Bất động sản tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa bị ảnh hưởng bởi “sốt đất”, giá dao động từ 9-80 triệu đồng/m2. Trong những tháng đầu năm 2022, sản phẩm bất động sản chủ yếu tại khu vực miền Tây Nam bộ là đất nền.
Đất nền được ưa chuộng
Theo Báo cáo thị trường bất động sản Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, cho biết nguồn cung bất động sản trong vùng đạt 6.500 sản phẩm; số lượng giao dịch là 2.550 sản phẩm; tỷ lệ hấp thu là 39%.
Nguồn cung mới theo các loại hình sản phẩm trong khu vực chủ yếu là đất nền khi chiếm tỷ trọng tới 45%, nhà phố chiếm 27%, căn hộ chiếm 25% và shophouse chiếm 4%.
Về giá bất động sản, bà Hoa cho rằng so với các vùng khác, giá đất ở khu vực Tây Nam bộ còn tương đối “mềm”. Cụ thể, giá đất nền trong dự án ở TP. Cần Thơ dao động từ 35 – 60 triệu đồng/m2; tỉnh Vĩnh Long ghi nhận giá đất nền tại TP. Vĩnh Long từ 9 – 20 triệu đồng/m2; An Giang ghi nhận giá đất tại TP. Long Xuyên từ 17 – 23 triệu đồng/m2…
Mức giá cao nhất là sản phẩm shophouse dao động từ 26 – 80 triệu đồng/m2; nhà phố có giá từ 25 – 65 triệu đồng/m2; căn hộ có giá từ 18 – 35 triệu đồng/m2 và đất nền có giá từ 9 – 45 triệu đồng/m2.
Cụ thể, về địa bàn TP. Cần Thơ, giá bất động sản tăng khoảng 7 – 10% trong vòng 2 năm qua. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý gần trung tâm thành phố, gần lộ (đường) lớn có giá bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19 – 30 triệu đồng/m2.
Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, so sánh nếu giá đất đô thị tại Cần Thơ và 2 thành phố tương đồng là Hải Phòng, Đà Nẵng thì giá đất tại Cần Thơ chưa bằng một nửa.
Cụ thể, nếu đất tại trung tâm TP. Hải Phòng và Đà Nẵng cao nhất lên đến 500 triệu đồng/m2 thì tại Cần Thơ chỉ 200 triệu đồng/m2. Đất đô thị biên, rìa trung tâm Hải Phòng, Đà Nẵng đã lên đến hàng trăm triệu đồng/m2 thì ở Cần Thơ giá đất biên thuộc quận Cái Răng, Bình Thủy dao động chỉ từ 25-40 triệu đồng/m2. Cần Thơ không có hiện tượng sốt đất ảo, giao dịch rất ổn định, dư địa tăng giá còn lớn, đây là nét hấp dẫn của bất động sản Cần Thơ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Riêng tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, cho biết kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố trong năm 2022 dự kiến sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại. Trong đó, 2 dự án chung cư với 1.374 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 245.000m2; 2 dự án nhà ở xã hội với 714 căn với tổng diện tích sàn xây dựng 49.962m2 hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022.
Về phát triển các phân khúc sản phẩm mới, ngoài bất động sản công nghiệp, bất động sản khu đô thị đa tiện ích, bất động sản sinh thái miệt vườn, căn hộ chung cư sẽ là sản phẩm được tung hàng tại TP. Cần Thơ giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023.
Tháo “điểm nghẽn” giao thông
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, giao thông là vấn đề “điểm nghẽn” của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vấn đề đang dần được tháo gỡ và chắc chắn đến năm 2025 – 2030 sẽ cơ bản được khơi thông.
Theo Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, khu vực này sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 cũng đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công từ các nguồn vốn trung ương hỗ trợ và vốn thành phố quản lý đối với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm then chốt.
Có thể kể đến đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C); đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang.
Đường tỉnh 917; đường tỉnh 918; đường tỉnh 921; đường tỉnh 923, cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô, cầu Kênh Ngang; đường Hẻm 91 (đoạn Long Tuyền đến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ); cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm.
UBND TP. Cần Thơ cũng giao các sở, ngành chủ động phối hợp, đẩy nhanh lộ trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm kết nối nội vùng và liên vùng, như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau; các tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ gắn với phối hợp để xuất việc triển khai tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ và Cà Mau.
Cùng với sự nâng tầm về cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường liên kết vùng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không, Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quỹ đất vẫn còn dồi dào, mức giá thấp, nhất là chưa bị ảnh hưởng bởi “sốt đất”, đầu cơ thổi giá.
“Trong tương lai gần, nguồn vốn cho bất động sản dần được tháo gỡ sẽ khơi thông dòng chảy đầu tư về khu vực Tây Nam Bộ thông qua triển vọng về cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh và dòng vốn đầu tư FDI tiếp tục đổ về khu vực”, ông Phạm Văn Luận nhận định.
Theo Vneconomy ↵