Trong cuộc họp ngày 27/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đề xuất tổng số vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 13.787 tỷ đồng. Trong đó:
Đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 2.761 tỷ đồng. Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 4.965 tỷ đồng để đảm bảo cân đối được vốn thực hiện các công trình trọng điểm như:
- Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà;
- Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà – Tân Thiện;
- Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, Kè Cà Ty,
- Các dự án bồi thường tạo quỹ đất, hoàn ứng ngân sách và thực hiện các công trình chuyển tiếp, khởi công mới.
Việc xác định số vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 4.965 tỷ đồng, phù hợp với khả năng thu tiền sử dụng đất của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 5.500 tỷ đồng. Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 511 tỷ đồng.
Nội Dung Đề Xuất
Riêng trong năm 2022, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách tỉnh là 2.960 tỷ đồng. Nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn của các chủ đầu tư 3.407 tỷ đồng, vượt hơn 1,15 lần so với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh trong năm 2022.
Về danh mục công trình trọng điểm của tỉnh năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021 có 08 công trình trọng điểm gồm:
- Kè bờ tả sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm);
- Cảng Hàng không Phan Thiết;
- Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh;
- Làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà;
- Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà – Tân Thiện;
- Hồ chứa nước Ka Pét;
- Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ;
- Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá Phú Quý giai đoạn 2.
Hiện nay, 08 công trình này vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện, do vậy, đề xuất giữ nguyên 08 công trình trọng điểm trên tiếp tục chuyển sang năm 2022 là công trình trọng điểm của tỉnh để có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của các cấp, nhất là Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Tuấn Phong thống nhất kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 với quyết tâm đảm bảo giải ngân đạt trên 95% kế hoạch như mục tiêu đề ra.
Lưu ý đối với đầu tư công trung hạn, hiện còn 54 dự án chưa có chủ trương đầu tư, trong đó nhóm vốn ngân sách là 24 dự án, nhóm xổ số kiến thiết 30 dự án, tổng vốn 1.245 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại, nếu chủ đầu tư nào làm xong thủ tục, có quyết định chủ trương đầu tư thì tiếp tục bố trí vốn, còn không thì đưa vào danh mục dự phòng đối với những dự án bức xúc, có quy hoạch rõ ràng, còn lại thì cắt giảm để chuyển sang dự án khác đang thiếu vốn.
Trước đề xuất quá trình triển khai các dự án cần nghiên cứu tách phần giải phóng mặt bằng ra thành tiểu dự án, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng không cần thiết, cách thức tổ chức thực hiện tốt nhất là các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kể cả hai bên đường nếu cần.
Liên quan bố trí vốn quy hoạch ngành, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính để lên kế hoạch nhu cầu vốn đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến.
Theo Bình Thuận GOV – Đầu tư công Bình Thuận 2021 – 2025