Sau vụ địa ốc Alibaba rao bán dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành phía Nam thì nhà đầu tư dù rất muốn “rót tiền” mua đất nền nhưng lại “chùn tay” vì sợ mua nhầm các dự án không có thật. Do đó, để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, việc cần thiết phải làm là siết chặt quản lý việc phân lô, bán nền.
Sợ mua nhầm… dự án “ma”
Những năm gần đây, khi quỹ đất tại khu vực trung tâm TPHCM ngày càng khan hiếm, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô về vùng ven để “săn” đất nền. Đáng chú ý, khi có thông tin tỉnh Đồng Nai sắp xây dựng sân bay Long Thành và xây cầu Cát Lái nối với TPHCM, thị trường đất nền ở vùng ven TPHCM, cũng như ở tỉnh Đồng Nai ngày càng sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư.
Thế nhưng, sau khi lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba bị bắt cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “chùn tay” trong việc mua đất nền. Nguyên nhân là do họ sợ mua nhầm những dự án “ma” rồi “mất tiền oan”, giống như hàng ngàn khách hàng đã lỡ đầu tư vào các dự án “bánh vẽ” tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận mà Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba dựng lên và rao bán rầm rộ thời gian qua.
Anh Thái Tuấn (người đang tìm mua đất nền tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết, nắm bắt được thông tin về việc xây cầu Cát Lái, lại sẵn có khoản tiền nhàn rỗi nên anh muốn đầu tư đất nền ở tỉnh Đồng Nai để chờ thời bán kiếm lợi. Tuy nhiên, mỗi lúc đắn đo muốn xuống tiền mua đất thì “cơn địa chấn” mang tên Địa ốc Alibaba lại ám ảnh, khiến anh dừng đầu tư và chấp nhận “ăn chắc mặc bền”.
Theo anh Tuấn, điều anh lo sợ không phải là sợ địa ốc Alibaba mà là sợ đầu tư nhầm vào các dự án ảo của công ty khác. Bởi lẽ, hiện nay có không ít các công ty nhan nhãn rao bán đất nền tại những dự án nghi là dự án ma giống như cách mà địa ốc Alibaba đã từng làm.
Anh Tuấn cho rằng, điều anh lo lắng là có cơ sở, nhất là khi nhiều công ty vì ham lợi nhuận mà tự vẽ quy hoạch, tự “hô biến” đất rừng, đất nông nghiệp… thành dự án “ma” để rao bán.
Tương tự, chị Hồ Thanh Nhàn (sống tại TPHCM) cho hay, chị cũng đã tìm mua đất nền tại khu vực đường Dương Thị Giang, quận 12. Ban đầu, trao đổi với chị, nhân viên của Công ty Bất động sản Vũ Gia luôn dùng những “lời có cánh” về dự án của công ty này ở đường Dương Thị Giang. Điều này khiến chị lầm tưởng là dự án có thật.
Tuy nhiên, sau khi thấy báo chí phản ánh về tình trạng mang đất quy hoạch ra phân lô bán nền tại khu vực quận 12, chị quyết định không đầu tư vào dự án “ma” của công ty này nữa thì nhân viên công ty lại tiếp tục “lái” chị đến một đầu tư một dự án khác. Sự việc khiến chị mất niềm tin vào các dự án bất động sản và không còn muốn đầu tư gì vào đất nền nữa.
“Nhờ báo chí phản ánh, tôi mới biết ở đường Dương Thị Giang không có dự án nào. Thế nhưng, khi tôi biết mình bị lừa và không đầu tư thì nhân viên công ty Vũ Gia lại tiếp tục giới thiệu, chào mời đến mua đất tại một dự án khác của họ ở tình Bình Dương. Nghĩ mà sợ quá. May mà tôi chưa xuống tiền chứ không chắc mất sạch hết vốn liếng như chơi”, chị Nhàn nói.
Cần tăng cường kiểm tra
Liên quan tới việc đầu tư đất nền, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE cho rằng, thị trường đất nền hiện nay đang rất lao đao, ảm đạm do nguồn cung khan hiếm và khủng hoảng về pháp lý diễn ra trên diện rộng. Mặt khác, nhiều dự án đất nền trong diện thanh tra đất đai nên các vấn đề liên quan như cấp phép đều bị chững lại cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung đất nền.
Theo bà Dung, nguồn cung thiếu hụt không chỉ là nguồn cơn “kích thích” các nhà đầu tư mà còn là cơ hội để nhiều cá nhân lợi dụng tâm lý ưa thích đất nền của người dân, tung ra các dự án ma nhằm trục lợi trên sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của khách hàng.
Trong khi đó, thực chất đầu tư đất nền lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do phân khúc này không trực tiếp tạo ra sản phẩm hình thành lợi nhuận mà chủ yếu là đầu cơ sang tay, chỉ cần có sự chững lại của thị trường, hay trục trặc về pháp lý thì nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt.
Hơn nữa, vì nguồn cầu đất nền chủ yếu là để đầu cơ, nên khi thị trường khó khăn, người đầu cơ không thể bán ra với mức giá kỳ vọng như mong muốn, dẫn đến nhiều khu đất có giá thấp hơn rất nhiều khi mua vào.
Về phía cơ quan quản lý, mới đây Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 về một số giải pháp cải thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản. Một trong những nội dung của chỉ thị này là tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao và cho thuê đất, cấp sổ đỏ…
“Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các tỉnh nói rõ tình hình nhiều dự án thực hiện trái quy định, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, chuyển nhượng khi không đủ điều kiện. Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai thông tin để người dân được biết”, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.
Báo Đấu Thầu