Mục lục

    Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 bao gồm : TP Bến Tre, Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú.

    Hiện trạng giao thông tỉnh Bến Tre

    Giao thông đường bộ

    Quốc lộ

    – QL.60 có điểm đầu tại ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang đi qua cầu Rạch Miễu đến Thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên đến tỉnh Trà Vinh và kết thúc tại thành phố Sóc Trăng. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre dài 35,826 km, nhựa hóa 100%, có 10 cây cầu. Dự án Bổ sung 04 đoạn tuyến trên QL.60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, dài 22,38 km, đã đưa vào sử dụng. Trong đó, đoạn tránh đô thị từ thị trấn Mỏ Cày đến cầu Cổ Chiên dài 14,177 km.

    – QL.57 có điểm đầu tại TP. Vĩnh Long, đi qua các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và điểm cuối tại đồn Biên Phòng Khâu Băng thuộc địa bàn xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre dài 96,931 km, nhựa hóa 100%, có 23 cây cầu.

    – QL.57B có điểm đầu QL57C, huyện Châu Thành, đi qua thành phố Bến Tre, huyện Giồm Trôm, điểm cuối tại huyện Ba Tri, dài 86,228 km, nhựa hóa 100%, có 18 cây cầu.


    – QL.57C có điểm đầu tại huyện Chợ Lách, đi qua huyện Châu Thành và điểm cuối tại huyện Bình Đại, dài 65,987 km, nhựa hóa 97% (còn lại 1,9km đang đầu tư đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng), có 19 cây cầu và 01 phà Tân Phú.

    Đường tỉnh

    – ĐT.882: Tuyến dài 9,4 km; nối kết QL.57 với QL.60 và đi qua trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc, điểm đầu giao QL.60 tại ngã ba Chợ Xếp; điểm cuối giao QL.57 tại ngã 3 Cây Trâm xã Thành An-Hưng Khánh Trung A.

    – ĐT.883: Tuyến dài 43,1 km; điểm đầu giao QL.57C tại Km10+250, xã An Hiệp, huyện Châu Thành; điểm cuối tại Vòng xoay Tượng đài 516, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri (Km43+100) Trong đó:

    • Đoạn từ Km00+000 từ giáp QL.57C tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành đến Km17+300 cuối dự án cầu Phong Nẫm, đường cấp III đồng bằng, mặt rộng 11m, nền rộng 12m;
    • Đoạn từ Km17+300 đến Km41+500 Di tích cây Da Đôi, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, đường cấp IV đồng bằng;
    • Đoạn từ Km41+500 đến Km43+100 vòng xoay Tượng Đài 516, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, đường đô thị.

    – ĐT.885: Tuyến dài 23,139 km; điểm đầu tại ngã ba Chợ Giữa, thành phố Bến Tre, điểm cuối giáp QL.57C tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm.

    – ĐT.886: Tuyến dài 8,1 km; điểm đầu giáp QL.57B và điểm cuối giáp biển Thừa Đức, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

    Giao thông đường thủy

    Trung ương quản lý

    Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến đường thủy nội địa Trung ương quản lý, dài 312 km. Trong đó, có tuyến sông Cổ Chiên và tuyến sông Hàm Luông là tuyến đường thủy quốc gia cấp đặc biệt.

    HIện trạng đường thủy tỉnh Bến Tre do TW quản lý
    HIện trạng đường thủy tỉnh Bến Tre do TW quản lý

    Địa phương quản lý

    Tuyến đường thủy nội địa địa phương quản lý 190 tuyến, dài 909,25 km. Thống kê chiều dài sông/kênh các cấp do địa phương quản lý được tổng hợp trong bảng dưới đây:

    HIện trạng đường thủy tỉnh Bến Tre do địa phượng quản lý
    HIện trạng đường thủy tỉnh Bến Tre do địa phượng quản lý

    Cảng biển

    Cảng biển Tân cảng Giao Long: với diện tích 3,6ha, vị trí tại tả ngạn bờ sông Tiền, đoạn xã Giao Hòa, huyện Châu Thành. Cảng hiện có thể tiếp nhận được tàu 3.000 DWT, năm 2020, sản lượng thông qua cảng là 21.588 TEU và đón 14.722 tấn hàng rời.

    Quy hoạch giao thông tỉnh Bến Tre

    Giao thông đường bộ

    Định hướng phát triển và kết nối mạng lưới giao thông quốc gia

    Do đặc điểm địa hình bị chia cắt thành 3 cù lao trải dài từ Tây sang Đông theo hướng các tuyến đường thủy lớn, do đó để giảm bớt chi phí xây dựng hệ thống cầu ngang sông, phù hợp với điều kiện tự nhiên, mạng lưới đường bộ sẽ phát triển theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam.

    * Ba trục Đông – Tây (gắn với 3 hành lang kinh tế hướng Đông)

    – QL.57B: gắn với hành lang kinh tế dọc theo Cù lao An Hóa, cảng nước sâu Bình Đại và trục đô thị phía Bắc của tỉnh (Châu Thành-Bình Đại), đóng vai trò kết nối phát triển kinh tế biển gắn liền với kinh tế sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

    – QL.57C: gắn với hành lang kinh tế dọc theo Cù lao Bảo, khu vực kinh tế ven biển và trục đô thị chính của tỉnh (Bến Tre-Ba Tri), với định hướng kết nối hạ tầng cơ sở cấp tỉnh, hệ thống các khu vực sản xuất, các đô thị trọng tâm và các đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh.

    – QL.57: gắn với hành lang kinh tế dọc theo Cù lao Minh, khu vực kinh tế ven biển và trục kết nối hệ thống đô thị phía Nam của tỉnh (Chợ Lách-Mỏ CàyThạnh Phú), đóng vai trò kết nối vùng kinh tế phía Nam sông Hàm Luông với vùng kinh tế du lịch ven biển, đồng thời hướng tới phát triển đa cực, kết hợp đa ngành, đa chức năng.

    Các trục Đông-Tây ngoài chức năng kết nối với các tỉnh phía Bắc ĐBSCL (thông qua cầu Đình Khao) thì vai trò quan trọng nhất là trục giao thông chính, xuyên suốt của mỗi cù lao, kết nối khu vực động lực ven biển với các khu vực còn lại của mỗi cù lao. Ngoài ra, đây cũng là các trục giao thông kết nối với đa số các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

    * Ba trục Bắc – Nam (gắn với 2 hành lang kết nối liên vùng)

    – Trục QL.60 và trục cao tốc: gắn với hành lang kết nối khu vực phía Tây của tỉnh với khu vực ven biển ĐBSCL và trục đô thị phát triển liên vùng của tỉnh (Châu Thành-Bến Tre-Mỏ Cày).

    – Đường ven biển: gắn với hành lang kinh tế ven biển, trục đô thị kinh tế biển, trục đô thị du lịch ven biển của tỉnh (Bình Đại-Ba Tri-Thạnh Phú) và kết nối khu vực các tỉnh ven biển ĐBSCL.

    Các trục Bắc – Nam ngoài chức năng kết nối các trục Đông-Tây nhằm phá vỡ sự chia cắt của các tuyến sông lớn, thì cũng đóng vai trò là các trục giao thông chính kết nối vùng, từ đó tạo sự phát triển đột phá cho tỉnh.

    Ngoài ra, các tuyến đường tỉnh cũng sẽ phát triển theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam, nhằm hỗ trợ và tăng cường kết nối từ các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, du lịch,… với 6 trục giao thông chính. Các tuyến đường tỉnh có vai trò quan trọng kết nối các KCN, CCN, khu kinh tế ven biển với các vùng nguyên liệu và đô thị.

    Phát triển các tuyến giao thông cũng cần xem xét kết hợp với các dự án xây dựng đê sông và đê biển để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong đầu tư xây dựng.

    Đường trung ương quản lý

    Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường bộ quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre được quy hoạch như sau:

    – Quốc lộ 57: quy hoạch đạt cấp III, quy mô 2÷4 làn xe. Giai đoạn đến 2025, tranh thủ nguồn vốn Trung ương đầu tư xây dựng cầu Đình Khao trên tuyến Quốc lộ 57 theo hình thức PPP. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng các tuyến tránh: xã Giao Thạnh, thị trấn Thạnh Phú.

    Ưu tiên đầu tư mở rộng đoạn từ thị trấn Mỏ Cày Bắc đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú để đảm bảo sự đồng bộ trên tuyến. Hiện nay QL.57B được quản lý có điểm đầu giao QL.57 tại Chợ Lách, điểm cuối tại Bình Đại và QL.57C có điểm đầu giao QL.57B tại Châu Thành, điểm cuối tại Ba Tri.

    Tuy nhiên, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg, 2 tuyến quốc lộ này sẽ đổi tên cho nhau, do đó để thuận tiện cho công tác quản lý và thói quen sinh hoạt của người dân, kiến nghị vẫn giữ nguyên tên gọi như hiện nay.

    – Quốc lộ 57B: quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2÷4 làn xe, kiến nghị Trung ương sớm xây dựng cầu thay thế phà Tân Phú trên QL.57B. Xây dựng tuyến tránh thị trấn Bình Đại. Nâng cấp, cải tạo đoạn từ An Hoá đến thị trấn Bình Đại.

    – Quốc lộ 57C: quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2÷4 làn xe. Xây dựng tuyến tránh thị trấn Ba Tri; Nâng cấp, cải tạo đoạn từ thành phố Bến Tre đến thị trấn Ba Tri.

    – Quốc lộ 60: quy hoạch đạt cấp II-III, quy mô 2÷6 làn xe. Sớm hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 (khởi công ngày 29/3/2022). Bổ sung cầu dẫn lên, xuống Cồn Phụng đấu nối vào cầu Rạch Miễu hiện hữu. Đề xuất bổ sung quy hoạch cầu Hàm Luông, nhằm giảm ùn tắc giao thông qua cầu Hàm Luông hiện hữu do sau khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành, lưu lượng xe trên đoạn tuyến sẽ tăng cao.

    Vị trí quy hoạch, điểm đầu đường Lê Thanh Xuyên, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, điểm cuối nối vào đường Nguyễn Văn Tư, thành phố Bến Tre.

    – Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng: dài khoảng 150km, quy hoạch đạt 04 làn xe; đoạn đi qua tỉnh Bến Tre dự kiến đầu tư sau năm 2030.

    – Đường ven biển: Đoạn qua vùng ĐBSCL đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó đi qua tỉnh dài khoảng 53km, điểm đầu kết nối với tỉnh Tiền Giang, điểm cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú) kết nối với Trà Vinh.

    • Giai đoạn 1 (2021-2025): Xây dựng đường cấp III, quy mô 02 làn xe. Xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 05 cầu vượt sông lớn, bề rộng cầu Bcầu = 16m.
    • Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025): nâng cấp, mở rộng đoạn ngoài đô thị với nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m. Bổ sung thêm 01 đơn nguyên cầu, bề rộng cầu Bcầu = 16m.

    Đường tỉnh

    Quy hoạch các tuyến đường tỉnh tối thiểu đạt cấp IV, lộ giới 45m, giai đoạn sau năm 2030 nâng cấp đạt tối thiểu cấp III. Quy hoạch chi tiết như sau:

    * Trục Đông – Tây

    1/. Đường hiện hữu

    – ĐT.882: Kéo dài tuyến từ giao QL.60 tại ngã ba Chợ Xếp đến giao ĐT.DK.09. Giai đoạn đến 2025, mở tuyến tránh khu trung tâm Mỏ Cày Bắc, quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III. Xây dựng mới 1 cầu vượt sông Vĩnh Hòa đồng bộ cấp đường. Giai đoạn 2026-2030, nâng cấp mở rộng đoạn còn lại dài 7,6 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III và đầu tư đoạn kéo dài 11,4km tối thiểu đạt cấp IV.

    2/. Đường dự kiến

    – ĐT.DK.02: Tuyến dài 60 km, dọc sông Hàm Luông, nối 03 huyện Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú. Điểm đầu nối vào ĐT.882, điểm cuối tại QL.57 (huyện Thạnh Phú). Quy hoạch đạt cấp III, lộ giới 45m, thực hiện giai đoạn 2021-2025 và chuyển tiếp giai đoạn 2026-2030.

    – ĐT.DK.03: Tuyến dài 41,56 km bắt đầu từ cảng Giao Long, kết thúc giao QL.57B tại phà Tân Phú, gồm 03 đoạn:

    • Đoạn 1: Dài 7,36 km. Trong đó, đoạn từ vòng xoay giao với QL.57B theo hướng Bắc Nam đến đường Nguyễn Thị Định dài 5,4km, đã thực hiện đạt tiêu chuẩn đường đô thị, lộ giới 45m.
    • Đoạn 2: Dài dự kiến 11,8km trùng với đường vành đai phía Nam TP.Bến Tre, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định đến hết ranh giới đô thị của thành phố Bến Tre tại vị trí giao nhau với đường vào cầu Hàm Luông. Thực hiện giai đoạn 2026-2030, theo quy hoạch đô thị của TP.Bến Tre.
    • Đoạn 3: Dài dự kiến 22,4km, từ bến bốc xếp hàng hóa Hàm Luông đến giáp QL.57B tại phà Tân Phú, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III, lộ giới 45m. Thực hiện giai đoạn 2026-2030.

    – ĐT.DK.06: Tuyến dài dự kiến 70 km, chạy dọc sông Cổ Chiên; điểm đầu giao QL.57 tại xã Hòa Nghĩa, điểm cuối QL.57, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Quy hoạch đạt cấp cấp III, lộ giới 45m, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

    – ĐT.DK.07: Tuyến dài 44 km, đi dọc sông Tiền, điểm đầu QL.57B (ngã tư Tân Bắc, xã Tân Phú huyện Châu Thành) và điểm cuối QL.57B (xã Bình Thới, huyện Bình Đại). Quy hoạch đạt cấp III, lộ giới 45m, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và chuyển tiếp 2026-2030.

    – ĐT.DK.10: Tuyến dài dự kiến 35,1 km, hỗ trợ khu vực bờ bắc sông Ba Lai phát triển, điểm đầu từ đường ven biển, điểm cuối QL.57B. Quy hoạch đạt cấp III, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

    – ĐT.DK.11: Tuyến dài dự kiến khoảng 34 km, từ thành phố đi song song với QL.57C và kết nối vào đường ven biển tại huyện Ba Tri. Tuyến tạo thành trục dọc Đông Tây của cù lao Bảo để phục vụ nhu cầu đi lại và kết nối đến khu kinh tế biển. Quy hoạch đạt cấp II, lộ giới 100m, thực hiện sau năm 2030.

    * Trục Bắc-Nam

    1/. Đường hiện hữu – ĐT.883: kéo dài tuyến, điểm đầu giao QL.57C tại Km10+250, tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, điểm cuối giao QL.57C tại xã An Thủy, huyện Ba Tri. Tuyến dài khoảng 60,2km:

    • Giai đoạn 2026-2030: đầu tư đoạn từ Vòng xoay Tượng đài 516 đến điểm cuối giao QL.57C, xã An Thủy, dài khoảng 17,1km và tuyến nhánh dài 5km, đạt cấp IV.
    • Giai đoạn sau năm 2030: nâng cấp, mở rộng đoạn từ Km17+300 đến Km41+500 Di tích cây Da Đôi, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, đạt cấp III.

    – ĐT.885: Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt cấp III.

    – ĐT.886: Quy hoạch giai đoạn 2026-2030 đạt cấp III, mặt 11m, nền 12m.

    2/. Đường dự kiến

    – ĐT.DK.01: Tuyến dài dự kiến 43,2km; điểm đầu giao với QL.57B tại xã Bình Thới, huyện Bình Đại; điểm cuối giáp sông Cổ Chiên, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú. Khi hình thành tuyến đóng vai trò là trục giao thông liên huyện quan trọng nối các huyện phía Đông như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

    Đồng thời tuyến cùng với QL.57, QL.57B và QL.57C tạo thành một trục vòng đi qua hầu hết các huyện, thành của tỉnh và nối với khu vực bên ngoài thông qua QL.60 và QL.57. Quy hoạch đạt cấp III, thực hiện giai đoạn 2021-2025.

    – ĐT.DK.04: Tuyến dài 17,1km, bắt đầu từ giao với QL.57C và ĐH.10, điểm cuối kết nối ĐT.DK.06. Tuyến tạo thành trục Bắc Nam nối kết TP.Bến Tre, huyện Giồng Trôm và huyện Thạnh Phú. Quy hoạch đạt cấp III, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Định hướng quy hoạch cầu bắc qua sông Hàm Luông sau năm 2030.

    – ĐT.DK.05: Tuyến dài dự kiến 36 km, tạo thành trục Bắc Nam đi song song với ĐT.DK.08, liên huyện Bình Đại – Giồng Trôm – Mỏ Cày Nam; điểm đầu giao với ĐT.DK.07, tại xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, điểm cuối giao ĐT.DK.06, tại sông Cổ Chiên xã Cẩm Sơn. Quy hoạch đạt cấp III, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Định hướng quy hoạch cầu bắc qua sông Hàm Luông và sông Ba Lai sau năm 2030.

    – ĐT.DK.08: Chiều dài dự kiến 26 km, điểm đầu giao QL.57 tại thị trấn Mỏ Cày Nam, điểm cuối giao ĐT.DK.07 tại xã Long Hoà – Bình Đại. Quy hoạch đạt cấp III, lộ giới 45m, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

    – ĐT.DK.09: Tuyến dài 17,61km, điểm đầu giao QL.57B tại xã Phú Túc, điểm cuối kết thúc tại ĐT.DK.06, hình thành trục giao thông kết nối khu vực phía Tây của tỉnh. Quy hoạch đạt cấp III, lộ giới 45m, thực hiện trong giai đoạn 2026- 2030 và chuyển tiếp sau năm 2030. Định hướng quy hoạch cầu bắc qua sông Hàm Luông sau năm 2030.

    Phương án phát triển cảng biển

    Cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa, góp phần giảm chi phí logistics.

    Đề xuất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển Bến Tre (cảng biển loại III), với các khu bến sau:

    a) Khu bến Giao Long

    – Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước bên trái luồng sông Tiền, thuộc địa phận xã Giao Long, huyện Châu Thành.

    – Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre; có bến tổng hợp, container, hàng rời.

    – Cỡ tàu: Trọng tải đến 5.000 tấn.

    b) Khu bến Hàm Luông

    – Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước hai bờ sông Hàm Luông (khu công nghiệp An Hiệp và xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre)

    – Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre; có bến tổng hợp, container, hàng rời.

    – Cỡ tàu: Trọng tải đến 5.000 tấn.

    c) Khu bến Thạnh Phú

    – Phạm vi quy hoạch: vùng nước ngoài khơi cửa sông Cổ Chiên, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

    – Chức năng: bến lỏng/khí phục vụ trung tâm điện khí Bến Tre phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực.

    d) Khu bến Bình Đại

    – Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước cửa Đại – sông Tiền thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

    – Chức năng: Phục vụ trực tiếp khu kinh tế ven biển Bến Tre được phát triển phù hợp với Quy hoạch khu kinh tế, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí và bến khách.

    – Cỡ tàu: Trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện phù hợp với quy hoạch phát triển của khu kinh tế ven biển.

    Dự kiến khu kinh tế ven biển có chức năng là khu công nghiệp, đô thị, nghỉ dưỡng kết hợp cảng nước sâu và các dịch vụ logistics. Cần ưu tiên đầu tư khu vực cảng nước sâu tại Bình Đại để phát triển kinh tế ven biển, kết hợp với trục đường ven biển để đạt mục tiêu phát triển về hướng Đông của tỉnh.

    Giao thông đường thủy

    a) Định hướng phát triển hành lang vận tải thủy và kết nối hạ tầng giao thông thủy quốc gia Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 03 hành lang vận tải thủy nội địa:

    – Hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang: phục vụ nhu cầu vận tải của các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương có tuyến vận tải sông biển kết nối, trong đó đoạn trong vùng ĐBSCL bao gồm các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

    – Hành lang vận tải thủy TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau: phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa các tỉnh, thành phố ven biển phía Nam kết nối về khu vực cảng biển Tp.Hồ Chí Minh và cảng nước sâu tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

    – Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia (qua sông Tiền): phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, TP Hồ Chí Minh và quốc tế.

    b) Đường thủy nội địa quốc gia Giao thông đường thủy quan trọng mang tính đối ngoại tập trung trên các sông lớn: Sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Mỹ Tho.

    Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được duyệt, qua địa bàn tỉnh Bến Tre gồm:

    – Sông Tiền: Từ thượng lưu cảng Mỹ Tho 500m đến ranh Bến Tre-Vĩnh Long, dài 48,7km, quy hoạch giữ nguyên cấp đạt cấp đặc biệt. – Sông Hàm Luông: từ cửa Hàm Luông đến ngã ba sông Tiền

    + Đoạn từ cửa Hàm Luông đến rạch Mỏ Cày, dài 53,6km, quy hoạch nâng cấp đạt cấp đặc biệt.

    + Đoạn từ rạch Mỏ Cày đến ngã ba sông Tiền, dài 32,4km, quy hoạch giữ nguyên cấp đặc biệt.

    – Sông Cổ Chiên:

    + Từ cửa Cổ Chiên đến ngã 3 hạ lưu nhánh sông Băng Tra: dài 58km, quy hoạch giữ nguyên cấp đặc biệt. Cải tạo, nâng cấp luồng cửa Cổ Chiên cho tàu 5.000 tấn.

    + Nhánh sông Băng Tra, quy hoạch giữ nguyên cấp I.

    – Kênh Chẹt Sậy – sông Bến Tre: Từ ngã ba sông Tiền (Vàm Giao Hòa) đến ngã ba sông Hàm Luông, dài 16,5km.

    + Từ ngã ba sông Tiền (vàm Giao Hòa) đến ngã ba sông Bến Tre: dài 9km, quy hoạch giữ nguyên cấp III.

    + Từ ngã ba sông Bến Tre đến ngã ba sông Hàm Luông: dài 7,5km, quy hoạch giữ nguyên cấp III.

    – Rạch và kênh Mỏ Cày: Từ ngã ba sông Hàm Luông đến ngã ba sông Cổ Chiên, dài 18,0km, quy hoạch giữ nguyên cấp III.

    – Kênh Chợ Lách: Từ ngã ba sông Tiền – Chợ Lách đến ngã ba Chợ Lách – Cổ Chiên, dài 10,7km, quy hoạch giữ nguyên cấp II.

    c) Đường thủy nội địa địa phương quản lý

    * Yêu cầu với mạng lưới đường thủy

    – Vận tải thuỷ đối với tỉnh trong tương lai vẫn sẽ là phương thức quan trọng. Vì vậy, duy trì và phát triển hệ thống giao thông thuỷ đối với tỉnh là hết sức cần thiết. Từ đó chi phối các định hướng và giải pháp cho quy hoạch giao thông thuỷ nói chung.

    – Phát triển giao thông thủy gắn kết với các mạng lưới giao thông bộ tạo thành hệ thống liên hoàn, đảm bảo kết nối các vùng sản xuất, khu, cụm công nghiệp… với các vùng tiêu thụ, đầu mối giao thông, đảm bảo lợi ích liên ngành cùng phát triển.

    – Giao thông đường thủy phải được phát triển đa mục tiêu, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa gắn kết hài hòa với các giải pháp thuỷ lợi, nông nghiệp trong vùng, đảm bảo ngăn mặn và tích trữ nước ngọt.

    – Khai thác giao thông thuỷ phải gắn liền với phát triển bền vững, đảm bảo giữ gìn môi trường sản xuất, dân cư và sinh thái trong vùng.

    * Định hướng phát triển Theo phương án phát triển hệ thống cống thủy lợi thì sẽ bổ sung toàn bộ các cống kiểm soát mặn còn thiếu dọc sông Mỹ Tho, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, phân tách riêng biệt vùng Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre.

    Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng vận tải của các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là khi kết nối ra sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên (là các trục đường thủy chính yếu).

    Với việc phân tách riêng biệt vùng Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre, các tuyến đường thủy chỉ có thể phát huy vai trò trong nội bộ từng vùng. Như vậy, để tận dụng lợi thế sẵn có về đường thủy nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu ngăn mặn và dự trữ nước ngọt, thì cần phát triển có trọng tâm các trục đường thủy chính nội tỉnh, cùng với việc xây dựng các âu thuyền kết hợp các cống thủy lợi để tránh ảnh hưởng đến khả năng vận tải thủy và tính kết nối liên thông.

    Các tuyến đường thủy khác, cần xem xét đến khả năng bồi lắng và vai trò vận tải thủy để chuyển dần về cho ngành thủy lợi quản lý, tránh đầu tư dàn trải. Hoàn thành nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, chỉnh trị một số đoạn tuyến quan trọng, đảm bảo chuẩn tắc luồng của các tuyến này.

    Đối với những tuyến mà các thông số kỹ thuật chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn thì tiến hành cải tạo để đảm bảo theo TCVN 5664-2009 về phân cấp kỹ thuật đường thủy.

    Ngoài ra, cần thường xuyên tiến hành khảo sát đánh giá mức độ bồi lắng để tiến hành nạo vét các tuyến sông, kênh đảm bảo kích thước luồng vận tải thủy đã công bố. Thanh thải chướng ngại vật và nâng tĩnh không các cầu ngang sông không đảm bảo.

    d) Cảng, bến thủy nội địa

    * Cảng hàng hóa (cụm cảng Bến Tre) Cụm cảng Bến Tre trên sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, Cửa Đại. Trong đó:

    – Cỡ tàu (tấn): 5.000

    – Công suất (1000T/năm): 3.950

    – Nhu cầu sử dụng đất (ha): 28

    Quy hoạch chi tiết cảng hàng hóa như sau:

    Quy hoạch cảng hàng hóa tỉnh Bến Tre
    Quy hoạch cảng hàng hóa tỉnh Bến Tre

    Ngoài các cảng trên theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, đề xuất kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa tại các khu – cụm công nghiệp đang triển khai trong tỉnh:

    + Thành phố Bến Tre: Cảng tổng hợp tại xã Bình Phú, quy mô cảng khoảng 14ha.

    + Huyện Châu Thành: cảng phục vụ Khu công nghiệp An Hiệp (Cảng CP số 1), cảng Giao Long xã Giao Long, cảng Vietoil, cảng bến Hàm Luông.

    + Huyện Bình Đại: cảng phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận; cảng nước sâu, cảng cá (nằm giữa rạch Bình Thắng và rạch Bà Nhuộm.

    + Huyện Giồng Trôm: cảng phục vụ Khu công nghiệp Phước Long; Cụm công nghiệp Phong Nẫm; Cầu cảng phục vụ cụm công nghiệp Thị Trấn Bình Hòa.

    + Huyện Ba Tri: cảng phục vụ Cụm công nghiệp An Hòa Tây; Cụm công nghiệp Thị trấn – An Đức.

    + Huyện Thạnh Phú: cảng phục vụ Khu công nghiệp An Nhơn; Cụm công nghiệp C2; cảng bốc xếp hàng hóa tại xã Phú Khánh.

    + Huyện Mỏ Cày Nam: các cảng bốc xếp hàng hóa tại xã Bình Khánh (trên sông Hàm Luông), tại xã Hương Mỹ (trên sông Cổ Chiên), tại xã Minh Đức (trên sông Hàm Luông), tại cồn Thành Long, xã Thành Thới A (trên sông Cổ Chiên), tại xã Tân Trung (trên sông Hàm Luông), tại xã Phước Hiệp (trên sông Hàm Luông), tại xã An Thạnh (Rạch Mỏ Cày).

    + Huyện Mỏ Cày Bắc: cảng phục vụ Cụm công nghiệp Tân Thành Bình; Cảng trung chuyển hàng hóa xã Nhuận Phú Tân và 1 cảng xã Thanh Tân

    + Huyện Chợ Lách: Cảng sông Sơn Quy, phục vụ cụm công nghiệp Sơn Quy.

    * Cảng hành khách: Cụm cảng khách Bến Tre, đến năm 2030 tiếp nhận được tàu lớn nhất cỡ 100 ghế, công suất 2tr HK/năm, đến năm 2050 nâng công  suất lên 3tr HK/năm. Xây dựng Cảng hành khách du lịch kết hợp cảng hàng hóa TP. Bến Tre.

    Bến cảng phục vụ du lịch xã Thanh Tân, xã Hưng Phong; Cầu tàu phục vụ du lịch tại xã Sơn Phú và xã Hưng Phong; Cảng phục vụ du lịch Bình Thạnh (trên sông Cổ Chiên); cảng bến du lịch Rạch Miễu (bến phà Rạch Miễu cũ).

    * Bến tàu khách: Bến tàu khách chủ yếu là phục vụ tàu tham quan và du lịch, ngoài ra cũng xem xét phục vụ các nhà hàng nổi kết hợp du lịch và phục vụ ăn uống trên các tuyến sông chính. Theo kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bến Tre, du lịch đường thủy định hướng những tuyến khai thác và những điểm thu hút du lịch cụ thể như sau:

    – Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao giải trí tập trung tại thành phố Bến Tre – đô thị loại I, một trong những đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL. Hoạt động này tạo thành hệ thống không gian đặc trưng dọc theo hai bên sông Bến Tre.

    – Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí tạo thành dải không gian ven biển tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, bao gồm cả vùng đất liền và vùng đất lấn biển.

    – Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và giải trí phân tán tạo thành các điểm không gian phân bố tại các miệt vườn dừa, hệ thống mặt nước và các di tích lịch sử văn hóa tại các vùng đất trong tỉnh.

    Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan du lịch và phát triển kinh tế địa phương, các bến tàu khách cần tập trung phát triển trên 3 khu vực du lịch trên.

    Nhằm tạo điểm nhấn và đảm bảo hành khách và các phương thức vận tải hành khách khác có thể tiếp cận với các bến khách, kiến nghị tại các điểm du lịch lớn (KDL Cồn Phụng, du lịch làng dừa chợ nổi sông Thơm, KDL Cồn Ốc, KDL Cồn Qui, KDL Cồn Tân Mỹ, …) sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách đa chức năng, các bến này cũng sẽ thực hiện thêm những chức năng dịch vụ kết hợp như quầy giao dịch du lịch, hàng lưu niệm, quầy bán giải khát, thức ăn nhanh, vị trí tập luyện thể dục thể thao.

    Phát triển sân bay

    Để phục vụ cứu hộ cứu nạn, phát triển du lịch và ngắm cảnh, phục vụ khu kinh tế ven biển, giai đoạn sau năm 2030, khi có nhu cầu có thể xem xét nghiên cứu xây dựng sân bay chuyên dùng (sân bay trực thăng, sân bay thủy phi cơ, sân bay mini,…).

    Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển sân bay chuyên dụng của quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 287/QĐ- TTg ngày 28/2/2022.

    Hồ sơ QH tỉnh Bến Tre 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây