Nhà đầu tư đón đầu tâm điểm mới của bất động sản phía Nam

95
Hạ tầng kết nối Bình Dương và Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn
Hạ tầng kết nối Bình Dương và Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn
Mục lục

    Câu chuyện bất động sản vùng ven TP Hồ Chí Minh nóng lên trong thời gian vừa qua xoay quanh những quy hoạch hạ tầng, giao thông mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Dưới đây tích dẫn bài viết của tác giả Tăng Triển (Báo Đầu Tư) về nội dung này :

    Từ Đồng Nai đến Bà Rịa – Vũng Tàu

    Nói đến thị trường bất động sản phía Nam, TP.HCM từ lâu vẫn luôn là đầu tàu. Tuy nhiên, thời gian qua, giá nhà đất tại đây không ngừng tăng cao, theo giới chuyên gia, đây là điều tất yếu bởi nhu cầu nhà ở tại những đô thị lớn như TP.HCM luôn vượt gấp nhiều lần nguồn cung.

    Đó là chưa kể trong suốt thời gian qua, hầu như nguồn cung bị “bó chân” do thủ tục pháp lý dự án bị siết chặt. Song, cũng chính vì giá tăng quá cao, nên việc đầu tư bất động sản tại thị trường TP.HCM đã vượt quá khả năng của nhiều nhà đầu tư và việc chuyển sang thị trường khác có mặt bằng giá rẻ hơn, tiềm năng tăng giá cao hơn cũng là dễ hiểu.

    Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, nếu như 50 năm trước, toàn bộ hoạt động kinh tế của miền Đông Nam Bộ xoay quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn của TP.HCM, thì bây giờ 2 tâm điểm mới được xác định là sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).

    “Khi 2 tâm điểm mới được hình thành thì toàn bộ giao thông trong vùng phải hướng về 2 khu vực này. Nông sản miền Tây làm sao đưa về cảng Cái Mép nhanh nhất để xuất sang Mỹ, châu Âu? Sản phẩm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Đông Nam Bộ làm sao đưa về cảng Cái Mép, đi về sân bay Long Thành sau này nhanh nhất để xuất sang nước ngoài? Câu trả lời là tuyến nào có chi phí rẻ nhất, nhanh nhất thì tuyến đó có lợi thế. Do vậy, cả 2 tâm điểm mới này đang tạo ra một vùng lợi thế rất lớn”, ông Lĩnh nói, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung sẽ chuyển biến rõ nét.


    Quả thực, câu chuyện sân bay Long Thành và cảng Cái Mép thời gian qua đã trở thành động lực thu hút đầu tư từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

    Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến nay, chính quyền địa phương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều doanh nghiệp FDI như :

    • Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản) với dự án Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (huyện Long Thành) với tổng vốn đăng ký 60 triệu USD;
    • Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) với giai đoạn 2 dự án tại Khu công nghiệp Hố Nai có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD;
    • Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc) với dự án tại Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD…

    Cùng với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là một trong những địa phương luôn đạt thứ hạng cao về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 8 tháng đầu năm 2021, Bà Rịa – Vũng Tàu có 39 dự án đầu tư được cấp mới, vượt kế hoạch đề ra, bao gồm 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước.

    Tổng số vốn thu hút được là hơn 945 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ 2020. Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có 498 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 256 dự án FDI và 242 dự án trong nước; tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 20.095 triệu USD, tập trung chủ yếu tại Xuyên Mộc, Châu Đức, Phú Mỹ, Đất Đỏ, Tân Thành… với tỷ lệ lấp đầy hơn 54%.

    Không chỉ Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều khu vực lân cận cũng đang xem sân bay Long Thành và cảng Cái Mép là thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) quyết định chọn huyện Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận để đầu tư dự án Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận, trong đó có lý do huyện này nằm giáp ranh với Bà Rịa – Vũng Tàu, rất thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa đến cảng Cái Mép sau này.

    Được biết, dự án Becamex VSIP Bình Thuận có quy mô lên đến 4.984 ha với 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2020-2023) diện tích 715 ha, giai đoạn 2 (2021-2030) là phần diện tích còn lại 4.269 ha.

    Chạy đua “đón đầu” tâm điểm mới của thị trường bất động sản phía Nam

    Phân tích ở góc độ quy hoạch, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM đánh giá, tại khu vực phía Nam, TP.HCM luôn có sức cầu nhà ở lớn nhất. Tuy nhiên, sự quá tải đô thị ở TP.HCM ngày càng lớn, quỹ đất cũng hết sức khan hiếm, đẩy giá nhà đất ngày càng tăng cao. Do vậy, xu hướng giãn dân đô thị sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

    Theo ông Hòa, hiện nay, TP.HCM hình thành 2 cực tăng trưởng lớn, đó là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Thành phố. Nếu như cực Tây Bắc gồm Hóc Môn và Củ Chi có lợi thế quỹ đất còn nhiều, thì cực Đông Bắc là cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, lại có TP. Thủ Đức được quy hoạch trở thành thành phố thông minh, sáng tạo. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi cho xu thế giãn dân sắp tới.

    “Khu vực Đông Bắc TP.HCM có địa thế đất cao, ít bị ngập, xử lý hạ tầng và kỹ thuật xây dựng đơn giản hơn. Ngoài ra, do lợi thế tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, những nơi có quỹ đất đô thị lớn lên đến hàng trăm, hàng ngàn héc-ta nên rất phù hợp để hình thành các khu đô thị đảm bảo yếu tố quy hoạch, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của xu thế giãn dân”, ông Hòa nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Hòa, chính từ yếu tố quan trọng đó, trong công tác quy hoạch đô thị, cực Đông Bắc TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ được đặc biệt chú trọng. Điều này có thể thấy được từ sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông khu vực với một loạt dự án như :

    • Tuyến metro số 1 kết nối trung tâm TP.HCM với TP. Thủ Đức và sắp tới sẽ kết nối với Biên Hòa của Đồng Nai và Tân Vạn của Bình Dương,
    • Các trục hạ tầng kết nối vùng tứ giác kinh tế phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… với sân bay Long Thành,
    • Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây,
    • Cao tốc Bến Lức – Long Thành,
    • Cao tốc Biên Hòa – Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng Cái Mép…

    Và sắp tới đây là các tuyến vành đai 1, 2, 3 và 4 cũng đang khẩn trương đầu tư xây dựng. Riêng tuyến Vành đai 4 kết nối với 6 địa phương phía Nam sẽ trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển kinh tế liên vùng nói chung, thị trường bất động sản khu vực phía Nam nói riêng.

    Nhận diện được cơ hội mới, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đẩy mạnh săn quỹ đất, đầu tư dự án tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp bất động sản tên tuổi ở TP.HCM đều có mặt và đặt nền móng phát triển các dự án tại 2 địa phương này.

    Đơn cử, Novaland thu gom hàng ngàn héc-ta đất tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu để phát triển các dự án đại đô thị tương tự như Aqua City, Novaworld Hồ Tràm…; Hưng Thịnh, Nam Long, Đất Xanh, Danh Khôi, Kim Oanh… cũng đều có nhiều dự án tại những nơi này.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các nhà phát triển bất động sản, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Bình Thuận còn thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân về đây “săn” đất, khiến cho giá đất các khu vực này tăng cao, trong đó nổi bật là Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Lê Sang, một nhân viên môi giới tự do tại huyện Châu Đức cho biết, cứ ngỡ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thị trường, nhưng từ khi mở cửa trở lại, giá đất tại các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc không ngừng tăng.

    Nhiều mảnh đất ở Châu Đức thời điểm trước dịch rao bán tầm 1-1,2 tỷ đồng/sào (1.000 m2), nhưng nay tăng lên 1,5-1,6 tỷ đồng/sào, mà chưa cần rao bán đã có người xuống tận nơi tìm mua. Đất nền tại một số dự án khu vực này cũng rục rịch tăng giá và theo đánh giá của giới chuyên môn, đà tăng này mới chỉ là sự khởi đầu.

    Theo Báo Đầu Tư – Thị trường bất động sản phía Nam

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
    LIÊN HỆ MR. QUANG 0934.569.938 (ZALO 247)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây