: là các cảng chuyên dùng, do đó vẫn giữ nguyên quy mô hiện hữu.
b) Cảng, bến tàu khách
Nhiệm vụ chính của các cảng, bến tàu khách là phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Do đó, định hướng phát triển phải căn cứ vào bố trí không gian phát triển du lịch của tỉnh:
– Nhóm 1: Phát triển du lịch tâm linh nghỉ dưỡng kết hợp thiền định là sản phầm du lịch đặc thù và nổi trội dành cho Trung tâm du lịch Châu Đốc.
+ Trung tâm du lịch Châu Đốc: bao gồm cả An Phú và Tân Châu. Sản phẩm du lịch chính: Du lịch tâm linh, lễ hội; Du lịch vui chơi, giải trí (trường đua bò giải trí); Du lịch mua sắm đặc sản Châu Đốc; Du lịch tham quan di tích lịch sử (chợ Châu Đốc), nhà cổ Châu Đốc; Du lịch văn hóa dân tộc Chăm (làng Chăm); Du lịch làng nghề: dệt chăm Châu Phong, dệt lụa Tân Châu; Du lịch sinh thái sông nước: làng cá bè Châu Đốc, Búng Bình Thiên (nghỉ dưỡng, thể thao dưới nước: lướt ván, chèo thuyền Ka-yak)
+ Trung tâm du lịch Tịnh Biên – Tri Tôn: Với thế mạnh là cửa khẩu quốc tế đường bộ chính của An Giang, Tịnh Biên sẽ là nơi trung chuyển khách liên tuyến quốc tế Việt Nam – Campuchia. Tịnh Biên với Khu du lịch Núi Cấm và đặc biệt rừng tràm Trà Sư với hệ sinh thái ngập nước độc đáo có sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Bắc.
+ Trung tâm du lịch Long Xuyên: bao gồm cả Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn. Du lịch sinh thái cù lao (Cù Lao Ông Hổ và Cù Lao Giêng) làm sản phẩm du lịch đặc thù cho cụm du lịch này. Tổ chức lại các điểm tham quan, nghỉ ngơi tại hai cù lao, đặc biệt là xây dựng bến tàu du lịch hiện đại, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Long Xuyên sang Mỹ Hòa Hưng.
Đối với Cù Lao Ông Hổ, nơi có khu lưu niệm Bác Tôn vừa được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, An Giang cần tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và người dân cả nước, quy hoạch xây dựng quê hương Bác Tôn thành đảo du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng quy mô lớn và độc đáo trên dòng sông Hậu.
Cần đầu tư thuê tư vấn có năng lực quy hoạch đảo du lịch Mỹ Hòa Hưng với các khu nghỉ dưỡng (resort) ven sông cao cấp, khu vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời theo dạng chuyên đề. Sau khi có quy hoạch cụ thể Mỹ Hòa Hưng, sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng Mỹ Hòa Hưng thành điểm du lịch quốc gia.
Với Cù Lao Giêng trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Mới có hệ thống cơ sở di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo và tuyệt đẹp cùng với hệ sinh thái ruộng vườn đa dạng rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Cù Lao Giêng sẽ là điểm dừng chân thú vị cho khách du lịch đường thủy quốc tế tuyến Cần Thơ – Phnômpênh hoặc tuyến TP.HCM – Mỹ Tho – Phnômpênh.
Nhằm tạo điểm nhấn và đảm bảo hành khách và các phương thức vận tải hành khách khác có thể tiếp cận với các bến khách, kiến nghị tại các điểm du lịch lớn sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách đa chức năng, các bến này cũng sẽ thực hiện thêm những chức năng dịch vụ kết hợp như quầy giao dịch du lịch, hàng lưu niệm, quầy bán giải khát, thức ăn nhanh, vị trí tập luyện thể dục thể thao.
– Cảng hành khách Long Xuyên: Nằm trên sông Hậu, thuộc phường Mỹ Bình, Tp.Long Xuyên. Quy hoạch xây mới, đảm bảo đón được tàu ≤ 120 ghế, công suất đạt 1,6 triệu HK/năm vào năm 2030.
– Cảng hành khách Châu Đốc: Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo đảm bảo khả năng tiếp nhận các phương tiện thủy có sức chở 120 hành khách, diện tích của cảng 3.634,6m2, công suất đạt 1,6 triệu HK/năm vào năm 2030.
– Bến tàu khách Núi Sập: Thuộc TT. Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Quy hoạch xây mới nhằm phục vụ khu du lịch Núi Sập và du lịch sông nước.
– Bến tàu Phú Tân: trên sông Vàm Nao tại vị trí cặp phà Thuận Giang gần khu công nghiệp-TTCN Tân Trung (chợ nông sản). Quy hoạch xây mới nhằm làm điểm trung chuyển giao thông thủy, vận chuyển hàng hóa, hành khách lưu thông trên sông Tiền, sông Hậu.
– Bến tàu Mỹ Hòa Hưng: trên sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, Tp.Long Xuyên nhằm phục vụ phát triển du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng gắn với di tích Bác Tôn.
– Bến tàu Mỹ Hiệp: trên sông Tiền, thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới nhằm phát triển du lịch cộng đồng (homestay), là điểm dừng chân cho khách du lịch đường thủy quốc tế tuyến Cần Thơ – Phnômpênh hoặc tuyến TP.HCM – Mỹ Tho – Phnômpênh.
Phương án phát triển và kết nối đường sắt
Đường sắt với thế mạnh là vận chuyển khối lượng lớn với cự ly trung bình và dài. Tuy nhiên do An Giang có điều kiện tự nhiên hạn chế khá lớn sự hình thành và phát triển của đường sắt: sông, kênh nhiều (độ dốc của đường sắt tính bằng ‰ nên chiều dài cầu ngang sông sẽ dài hơn đường bộ), nền đất yếu, bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ hàng năm của sông Mekong,…
Những điều này làm chi phí xây dựng đường sắt trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, lớn hơn các vùng khác từ 3-4 lần. Hiện nay chi phí xây dựng đường sắt quốc gia được ước tính khoảng 120 tỷ đồng/km, như vậy chi phí xây dựng đường sắt đối với tỉnh An Giang khoảng 350-450 tỷ đồng/km (khoảng 15- 20 triệu USD/km).
Trong đó, với thế mạnh là đường thủy, cũng có đặc điểm là vận chuyển hàng hóa với chi phí rẻ, khối lượng vận chuyển lớn. Như vậy, việc phát triển đường sắt là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, theo định hướng phát triển đường sắt quốc gia, khu vực ĐBSCL đến năm 2030, sẽ tiến hành nghiên cứu, huy động vốn xây dựng tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ, dự kiến sau năm 2030 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt kết nối giữa trung tâm vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ.
Khi tuyến đường sắt Tp.Hồ Chí Minh-Cần Thơ đi vào hoạt động, An Giang có thể tận dụng mạng lưới đường bộ và đường thủy làm phương thức trung chuyển về khu vực cầu Mỹ Thuận hoặc Cần Thơ để kết nối với tuyến đường sắt này. Trong đó, đường bộ sẽ là phương thức hỗ trợ trung chuyển từ ga đường sắt.
Theo định hướng phát triển hạ tầng giao thông sẽ hình thành tuyến cao tốc từ khu vực biên giới đi song song QL.91 kết nối cửa khẩu Tịnh Biên về An Hữu (Tiền Giang); sông Tiền có thể khai thác tàu đến 5.000 DWT; sông Hậu khai thác tàu đến 10.000 DWT; QL.80, QL.91 cũng hỗ trợ kết nối với tuyến đường sắt.
Thông qua tuyến đường sắt cũng có thể kết nối về các trung tâm logistics của vùng, khu cảng biển Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải hoặc có thể kết nối về đầu mối đường sắt ở Tp.Hồ Chí Minh, từ đó tỏa đi cả nước hoặc kết nối với Trung Quốc và tuyến đường sắt Xuyên Á.
Như vậy, phương án phát triển hạ tầng giao thông đã tăng cường khả năng kết nối từ An Giang đi quốc tế; kết nối với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, vùng KTTĐPN; kết nối giữa các huyện, thành phố trong tỉnh; kết nối giữa hạ tầng giao thông với hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác;… từ đó đảm bảo sự đồng bộ và liên hoàn cho chuỗi cung ứng logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của tỉnh.
Tổng hợp bởi Duan24h.net – Quy hoạch giao thông tỉnh An Giang
(Quy hoạch giao thông tỉnh An Giang : Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn.)