Mục lục

    Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

    Vùng liên huyện tỉnh Vĩnh Long

    Vùng liên huyện phía Bắc

    Bao gồm TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Bình Tân.

    a) Tính chất: là vùng có đô thị trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh, là trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của vùng tỉnh. Vùng là đầu mối thu mua, phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho toàn vùng tỉnh. Là vùng định cư đô thị lớn. Là trung tâm y tế tuyến cuối của vùng tỉnh.


    b) Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển đô thị, công nghiệp sạch, công nghiệp tập trung (đa ngành, chuyên ngành, công nghiệp cảng và dịch vụ kho vận. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, giải trí, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và nuôi trồng thủy sản; Phát triển về giáo dục – đào tạo cấp vùng, cấp quốc gia.

    c) Các trục liên kết chính


    – Trục hành lang Quốc Lộ 1 nối Tp. Vĩnh Long – đô thị Phú Quới + Hòa Phú – Tx. Bình Minh.

    – Trục đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao kết nối trung tâm thành phố Hồ Chí Minh qua Vĩnh Long (trung tâm Vùng ĐBSCL) với các tỉnh phía Tây Nam.

    – Trục đường bộ cao tốc nối Vùng phía Bắc với Vùng phía Nam theo hướng đi Trà Vinh.

    – Hành lang dọc ven sông Tiền và sông Hậu.

    – Hành lang Đông Tây dọc theo sông Mang Thít kết nối sông Tiền và sông Hậu: Cải tạo, mở rộng và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho tuyến giao thông đường thủy, xây dựng bổ sung các bến cảng mới phục vụ vận chuyển hàng hóa và dân sinh dọc theo sông, kết hợp hệ thống thủy lợi, hệ thống kỹ thuật chống xâm thực mặn do ảnh hưởng của BĐKH.

    d) Định hướng phát triển chính:

    Thành phố Vĩnh Long: Hình thành các phân khu đô thị định hướng thương mại –  dịch vụ. Thu hút đầu tư phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ chất lượng cao như: TTTM, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh. Nâng cấp các công trình chức năng khu vực công của cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Vĩnh Long.

    Hình thành một số tuyến phố thương mại, dịch vụ có mật độ cửa hàng, cơ sở cung cấp lớn, có khả năng cung cấp đa dạng các chủng loại hàng hóa, dịch vụ. Thu hút đầu tư hình thành một số khu vực chuyên danh, cơ sở đầu mối bán buôn, chợ đầu mối thu mua sản phẩm và phân phối hàng hóa cho cả vùng tỉnh.

    – Đô thị Phú Quới + Hòa Phú: Sát nhập diện tích đất xây dựng đô thị Phú Quới và Hòa Phú. Xây dựng thị trấn Phú Quới + Hòa Phú đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025 và tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng đô thị Phú Quới + Hòa Phú trong giai đoạn 2026-2030 lên đô thị loại IV.

    – Thị xã Bình Minh: Mở rộng diện tích đất xây dựng đô thị Bình Minh. Xây dựng thị xã Bình Minh đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 và tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng đô thị, mở mới khu dân cư đô thị trong giai đoạn 2026-2030.

    – Đô thị Long Hồ: Mở rộng kết cấu hạ tầng đô thị Long Hồ, mở mới một số khu dân cư, giai đoạn 2021-2025 đạt loại V. Giai đoạn 2026-2030: xây dựng thị trấn Long Hồ đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030.

    – Đô thị Song Phú (huyện Tam Bình): Xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn đến năm 2030.

    – Đô thị Tân Quới (huyện Bình Tân): Xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn đến năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030.

    – Phát triển mở rộng các KCN, CCN dọc theo trục động lực từ thành phố Vĩnh Long – đô thị Phú Quới + Hòa Phú – thị xã Bình Minh, tạo nên thế cân bằng phát triển đủ mạnh để thị xã Bình Minh không bị hút về hướng thành phố Cần Thơ. Tận dụng tiện ích từ đô thị để thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Thu hút đầu tư, từng bước mở rộng các KCN, CCN của vùng.

    + Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN trong Vùng (đường nội bộ, công trình cấp điện, cấp nước, thoát nước, đèn chiếu sáng…). Định hướng thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực: Công nghiệp sạch; công nghiệp tập trung (đa ngành, chuyên ngành, công nghiệp cảng và dịch vụ kho vận (Logistics).

    + Thu hút đầu tư phát triển Cụm công nghiệp thành phố Vĩnh Long; Cụm công nghiệp Tân Bình; Cụm công nghiệp thị trấn Tân Quới.

    – Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và nuôi trồng thủy sản.

    – Phát triển các khu thương mại, dịch vụ, điểm du lịch, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái cấp vùng tỉnh phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của dân cư toàn tỉnh, trong nước và quốc tế.

    – Phát triển về giáo dục – đào tạo cấp vùng, cấp quốc gia.

    Vùng liên huyện phía Nam

    Bao gồm các huyện Trà Ôn và Vũng Liêm.

    a) Tính chất: Là vùng nông nghiệp và vùng nuôi thủy sản. Là vùng đô thị hóa phía Nam của tỉnh Vĩnh Long, giao nhau của hai trục hành lang kinh tế đô thị quốc lộ 53 và trục giao thông đường thủy quốc gia sông Măng Thít, có điều kiện phát triển vườn cây sinh thái, NN kỹ thuật cao, công nghiệp và dịch vụ cấp tiểu vùng.

    Hạt nhân là đô thị Vũng Liêm. Là vùng du lịch sinh thái, du lịch sông nước của tỉnh. Là đầu mối lưu thông hàng hóa đường sông, logistics nối sông Tiền và sông Hậu thông qua trục giao thông đường thủy quốc gia sông Mang Thít.

    b) Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển đô thị; Phát triển KCN và CCN công nghệ cao; Phát triển hương mại cấp tiểu vùng, du lịch sinh thái, du lịch sông nước; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nuôi trồng thủy sản.

    c) Các trục liên kết chính:

    – Trục đường bộ cao tốc nối Vùng phía Bắc với Vùng phía Nam (từ thị trấn Cái Ngang qua thị trấn Tam Bình theo hướng đi Trà Vinh).

    –  Hành lang dọc ven sông Tiền và sông Hậu.

    –  Hành lang Đông Tây dọc theo sông Măng Thít kết nối sông Tiền và sông Hậu: Cải tạo, mở rộng và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho tuyến giao thông đường thủy, xây dựng bổ sung các bến cảng mới phục vụ vận chuyển hàng hóa và dân sinh dọc theo sông, kết hợp hệ thống thủy lợi, hệ thống kỹ thuật chống xâm thực mặn do ảnh hưởng của BĐKH (bờ Nam sông Măng Thít).

    d) Định hướng phát triển chính:

    – Hình thành hai cực phát triển tại:

    + Cực phát triển thị trấn Vũng Liêm có vai trò là trung tâm kinh tế của Vùng phía Nam của tỉnh Vĩnh Long. Xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV đến 2025. Giai đoạn 2026-2030: đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng và không gian xây dựng đô thị, tiếp tục là đô thị loại IV;

    + Cực phát triển Trà Ôn cùng có vai trò là trung tâm kinh tế của Vùng phía Nam của tỉnh Vĩnh Long.  Xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV đến 2025. Giai đoạn 2026-2030: đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng và không gian xây dựng đô thị, tiếp tục là đô thị loại IV;

    – Xây dựng các đô thị gắn với điểm đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy (sông, kênh, rạch) có vai trò là đầu mối cung cấp dịch vụ, vật tư sản xuất của vùng, đồng thời là điểm thu mua thủy sản, nông sản của vùng:

    + Đô thị Tam Bình: Đầu tư nâng cấp đạt tiêu chí đô thị loại V năm 2025 và loại IV năm 2030.

    + Đô thị Hựu Thành: Đầu tư nâng cấp đạt tiêu chí đô thị loại V năm 2030.

    + Hình thành các đô thị mới (ĐTM) Tân An Luông và Quới An đạt tiêu chí đô thị loại V năm 2030.

    – Phát triển KCN Trung Thành Tây (300ha), CCN  Mỹ Lợi tạo địa bàn thu hút cơ sở chế biến tạo đầu ra cho vùng nuôi thủy sản và thu hút các loại hình doanh nghiệp khác. Thu hút doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản sử dụng nguyên liệu địa phương.

    – Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ. Hình thành các vùng nuôi thủy sản lớn. Thu hút doanh nghiệp nuôi trồng lớn đóng vai trò là đầu tàu tạo nguyên liệu thủy sản. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

    – Phát triển thương mại cấp tiểu vùng, du lịch sinh thái, du lịch sông nước.

    Quy hoạch vùng huyện tỉnh Vĩnh Long

    Vùng huyện Long Hồ

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Hồ. Diện tích 194,34 km2.

    – Tính chất của vùng huyện: Là huyện nông thôn mới, Là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh kết nối với tỉnh Bến Tre

    – Hướng phát triển trọng tâm: Xây dựng huyện Long Hồ phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong các trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển hệ thống đô thị hiệu quả tạo động lực phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy tốt các nét đẹp văn hoá truyền thống; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

    Định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành kinh tế huyện

    Nông nghiệp và thủy sản: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo hướng hiện đại, công nghệ cao.

    Phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn… Chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các KCN Hòa Phú, KCN Đình Khao, CCN Phú Long B.

    Giai đoạn 2021-2030, mở rộng KCN Hòa Phú, xây dựng KCN Đình Khao.

    Phát triển dịch vụ: Khai thác thế mạnh của các ngành dịch vụ, đặc biệt khai thác thế mạnh du lịch gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, loại hình du lịch homestay, dịch vụ giải trí sông nước (cù lao An Bình), tham quan, tìm hiểu các công trình văn hóa trọng điểm, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tăng cường mối liên kết vùng trong phát triển tuyến du lịch và đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch….

    Phát triển đồng bộ hệ thống thương mại và dịch vụ thương mại. Hình thành các trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu trung tâm xã,…

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    Huyện Long Hồ có 01 thị trấn huyện lỵ Long Hồ là đô thị loại V; Phát triển 02 đô thị loại V là thị trấn Phú Quới, Hòa Phú theo hướng hình thành 01 đô thị loại IV trên cơ sở sát nhập 02 đô thị đến năm 2030.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    Hình thái dân cư nông thôn tỉnh theo tuyến – cụm dân cư trong khư vực chuyên lúa, gắn kết các hình thái dân cư này với mô hình du lịch cộng đồng; Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới, để đảm bảo tiện nghi về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cần và hình thành các vùng chuyên canh lớn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp để phù hợp với quả trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

    Tổ chức dân cư dần theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung. Đưa dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, trên các tuyến kênh rạch vùng sâu vào các điểm dân cư tập trung; Quy hoạch, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đặc biệt giao thông, cấp nước, cấp điện theo xu hướng tiếp cận nếp sống đô thị; Hình thành các tuyến dân cư nông thôn theo các trục hành lang chính kết nối với các đô thị nhằm khai thác hạ tầng sẵn có.

    Định hướng phát triển giao thông

    + Hệ thống các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ thực hiện theo định hướng quy hoạch hệ thống giao thông toàn tỉnh. Các tuyến đường trong khu vực đô thị, khu chức năng, đường giao thông nông thôn xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng.

    + Đến năm 2030 nâng cấp các tuyến đường huyện hiện có đồng thời mở mới một số tuyến đường huyện đạt tối thiểu cấp V. Chú trọng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các tuyến đường kết nối giữa huyện Long Hồ với thành phố Vĩnh Long.

    – Đường thủy: Phát triển hệ thống đường thủy nội địa, các tuyến đường sông, các bến sông theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Vĩnh Long.

    Vùng huyện Mang Thít

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Mang Thít. Diện tích 162,48 km2.

    – Tính chất của vùng huyện: Là huyện nằm ven sông Cổ Chiên, nằm về phía Đông của tỉnh Vĩnh Long; Là khu vực tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Là vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao; Là trung tâm du lịch mang nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long. Là huyện nông thôn mới.

    – Hướng phát triển trọng tâm: Tập trung phát triển nhanh, bền vững, hài hòa, toàn diện kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ – khoa học kỹ thuật, hướng tớí sản phẩm sạch, chất lượng cao. Liên kết, thu hút đầu tư để trở thành vùng tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ phục du lịch…Phát triển công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh gắn với sự hình thành và phát triển các KCN trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    Huyện Mang Thít có 01 thị trấn huyện lỵ Cái Nhum là đô thị loại V; định hướng phát triển thành đô thị loại IV đến năm 2030.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    Quy hoạch các điểm dân cư tập trung phù hợp với định h­ướng phát triển kinh tế – xã hội của xã, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và các nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất trên địa bàn xã. Phát triển các điểm dân cư tập trung trên cơ sở mở rộng các điểm dân cư hiện hữu, được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bán kính phục vụ công trình hạ tầng cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

    Các khu vực nông thôn đóng vai trò là hành lang xanh, phát triển nông nghiệp và dự trữ đất phát triển đô thị, cần kiểm soát khống chế việc xây dựng hợp lý, tránh tình trạng xây dựng tự phát, sử dụng tùy tiện quỹ đất nông nghiệp có năng suất cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

    Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

    Phát triển hạ tầng giao thông tuân thủ định hướng phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Long, đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh qua địa bàn huyện.

    Hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn: Nâng cấp các tuyến đường huyện. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở mới đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường và cầu về trung tâm các xã trên địa bàn huyện.

    Vùng huyện Vũng Liêm

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Vũng Liêm. Diện tích 309,6 km2.

    – Tính chất của vùng huyện: Trung tâm chính trị kinh tế – văn hóa – xã hội tiểu vùng phía Đông của tỉnh, đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh. Phát triển đô thị, trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch chất lượng cao: Trung tâm tài chính, ngân hàng, viễn thông, trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao.

    – Hướng phát triển trọng tâm: Đầu tư phát triển đô thị,

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    Huyện Vũng Liêm có 01 thị trấn huyện lỵ Vũng Liêm là đô thị loại V; định hướng phát triển thành đô thị loại IV đến năm 2030.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    Phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới theo các tiêu chí riêng của tỉnh.

    Đầu tư xây dựng phát triển khu vực đô thị và nông thôn theo các định hướng trong các đồ án Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch khu chức năng và Quy hoạch chi tiết xây dựng các xã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

    Đường bộ: Hệ thống các tuyến đường thực hiện theo phương án phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư các tuyến đường ô tô đên trung tâm xã; đầu tư các tuyến đường trong khu vực đô thị, khu chức năng, đường giao thông nông thôn xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng.

    Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tính kết nối và năng lực vận tải cao. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ logistics…Chú trọng phát triển hê thống giao thông kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh và các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh.

    Vùng huyện Tam Bình

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Tam Bình. Diện tích 290,65 km2.

    – Tính chất của vùng huyện: Là huyện nông thôn mới của tỉnh, phù hợp với quá trình đô thị hóa, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị hóa – công nghiệp hóa, phát triển kinh tế vừa đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển.

    Hướng phát triển trọng tâm: Đầu tư phát triển kinh tế theo hướng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất làm khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; Phát triển công nghiệp tập trung gắn với CCN Phú An, CCN Song Phú.

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    Huyện Tam Bình có 01 thị trấn huyện lỵ Tam Bình là đô thị loại V; định hướng phát triển thành đô thị loại IV đến năm 2030. Đến năm 2030, hình thành và phát triển 02 đô thị Cái Ngang, Song Phú đạt đô thị loại V.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giữ vững và nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt; tập trung xây dựng các tiêu chí còn lại; phấn đấu đến năm 2025 huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

    Hệ thống khu dân cư nông thôn: Sắp xếp lại các khu dân cư nông thôn, bảo đảm phòng chống thiên tai, tạo quỹ đất cho phát triển; bố trí đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu theo quy chuẩn tại các trung tâm xã, cụm trung tâm xã.

    Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

    Hệ thống đường đường tỉnh: Thực hiện theo định hướng quy hoạch hệ thống giao thông toàn tỉnh. Các tuyến đường trong khu vực đô thị, khu chức năng, đường giao thông nông thôn xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng.

    Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tính kết nối và năng lực vận tải cao. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ logistics…Chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh và các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh.

    Vùng huyện Trà Ôn

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Trà Ôn. Diện tích 267,15 km2.

    – Tính chất của vùng huyện: Là huyện phát triển bền vững trên cơ sở phát vùng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và phát triển đô thị bền vững.

    Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng vùng, bảo vệ môi trường sinh thái; Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

    Phát triển du lịch bền vững dựa trên các lợi thế sẵn có về di tích lịch sử – văn hóa, sinh thái và cảnh quan; Đầu tư, thu hút đầu tư các cụm công nghiệp: CCN Vĩnh Thành (60,38 ha), CCN Mỹ Lợi (50 ha); Tăng cường dịch vụ thương mại, dịch vụ công nghiệp và giáo dục đào tạo lao động tay nghề hỗ trợ phát triển kinh tế.

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    – Định hướng đến năm 2030 thị trấn Trà Ôn là đô thị loại IV, Đầu tư xây dựng đô thị Hựu Thành theo hướng phát triển thành đô thị loại V đến năm 2030.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    – Khoanh vùng các khu vực nông thôn chịu sự tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, định hướng phát triển khu vực này trên cơ sở theo tiêu chuẩn của đô thị dự kiến hình thành. Ưu tiên lựa chọn hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn trong khu vực để vừa là yếu tố tạo thị, vừa là yếu tố thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn khu vực.

    – Triển khai quy hoạch chi tiết các trung tâm xã gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

    Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

    Hệ thống đường đường tỉnh: Thực hiện theo định hướng quy hoạch hệ thống giao thông toàn tỉnh. Các tuyến đường trong khu vực đô thị, khu chức năng, đường giao thông nông thôn xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng.

    Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tính kết nối và năng lực vận tải cao. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ logistics…Chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh và các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh.

    Vùng huyện Bình Tân

    Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

    – Phạm vi vùng huyện: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Bình Tân, diện tích tự nhiên là 158,07 km².

    – Tính chất của vùng huyện: Là huyện nằm ven sông Hậu, cửa ngõ phía Tây của tỉnh Vĩnh Long; Là trung tâm công nghiệp tiểu vùng phía Tây của Vĩnh Long; Là trung tâm du lịch, mang nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long; Trung tâm nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    – Hướng phát triển trọng tâm: Phát huy tối đa lợi thế so sánh của huyện để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô thích hợp, định hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, phát triển bền vững; phát triển sản xuất gắn liền với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm phục vụ dân cư đô thị, nông thôn và công nghiệp.

    Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn gắn với; thu hút đầu tư phát triển KCN Bình Tân và KCN Tân An Hưng, CCN Tân Bình; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tiềm năng lớn như: Ngoại thương, thương mại, du lịch, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, viễn thông,…

    Phát triển hệ thống đô thị và trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn

    Phát triển hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

    Huyện Bình Tân có 01 đô thị loại V là thị trấn Tân Quới và phấn đấu đến giai đoạn sau năm 2030 đạt thị trấn văn minh đô thị trở thành đô thị loại IV; hình thành 03 đô thị loại V là Tân Lược, Mỹ Thuận, Tân Thành.

    Bố trí, sắp xếp khu dân cư nông thôn:

    Các điểm dân cư tập trung: Quy hoạch các điểm dân cư tập trung phù hợp với định h­ướng phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và các nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất trên địa bàn các xã. Phát triển các điểm dân cư tập trung trên cơ sở mở rộng các điểm dân cư hiện hữu, được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương đặc biệt các đặc trưng của người dân miền Tây sông nước.

    Các khu dân cư tái định cư: Hình thành do giải phóng mặt bằng thi công đường giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, …. Xây dựng những điểm dân cư ổn định theo mô hình khu ở tập trung, hệ thống hạ tầng đồng bộ, phù hợp với văn hóa truyền thống của người dân nông thôn. Các điểm dân cư này có khả năng phát triển thành các thị tứ trong quá trình đô thị hóa.

    Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

    Mạng lưới giao thông của các xã nói riêng và huyện Bình Tân nói chung phải phù hợp với định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Vĩnh Long.

    Mạng lưới giao thông đường bộ cần được nghiên cứu phát triển hiện đại, đi trước một bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của xã, huyện, đồng thời đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc phòng.

    Hệ thống giao thông hoàn chỉnh bao gồm: Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên ấp, đường trục xã, đường trục ấp, đường trục nội đồng. Thực hiện tốt chức năng đối nội, đối ngoại của mạng lưới đường bộ, tạo điều kiện thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư vào huyện Bình Tân.

    Phát triển mạng lưới giao thông phải gắn với việc sắp xếp điều chỉnh lại các điểm dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

    Gắn việc quy hoạch phát triển với việc đầu tư duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có để vừa tiết kiệm vốn đầu tư vừa từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên từng địa bàn của xã.

    Phù hợp với các tiêu chí về giao thông theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới.

    Hồ sơ QH tỉnh Vĩnh Long 2030

    Tổng hợp bởi Duan24h.net

    (Quy hoạch vùng huyện tỉnh Vĩnh Long :  TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.)

    Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
    TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
    | FACEBOOK
    Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây