Quy hoạch vùng liên huyện TP Hà Giang & 04 huyện tiểu vùng thấp (tiểu vùng núi thấp) tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm
a. Quy mô diện tích & dân số:
- Diện tích: 435.379,74 ha.
- Dân số năm 2020: 407.810 người; dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 445.200 người, đến năm 2030 khoảng 468.800 người.
b. Tính chất:
Nội Dung Đề Xuất
Vùng liên huyện TP Hà Giang & 04 huyện tiểu vùng thấp là tiểu vùng động lực phát triển của tỉnh. Là vùng không gian trọng điểm về phát triển đô thị gắn với KKT cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; trung tâm, động lực tăng trưởng chủ đạo của tỉnh; đầu mối giao lưu, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Giang nói riêng & vùng Trung du miền núi Bắc bộ nói chung. Có vai trò cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, hình thành các trung tâm hoạt động hấp dẫn, đa dạng dịch vụ.
c. Lợi thế cạnh tranh:
Nằm trên khu vực có địa hình núi thấp, có lợi thế về quỹ đất hơn các vùng còn lại trong tỉnh để phát triển đô thị và các khu chức năng. Có cửa khẩu quốc tế, kết nối trực tiếp với đường cao tốc; là vùng trung tâm của tỉnh, là đầu mối giao thông nơi các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ chính đi qua. Có khả năng phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên cơ sở là địa bàn có lưu lượng hàng hóa, xuất nhập cảnh lớn. Khu vực sản xuất nông nghiệp nằm gần các tuyến giao thông lớn, thuận lợi trong tiếp cận thị trường.
d. Hướng phát triển trọng tâm:
– Thương mại, dịch vụ, phát triển công nghiệp, kinh tế cửa khẩu (khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy);
– Hình thành các vùng trồng lương thực, chè, đậu tương, cây ăn quả có múi tập trung với mức đầu tư thâm canh cao để có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Phát triển chăn nuôi trâu, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
– Phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển nguyên liệu giấy và công nghiệp sản xuất giấy, công nghiệp chế biến chè, chế biến hoa quả, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ và thương mại, dịch vụ và du lịch. Vùng này cần tạo ra cơ chế chính sách tốt để mô hình hợp tác công tư có thể được hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, y tế, giáo dục… Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa 02 trung tâm sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới: Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức; Trung tâm giống thủy sản (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên).
– Không gian của các đô thị trong vùng được mở rộng (kết nối với tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuyến cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang), khu vực hiện hữu được nâng cấp, cải tạo, đảm bảo phát uy tiềm năng, thế mạnh của từng đô thị, gìn giữ bản sắc cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị. Có vị trí trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Không gian phát triển vùng gồm có phân vùng phát triển đô thị & phân vùng chuyển tiếp (khu vực sinh thái, nông nghiệp, khu dân cư nông thôn, dự trữ phát triển, các cơ sở kinh tế kỹ thuật khác, vv…).
– Thành phố Hà Giang là thành phố du lịch, điểm đến quốc tế về du lịch vùng cao. Đô thị tỉnh lỵ.
– Huyện Bắc Quang (định hướng lên thị xã) là trung tâm chế biến sâu & logistic nông lâm sản vùng cao.
– KKT cửa khẩu Thanh Thủy đầu mối giao thương, dịch vụ xuất nhập khẩu, sản xuất, chế biến nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hà Giang.
– Tiếp tục đầu tư phát triển cho KKT quốc phòng Vị Xuyên theo điều chỉnh Quy hoạch Khu KTQP Vị Xuyên và Xín Mần đến 2020 định hướng đến 2025 theo Quyết định số 49/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; góp phần tích cực vào việc bố trí, cơ cấu lại dân cư vùng biên giới; xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng được củng cố vững chắc.
– Phát triển các loại hình du lịch sinh thái (hang động, rừng tự nhiên, sinh thái nông nghiệp); du lịch nghỉ dưỡng & chăm sóc sức khỏe (suối khoáng Quảng Ngần); du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa khảo cổ, lịch sử (Căng Bắc Mê, đền thờ, chùa Hà Giang); du lịch biên giới cửa khẩu Thanh Thủy; du lịch vui chơi, giải trí,… Xây dựng mới kết hợp nâng cấp chất lượng khách sạn, cơ sở lưu trú hiện có:
- Giai đoạn 2021-2025, đầu tư mới khoảng 1.500 phòng (khoảng 15 khách sạn), tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên.
- Giai đoạn 2026-2030, đầu tư mới khoảng 4.500 phòng (khoảng 45 cơ sở lưu trú) từ 3 sao trở lên. Ưu tiên khách sạn 4 sao trở lên, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại thành phố Hà Giang (khu vực núi Cấm, núi Mỏ Neo,…), Bắc Quang (khu vực hồ Quang Minh, Nậm An), Vị Xuyên (suối nước nóng Quảng Ngần). Phát triển mô hình homestay phù hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê; kết hợp với mô hình làng văn hóa.
– Đầu tư xây mới, nâng cấp các đường du lịch ngắm cảnh, điểm dừng chân ngắm cảnh, trạm dừng nghỉ, đường kết nối các điểm du lịch với trục giao thông chính, gắn với tuyến cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang; nâng cấp hạ tầng cơ sở điểm đến.
– Phát triển các khu du lịch cấp tỉnh:
- Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ neo (p. Trần Phú, tp Hà Giang).
- Khu du lịch sinh thái, văn hóa Thiên Sơn (TT. Việt Quang, h. Bắc Quang).
- Khu du lịch sinh thái, văn hóa Tân Lập Xanh (xã Tân Lập, h. Bắc Quang).
- Khu du lịch sinh thái Đức Xuân (Quần thể khu Hang Khau Đôn, Hang Nặm Tạu, Thác Nặm Tạu, xã Đức Xuân, h. Bắc Quang).
- Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Phia Dầu (xã Yên Định, Bắc Mê).
- Khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh suối khoáng nóng Quảng Ngần (h. Vị Xuyên).
Hệ thống đô thị trong vùng
– Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng liên huyện TP Hà Giang & 04 huyện tiểu vùng thấp: Năm 2020 là 24,1%; năm 2025 là 39,1%, năm 2030 là 49,1%, năm 2050 là 69,1%.
– Đô thị trung tâm tỉnh, trung tâm vùng liên huyện: Thành phố Hà Giang, đô thị loại II vào giai đoạn 2026 – 2030.
– Đô thị trung tâm phía Nam vùng: Huyện Bắc Quang, định hướng lên thị xã, đô thị loại III vào giai đoạn sau năm 2030; trước đó vào giai đoạn 2021 – 2030, huyện Bắc Quang có 06 đô thị, gồm: TT Việt Quang (huyện lỵ), TT Vĩnh Tuy, đô thị Tân Quang & 03 đô thị mới là Hùng An, Quang Minh, Kim Ngọc là các đô thị loại V, tương lai là các phường của thị xã Bắc Quang.
– Đô thị thuộc huyện:
Huyện Vị Xuyên có 05 đô thị: TT Vị Xuyên mở rộng (huyện lỵ), đô thị loại IV vào giai đoạn 2021 – 2025; 04 đô thị mới là Việt Lâm, Thanh Thủy, Minh Tân, Linh Hồ là các đô thị loại V.
Huyện Quang Bình có 03 đô thị: TT Yên Bình (huyện lỵ) đô thị loại IV vào giai đoạn sau năm 2030; có thêm 02 đô thị mới vào giai đoạn sau năm 2030: Xuân Giang, Tân Bắc, là các đô thị loại V.
Huyện Bắc Mê có 02 đô thị: TT Yên Phú (huyện lỵ) đô thị loại IV vào giai đoạn sau năm 2030; có thêm 01 đô thị mới là Minh Ngọc vào giai đoạn 2026 – 2030.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội
– Thành lập Phân hiệu đại học Thái Nguyên trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm & trung cấp y tế (Tp. Hà Giang); sáp nhập Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật và trường cao đẳng nghề thành trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang (Tp. Hà Giang).
– Quy hoạch hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tai thành phố Hà Giang (01 trường), tại huyện Bắc Quang (01 trường); 01 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp tại Tp. Hà Giang, 01 trường trung cấp dân tộc nội trú – giáo dục thường xuyên tại Bắc Quang.
– Xây dựng các thiết chế văn hóa, TDTT cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang: Trung tâm Văn hoá Triển lãm tỉnh (có hội trường, nhà trưng bày triển lãm đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện văn hoá, nghệ thuật cấp tỉnh và cấp vùng), làng văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang, khu liên hợp TDTT đa năng tại Tp Hà Giang; thư viện tỉnh; các phòng chiếu phim hiện đại tai Tp Hà Giang, Bắc Quang.
– Xây dựng mới 01 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rỗi nhiễu tâm trí (xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên); 01 cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (tại Tp. Hà Giang); cải tạo nâng cấp các cơ sở hiện có: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần – cai nghiện ma túy tỉnh Hà Giang, cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Dương Hiển.
– Cải tạo, nâng cấp công trình y tế tuyến tỉnh, xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa:
- Trước mắt, từng bước đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi, Bệnh viện PHCN, Bệnh viện Y-Dược cổ truyền, Bệnh viện Mắt; sau năm 2025, thành lập và phát triển Bệnh viện tim mạch, Bệnh viện Nội tiết – Ung bướu; sau năm 2030, thành lập mới Bệnh viện Sản nhi.
- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị và hoàn thành việc liên kết với Nhật Bản thành cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và nghỉ dưỡng phục vụ nhân dân trong tỉnh, trong vùng TDMN phía Bắc và cả nước.
- Cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang (bệnh viện hạng II).
- Khuyến khích thành lập và xây dựng mới các BVĐK tư nhân (vào giai đoạn 2026 – 2030) bằng nguồn vốn xã hội hóa.
– Nâng cấp, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng, hình thành các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối tại các vị trí trọng điểm làm đầu mối liên kết với KKT cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy: Trung tâm HCTL tỉnh tại Tp. Hà Giang; Trung tâm Logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; Trung tâm Logistics tại Bắc Quang; Chợ đầu mối nông sản xã Hùng An, huyện Bắc Quang.
– Phát triển các công trình dịch vụ cấp tỉnh và cấp vùng về đào tạo, nghiên cứu ứng dụng – chuyển giao công nghệ, các khu dịch vụ đầu mối về logistic, thương mại, vận tải, tại Bắc Quang.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
– Xây dựng tuyến nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Việt Quang; tuyến cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang.
– Cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ hiện có; nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lên thành đường huyện theo phương án phát triển giao thông toàn tỉnh.
– Tổ chức mạng lưới đường kết nối với các tuyến quốc lộ và hệ thống đường hiện có, phục vụ các khu chức năng trong vùng.
– Xây dựng hệ thống đầu mối giao thông, tổ chức nút giao thông tại một số điểm giao cắt quan trọng giữa đường trục chính đô thị và đường giao thông đối ngoại; các nút vào ra trên các tuyến cao tốc:
Nút ra vào tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang tại khu vực: Cửa khẩu Thanh Thủy; tại khu vực phía Nam thành phố Hà Giang; tại khu vực phía Đông đô thị Vị Xuyên (mở rộng); tại Bắc Quang.
Bản đồ QHVLH Động lực (10,8 MB)
Theo Duan24h.net – Quy hoạch tỉnh Hà Giang đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050