Theo định hướng quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có hai thành phố trực thuộc và 3 trục phát triển gồm: Sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì, Nhật Tân – Nội Bài.
Ngày 15/02/2023, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp để nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình, tiến độ xây dựng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Nội cần cơ chế vượt trội
Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải cho biết đề cương định hướng quy hoạch thủ đô nêu rõ ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (ngầm, xanh và công cộng), thành phố dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh…
Nội Dung Đề Xuất
Thông tin về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tiến độ triển khai nhiệm vụ này đòi hỏi rất gấp.
Cụ thể theo lộ trình, Ban Cán sự đảng UBND Hà Nội sẽ báo cáo, trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét thông qua chủ trương đối với đồ án quy hoạch trên vào tháng 7 năm nay.
Sau đó, đồ án được trình HĐND thành phố thông qua cùng trong tháng 7. Đến tháng 8, UBND Hà Nội sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng và dự kiến báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10.
Để đảm bảo tiến độ, Ban Cán sự đảng UBND Hà Nội kiến nghị Thành ủy có ý kiến với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định trong tháng 3; đồng thời cho ý kiến về chấp nhận chủ trương áp dụng đặt hàng hoặc chỉ định thầu tư vấn…
Thảo luận tại cuộc họp, PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Hà Nội phải xác định rõ tầm nhìn chiến lược, tiềm năng và lợi thế có sẵn để có giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng.
Đồng thời, chuyên gia khẳng định để hiện thực hóa được các quy hoạch lớn này, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, mang tính mở đường.
Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam, lưu ý thành phố phải quan tâm giải quyết tường tận các vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này.
Ông Chính nhìn nhận đây là vấn đề có tính mấu chốt để xây dựng một Hà Nội “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Nghiên cứu làm đường sắt kết nối Hà Nội với 3 tỉnh
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhắc lại mục tiêu tiến độ thành phố đề ra là trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10, trong khi còn một nội dung khác cũng cần được thực hiện bao gồm Luật Thủ đô (sửa đổi).
“Đây là hai quy hoạch rất quan trọng, sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của thủ đô trong những năm tới. Do đó, dù tiến độ gấp và phải làm nhanh, chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu”, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Cùng với đó, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho rằng quy hoạch lần này phải tạo nguồn lực mới nhằm xây dựng và phát triển thủ đô. Hà Nội sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 thành phố.
Cụ thể, thành phố phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) được định hướng phát triển dịch vụ, thông minh và hội nhập. Với công nghiệp, khu vực này chủ yếu phát triển dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Với thành phố phía Tây (gồm Hòa Lạc, Xuân Mai), ông Dũng cho biết khu vực này vốn có sẵn. Thủ tướng cũng chỉ đạo bàn giao khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quý I/2023, đồng thời thành phố đã khởi công tuyến cao tốc Hà Đông – Xuân Mai.
Bí thư Hà Nội yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo nhanh chóng làm đường sắt trên cao đoạn này; đồng thời nghiên cứu cải tạo quốc lộ 21 từ Sơn Tây đi Xuân Mai chạy qua nhằm tạo ra hạ tầng khung để thu hút người dân.
Nhất trí về định hướng không gian với 3 trục phát triển quan trọng, ông Dũng lưu ý việc tính toán không gian phải đặt Hà Nội trong liên kết vùng thủ đô.
Do đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thêm hạ tầng để kết nối Hà Nội với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt.
“Đây là lý do khi đề xuất xây dựng đường vành đai 4, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia”, Bí thư Hà Nội nói.
Theo Zing