Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Hiện trạng hạng tầng công nghiệp tỉnh Bình Thuận
Hạ tầng các khu công nghiệp
Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 09 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập với tổng diện tích 3.003,43 ha, trong đó có 08 KCN đã và đang hoàn chỉnh hạ tầng (KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình, KCN Tuy Phong, KCN Sơn Mỹ 1, Tân ĐỨc), 01 KCN đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Thực trạng hạ tầng các KCN đã và đang đầu tư xây dựng cụ thể như sau:
(1). KCN Phan Thiết (giai đoạn 1): tổng diện tích 68 ha, đã hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung 1.000 m3/ngày- đêm, đang thực hiện các công tác bảo dưỡng hạ tầng, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Nội Dung Đề Xuất
(2). KCN Phan Thiết (giai đoạn 2): tổng diện tích 40,7 ha, cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn chỉnh các hạng mục như giao thông, cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống PCCC, hồ sự cố môi trường, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, đã hoàn thành vận hành thử nghiệm HTXLNT tập trung (600 m3/ngày-đêm) và đang tiến hành làm hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường giai đoạn 1.
(3). KCN Hàm Kiệm I: tổng diện tích 132,67 ha đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp điện, nước, hệ thống cấp nước PCCC, HTXLNT tập trung giai đoạn 1 (2.000 m3/ngày-đêm).
(4). KCN Hàm Kiệm II: tổng diện tích 402 ha, đã hoàn thành san lấp mặt bằng các cụm lô theo quy hoạch, hoàn chỉnh thi công cấp phối đường sỏi cấp 3, trải nhựa một phần các tuyến đường chính KCN, trồng cây xanh các tuyến đường chính KCN, thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, hệ thống cấp nước PCCC, HTXLNT tập trung giai đoạn 1 (2.500 m3/ngày-đêm).
(5). KCN Sông Bình: tổng diện tích 300 ha, đã hoàn thiện công tác san lấp mặt bằng, cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh tại vùng đệm KCN. Đã hoàn thành và đưa vào vận hành Khu XLNT tập trung giai đoạn 1 (500 m3/ngày-đêm).
(6). KCN Tuy Phong: tổng diện tích 150 ha, đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành san ủi đào khuôn đường, xử lý nền hạ các tuyến đường chính trong KCN. Hoàn thành cổng chảu và điểm đấu nối với QL1; thoả thuận vị trí, hướng tuyến, công suất và tiến độ đầu tư Trạm biến áp 110/22KV với Tổng công ty Điện lực Miền Nam, đang chuẩn bị đầu tư HTXLNT tập trung.
(7). KCN Sơn Mỹ I: tổng diện tích 1.070 ha đang khẩn trương thực hiện công tác ĐBGT, thuê đất, chuẩn bị khởi công vào cuối Quý IV/2021 hoặc đầu Quý I/2022.
(8). KCN Sơn Mỹ II: tổng diện tích 540 ha, đang thỏa thuận với Bộ Xây dựng về đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
(9). KCN Tân Đức: tổng diện tích 300 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 210,84 ha, đang thực hiện các bước ĐBGT, thuê đất, rà phá bom mìn… để tổ chức khởi công trong cuối Quý IV/2021.
Bài viết tham khảo : Danh sách khu công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận
Hạ tầng các cụm công nghiệp
Đến năm 2020, trên địa bàn tình Bình Thuận có 36 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó có 28 cụm công nghiệp đã được thành lập (15 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp, 01 cụm công nghiệp do trung tâm phát triển cụm công nghiệp Phan Thiết làm chủ đầu tư).
Nhìn chung, đến nay hầu hết các địa phương đều có thành lập cụm công nghiệp và triển khai đầu tư hạ tầng, trong đó một số địa phương đã có cụm công nghiệp đảm bảo về mặt bằng để thu hút đầu tư. Hiện có 04 cụm công nghiệp đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh (gồm: Cụm công nghiệp Phú Hài, Nam Cảng (thành phố Phan Thiết), Thắng Hải 1 (huyện Hàm Tân) và Cụm công nghiệp Nam Hà (huyện Đức Linh).
Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Thuận
Định hướng phân bố không gian phát triển công nghiệp
(1). Chuẩn bị và dự trữ quỹ đất cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là những quỹ đất sạch, quy mô lớn, có vị trí gắn với hệ thống hạ tầng giao thông vùng, cảng biển nước sâu.
Đối với các quỹ đất đã được xác định ưu tiên cho phát triển công nghiệp, việc phát triển đô thị ở dọc các trục động lực cần đan xen hợp lý, tập trung, không dàn trải, dành quỹ đất trống sạch, lớn cho sản xuất trong tương lai.
Các quỹ đất thuận lợi cho phát triển công nghiệp được xác định tại hai khu vực chính:
– Khu vực hai bên trục động lực liên kết Đông – Tây, bao gồm tổng hợp các kết nối hạ tầng vùng: Cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua tỉnh Bình Thuận), đường sắt Bắc – Nam, đường QL1A, cảng hàng không Phan Thiết. Là khu vực có địa hình đồng bằng cao, dân cư thưa thớt mật độ thấp, không có tài nguyên thiên nhiên nổi trội và có quỹ đất đa dạng về quy mô, phù hợp đáp ứng cho các nhu cầu phát triển của công nghiệp.
– Khu vực ven biển phía Đông và phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, là điểm tiếp cận giao thông thủy thuận lợi với hệ thống cảng nước sâu Vĩnh Tân và Sơn Mỹ, hình thành hai vùng công nghiệp với lợi thế cạnh tranh lớn là vùng công nghiệp Bắc Bình – Tuy Phong và vùng công nghiệp La Gi – Hàm Tân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
(2). Hình thành các vùng công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, các hành lang kinh tế quốc gia vùng (QL1A, dải hành lang ven biển, QL55, QL28), các vùng cảng biển nước sâu quốc tế – quốc gia.
- Vùng công nghiệp trung tâm (thành phố Phan Thiết – Hàm Thuận Nam – Hàm Thuận Bắc);
- Vùng công nghiệp tập trung Tây Nam (La Gi – Hàm Tân);
- Vùng công nghiệp phía Đông (Bắc Bình -Tuy Phong);
- Vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phía Tây Bắc (Đức Linh – Tánh Linh).
- Vùng công nghiệp điện gió ngoài khơi.
(3). Nghiên cứu hình thành tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, cảng biển, kho cảng khí LNG tại khu vực La Gi – Hàm Tân gắn với hình thành và phát huy hiệu quả cảng tổng hợp Sơn Mỹ.
(4). Thu hút đầu tư phát triển, tìm kiếm, liên kết với khu vực Cà Ná – phía Nam tỉnh Ninh Thuận để có thể kết hợp hình thành vùng (hoặc tổ hợp) công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các hoạt động logistics, cảng biển, cho công nghiệp năng lượng.
Quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp đã thành lập và đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, nhất là hạ tầng xử lý chất thải và hạ tầng xã hội cho công nhân.
Mở rộng diện tích đất công nghiệp thu hút nhà đầu tư thứ cấp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng, đưa vào khai thác.
Phát triển đồng bộ giữa hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp. Xây dựng các tuyến giao thông kết nối đến các khu công nghiệp, bảo đảm về hạ tầng nguồn và lưới điện đáp ứng yêu cầu sản xuất trong các khu công nghiệp.
Quy hoạch mạng lưới cấp nước phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho các khu công nghiệp.
Nghiên cứu chuẩn bị về dự trữ đất đai, phát triển hạ tầng để phát triển thêm các khu công nghiệp (ngoài các khu công nghiệp đã xác định), phấn đấu hình thành khu kinh tế Nam Bình Thuận (trên cơ sở KCN Sơn Mỹ 1, KCN – Đô thị – Dịch vụ Hàm Tân – La Gi và một số khu đất kế cận KCN) khi có điều kiện.
Phát triển khu công nghiệp (hỗ trợ) phía Nam Hàm Thuận Bắc (KCN Đông Bắc Phan Thiết) và tại Đức Linh, Tánh Linh (KCN phía Nam tỉnh);
Dự kiến quy mô diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 khoảng 3.048 ha, và ổn định vào khoảng 6.000 – 7.500 ha trong giai đoạn sau 2030 đến năm 2050.
Ngoài ra, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân và hạ tầng xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Bình Thuận
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp đã tìm được nhà đầu tư. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng, đưa vào khai thác.
Dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích 251,8 ha, gồm:
- Cụm công nghiệp Hải Ninh – 50 ha (Bắc Bình),
- Cụm công nghiệp Bắc Bình 1 – 22 ha (Bắc Bình),
- Cụm công nghiệp Lương Sơn – 26 ha (Bắc Bình),
- Cụm công nghiệp Gia Huynh – 36 ha (Tánh Linh),
- Cụm công nghiệp Gia An – 42,5 ha (Tánh Linh),
- Cụm công nghiệp Sông Phan – 30 ha (Hàm Tân),
- Cụm công nghiệp Ma Lâm – 20 ha (Hàm Thuận Bắc),
- Cụm công nghiệp Mũi Né – 25,3 ha (Phan Thiết),
Cụm công nghiệp Phú Hài định hướng di dời hoặc chuyển đổi sang loại hình công nghiệp không mùi khi có điều kiện.
Mở rộng 02 cụm công nghiệp và bổ sung mới 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.052,8 ha, gồm:
- Tánh Linh: mở rộng cụm công nghiệp Lạc Tánh từ 19 ha lên 60 ha và bổ sung 05 cụm công nghiệp với diện tích 300 ha.
- Đức Linh: mở rộng cụm công nghiệp Nam Hà 3 từ 20,1 ha lên 75 ha và bổ sung 02 cụm công nghiệp với diện tích 144 ha.
- Hàm Tân: bổ sung 02 cụm công nghiệp với diện tích 109,4 ha.
- Hàm Thuận Nam: bổ sung 01 cụm công nghiệp với diện tích 57,5 ha.
- Hàm Thuận Bắc: bổ sung 02 cụm công nghiệp với diện tích 90 ha.
- Bắc Bình: bổ sung 04 cụm công nghiệp với diện tích 256 ha.
Tổng hợp bởi Duan24h.net
(Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Thuận : TP Phan Thiết, TX La Gi, Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Tánh Linh, Tuy Phong.)