Mục lục

    Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

    Update : Cập nhật: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Quyết định 1924/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh”. Tải về ⇓


    Hiện trạng giao thông tỉnh Bình Phước

    Đường bộ

    Theo kết quả thống kê (2021), trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3 tuyến quốc lộ, 18 tuyến đường tỉnh, 109 tuyến đường huyện, 703 tuyến đường đô thị, 3.808 tuyến đường xã. Tỷ lệ nhựa hóa chung đã đạt mức 69,64%.

    Mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ trục chính kết nối liên vùng bao gồm:


    Quốc lộ 13: nằm về phía Tây đi theo hướng Bắc-Nam kết nối với cửa khẩu Hoa Lư đi Campuchia có chiều dài 79,6 km, tuyến mới được nâng cấp, chiều rộng mặt đường từ 19-25m, đạt tiêu chuẩn cấp III. Trên tuyến có 5 cây cầu, trong đó cầu Cần Lê đã được khai thác trên 40 năm, tuy được đánh giá là vẫn có thể khai thác nhưng bề rộng xe chạy nhỏ (chỉ 7,7m), không phù hợp với chiều rộng mặt đường (19,0m).

    Quốc lộ 14: nằm về phía Đông Nam, tuyến trục chính kết nối với Tây Nguyên với tổng chiều hiện hữu khoảng 117,6 km, mặt đường BTN, đạt tiêu chuẩn cấp III-IV, mặt đường từ 11-34m, hầu hết đi qua trung tâm các đô thị dọc tuyến. Trên tuyến có tất cả 14 cầu, có chiều rộng xe chạy từ 6,9-8,0m đủ cho hai làn xe lưu thông và phù hợp với bề rộng của đường.

    Quốc lộ 14C: nằm về phía Bắc, kết nối các khu vực cửa khẩu, đoạn tuyến đi qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 131,1km đi theo các tuyến đường tỉnh hiện hữu, hiện tại mới chỉ có 43km thuộc ĐT.741 có chiều rộng 4,5-9m được nâng cấp thành QL.14C, các đoạn còn lại vẫn chưa được thực hiện theo quy hoạch.

    Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tất cả 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài là 544,1km, phân bố chủ yếu theo hướng Bắc-Nam, tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%. Tuyến đường ĐT.741 được đánh giá là tuyến quan trọng nhất kết nối trung tâm TP. Đồng Xoài về phía Nam với Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh và kết nối đi phía Bắc với Phú Riềng, thị xã Phước Long, Bù Gia Mập, tuyến có bề rộng lớn, tuy nhiên mật độ phương tiện lưu thông cao.

    Ngoài ra, hai tuyến đường tỉnh khác cũng được đánh giá có vai trò quan trọng gồm ĐT.757 (kết nối thị xã Bình Long và thị xã Phước Long) và ĐT.759 (kéo dài từ QL.14, đi qua thị xã Phước Long và kết nối với trung tâm huyện Bù Đốp, tiếp tục qua ĐT.759B và QL.13 để kết nối đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư).

    Các tuyến còn lại có vai trò kết nối các trung tâm huyện/thị đều có mặt cắt ngang tương đối hẹp, chủ yếu đủ cho hai làn xe lưu thông, chất lượng mặt đường ở mức trung bình và đang bị xuống cấp tại nhiều đoạn tuyến do không được bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên.

    Đường thủy

    Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có rất nhiều sông suối với 75 con sông lớn nhỏ (chiều dài trên 10km), với mật độ khoảng 0,7 – 0,8 km/km2, thuộc 2 hệ thống sông chính là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Mêkông bao gồm: sông Bé, sông Sài Gòn, sông Măng (Đắk Jer Man), và sông Đồng Nai. Tuy nhiên, sông suối trong vùng có lòng sông hẹp, dốc, lũ lớn trong mùa mưa và khô kiệt trong mùa khô nên ít có giá trị khai thác về vận tải đường thủy.

    Các hoạt động vận tải trên hệ thống đường thủy nội địa tỉnh Bình Phước chủ yếu phục vụ khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản (cát, đá) trên sông, hồ, đập; vận chuyển hành khách và hàng hóa tại các bến đò ngang sông.

    Hiện tại, sở Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã cấp phép hoạt động cho một số phương tiện đường thủy vận chuyển hàng hóa hành khách và một số bến chuyên dùng phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, đưa đón khách du lịch.

    Tuy nhiên, do tiềm năng vận tải đường thủy kết nối liên vùng bị hạn chế do điều kiện địa hình, các hoạt động vận tải đường thủy không phát triển.

    Đường Hàng không

    Hiện tại, tỉnh Bình Phước có 04 sân bay quân sự là Sân bay Quảng Lợi huyện Hớn Quản, sân bay Lộc Ninh, sân bay Bù Đốp và sân bay Bù Gia Mập được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp, hiện đang do phía quân đội quản lý.

    Tuy nhiên, các sân bay này hiện không còn khả năng có thể sử dụng được do đã xuống cấp vì không được đầu tư sử dụng trong thời gian rất dài.

    Quy hoạch giao thông tỉnh Bình Phước

    Phương án phát triển hạ tầng giao thông

    Quan điểm

    Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”. Trong đó, các tuyến đường đối ngoại, kết nối vùng, kết nối nội tỉnh là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh.

    Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn trong việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, tăng cường kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như:

    Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể KTXH của tỉnh, đảm bảo tích hợp hiệu quả với các hệ thống cơ sở hạ tầng khác của địa phương, khu vực và cả nước đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

    Mục tiêu

    Đến năm 2025

    – Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai thực hiện dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Đắk Nông – Chơn Thành, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa (Long An) và Tuyến ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

    – Triển khai đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường đối ngoại quan trọng như: Đường phía Tây QL.13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường Trục chính KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương xuống đường Mỹ Phước – Tân Vạn; Đường Đồng Phú – Bình Dương kết nối với tuyến đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Tuyến ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)…

    – Triển khai đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường liên kết vùng và nội tỉnh như: ĐT.752, đường từ Trung tâm hành chính huyện Hớn Quản kết nối QL.14 (xã Nha Bích, huyện Chơn Thành), ĐT.758, QL.14 đoạn Đồng Xoài – Chơn Thành, Đồng Phú – Đồng Xoài

    – Tiếp tục duy tu sửa chữa nhằm nâng cao khả năng khai thác của các tuyến đường đối ngoại, liên kết vùng và nội tỉnh hiện hữu như: QL.13, QL.14, QL.14C, ĐT.741, ĐT.751, ĐT.752, ĐT.752B, ĐT.752C, ĐT.754, DT.754B, Đt.755, ĐT.755B, ĐT.757, ĐT.759, ĐT.759B, ĐT.760…

    Đến năm 2030

    Tập trung cơ bản hoàn thiện tất cả các tuyến đường đối ngoại, liên kết vùng và nội tỉnh còn lại theo đúng quy hoạch.

    Định hướng

    – Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng như: tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tuyến dường phía Tây QL.13 kết nối Bàu Bàng – Chơn Thành – Hoa Lư, tuyến ĐT.753… nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm kinh tế lớn của Khu vực miền Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và kết nối xuống Cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Sân bay quốc tế Long Thành.

    – Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối giữa ba trung tâm tạo động lực gồm: Thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long; và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.

    – Phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa các trục hành lang phát triển của tỉnh như:

    (1) Trục hành lang phát triển dọc theo tuyến QL.14 kết nối Bù Đăng – Đồng Xoài – Chơn Thành

    (2) Trục hàng lang phát triển dọc theo tuyến QL.13, gắn kết Hoa Lư – Lộc Ninh – Bình Long – Hớn Quản – Chơn Thành;

    (3) Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT.741 kết nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; dự kiến mở thêm đường Minh Lập – Phú Riềng để kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với QL14 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành nhằm phá thế độc đạo của Phước Long và Phú Riềng;

    (4) Trục hành lang phát triển dọc theo tuyến ĐT.752, ĐT.758 và tuyến ĐT.753 (dự kiến được nâng cấp thành QL.13C);

    (5) Trục hành lang phát triển dọc theo tuyến ĐT.759B (Lộc Tấn – Bù Đốp) và tuyến ĐT.759 và tuyến ĐT.755B dự kiến được nâng cấp thành QL.55B, nhằm gắn kết các huyện khu vực biên giới như Lộc Ninh, Bù Đốp với các huyện, thị còn lại của tỉnh như: Phước Long, Phú Riềng, Đồng Xoài, Bù Đăng.

    Phương án quy hoạch mạng lưới GTVT

    Quy hoạch mạng lưới cao tốc, quốc lộ

    [embeddoc url=”https://www.dropbox.com/s/jzw0edkp53bvtso/QH%20Cao%20toc%20Quoc%20lo%20B%C3%ACnh%20Phuoc%202030.pdf?dl=1″ viewer=”dropbox”]

    Mạng lưới đường tỉnh lộ chiến lược

    Các tuyến đường chiến lược nội tỉnh bao gồm các tuyến đường tỉnh nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các trung tâm huyện/thị, các khu công nghiệp, hỗ trợ phát triển cho các khu vực trọng điểm phát triển của tỉnh Bình Phước, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận cho các khu vực được đánh giá cho khả năng tiếp cận kém, giảm áp lực cho các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được dự báo quá tải trong năm 2030.

