Khi chuyển nhượng phần vốn góp tại các doanh nghiệp (DN), việc xử lý/kế thừa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của DN đang phát sinh những vướng mắc. Thực tế tại Bình Dương thời gian qua có nhiều trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong DN không thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật về đất đai.
TRUNG TÂM XỬ LÝ HỒ SƠ DOANH NGHIỆP
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện trên địa bàn Tỉnh phát sinh nhiều trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong DN. Sau khi mua phần vốn góp, nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất, triển khai dự án do tên DN không thay đổi mặc dù chủ sở hữu thay đổi hoặc sau đó xin đổi tên DN từ tên cũ.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Mậu Đức được UBND tỉnh Bình Dương cho thuê đất thu tiền hàng năm và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 22.074 m2 để phục vụ mục đích xây dựng, sản xuất phi nông nghiệp. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đã mua phần vốn góp của Công ty TNHH Đầu tư Mậu Đức nhưng tên DN vẫn giữ nguyên, và chuyển sang DN 100% vốn đầu tư nước ngoài để tiếp tục thực hiện Dự án. Hồ sơ mua lại phần vốn góp tại DN này không đề cập đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Một số trường hợp khác như Công ty TNHH Đại Phú được Tỉnh giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu căn hộ thương mại Đại Phú năm 2017. Hiện Công ty TNHH Đại Phú đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vẫn giữ nguyên tên gọi nhưng chủ sở hữu đã chuyển sang Công ty CP Hưng Thịnh Land.
Công ty CP Công nghiệp BDIP là DN trong nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Hiện Công ty đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi tên mới là Công ty CP Chế biến thực phẩm Hoàng Sơn. Đồng thời, tất cả các cổ đông đã chuyển 100% cổ phần sang các cổ đông mới.
Hồ sơ mua lại phần vốn góp của Công ty TNHH Đại Phú, Công ty CP Công nghiệp BDIP… đều lập thủ tục đăng ký biến động và tiếp tục thực hiện Dự án.
Theo quan điểm của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, phần vốn đã đầu tư vào dự án (xây dựng các công trình nhưng chưa thực hiện đăng ký tài sản trên đất) nếu thực hiện chuyển nhượng sẽ không phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Mặt khác, qua rà soát, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện pháp luật về đất đai chưa hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết liên quan đến việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản trên đất khi mua phần vốn góp của DN mà không thay đổi tên DN, hoặc sau đó xin đổi tên từ tên cũ như một số trường hợp nêu trên.
Do đó, để đảm bảo việc chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án, trong đó có việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật về đất đai, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn xử lý các vấn đề nêu trên. Trong đó có việc xử lý về đất đai khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp trong DN đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Theo Báo Đấu Thầu