    Các tuyến đường tỉnh sẽ có vai trò chiến lược kết nối đồng bộ với mạng lưới đường bộ quốc gia và mạng lưới đường liên huyện.

    Các tuyến tăng cường kết nối theo hướng Đông-Tây nhằm giảm thời gian chuyến đi, cung cấp lộ trình thay thế QL.14 cho các chuyến đi từ các huyện phía Tây Bắc đi Đồng Xoài, khu vực Tây Nguyên, kết nối thị xã Bình Long và thị xã Phước Long.

    Các tuyến khu vực phía Nam tăng cường kết nối giữa hai trung tâm đô thị của tỉnh là Chơn Thành và Đồng Xoài cũng như, tăng cường kết nối giữa KCN Đồng Phú với các khu vực lân cận, cung cấp lộ trình thay thế cho tuyến đường ĐT.741 phía Nam được dự báo quá tải trong năm 2030.

    Nâng cấp tuyến ĐT741 phía bắc Đồng Xoài tăng cường kết nối Bù Đốp – Bù Nho (Phước Long) – Phú Riềng (Phước Long) giúp giảm thời gian đi lại giữa trung tâm huyện Bù Đốp và thành phố Đồng Xoài.

    Hệ thống đường sẽ tỉnh bao gồm 48 tuyến, trong đó cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh hiện hữu và bổ sung 31 tuyến được nâng cấp từ các tuyến đường huyện, đường vành đai đô thị. Cụ thể trong bảng dưới đây.

    [embeddoc url=”https://www.dropbox.com/s/jw5rb9fwmaocg97/QH%20tuyen%20tinh%20lo%20Binh%20Phuoc%202030.pdf?dl=1″ viewer=”dropbox”]

    Phương án phát triển cảng cạn, trung tâm logistics

    Về cảng hàng không: xét về yếu tố đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại với các tỉnh bạn: Campuchia, Lào và tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, Bình Phước cần được bổ sung vào quy hoạch hàng không quốc gia sân bay lưỡng dụng Quảng Lợi tại huyện Hớn Quản, quy mô 300-400ha, đầu tư sau năm 2030.

    Về cảng cạn và trung tâm logistics: Theo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030, khu vực tỉnh Bình Phước nằm trong hành lang kinh tế Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh với nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến năm 2030 là khoảng 8-10 triệu TEU/năm, vị trí các cảng cạn cần bố trí tại các vị trí có khả năng kết nối đa phương thức bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy. Vị trí các cảng cạn và trung tâm logistics được quy hoạch như sau:

    Cảng cạn ICD và trung tâm gom hàng/phân phối hàng hóa Chơn Thành thuộc huyện Chơn Thành (KCN Minh Hưng) quy mô dự kiến 45 ha đáp ứng nhu cầu 70-170 nghìn TEU/năm đến 2025 và 175-270 nghìn TEU/năm đến 2030, có thể kết hợp tích hợp Cảng cạn ICD Chơn Thành thành hệ thống hoàn chỉnh Khu vực Logistics, cảng ICD.

    Cảng cạn ICD Hoa Lư thuộc khu vực cửa khẩu Hoa Lư (xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh), quy mô 30ha, đáp ứng chức năng xuất nhập khẩu với Campuchia, đáp ứng nhu cầu 38-76 nghìn TEU/năm đến 2030, có thể kết hợp tích hợp với Cảng cạn ICD Hoa Lư thành hệ thống hoàn chỉnh khu vực dịch vụ Logistics, cảng ICD.

    Cảng cạn ICD và trung tâm gom hàng/phân phối hàng hóa Đồng Phú thuộc huyện Đồng Phú (KCN Đồng Phú), quy mô dự kiến 30ha, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu 40-80 nghìn TEU/năm đến năm 2030.

    Tầm nhìn đến năm 2050

    Các tuyến cao tốc sẽ được đầu tư hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Phước gắn với sự phát triển của cả vùng. Duy trì các tuyến quốc lộ hiện có, mở rộng quy mô các tuyến đạt cấp II, III, đảm bảo nhu cầu giao thông.

    Duy trì các tuyến đường tỉnh như trên, quy hoạch bổ sung thêm các tuyến đường tỉnh để tăng mật độ đường, tiếp tục nghiên cứu mở thêm một số tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đường sắt đô thị, định hướng nghiên cứu các tuyến đường sắt đô thị bám dọc các khu dân cư tập trung. Hoàn thiện các tuyến đường sắt theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Tỉnh.

    Hồ sơ QH tỉnh Bình Phước 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net – Quy hoạch giao thông tỉnh Bình Phước

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây